Phương pháp kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ theo TT 200 và TT 133

25/11/2023
8413

Sau khi tìm hiểu về cách đánh giá chi phí (sản phẩm) dở dang cuối kỳ ở bài trước thì tiếp theo ở bài viết này MISA AMIS Kế toán sẽ tổng hợp thông tin về tài khoản kế toán và phương pháp kết chuyển chi phí dở dang cuối kỳ.

Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang được Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho tất cả các doanh nghiệp và Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hướng dẫn kế toán sử dụng quy định để phản ánh và ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng giảm trong kỳ và tồn cuối kỳ. Tuy nhiên, giữa 2 Thông tư có những điểm khác biệt trong cách ghi nhận và hạch toán với cùng tài khoản 154.

Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu phương pháp kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ theo TT 200 và TT 133 trong các phần của bài viết nhé!

1. Bút toán kết chuyển chi phí sản xuất

Bút toán kết chuyển chi phí sản xuất là bút toán mà kế toán doanh nghiệp sẽ thực hiện vào cuối kỳ, khi thực hiện tổng hợp chi phí cả kỳ. Để xác định tổng chi phí đã sử dụng trong kỳ thì thực hiện bút toán kết chuyển chi phí là điều đầu tiên kế toán cần làm.

Đọc thêm các bút toán kết chuyển tại bài viết: Hạch toán các bút toán kết chuyển cuối kỳ kế toán cần ghi nhớ

2. So sánh hướng dẫn kế toán Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC 

2.1. Giống nhau

  • Nguyên tắc kế toán

– Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dùng để phản ánh, tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên trong hạch toán hàng tồn kho.

Ở những doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ trong hạch toán hàng tồn kho, tài khoản 154 chỉ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ.

– Tài khoản 154 phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh của khối lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ, cuối kỳ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, phụ và thuê ngoài gia công chế biến ở các doanh nghiệp sản xuất hoặc ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ…

– Tài khoản 154 cũng phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động sản xuất, gia công chế biến, hoặc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại, nếu có tổ chức các loại hình hoạt động này.

– Chi phí sản xuất, kinh doanh hạch toán trên Tài khoản 154 phải được chi tiết theo địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, bộ phận sản xuất, đội sản xuất, công trường,…); theo loại, nhóm sản phẩm, hoặc chi tiết, bộ phận sản phẩm; theo từng loại dịch vụ hoặc theo từng công đoạn dịch vụ.

– Chi phí sản xuất, kinh doanh phản ánh trên Tài khoản 154 gồm những chi phí sau:

+ Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp;

+ Chi phí nhân công trực tiếp;

+ Chi phí sử dụng máy thi công (đối với hoạt động xây lắp);

+ Chi phí sản xuất chung.

Lưu ý: Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá trị hàng tồn kho (không hạch toán vào Tài khoản 154) mà phải tính/hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán (Tài khoản 632).

Không hạch toán vào tài khoản 154 những chi phí sau:

Chi phí bán hàng;

Chi phí quản lý doanh nghiệp;

Chi phí tài chính;

Chi phí khác;

Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;

Chi đầu tư xây dựng cơ bản;

Các khoản chi được trang trải bằng nguồn khác.

  • Những điểm giống nhau trong kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 154 trong 2 Thông tư về kết cấu:
Kết cấu tài khoản 154

Bên Nợ:

+ Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến sản xuất sản phẩm và chi phí thực hiện dịch vụ;

+ Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến giá thành sản phẩm xây lắp công trình hoặc giá thành xây lắp theo giá khoán nội bộ;

+ Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

+ Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm đã chế tạo xong nhập kho, chuyển đi bán, tiêu dùng nội bộ ngay hoặc sử dụng ngay vào hoạt động XDCB;

+ Giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp hoàn thành bàn giao từng phần, hoặc toàn bộ tiêu thụ trong kỳ; hoặc bàn giao cho doanh nghiệp nhận thầu chính xây lắp (cấp trên hoặc nội bộ); hoặc giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ tiêu thụ;

+ Chi phí thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành cung cấp cho khách hàng;

+ Trị giá phế liệu thu hồi, giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được;

+ Trị giá nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá gia công xong nhập lại kho;

+ Phản ánh chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.

+ Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ: Chi phí sản xuất, kinh doanh còn dở dang cuối kỳ.

Xem thêm: Đánh giá chi phí dở dang cuối kỳ với doanh nghiệp sản xuất nhiều giai đoạn (phân bước)

2.2 Khác nhau

Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngoài những điểm giống nhau còn có những điểm khác nhau cơ bản như sau:

  • Điểm khác trong nguyên tắc kế toán
Nội dung Thông tư số 200/2014/TT-BTC Thông tư số 133/2016/TT-BTC
Kết chuyển chi phí sản xuất chung cuối kỳ

Cuối kỳ, phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường (Có TK 627, Nợ TK 154). Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

 

     

Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ.

Định khoản: Nợ TK 632/Có TK 627

 

  Cuối kỳ, phân bổ chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh. Do theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC chỉ sử dụng TK 154 để tập hợp chi phí mà không có TK 627 nên sẽ không cần định khoản trong trường hợp này.

 

Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ.

Định khoản: Nợ TK 632/Có TK 154

Chi phí không hạch toán vào tài khoản 154 Chi sự nghiệp, chi dự án.

Không có khoản “Chi sự nghiệp, chi dự án”.

  • Điểm khác trong kết chuyển và tập hợp chi phí sản xuất trước khi ghi nhận vào tài khoản 154
Nội dung Thông tư số 200/2014/TT-BTC  Thông tư số 133/2016/TT-BTC
Tài khoản tập hợp chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ

Sử dụng các tài khoản:

TK 621- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

TK 622- Chi phí nhân công trực tiếp

TK 623- Chi phí sử dụng máy thi công

TK 627- Chi phí sản xuất chung

Chỉ sử dụng 1 tài khoản:

TK 154-Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Tùy theo thực tế hoạt động của doanh nghiệp kế toán chủ động mở các tài khoản con để theo dõi chi tiết.

Kết chuyển chi phí sản xuất đã tập hợp trong kỳ vào tài khoản 154

Phải kết chuyển toàn bộ chi phí sản xuất ở các tài khoản:

TK 621- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

TK 622- Chi phí nhân công trực tiếp

TK 623- Chi phí sử dụng máy thi công

TK 627- Chi phí sản xuất chung

sang tài khoản 154.

Không phải kết chuyển chi phí sản xuất sang tài khoản 154. Vì trong kỳ đã tập hợp trực tiếp ở bên Nợ TK 154.

3. Kết chuyển 154 – hương pháp vận dụng Tài khoản 154 và hướng dẫn kết chuyển chi phí dở dang cuối kỳ

3.1. Trường hợp 1: Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

Các doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên bao gồm: chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xây lắp hoặc các doanh nghiệp công nghiệp. Những doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng, thiết bị có giá trị cao như máy móc, hàng chất lượng và kỹ thuật cao.

Bài tập ví dụ: Trong tháng 2/2021, tại Công ty Cổ phần HKT là doanh nghiệp sản xuất chuyên sản xuất sản phẩm A, hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến sản xuất như sau: ĐVT: triệu đồng.

1) Ngày 01/02/2021 xuất kho nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm A trị giá 5.000

2) Ngày 28/02/2021

– Tính lương công nhân sản xuất là: 2.000, lương quản lý phân xưởng: 300

– Trích khấu hao TSCĐ máy móc thiết bị sản xuất: 500

– Tính tiền điện sản xuất phải trả người bán chưa thanh toán: 80

3) Ngày 28/02/2021 nhập kho 1000 sản phẩm A hoàn thành, không có sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Yêu cầu: Tính giá thành sản phẩm A theo phương pháp giản đơn và định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC và Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Biết rằng không có sản phẩm A dở dang đầu kỳ tháng 2/2021.

– Phương pháp kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC

Phương pháp vận dụng tài khoản 154 theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC

* Giải bài tập ví dụ theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC như sau:

  • Tính giá thành 1000 sản phẩm A theo phương pháp giản đơn tại tháng 2/2021:

Xem thêm về phương pháp giản đơn tại bài viết: Hướng dẫn cách đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ

Nội dung Chi phí dở dang đầu kỳ (Dđk) Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ(C) Chi phí dở dang cuối kỳ (Dck) Tổng giá thành sản phẩm (Z) Giá thành đơn vị sản phẩm (Zđv)
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 0 5.000 0 5.000 5
Chi phí nhân công trực tiếp 0 2.000 0 2.000 2
Chi phí sản xuất chung 0 880

(= 500+300+80)

0 880 0.88
Cộng 0 7.880 0 7.880 7.88

– Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh: ĐVT: triệu đồng

1)

Nợ TK 154: 5.000

Có TK 152: 5.000

2)

Nợ TK 154: 2.880

Có TK 334: 2.000 + 300 = 2.300

Có TK 214: 500

Có TK 331: 80

3) Nhập kho sản phẩm A hoàn thành:

Nợ TK 155: 7.880

Có TK 154: 7.880

– Phương pháp kế toán theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC

Phương pháp vận dụng tài khoản 154 theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC

Từ 2 sơ đồ kế toán bên trên ta thấy rằng điểm khác biệt lớn nhất khi hạch toán chi phí dở dang cuối kỳ ở 2 Thông tư là việc ghi nhận trực tiếp các chi phí sản xuất vào Tài khoản 154 hay hạch toán chi tiết vào các tài khoản trung gian đầu 6 (TK 621, 622, 623, 627) rồi cuối kỳ mới ghi nhận kết chuyển sang Tài khoản 154.

* Giải bài tập ví dụ theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC như sau:

– Tính giá thành 1000 sản phẩm A theo phương pháp giản đơn tại tháng 2/2021 (giống như bảng tính giá thành sản phẩm A theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC bên trên).

– Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh: ĐVT: triệu đồng

1)

Nợ TK 621: 5.000

Có TK 152: 5.000

2) Tính lương công nhân sản xuất:

Nợ TK 622: 2.000

Có TK 334: 2.000

Tính lương quản lý phân xưởng, trích khấu hao TSCĐ và tính tiền điện phải trả:

Nợ TK 627: 880

Có TK 334: 300

Có TK 214: 500

Có TK 331: 80

3) Kết chuyển chi phí sản xuất kinh doanh dở dang:

Nợ TK 154: 7.880

Có TK 621: 5.000

Có TK 622: 2.000

Có TK 627: 880

Nhập kho sản phẩm A hoàn thành:

Nợ TK 155: 7.880

Có TK 154: 7.880

2.2. Trường hợp 2. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ

Theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC đều thực hiện giống nhau như sau:

Các doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ bao gồm: Các doanh nghiệp kinh doanh nhiều chủng loại và vật tư, kinh doanh các hàng hóa, mẫu mã có quy cách khác nhau, những mặt hàng có giá trị thấp hoặc những mặt hàng được sản xuất thường xuyên…

– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế, xác định trị giá thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thực hiện việc kết chuyển, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 631 – Giá thành sản xuất.

– Đầu kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thực tế sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

3. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ của MISA trong bài này sẽ giúp các bạn kế toán hiểu rõ hơn về tài khoản kế toán, phương pháp kết chuyển chi phí dở dang cuối kỳ và biết cách vận dụng chúng vào thực tiễn doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…

  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Click đăng ký trải nghiệm miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS full tính năng

Dùng ngay miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả