Nghiệp vụ Chi phí Hướng dẫn cách đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở...

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ là một khoản mục chi phí quan trọng trong cấu thành nên tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lựa chọn đúng phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ phù hợp với quy trình sản xuất và các đặc điểm của sản phẩm từ đó giúp doanh nghiệp xác định đúng giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

1. Sản phẩm dở dang là gì?

Việc nhầm lẫn giữa bán thành phẩm và sản phẩm dở dang là điều bình thường dù bản chất sản phẩm dở dang và bán thành phẩm là một. Sản phẩm dở dang còn được biết đến với tên gọi bán thành phẩm là hàng hoá vẫn còn nằm trong quá trình sản xuất để có được hình dạng cuối cùng (thành phẩm). Sản phẩm dở dang, nguyên liệu và thành phẩm cấu thành nên hệ thống tồn kho của doanh nghiệp.

2. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là gì?

– Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ): Là tổng giá trị sản phẩm còn dở dang chưa hoàn thành, nằm trên dây chuyền sản xuất hoặc cần phải trải qua một hay một số công đoạn nữa mới hoàn thành sản phẩm. Đây là giá trị bắt buộc phải tính đúng để xác định đúng giá thành của sản phẩm.

  • Công thức tính giá thành sản phẩm hoàn thành trong kỳ:
Giá thành sản phẩm hoàn thành trong kỳ = Giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ + Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ

Trong đó:

Giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ: Tổng giá trị các sản phẩm dở dang của cuối kỳ trước chuyển sang.

Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ: Tổng toàn bộ các chi phí trực tiếp và chi phí sản xuất chung mà doanh nghiệp bỏ ra trong kỳ từ lúc bắt đầu sản xuất đến khi kết thúc kỳ sản xuất sản phẩm.

Như vậy để tính được giá thành sản phẩm bắt buộc phải tính toán được 3 giá trị trên. Giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ được lấy từ số liệu kỳ trước mang sang và chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ được tổng hợp từ giá trị vật tư xuất kho dùng cho sản xuất và toàn bộ các chi phí sản xuất khác phát sinh trong kỳ.

Tuy nhiên, với biến số giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ hay chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ lại không dễ dàng tính toán ra ngay được mà phải thực hiện việc đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ.

3. Phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ

Việc đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ là một khâu quan trọng trong quy trình tính giá thành sản xuất sản phẩm

sản phẩm dở dang cuối kỳ

Hình 1: Quy trình chung để tính giá thành sản phẩm

Sau khi xác định số sản phẩm hoàn thành trong kỳ và số sản phẩm dở dang cuối kỳ, kế toán phải lựa chọn phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang thích hợp để xác định trị giá của sản phẩm dở dang cuối kỳ. Hiện nay, có 3 phương pháp đánh giá chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ được sử dụng phổ biến là:

Các phương pháp đánh giá chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ được sử dụng phổ biến

Hình 2: Các phương pháp đánh giá chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ được sử dụng phổ biến

3.1. Đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang/ sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Nội dung phương pháp: chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ chỉ bao gồm chi phí nguyên vật liệu (vật liệu) chính trực tiếp, còn các chi phí nhân công, chi phí khác sẽ được tính hết cho sản phẩm hoàn thành trong kỳ.

Đối tượng áp dụng: Phương pháp này phù hợp với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản, có chi phí nguyên vật liệu (vật liệu) chính trực tiếp chiếm tỷ lệ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí vật liệu phụ và cá chi phí nhân công chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Công thức tính giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck):

Công thức tính giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck)Trong đó:

  • Dđk và Dck: Chi phí dở dang đầu kỳ và cuối kỳ.
  • Cvlc: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp phát sinh trong kỳ.
  • Qtp: Số lượng thành phẩm hoàn thành.
  • Qd: Số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Ví dụ 1: Công ty CP BÌNH AN, trong tháng 7/2021 sản xuất sản phẩm N có tập hợp được các số liệu chi phí như sau:

– Chi phí sản xuất sản phẩm dở dang đầu tháng 7 là: 10.000.000đ

– Chi phí sản xuất phát sinh trong tháng tập hợp được:

+ Chi phí NVL chính trực tiếp: 80.000.000đ

+ Chi phí nhân công trực tiếp : 15.000.000đ

+ Chi phí sản xuất chung: 5.000.000đ

– Trong tháng sản xuất hoàn thành nhập kho 1000 sản phẩm, còn 200 sản phẩm dở dang cuối kỳ chưa hoàn thành.

Yêu cầu: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp.

Lưu ý: Để tập hợp được đúng chi phí cho các khoản mục chi phí cần nắm rõ quy trình sản xuất căn cứ vào chuẩn mực và chế độ kế toán để phân loại vào đúng các khoản mục chi phí sản xuất, phân bổ chi phí chung phù hợp với doanh nghiệp và sản phẩm, tránh ghi nhận các chi phí liên quan đến quản lý và bán hàng vào chi phí sản xuất.

Đáp án :

Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp như sau:

Áp dụng công thức trên:

Công thức tính giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck)=> Dck= (10.000.000 + 80.000.000) / (1.000 + 200) = 15.000.000

Vậy chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp là: 15.000.000 đồng.

Ứng dụng phần mềm kế toán: Các bạn kế toán có thể sử dụng phần mềm kế toán online MISA AMIS để đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp một cách tự động và nhanh chóng bằng cách tích chọn phương pháp đánh giá ? điền số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ. Xem hình ảnh minh họa bên dưới.CTA nhận tư vấn

chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Hình 3: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp trên phần mềm MISA R8.

>> Xem thêm: Phần mềm hỗ trợ kê khai mới nhất – Đơn giản hóa mọi nghiệp vụ về kê khai với Cơ quan Thuế

Thông thường, với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản, có chi phí nguyên vật liệu (vật liệu) chính trực tiếp chiếm tỷ lệ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí vật liệu phụ và cá chi phí nhân công chiếm tỷ trọng không đáng kể thì áp dụng phương pháp chi phí vật liệu chính trực tiếp, còn nếu không sẽ áp dụng phương pháp khối lượng hoàn thành tương đương hoặc phương pháp định mức. Hai phương pháp này được trình bày dưới đây.

3.2. Đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang/sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí sản xuất định mức

Nội dung phương pháp: Kế toán căn cứ vào khối lượng sản phẩm dở dang đã kiểm kê ở từng công đoạn sản xuất, quy đổi theo mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang và định mức khoản mục chi phí ở từng công đoạn tương ứng cho từng đơn vị sản phẩm để tính ra chi phí định mức cho sản phẩm dở dang ở từng công đoạn, sau đó tổng hợp cho từng loại sản phẩm.

Đối tượng áp dụng: Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí sản xuất định mức trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng hệ thống kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành theo định mức hoặc trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống định mức chi phí hợp lý.

Ví dụ 1: Trong tháng 06/2021, tại Công CP ABC sản xuất sản phẩm N phải trải qua 2 công đoạn chế biến liên tục tại 2 phân xưởng.

Biết rằng, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp bỏ 1 lần vào sản xuất và không có dở dang cuối kỳ. Doanh nghiệp đã xác định được định mức chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm N ở từng công đoạn chế biến như sau:

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Khoản mục chi phí Định mức chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm
Công đoạn 1

(tại phân xưởng 1)

Công đoạn 2

(tại phân xưởng 2, gồm cả chi phí công đoạn 1 chuyển sang)

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp 900 900
Chi phí nhân công trực tiếp 400 600
Chi phí sản xuất chung 200 400
Cộng 1.500 2.000

Lưu ý: Để xây dựng được định mức doanh nghiệp cần trải qua thử nghiệm nhiều lần trước khi lên được định mức cho sản phẩm.

Tại thời điểm 30/06/2021 kế toán cùng các bộ phận liên quan tiến hành kiểm kê xác nhận được các số liệu thành phẩm hoàn thành nhập kho, đánh giá được mức độ hoàn thành của các sản phẩm còn dở dang cuối kỳ như sau:

– Tại phân xưởng 1, sản xuất công đoạn 1 hoàn thành 2.500 nửa thành phẩm còn 200 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 60% trên nửa thành phẩm. (Mức độ hoàn thành căn cứ vào đánh giá khối lượng công việc cần phải hoàn thành thông qua kinh nghiệm được đúc kết qua giai đoạn thử nghiệm nhiều lần khi mới tiến hành sản xuất).

– Tại phân xưởng 2, sản xuất công đoạn 2 nhận 2.500 nửa thành phẩm từ công đoạn 1 chuyển sang tiếp tục sản xuất hoàn thành 2.400 sản phẩm N, còn 100 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 90%.

Đáp án:

Đơn vị tính: 1.000đồng

  • Tính chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ tháng 6/2021 ở phân xưởng 1 (công đoạn 1): (biết công đoạn 1 có 200 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 60% trên nửa thành phẩm)
Chi phí NVLTT = 900 x 200 = 180.000
Chi phí NCTT = 400 x 200 x 60% = 48.000
Chi phí SXC = 200 x 200 x 60% = 24.000
Tổng chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ công đoạn 1 = 252.000
  • Tính chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ tháng 6/2021 ở phân xưởng 2 (công đoạn 2):

Trường hợp 1: Nếu ta xác định 100 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 90% là so sánh mức độ hoàn thành trên thành phẩm cuối cùng thì ta tính như sau:

Chi phí NVLTT = 900 x 100 = 90.000
Chi phí NCTT = 600 x 100 x 90% = 54.000
Chi phí SXC = 400 x 100 x 90% = 36.000
Tổng chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ công đoạn 2 = 180.000

Trường hợp 2: Nếu ta xác định 100 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 90% là so sánh mức độ hoàn thành tính trên khối lượng công việc phải làm ở riêng phân xưởng 2 thì ta tính như sau:

Chi phí NVLTT = 900 x 100 = 90.000
Chi phí NCTT = (400×100) + (600 – 400) x 100 x 90% = 58.000
Chi phí SXC = (200 x 100) + (400 – 200) x 100 x 90% = 38.000
Tổng chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ công đoạn 2 = 186.000

? So sánh cách tính 1 và 2 sẽ thấy cách tính số 2 cho ta tổng chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ lớn hơn cụ thể là 186.000 > 180.000.

Việc lựa chọn cách tính nào phụ thuộc vào việc đánh giá sản phẩm dở dang theo mức độ hoàn thành của sản phẩm cuối cùng hay theo khối lượng công việc phải làm ở riêng phân xưởng 2.

* Theo quy định hiện hành về Luật thuế TNDN, các doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải xây dựng định mức chính của những sản phẩm chủ yếu. Doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ quy trình sản xuất và vận hành chạy thử để xây dựng định mức sản xuất được phù hợp với điều kiện máy móc và thực tế sản xuất.

Trường hợp các doanh nghiệp chưa xây dựng được hệ thống định mức chi phí hợp lý thì có thể dựa trên chi phí sản xuất thực tế và tùy đặc điểm sản xuất của mình mà lựa chọn đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí vật liệu chính trực tiếp hoặc khối lượng hoàn thành tương đương.

>> Có thể bạn quan tâm: Hạch toán tài khoản 154 theo thông tư 200 đầy đủ, chính xác nhất

3.3. Đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ theo sản lượng hoàn thành tương đương

Nội dung phương pháp: Sản phẩm dở dang trong kỳ phải chịu toàn bộ chi phí sản xuất theo mức độ hoàn thành. Cuối kỳ, Doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê sản phẩm dở dang và đánh giá mức độ hoàn thành rồi quy đổi sản phẩm dở dang theo sản phẩm hoàn thành tương đương.

Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp, sản phẩm không đều nhau, tỷ lệ dở dang cao.

Đặc điểm của phương pháp:

– Ưu điểm: Độ chính xác cao hơn phương pháp đánh giá theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.

– Nhược điểm: Khối lượng tính toán nhiều và bắt buộc đánh giá được mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang. Nếu quy trình sản xuất theo dây chuyền sẽ gây khó khăn trong việc xác định mức độ dở dang của sản phẩm.

* Các trường hợp áp dụng phương pháp:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản (1 giai đoạn)

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck) = Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(VLC)) + Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(VLP, CB))

Trong đó:

– Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ được tính bằng 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Chi phí vật liệu chính nếu được bỏ 1 lần vào đầu kỳ sản xuất và không phải bỏ thêm nguyên vật liệu chính vào nữa ở kỳ tiếp theo.

Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(vlc)) = Dđk(vlc) + Cvlc x Qd
Qtp  +  Qd

Trường hợp 2: Chi phí vật liệu chính được bỏ dần vào sản xuất giống như các chi phí khác thì ở kỳ tiếp theo vẫn phải bỏ tiếp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Chú thích: Q’d là số lượng thành phẩm dở dang cuối kỳ quy đổi = Qd x tỷ lệ SPDD hoàn thành.

Chi phí vật liệu chính trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(vlc)) = Dđk(vlc)  +  Cvlc x Q’d
Qtp  +  Q’d

Chú thích: Qd là số lượng thành phẩm dở dang cuối kỳ.

– Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(vlp, cb) được tính bằng cách như sau:

Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến trong sản phẩm dở dang cuối kỳ (Dck(vlp, cb)) = Dđk(vlp, cb) +  Cvlp,cb x Q’d
Qtp  +  Q’d

Chú thích: Chi phí vật liệu phụ, chi phí chế biến là các chi phí khác ngoài chi phí nguyên vật liệu trực tiếp như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí vật liệu phụ, vật liệu bổ sung, công cụ, khấu hao… được viết tắt là: VLP,CB.

Ví dụ 2: Công ty CP BÌNH AN sản xuất sản phẩm H. Trong tháng có số liệu như sau:

– Chi phí dở dang đầu kỳ gồm:

+ Chi phí NVL trực tiếp: 50.000.000đ

+ Chi phí NCTT: 8.000.000đ

+ Chi phí sản xuất chung: 10.000.000đ

– Chi phí sản xuất trong kỳ tập hợp được:

+ Chi phí NVL trực tiếp: 180.000.000đ

+ Chi phí NCTT: 48.00.000đ

+ Chi phí sản xuất chung: 80.000.000đ

Trong tháng hoàn thành 2.000 sản phẩm H, còn lại 500 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 50%.

Yêu cầu: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương. Biết rằng: Chi phí vật liệu chính được bỏ dần vào sản xuất giống như các chi phí khác.

Đáp án :Ứng dụng phần mềm kế toán: Các bạn kế toán có thể sử dụng phần mềm kế toán online MISA AMIS để đánh giá sản phẩm dở dang theo sản phẩm hoàn thành tương đương tự động và dễ dàng:

Đơn vị tính: đồng

 Quy đổi khối lượng sản phẩm dở dang ra khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương:
Q’d = Qd   x   tỷ lệ hoàn thành của sản phẩm = 500 x 50% = 250 sản phẩm
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

  = 50.000.000  +  180.000.000 x 250 = 25.555.556
2.000  +  250

Chi phí nhân công trực tiếp

= 8.000.000  +  48.000.000 x 250 = 6.222.222
2.000  +  250

 Chi phí sản xuất chung: 

= 10.000.000  +  80.000.000 x 250 = 10.000.000
2.000  +  250

 => Tổng cộng chi phí dở dang cuối kỳ:  = 25.555.556 + 6.222.222 +10.000.000 = 41.777.778

chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Hình 4: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo theo sản phẩm hoàn thành tương đương trên phần mềm kế toán MISA

>> Xem thêm: Chi tiết cách hạch toán tài khoản 421 – Lợi nhuận chưa phân phối theo thông tư 200

Trường hợp 2. Doanh nghiệp có quy trình sản xuất nhiều giai đoạn (phân bước)

chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Nguồn: Internet
Hình 5: Các phương pháp tính giá thành sản phẩm theo bán thành phẩm với quy trình sản xuất nhiều giai đoạn (phân bước)

Có 2 phương pháp tính giá thành sản phẩm theo bán thành phẩm với quy trình sản xuất giai đoạn (phân bước) là:

  1. Cách 1: Tính giá thành phân bước có tính bán thành phẩm (phương pháp kết chuyển tuần tự)
  2. Cách 2: Tính giá thành phân bước không tính bán thành phẩm (phương pháp kết chuyển song song)

Các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm với quy trình sản xuất giai đoạn (phân bước) ví dụ như: Sản xuất đồ may mặc, dệt găng tay, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ….

Các doanh nghiệp có quy trình công nghệ phức tạp kiểu liên tục sản xuất sản phẩm qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau (phương pháp kết chuyển tuần tự).

Quan sát quy trình sản xuất sản xuất sản phẩm theo giai đoạn phân bước liên tục dưới đây:

chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Hình 6: Quy trình sản xuất sản phẩm giai đoạn (phân bước) có tính nửa thành phẩm bước trước. Nguồn: Internet

Nhìn trên sơ đồ, ta thấy các giai đoạn sản xuất liên tục nối tiếp nhau, nửa thành phẩm của giai đoạn trước là nguyên liệu để sản xuất giai đoạn tiếp theo. Chi phí sản xuất sản phẩm dở dang cuối kỳ sản xuất sản phẩm theo giai đoạn (phân bước) sẽ có cách tính phụ thuộc vào cách tính giá thành sản phẩm theo bán thành phẩm.

  • Các doanh nghiệp có quy trình công nghệ phức tạp kiểu song song

Quan sát quy trình sản xuất sản xuất sản phẩm theo giai đoạn phân bước song song dưới đây:

chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Hình 7: Quy trình sản xuất sản phẩm giai đoạn (phân bước) Không tính nửa thành phẩm bước trước. Nguồn: Internet

Từ sơ đồ trên, ta thấy rằng công việc tính giá thành của các giai đoạn được giả định là tiến hành song song cùng lúc, như vậy sẽ không cần tính giá thành của từng bán thành phẩm nữa mà giá trị sản phẩm ở từng giai đoạn sẽ được tính vào giá thành sản phẩm cuối cùng.

(Chi tiết về phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ sản xuất nhiều giai đoạn (phân bước) cho phương pháp kết chuyển tuần tự và kết chuyển song song, xem tại đây).

Kết luận:

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ là một khoản mục chi phí quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp cần lựa chọn đúng phương pháp đánh giá xác định trị giá sản phẩm dở dang cuối kỳ, phù hợp với quy trình sản xuất và sản phẩm của mình. Từ đó giúp doanh nghiệp xác định đúng giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

MISA AMIS hy vọng qua bài viết sẽ giúp ích phần nào cho doanh nghiệp trong công tác xác định chi phí dở dang cuối kỳ một cách phù hợp với loại hình sản xuất của doanh nghiệp và hiểu thêm về tầm quan trọng của chi phí dở dang cuối kỳ. Chúc các bạn đọc và quý doanh nghiệp thành công !

 

Tác giả: Nguyễn Huân

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]