Tổng quan về tăng vốn điều lệ Công ty Cổ phần không phải công ty đại chúng

17/08/2022
1545

Vốn điều lệ là khái niệm căn bản trong hoạt động, vận hành của 1 công ty cổ phần. Vốn điều lệ thể hiện quy mô của doanh nghiệp và quyền lợi của các bên góp vốn (hay còn gọi là cổ đông) trong doanh nghiệp đó. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ hơn về mục tiêu và phương án thực hiện tăng vốn điều lệ tại Doanh nghiệp.

1. Các quy định pháp luật tham chiếu

STT Tên tài liệu Mã tài liệu
1 Luật Doanh nghiệp 59/2020/QH14
2 Nghị định hướng dẫn luật Doanh nghiệp 2020 47/2021/NĐ-CP
3 Nghị định về đăng ký doanh nghiệp 01/2021/NĐ-CP
4 Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư 31/2021/NĐ-CP
5 Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản (quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của chủ đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư bất động sản) 02/2022/NĐ-CP
6 Luật chứng khoán 54/2019/QH14
7 Nghị định hướng dẫn luật chứng khoán 155/2020/NĐ-CP

2. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là gì? 

Khoản 1 điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: 

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. 

Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.”

Vốn điều lệ công ty cổ phần có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động, tùy theo mức độ phát triển cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty. Việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Vốn điều lệ công ty cổ phần phụ thuộc vào hai yếu tố chính:

  • Tình hình, tiềm lực của công ty, kế hoạch kinh doanh dài hạn (3-5 năm) khi tiến hành đăng ký hoạt động. Đồng thời thay đổi theo thời gian hoạt động và phát triển.
  • Ngành nghề kinh doanh. Một số ngành nghề kinh doanh có quy định số vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Số vốn điều lệ tuân theo quy định pháp luật, các ngành nghề khác nhau quy định mức vốn điều lệ khác nhau.

Vốn điều lệ quyết định các nguyên tắc thành lập và hoạt động của công ty cổ phần theo quy định tại điều 111 Luật Doanh nghiệp như sau:

– Vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông công ty có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không quy định hạn chế số lượng tối đa.

– Cổ đông công ty chỉ chịu trách nhiệm các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn/cổ phần đã góp vào công ty.

– Cổ đông công ty có quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác trừ 02 trường hợp sau:

+ Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. (Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020); 

+ Trường hợp Điều lệ có quy định cụ thể về hạn chế chuyển nhượng. 

–  Công ty cổ phần hình thành tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Mục đích tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần

Về cơ bản, việc tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần hướng tới 03 mục đích sau: 1) Đáp ứng quy định của pháp luật về vốn pháp định, 2) Đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp theo Chiến lược/Kế hoạch Kinh doanh dài hạn đã được ĐHĐCĐ phê duyệt và 3) Lành mạnh và Ổn định hóa cơ cấu, tình hình tài chính của doanh nghiệp;

3.1 Đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định của doanh nghiệp tương ứng với ngành nghề kinh doanh đăng ký

Danh mục các ngành nghề kinh doanh có yêu cầu về vốn pháp định tham khảo bài viết về vốn pháp định. 

Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Nghị định 02/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án bất động sản dựa trên quy mô sử dụng đất. Theo đó, mức vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án sử dụng đất dưới 20 ha, và không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án sử dụng đất từ 20 ha trở lên. 

3.2 Đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp theo Chiến lược/Kế hoạch kinh doanh dài hạn đã được ĐHĐCĐ phê duyệt

Một số doanh nghiệp sẽ thực hiện xây dựng chiến lược kinh doanh/Đầu tư 5 năm với yêu cầu cụ thể về nhu cầu vốn. Sau khi Chiến lược được phê duyệt, ban điều hành sẽ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ chi tiết trình ĐHĐCĐ phê duyệt. 

Việc tăng vốn điều lệ cũng giúp tăng quy mô/tổng tài sản của doanh nghiệp, tạo điều kiện về pháp lý để tham gia đấu thầu, thực hiện các dự án lớn. 

3.3 Lành mạnh và ổn định hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp

Tăng tính hiệu quả, ổn định và phát triển của doanh nghiệp do có đồng vốn dồi dào, do vậy sẽ có cơ hội đầu tư vào những dự án kinh doanh và không mất thêm chi phí tài chính vay ngân hàng, đối tác, và vì đó tạo ra lợi nhuận ròng để tiếp tục tái đầu tư kinh doanh.

Lành mạnh hóa cơ cấu tài chính thông qua việc giảm tỷ lệ Đòn bẩy tài chính (Vốn vay/VCSH) qua đó giúp việc tiếp cận các nguồn vốn mới dễ dàng hơn: 

– Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần giúp thiết lập niềm tin của các cổ đông, tăng độ bền vững của doanh nghiệp, thiết lập sự tin tưởng với đối tác, chủ nợ.

– Giúp tăng hạn mức vay vốn ngân hàng;

– Việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng giảm thiểu khả năng bị thâu tóm bắt buộc từ đối thủ; 

Việc tăng vốn điều lệ cũng là 1 hình thức để tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp:

– Là 1 hình thức để phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược mới;

– Là 1 hình thức cổ đông hiện hữu/cổ đông mới bơm vốn để thanh toán các nghĩa vụ tài chính/thương mại khác của doanh nghiệp;

4. Một số hệ quả từ tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần

  • Vấn đề pha loãng: trường hợp phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông mới thì tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng/giảm xuống qua đó làm giảm quyền biểu quyết của các cổ đông hiện hữu;
  • Vấn đề chỉ tiêu tài chính: việc tăng vốn điều lệ sẽ làm tăng tổng tài sản và vốn chủ sỡ hữu của doanh nghiệp và đồng thời gây áp lực cho Ban điều hành phải đạt mức tăng trưởng Lợi nhuận tương ứng để đạt được tỷ lệ ROE theo kế hoạch/chỉ tiêu đã được giao;
  • Trách nhiệm/nghĩa vụ pháp lý với các cổ đông: việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông mới làm tăng số cổ đông của doanh nghiệp và qua đó làm tăng các nghĩa vụ của ban điều hành với các cổ đông, đặc biệt là nghĩa vụ về giao chỉ tiêu kinh doanh và nghĩa vụ công bố thông tin/cung cấp thông tin. 

5. Hình thức tăng vốn điều lệ

Khoản 2 điều 123 Luật doanh nghiệp 2020 quy định 3 hình thức tăng vốn điều lệ gồm: 1) chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, 2) chào bán cổ phần riêng lẻ và 3) chào bán cổ phần ra công chúng cụ thể như sau:

5.1 Tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được định nghĩa tại khoản 1 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.” Thông thường, việc công ty sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá bán bằng mệnh giá cổ phần. 

Đối với trường hợp các cổ đông hiện hữu không mua hết số cổ phần được chào bán, Căn cứ vào khoản 3 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

3. Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

4. Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.

5. Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua; trường hợp không giao cổ phiếu, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.”

Như vậy, nếu số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông.

5.2 Chào bán cổ phần riêng lẻ

Điều 125 Luật doanh nghiệp quy định chào bán cổ phiếu riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải công ty đại chúng có nghĩa là tăng số lượng, loại cổ phần mà công ty được quyền chào bán nhằm tăng vốn điều lệ. Hoạt động chào bán này phải đáp ứng hai điều kiện: 

  • Công ty không được chào bán cổ phiếu bằng các phương tiện truyền thông.
  • Chỉ được bán cho dưới 100 nhà đầu tư, có thể là cá nhân, cổ đông hiện hữu hoặc một công ty có ý định nắm giữ chứng khoán lâu dài.

Đối với việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng, Phương án phát hành và sử dụng vốn phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua, tuân thủ thời gian hạn chế chuyển nhượng và khoảng cách giữa các đợt chào bán, tuân thủ các điều kiện khác theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, đối tượng được chào bán không phải công ty con của tổ chức phát hành hoặc không phải cùng thuộc sự quản lý của một công ty mẹ.

5.3 Chào bán cổ phần ra công chúng

Khoản 19 điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định: 

Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:

a) Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

b) Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

c) Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.”

Về hình thức, căn cứ nghị định 155/2020/NĐ-CP, việc chào bán cổ phần ra công chúng để tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần có 2 hình thức sau:

– Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là hoạt động chào bán một loại cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Theo quy định pháp luật Việt Nam chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được sử dụng trong các trường hợp sau: huy động vốn cho tổ chức phát hành; chuyển tổ chức phát hành thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành hoặc là sự kết hợp của hai hình thức này với nhau (khoản 1, điều 10, Nghị định 155/2020 nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán).

– Chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng là đợt phát hành bổ sung thêm chứng khoán mới ra công chúng. Đợt chào bán thêm chứng khoán ra công chúng được thực hiện sau đợt chào bán lần đầu ra công chúng nhằm bổ sung thêm vốn cho tổ chức phát hành.

6. Trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần:

Bài viết tập trung tổng hợp trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần không phải công ty đại chúng. Việc tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần ra công chúng thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán với nhiều quy định đặc thù, vui lòng tham khảo bài viết về chào bán cổ phần ra công chúng. 

6.1 Trình tự tăng vốn điều lệ

Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần không phải công ty đại chúng sẽ được thực hiện như sau:

Bước 1: Lựa chọn phương án tăng vốn công ty cổ phần

Khi quyết định tăng vốn điều lệ công ty, các cổ đông cần thông nhất phương án tăng vốn điều lệ trước khi quyết định tăng vốn

Bước 2: Thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty

– Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần như đã nêu ở phần trên nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

– Trong vòng thời gian từ 03 đến 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét tính chất pháp lý của hồ sơ, nếu xét thấy hồ sơ đầy đủ hợp lệ theo quy định sẽ trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối thay đổi phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp.

– Khi hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, kể từ ngày 01/07/2015 doanh nghiệp sẽ được nhận 02 loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy xác nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Công bố thông tin thay đổi vốn điều lệ công ty lên Cổng thông tin quốc gia

Trong vòng thời gian 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc thay đổi tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp phải tiến hành công bố thông tin thay đổi trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Sau khi doanh nghiệp thực hiện thành công thủ tục này, Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh sẽ cấp cho doanh nghiệp giấy biên nhận công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Thực hiện nộp bổ sung thuế môn bài khi tăng vốn điều lệ

Trường hợp việc thay đổi điều chỉnh tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp làm tăng mức thuế môn bài doanh nghiệp phải nộp thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục sau đây:

– Thực hiện kê khai và nộp mẫu số 08;

– Nộp tờ khai thuế môn bài bổ sung;

– Theo quy định pháp luật trường hợp người nộp thuế khi có sự thay đổi các yếu tố liên quan đến căn cứ tính thuế làm thay đổi số thuế môn bài phải nộp của năm tiếp theo thì phải tiến hành nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo, thời hạn khai thuế chậm nhất là vào ngày 31/12 của năm có sự thay đổi đó.

Lưu ý:

– Kể từ ngày 01/07/2015, khi doanh nghiệp thực hiện thay đổi bất cứ nội dung nào trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ chỉ được ghi nhận 04 nội dung như sau: Tên công ty, địa chỉ trụ sở, Vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật.

– Các nội dung khác còn lại như: ngành nghề kinh doanh, người đại diện theo ủy quyền, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, thông tin đăng ký thuế, thông tin về người quản lý doanh nghiệp sẽ được ghi nhận trên Giấy xác nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Bước 5: Hoàn thành góp vốn khi tăng vốn điều lệ công ty

Cổ đông công ty phải chịu trách nhiệm với số vốn góp tăng lên và có nghĩa vụ góp đủ số vốn tăng trong thời gian 90 ngày tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ công ty.

6.2 Thủ tục, hồ sơ tăng vốn điều lệ

Theo quy định tại nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp, khi doanh nghiệp muốn tăng vốn điều lệ công ty cổ phần cần thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp.

Thành phần hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần bao gồm những giấy tờ sau:

– 01 bản thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh (mẫu thông báo quy định tại Phụ lục II-1, Thông tư 02/2019/TT-BKHDT);

– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;

– Văn bản của Sở kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, điều 26 Luật Đầu tư;

– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của HĐQT doanh nghiệp về việc tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt thực hiện chào bán cổ phần;

– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông ghi nhận việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ công ty (trong đó nêu rõ số lượng cổ phần đã được chào bán và giao lại cho HĐQT thực hiện thủ tục đăng ký vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần).

Tác giả: Nguyễn Đắc Huấn

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả