Các hồ sơ, biểu mẫu nào cần chuẩn bị khi kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh? Câu trả lời sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Thuế vãng lai là gì?
Thuế vãng lai (hay còn gọi là thuế giá trị gia tăng vãng lai) là khoản thuế phải nộp khi doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hoặc bán hàng hóa tại các địa phương khác với địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thuế này được thu bởi cơ quan thuế của địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh.
Mức thuế suất của thuế vãng lai thường là 1% hoặc 2% trên tổng doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh. Điều này áp dụng cho các hoạt động như bán hàng ngoại tỉnh, thi công xây dựng, lắp đặt, và chuyển nhượng bất động sản.
Trước đây, theo quy định từ năm 2015, nếu doanh thu vãng lai dưới 1 tỷ đồng thì được miễn nộp thuế. Tuy nhiên, hạn mức này không áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
2. Đối tượng phải nộp thuế vãng lai
Theo quy định tại Điều 2, Khoản 1, Điểm a của Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015, sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Thông tư 119/2014/TT-BTC, đối tượng phải kê khai và nộp thuế vãng lai gồm:
- Các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh xây dựng, lắp đặt tại địa phương ngoài tỉnh, nơi đặt trụ sở chính, mà không thành lập đơn vị trực thuộc. Tiếp theo là doanh nghiệp hoặc cá nhân thực hiện bán hàng vãng lai tại tỉnh khác mà không đăng ký đơn vị phụ thuộc tại địa phương đó.
- Các doanh nghiệp hoặc cá nhân chuyển nhượng bất động sản ở ngoài tỉnh, nơi có trụ sở chính, cũng thuộc diện nộp thuế vãng lai.
- Tùy theo tình hình thực tế, cơ quan thuế có thể yêu cầu kê khai thuế đối với các hoạt động kinh doanh tương tự diễn ra tại địa phương khác. Những đối tượng này phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi phát sinh các hoạt động kinh doanh, xây dựng, hoặc chuyển nhượng.
- Kế toán cần nắm vững khái niệm và điều kiện của thuế vãng lai tránh sai sót trong quá trình kê khai thuế
3. Cách tính và kê khai thuế vãng lai
Tính thuế và kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh là nghĩa vụ bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh ngoài địa phương nơi đặt trụ sở chính. Quy định này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách được phân bổ hợp lý và minh bạch giữa các địa phương. Căn cứ vào Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC, ta có cách tính và kê khai thuế vãng lai theo từng trường hợp như sau:
a. Đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán
Số thuế GTGT Phân bổ phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Số thuế GTGT phải nộp của hoạt động kinh doanh xổ số điện toán x Tỷ lệ (%) doanh thu bán vé thực tế từ kinh doanh xổ số điện toán tại từng tỉnh |
Tổng doanh thu bán vé thực tế của người nộp thuế |
Kê khai thuế:
- Doanh nghiệp cần khai tập trung và nộp tờ khai thuế GTGT ( mẫu số 01/GTGT) tới cơ quan thuế tại trụ sở chính tờ khai tới giá trị gia tăng (GTGT) kèm theo phụ lục bảng phân bổ số thuế GTGT (mẫu số 01-3/GTGT) phải nộp cho các địa phương nơi có phát sinh nguồn thu từ hoạt động xổ số điện toáncho toàn bộ hoạt động trên toàn quốc.
- Doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền thuế được phân bổ cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh xổ số điện toán theo quy định.
b. Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Số thuế GTGT Phân bổ phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh | x | 1% |
Kê khai thuế:
- Khai thuế và nộp thuế tại tỉnh có bất động sản: Người nộp thuế cần thực hiện khai thuế giá trị gia tăng bằng mẫu số 05/GTGT theo phụ lục II của Thông tư 80. Việc khai thuế này cần được thực hiện tại cơ quan thuế của tỉnh nơi bất động sản được chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất khai thuế, người nộp thuế phải nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại tỉnh này.
- Tổng hợp doanh thu và xác định thuế tại trụ sở chính: Người nộp thuế cũng phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính của mình. Điều này nhằm xác định tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp ở tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng sẽ được bù trừ với số thuế phải nộp tại trụ sở chính, nhằm tránh trường hợp nộp thuế gấp đôi và đảm bảo sự công bằng trong tính thuế.
c. Đối với hoạt động xây dựng
Số thuế GTGT Phân bổ phải nộp đối với hoạt động xây dựng được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh | x | 1% |
Kê khai thuế:
- Khai thuế và nộp thuế tại nơi có công trình: Nhà thầu xây dựng, khi ký hợp đồng thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với trụ sở chính, cần thực hiện khai thuế giá trị gia tăng (mẫu số 05/GTGT)cho các công trình hoặc hạng mục liên quan tại cơ quan thuế nơi có công trình.
- Doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền thuế đã khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh đó. Trường hợp Kho bạc Nhà nước đã thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định, người nộp thuế không cần nộp số tiền tương ứng đã được khấu trừ.
- Tổng hợp doanh thu và xác định thuế tại trụ sở chính: Doanh nghiệp phải thực hiện tổng hợp doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng từ hoạt động xây dựng vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính. Điều này giúp xác định tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số thuế đã nộp ở tỉnh nơi có công trình xây dựng sẽ được bù trừ với số thuế phải nộp tại trụ sở chính.
d. Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất
Số thuế GTGT Phân bổ phải nộp đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất được tính theo công thức sau:
Trường hợp 1: Trường hợp số thuế phải nộp tại các tỉnh không vượt quá số thuế tại trụ sở chính
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT | x | 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất GTGT 10%) |
Hoặc:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT | x | 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất GTGT 5%) |
Trường hợp 2: Trường hợp số thuế phải nộp tại các tỉnh vượt quá số thuế tại trụ sở chính
Số thuế GTGT phải nộp | = | Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính nhân x Tỷ lệ (%) doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra tại từng tỉnh |
Tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của người nộp thuế |
Kê khai thuế:
- Doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT tập trung và nộp tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) kèm phụ lục bảng phân bổ số thuế GTGT mẫu số 01-6/GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp
- Sau khi đã khai thuế, doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền thuế GTGT đã được phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo quy định.
e. Đối với nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh
Số thuế GTGT Phân bổ phải nộp đối với nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Số thuế GTGT phải nộp của nhà máy thủy điện nhân x Tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của phần nhà máy thủy điện nằm trên địa giới hành chính từng tỉnh |
Tổng giá trị đầu tư của nhà máy thủy điện |
- Doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT và nộp tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) phát sinh từ hoạt động sản xuất thủy điện kèm phụ lục bảng phân bổ số thuế GTGT mẫu số 01-2/GTGT cho cơ quan thuế nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện.
- Sau khi đã khai thuế, doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền thuế GTGT đã được phân bổ cho từng tỉnh nơi có nhà máy thủy điện.
Lưu ý:
Trong trường hợp công trình xây dựng nằm trên nhiều tỉnh:
- Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định doanh thu chưa có thuế GTGT của công trình cho từng tỉnh và lập chứng từ thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước để thực hiện khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu vào ngân sách nhà nước cho mỗi tỉnh có liên quan.
- Trong trường hợp không thể xác định được doanh thu của công trình hoặc hạng mục công trình ở từng tỉnh, chủ đầu tư sẽ xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu chưa có thuế GTGT. Sau đó, căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho mỗi tỉnh.
- Đối với công trình nằm trong cùng một tỉnh, bao gồm công trình liên huyện hoặc ở huyện khác so với nơi nhà thầu đóng trụ sở, Cục Thuế địa phương sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cách phân bổ hạch toán thu ngân sách nhà nước theo địa bàn huyện.
4. Hồ sơ khai thuế vãng lai
Để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động vãng lai ngoại tỉnh, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kê khai và nộp cho cơ quan thuế tại địa phương phát sinh hoạt động kinh doanh. Hồ sơ khai thuế vãng lai bao gồm:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT.
- Bảng kê chi tiết doanh thu theo mẫu số 01-5/GTGT.
- Các chứng từ liên quan đến hoạt động kinh doanh vãng lai.
5. Hướng dẫn hạch toán thuế vãng lai
Hạch toán thuế vãng lai là bước quan trọng để ghi nhận đúng nghĩa vụ thuế phát sinh từ các hoạt động kinh doanh ngoài tỉnh. Việc hạch toán đúng cách giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo việc kê khai thuế được thực hiện chính xác.
5.1. Các bước hạch toán thuế vãng lai
Để thực hiện hạch toán thuế vãng lai, kế toán cần thực hiện theo trình tự các bước sau:
– Bước 1: Xác định tổng doanh thu vãng lai. Đây là khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động kinh doanh được thực hiện tại địa phương khác với nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
– Bước 2: Xác định thuế suất của thuế vãng lai
Theo quy định tại khoản 6, Điều 10, Chương II Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011, thuế suất thuế GTGT vãng lai được tính như sau:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất GTGT 10%, thuế vãng lai là 2%.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất GTGT 5%, thuế vãng lai là 1%.
– Bước 3: Tính thuế vãng lai theo công thức
Thuế vãng lai = Doanh thu vãng lai x Thuế suất thuế vãng lai
– Bước 4: Hạch toán thuế vãng lai vào sổ sách kế toán vào sổ sách kế toán.
5.2. Chi tiết hạch toán thuế vãng lai
Bước 1: Hạch toán hóa đơn xuất công trình hoàn thành
Nợ TK 131: Công nợ phải thu
Có TK 5112: Doanh thu
Có TK 3331: Thuế GTGT 10%
Bước 2: Hạch toán thuế GTGT vãng lai dựa trên tờ khai (Mẫu số 05/GTGT)
Nợ TK 3331: 2% thuế GTGT vãng lai
Có TK 3338: Thuế vãng lai phải nộp
– Khi nộp thuế vãng lai, thực hiện hạch toán như sau:
Nợ TK 3338: Thuế vãng lai đã nộp
Có TK 111, 112: Tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng
- Hạch toán thuế vãng lai cần theo trình tự cụ thể
6. Các trường hợp được miễn thuế vãng lai
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, ta có thể xác định những đối tượng và trường hợp không phải nộp thuế vãng lai như sau:
- Bán hàng giao đến công trình ngoại tỉnh: Khi hàng hóa được chuyển đến công trình ở tỉnh khác, hoạt động này không được coi là vãng lai. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần khai thuế tại nơi có trụ sở chính và không phải kê khai thuế giá trị gia tăng tại địa phương giao hàng.
- Sửa chữa máy móc ngoại tỉnh: Việc sửa chữa máy móc cho các dự án ngoài tỉnh không thuộc phạm vi xây dựng hoặc lắp đặt vãng lai, do đó doanh nghiệp chỉ cần nộp thuế tại trụ sở chính và không phải khai thuế vãng lai.
- Bán hàng tại kho ngoại tỉnh: Các hoạt động bán hàng hoặc sửa chữa máy móc tại kho ngoại tỉnh không được xem là hoạt động vãng lai, vì vậy doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và không cần khai thuế giá trị gia tăng vãng lai.
- Cho thuê máy móc: Hoạt động cho thuê máy móc tại tỉnh khác không nằm trong các hoạt động xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai, do đó không phải nộp thuế vãng lai giá trị gia tăng.
- Xây dựng công trình dưới 1 tỷ đồng: Theo quy định, chỉ những công trình có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên mới cần kê khai thuế vãng lai. Vì vậy, các công trình dưới 1 tỷ đồng chỉ cần khai thuế tại nơi có trụ sở chính.
- Doanh thu vãng lai dưới 1 tỷ đồng: Nếu doanh thu vãng lai dưới 1 tỷ đồng, doanh nghiệp được miễn thuế vãng lai, trừ trường hợp chuyển nhượng bất động sản.
- Kinh doanh, buôn bán tại chỗ: Hoạt động mua hoặc bán nguyên vật liệu tại địa phương không bị xem là vãng lai và do đó không phải kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai.
7. Giải đáp một số thắc mắc về thuế vãng lai
Không nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh có bị phạt không?
Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vãng lai khi có yêu cầu, cơ quan thuế có thể xử phạt theo quy định của pháp luật. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm, có thể bao gồm phạt tiền, lãi suất chậm nộp hoặc yêu cầu nộp đủ số thuế thiếu. Nếu vi phạm nghiêm trọng, doanh nghiệp có thể bị truy thu thuế và phạt thêm.
Thuế vãng lai có được khấu trừ không?
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vãng lai có thể được khấu trừ nếu doanh nghiệp thực hiện hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ hoặc giao dịch liên quan đến việc nộp thuế GTGT. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các quy định cụ thể về điều kiện và loại hình hoạt động của doanh nghiệp. Khi thuế vãng lai đã được nộp hợp lý và đáp ứng các tiêu chí khấu trừ, doanh nghiệp có thể yêu cầu khấu trừ thuế vào các kỳ tiếp theo.
Tạm kết
Để giúp kế toán đơn giản và chính xác hơn trong các nghiệp vụ hạch toán các tài khoản, việc sử dụng các công cụ quản lý tự động được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay.
Không chỉ hạch toán, phần mềm kế toán online MISA AMIS được ra đời để tự động hóa đến 80% công việc mà một kế toán phải xử lý hàng ngày như: kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ, nhập liệu hóa đơn, sổ sách, tạo lập báo cáo, kê khai thuế… Đặc biệt, tất cả nghiệp vụ trên đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị máy tính có kết nối internet.
Anh/chị kế toán có thể đăng ký trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trực tiếp tham khảo về những tính năng, phân hệ này. Hiện tại, phần mềm đang được sử dụng miễn phí 15 ngày và được triển khai tư vấn kỹ càng giúp kế toán viên dễ dàng sử dụng hơn.