Nghiệp vụ Huy động vốn Thoái vốn là gì? Nguyên nhân và các hình thức thoái vốn...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, chúng ta thường thấy khá nhiều những nội dung thông tin như: 

– Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại công ty A

– Công ty B thông báo bán thành công 30% số cổ phần sở hữu tại công ty C; giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 25%

– Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty D thông báo bán 100.000 cổ phần tại công ty D

……………

Những thông tin này tuy có nội dung khác nhau nhưng đều đưa đến một hành động giống nhau là một tổ chức hoặc cá nhân thực hiện rút vốn tại một công ty nào đó. Nội dung này còn được gọi là thoái vốn tại doanh nghiệp. Vậy, thoái vốn là gì, các nội dung liên quan đến thoái vốn ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết này.

1. Thoái vốn là gì

Bản thân từ thoái vốn được hiểu theo nghĩa tiếng Việt là rút vốn, giảm vốn (thoái là rút, giảm). Trong các văn bản pháp luật tại Việt Nam cũng không có giải nghĩa về khái niệm thoái vốn, nó được trình bày theo nghĩa hiểu là rút vốn. 

Trong thực tế, thoái vốn là một khái niệm phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, thoái vốn được hiểu là việc các tổ chức hoặc cá nhân đầu tư (gọi chung là nhà đầu tư) thực hiện việc rút vốn đầu tư của mình ra khỏi một đối tượng đã nhận đầu tư nào đó. Như vậy thoái vốn có thể được hiểu có ý nghĩa ngược với đầu tư vốn.

Thoái vốn là khái niệm được sử dụng khi có phát sinh các hoạt động rút vốn của Nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư Nhà nước, nhà đầu tư là pháp nhân, nhà đầu tư là thể nhân. Những nhà đầu tư này thực hiện việc thoái vốn theo quy định của pháp luật, áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư đang sở hữu vốn, không có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư trong cùng một quá trình rút vốn tại một doanh nghiệp.

Như vậy, qua các phân tích trên đây, chúng ta cơ bản đã nắm được thoái vốn là gì, hãy cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân dẫn đến thoái vốn và các hình thức thoái vốn tại doanh nghiệp ở các phần tiếp theo.

2. Nguyên nhân phổ biến dẫn tới thoái vốn

Có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả vấn đề kinh tế và các vấn đề không phải kinh tế (các mối quan hệ xã hội) dẫn đến việc thoái vốn. Có thể nêu ra một số nguyên nhân phổ biến như sau:

2.1. Nhóm nguyên nhân về kinh tế:

thoái vốn là gì
Hình 1: Các nguyên nhân về kinh tế dẫn tới thoái vốn

Nhà đầu tư thoái vốn khỏi các lĩnh vực, ngành nghề không phải ngành nghề hoạt động chính của nhà đầu tư:

Nguyên nhân này có thể thấy rõ nhất trong các hoạt động sau:

– Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá theo hướng nhà nước giữ số cổ phần như sau:

+ Nhà nước giữ trên 50% số cổ phần, số vốn điều lệ: Trường hợp này về bản chất doanh nghiệp được cổ phần hoá vẫn là doanh nghiệp nhà nước  

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:

“Điều 88. Doanh nghiệp Nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”

+ Nhà nước giữ dưới 50% số cổ phần hoặc không còn vốn nhà nước: Trường hợp này doanh nghiệp được cổ phần hoá là công ty có vốn nhà nước không chi phối, không còn là doanh nghiệp nhà nước

>> Có thể bạn quan tâm: Chi phí sử dụng vốn – cách tính và ý nghĩa

– Các tổng công ty, công ty thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết có các lĩnh vực đầu tư khác với ngành nghề hoạt động chính (thường được gọi là đầu tư ngoài ngành và thường là hướng đến đầu tư có trọng điểm): Trường hợp này có thể thấy rõ trong việc thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, ví dụ như: 

“Văn bản số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020:

Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019:

Giai đoạn 2017 – 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần bất động sản dầu khí SSG

Giai đoạn 2018 – 2019 thì PVN thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Bảo dưỡng – Sửa chữa công trình dầu khí- CTCP.”

– Việc bán phần vốn sở hữu nhà nước còn lại tại các công ty sau khi tiến hành cổ phần hoá: các công ty có phần vốn nhà nước sau cổ phần hoá do UBND các tỉnh/thành phố; các Bộ, ngành trung ương làm đại diện vốn hoặc tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương thoái vốn tại các công ty này, các Bộ quản lý đã tiến hành bán phần vốn Nhà nước, SCIC cũng đã có nhiều đợt bán vốn như: năm 2021 thông báo bán vốn nhà nước tại 88 doanh nghiệp, năm 2022 là 101 doanh nghiệp (nguồn: website SCIC)

Ví dụ bán phần vốn Nhà nước tại Bộ Công Thương:

“Ngày 18/12/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức chào bán cổ phần công khai tại Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã CK: SAB).

Theo đó tổng số lượng cổ phần chào bán cạnh tranh là 343.662.587 cổ phần. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phần.

Tổng khối lượng đăng ký mua 343.682.587 cổ phần. Khối lượng đặt mua cao nhất 343.662.587 cổ phần. Khối lượng đặt mua thấp nhất 20.000 cổ phần. Giá đặt mua thành công cao nhất 320.500 đồng/cổ phần. Giá đặt mua thành công thấp nhất 320.000 đồng/cổ phần, và giá đặt mua thành công bình quân 320.000 đồng/cổ phần.”

Ví dụ về bán phần vốn Nhà nước tại SCIC:

“SCIC bán thành công cổ phần của Nhà nước do SCIC làm đại diện chủ sở hữu tại Vinaconex

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngày 22/11/2018 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi bán đấu giá công khai cả lô cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (Mã CK: VCG) do SCIC đại diện chủ sở hữu.

Buổi đấu giá được thực hiện theo quy định tại Quy chế bán đấu giá cổ phần của SCIC tại Vinaconex.

Tổng số cổ phần bán đấu giá: 254.901.153 cổ phần (tương ứng 57,71% vốn điều lệ VCG).

Kết quả đấu giá:

–  Nhà đầu tư trúng giá: Công ty TNHH An Quý Hưng

–  Giá đấu thành công: 28.900 đồng/cổ phần

–  Tổng giá trị giao dịch: 7.366 tỷ đồng, trong đó:

+ Số tiền nhà đầu tư đã đặt cọc trước phiên đấu giá: 542,9 tỷ đồng

+ Số tiền nhà đầu tư đã thanh toán ngày 04/12/2018: 6.823 tỷ đồng

Đến đúng thời hạn quy định, ngày 04/12/2018, nhà đầu tư đã thanh toán đủ số tiền mua cổ phần VCG. Như vậy phiên đấu giá của SCIC đã thành công. Với thương vụ này, tổng giá trị thu về cho nhà nước cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm đã công bố.”

(nguồn: website SCIC)

Nhà đầu tư thoái vốn tại doanh nghiệp đã đầu tư để tạo nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư khác:

Nguyên nhân thoái vốn này tương đối phổ biến trong những năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư từ thực hiện đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực đã thực hiện thoái vốn để tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án có quy mô lớn thuộc lĩnh vực kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp hoặc cần nguồn vốn đầu tư lớn.

Ví dụ về thoái vốn: 

“Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đơn vị này thoái số vốn 97,6 tỷ đồng đã góp vào doanh nghiệp đầu tư Dự án Khu đô thị Gia Lâm và chuyển nhượng toàn bộ quyền góp vốn hơn 2.700 tỷ đồng của VIDIFI vào dự án này”

(nguồn: website SCIC)

Do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư vốn không hiệu quả, nhà đầu tư thoái vốn:

Ví dụ về thoái vốn: 

“Công ty cổ phần Lizen (tên cũ là Licogi 16, mã LGC, sàn HOSE) dự kiến sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp. Trước đó, hoạt động kinh doanh đầu năm của công ty này ghi nhận dòng tiền âm và lợi nhuận cũng sụt giảm”

(nguồn: website SCIC)

Doanh nghiệp thoái vốn do thu hẹp hoạt động đầu tư, kinh doanh:

Nguyên nhân thoái vốn này thường xuất hiện tại các công ty TNHH, công ty cổ phần có quy mô nhỏ và vừa. Thường các công ty này tham vọng đầu tư vào nhiều dự án, ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên do những lý do về công tác quản trị, nhân lực thực hiện hoặc cả do nguyên nhân không đáp ứng đủ vốn cho một quá trình đầu tư dài hơi mà phải thực hiện thoái vốn để thu hẹp lại các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Về mặt nào đó, nguyên nhân này giống như nguyên nhân đã nêu tại mục (b) ở trên.

Các doanh nghiệp thoái vốn ở nguyên nhân này thường gặp tại các dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như các dự án về bất động sản, dự án sản xuất công nghiệp.

>>> Xem thêm: Capital structure là gì? Thông tin về cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp từ A – Z

2.2. Nhóm nguyên nhân khác:

Ngoài các nguyên nhân thoái vốn do liên quan đến vấn đề kinh tế, nhiều nhà đầu tư thực hiện việc thoái vốn do một số nguyên nhân khác như:

Hình 2: Các nguyên nhân khác dẫn tới thoái vốn

a, Thoái vốn do các bất đồng giữa các nhà đầu tư, một hoặc nhiều nhà đầu tư muốn tránh những xung đột không cần thiết nên đã chủ động thoái vốn, mặc dù hoạt động kinh doanh vẫn đạt hiệu quả mong muốn.

b, Thoái vốn do việc chuyển giao thế hệ trong các công ty, nhiều công ty TNHH, công ty cổ phần mà thành viên góp vốn, cổ đông có mối quan hệ xã hội, thậm chí là người trong gia đình. Đến một thời gian nhất định, một số nhà đầu tư lớn tuổi sẽ thực hiện thoái vốn, chuyển giao vốn cho nhà đầu tư khác (có thể là con, cháu hoặc người khác). 

c, Thoái vốn do xung đột văn hóa doanh nghiệp: thực tế đã chứng minh văn hóa doanh nghiệp luôn là một nguy cơ đe dọa thất bại của nhiều cuộc sáp nhập, hợp nhất vì đội ngũ lãnh đạo cũng như nhân viên 2 bên đã không thể hòa hợp về văn hóa doanh nghiệp được với nhau, do đó, văn hóa không hòa hợp cũng là một nguyên nhân để thoái vốn, 

d, Thoái vốn do thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của từng nhà đầu tư. Ví dụ những quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam tại một số ngành nghề. Khi đó một số nhà đầu tư bắt buộc phải thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cam kết hội nhập và mở cửa đang làm cho nguyên nhân này ngày càng ít. 

3. Các hình thức thoái vốn phổ biến

Hiện nay có một số hình thức thoái vốn chủ yếu như sau:

Hình 3: Hình thức thoái vốn phổ biến

a, Chia tách doanh nghiệp:

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:

“Điều 198. Chia công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Số lượng thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của các công ty mới sẽ được ghi tương ứng với cách thức phân chia, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị chia sang các công ty mới theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

Điều 199. Tách công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng vớiphần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.”

Việc thoái vốn thông qua chia tách doanh nghiệp thường được thực hiện tại các công ty mẹ, các công ty có số vốn lớn hoặc sở hữu nhiều dự án đầu tư. Việc chia tách doanh nghiệp sẽ làm giảm vốn đầu tư tại công ty mẹ, hình thành nên một số công ty độc lập.

b, Chuyển nhượng vốn góp, cổ phần:

Chuyển nhượng vốn góp, cổ phần là việc nhà đầu tư thực hiện việc bán một phần hoặc toàn bộ số vốn góp, số cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp đang đầu tư. Việc chuyển nhượng có thể thực hiện bằng các phương thức:

– Đối với cổ phần của các doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư thực hiện việc mua bán cổ phần theo quy định của thị trường chứng khoán

– Đối với số vốn góp tại các công ty TNHH, số cổ phần tại các công ty cổ phần: Nhà đầu tư thực hiện thông qua các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần.

+ Quy trình thực hiện chuyển nhượng thực hiện theo quy định của luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.

+ Giá chuyển nhượng có thể thấp hơn, bằng hoặc cao hơn giá trị vốn góp hoặc tổng mệnh giá cổ phần. Nhà đầu tư chuyển nhượng vốn góp phải thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

+ Giá trị vốn góp, tổng mệnh giá cổ phần mà bên nhận chuyển nhượng được ghi nhận tại công ty có vốn góp, cổ phần chuyển nhượng là ghi theo giá gốc (giá trị theo sổ sách của phần vốn góp, theo mệnh giá gốc) mà không phụ thuộc vào giá trị chuyển nhượng.

>> Có thể bạn quan tâm: Vốn điều lệ tiếng anh là gì? Ví dụ chi tiết về Charter Capital

c, Bán tài sản trực tiếp

Bán tài sản trực tiếp là hình thức được thực hiện khi doanh nghiệp cần thu hồi vốn thông qua giao dịch mua bán tài sản trực tiếp. Thông thường, công ty mẹ bán tài sản trực tiếp có thể bán như bất động sản, các thiết bị máy móc, các dự án đầu tư (hoàn thành hoặc chưa hoàn thành) hoặc là bán công ty con cho một bên khác.

Khi thực hiện bán tài sản trực tiếp, doanh nghiệp thực hiện theo các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản theo quy định của pháp luật như Luật thương mại số 36/2005/QH 11; Luật đầu tư số 61/2020/QH14, Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14….

Khi thực hiện bán tài sản trực tiếp, doanh nghiệp thực hiện việc hạch toán kế toán và kê khai thuế theo các quy định của pháp luật.

Với sự phát triển không ngừng của các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, việc đầu tư vốn, thoái vốn đầu tư là các vấn đề không còn mới. Hoạt động thoái vốn được diễn ra thường xuyên, tại hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế cũng như hầu hết các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Hoạt động thoái vốn của các nhà đầu tư mang ý nghĩa tích cực khi hầu hết đều hướng đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tập trung vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề có ưu thế (thể hiện rõ nhất ở các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn có vốn đầu tư của Nhà nước). Doanh nghiệp khi có nhà đầu tư thoái vốn cũng có cơ hội để tìm kiếm được các nhà đầu tư mới phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Việc thoái vốn tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau được quy định ra sao, các vấn đề liên quan đến về kế toán, thuế khi thoái vốn có những lưu ý gì, các nội dung này sẽ được chuyển đến bạn đọc tại bài viết sau, mời bạn đọc đón xem.

Trong quá trình quản trị doanh nghiệp, CEO/chủ doanh nghiệp cần theo dõi nhanh chóng các chỉ số tài chính của công ty. Phần mềm kế toán online MISA AMIS – công cụ đang được đánh giá rất cao hiện nay không chỉ trong công tác kế toán mà còn trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp:

Phần mềm kế toán online MISA AMIS đem đến cho nhà quản trị góc nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:

  • Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Lê Kim Tiến

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]