Ma trận Ansoff là một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp xác định và đánh giá các chiến lược tăng trưởng tiềm năng. Công cụ này cung cấp một khuôn khổ để các nhà quản lý có thể xem xét các lựa chọn chiến lược tăng trưởng hiệu quả dựa trên sự kết hợp giữa các sản phẩm hiện tại và mới, cũng như các thị trường hiện tại và mới.
Việc hiểu rõ và áp dụng đúng ma trận Ansoff có thể giúp doanh nghiệp xác định các cơ hội tăng trưởng phù hợp, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
1. Ma trận Ansoff là gì?
Ma trận Ansoff, còn được gọi là ma trận sản phẩm – thị trường, là một công cụ quản lý chiến lược được phát triển bởi Igor Ansoff – một nhà toán học ứng dụng và quản lý kinh doanh nổi tiếng người Mỹ gốc Nga, được biết đến như một trong những cha đẻ của quản lý chiến lược.
Ma trận Ansoff là mô hình giúp các doanh nghiệp xác định, đánh giá các cơ hội tăng trưởng và lựa chọn chiến lược tăng trưởng phát triển phù hợp với mục tiêu và khả năng của doanh nghiệp thông qua việc kết hợp giữa 2 yếu tố: Sản phẩm và thị trường (sản phẩm/thị trường hiện tại hoặc mới).
Ma trận Ansoff được cấu thành từ bốn chiến lược chính, bao gồm: Thâm nhập thị trường; phát triển thị trường; phát triển sản phẩm; đa dạng hóa.
2. Tầm quan trọng của ma trận Ansoff
Ma trận Ansoff là một công cụ quan trọng trong việc xác định và thực hiện các chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp. Ứng dụng ma trận Ansoff, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể:
– Xác định cơ hội tăng trưởng: Ma trận Ansoff giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng các cơ hội tăng trưởng dựa trên hai yếu tố chính: Sản phẩm và thị trường. Các doanh nghiệp có thể sử dụng ma trận này để đánh giá các chiến lược tiềm năng nhằm mở rộng thị phần và tăng doanh thu.
– Định hướng chiến lược kinh doanh: Ma trận Ansoff cung cấp một khung lý thuyết rõ ràng để doanh nghiệp xác định và lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu và khả năng của mình. Điều này giúp doanh nghiệp tránh rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực.
– Đánh giá rủi ro và lợi nhuận: Ma trận Ansoff cho phép doanh nghiệp đánh giá mức độ rủi ro và lợi nhuận của mỗi chiến lược. Chẳng hạn, chiến lược thâm nhập thị trường thường ít rủi ro hơn so với chiến lược đa dạng hóa, nhưng mỗi chiến lược lại có mức độ lợi nhuận tiềm năng khác nhau.
– Hỗ trợ quyết định đầu tư: Ma trận Ansoff giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng các lĩnh vực cần đầu tư, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả. Ví dụ, chiến lược phát triển sản phẩm yêu cầu đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, trong khi chiến lược phát triển thị trường đòi hỏi đầu tư vào mở rộng kênh phân phối và tiếp thị.
– Phát triển chiến lược toàn diện: Ma trận Ansoff không chỉ giúp doanh nghiệp tập trung vào một lĩnh vực cụ thể mà còn khuyến khích phát triển các chiến lược toàn diện để tăng trưởng bền vững. Sự kết hợp của các chiến lược thâm nhập thị trường, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên hiện có, tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng và giảm thiểu rủi ro.
TẢI MIỄN PHÍ: 8 MẪU CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP 2024
3. Bốn chiến lược cốt lõi của ma trận Ansoff
Ma trận Ansoff bao gồm 4 chiến lược cốt lõi: Phát triển thị trường, Phát triển sản phẩm, Thâm nhập thị trường mới và Đa dạng hóa. Để chọn được chiến lược phù hợp, doanh nghiệp cần hiểu rõ về mỗi chiến lược, kết hợp đánh giá và so sánh các yếu tố như sức cạnh tranh, khả năng tài chính, thị trường tiềm năng…
3.1. Phát triển thị trường (Market development)
Chiến lược này tập trung vào việc mở rộng thị trường cho sản phẩm hiện có sang các thị trường mới, bao gồm:
– Thị trường địa lý mới: Mở rộng sang các tỉnh thành, khu vực hoặc quốc gia khác.
– Khách hàng mới: Tiếp cận các phân khúc khách hàng mới với nhu cầu và sở thích khác biệt.
– Kênh phân phối mới: Phát triển thêm các kênh bán hàng như thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội…
3.2. Phát triển sản phẩm (Product development)
Chiến lược này hướng đến việc giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường hiện tại, đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng hoặc xu hướng thị trường, bao gồm:
– Sản phẩm mới: Phát triển sản phẩm hoàn toàn mới, khác biệt so với các sản phẩm hiện có.
– Cải tiến sản phẩm: Nâng cấp, cải thiện tính năng, chất lượng của sản phẩm hiện có.
– Mở rộng dòng sản phẩm: Phát triển thêm các phiên bản, mẫu mã mới cho sản phẩm hiện có.
3.3. Thâm nhập thị trường mới (Market penetration)
Chiến lược này tập trung vào việc gia tăng thị phần cho sản phẩm hiện có trên thị trường đang hoạt động, bao gồm:
– Tăng cường quảng cáo, marketing: Nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng mới.
– Khuyến mãi, giảm giá: Kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
– Cải thiện chất lượng dịch vụ: Nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng độ trung thành.
– Mở rộng mạng lưới bán hàng: Tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.
3.4. Đa dạng hóa (Diversification)
Chiến lược này hướng đến việc phát triển sản phẩm mới và thâm nhập thị trường mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và mở rộng cơ hội phát triển, bao gồm:
– Mua lại hoặc sáp nhập doanh nghiệp: Mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới.
– Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp: Tận dụng ý tưởng sáng tạo và công nghệ mới.
– Phát triển các sản phẩm, dịch vụ không liên quan: Mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới tiềm năng.
4. Cách triển khai ma trận Ansoff cho doanh nghiệp
Bước 1: Xác định tình hình hiện tại
Trước tiên, doanh nghiệp cần phân tích và hiểu rõ tình hình hiện tại của mình. Điều này bao gồm:
– Đánh giá thị trường hiện tại: Xác định thị phần, các đối thủ cạnh tranh và nhu cầu của khách hàng. Xác định và đánh giá kích cỡ, tốc độ tăng trưởng, tiềm năng của thị trường hiện tại mà doanh nghiệp đang hướng đến. Đánh giá mức độ cạnh tranh và vị trí của doanh nghiệp trong thị trường này.
– Đánh giá sản phẩm hiện tại: Xác định các sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp và đánh giá chất lượng, hiệu suất và sự hài lòng của khách hàng. Xác định các điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm hiện tại.
– Nghiên cứu thị trường mới và sản phẩm tiềm năng: Tìm hiểu và nghiên cứu các thị trường mới có tiềm năng phát triển và phù hợp với sự mở rộng của doanh nghiệp. Xác định các ý tưởng và khái niệm sản phẩm mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường mới hoặc mang lại giá trị.
Bước 2: Lựa chọn chiến lược tăng trưởng
Như đã nêu ở mục 3, ma trận Ansoff đưa ra 4 chiến lược tăng trưởng chính. Doanh nghiệp cần lựa chọn một hoặc kết hợp nhiều chiến lược dựa trên tình hình cụ thể của mình.
Bảng dưới đây sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp xem xét làm thế nào để phân loại các chiến lược trên và lựa chọn được chiến lược phù hợp.
Chiến lược | Diễn giải |
Phát triển sản phẩm | Ở đây, doanh nghiệp bán nhiều loại sản phẩm khác nhau cho cùng 1 nhóm khách hàng. Bạn có thể: Mở rộng sản phẩm bằng cách tạo nhiều dòng sản phẩm khác nhau hoặc đóng gói bao bì mới cho sản phẩm hiện tại. Phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan trong lĩnh vực dịch vụ, rút ngắn thời gian đưa ra thị trường hoặc cải thiện dịch vụ khách hàng hoặc cải thiện chất lượng. |
Phát triển thị trường | Ở đây, doanh nghiệp nhắm đến thị trường mới, hoặc khu vực mới của thị trường hiện tại. Doanh nghiệp đang cố bán cùng một mặt hàng cho các khách hàng khác nhau. Bạn có thể: Nhắm tới thị trường ở các vùng địa lý khác nhau trong nước hoặc ở nước ngoài. Tiến hành phân tích PEST hoặc sử dụng mô hình khoảng cách CAGE xác định cơ hội và mối đe dọa trên thị trường mới. Sử dụng các kênh bán hàng khác nhau, chẳng hạn như bán hàng trực tuyến hoặc trực tiếp, nếu bạn đang bán hàng thông qua các đại lý hoặc trung gian. Sử dụng phân khúc thị trường nhắm đến các nhóm khách hàng khác nhau, có thể dựa vào độ tuổi, giới tính hoặc hồ sơ nhân khẩu học. Sử dụng marketing hỗn hợp, tìm hiểu xem làm thế nào định vị sản phẩm. |
Thâm nhập thị trường | Với cách tiếp cận này, doanh nghiệp đang cố gắng bán nhiều thứ giống nhau cho cùng một thị trường. Bạn có thể: Xây dựng chiến lược marketing mới, khuyến khích nhiều người hơn lựa chọn bạn.
Giới thiệu chương trình khách hàng trung thành. Giới thiệu chương trình giảm giá hoặc chương trình khuyến mãi đặc biệt khác. Tăng cường hoạt động bán hàng. Sử dụng ma trận Boston, quyết định sản phẩm nào nên đầu tư và không nên xem xét thêm nữa. Mua lại một công ty đối thủ cạnh tranh (đặc biệt tại các thị trường trưởng thành). |
Đa dạng hóa | Chiến lược này rất rủi ro. Thường có rất ít phạm vi để sử dụng chuyên môn hiện có hoặc để đạt được tính kinh tế theo quy mô, bởi doanh nghiệp đang cố gắng bán sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn khác nhau cho khách hàng khác nhau. Ngoài cơ hội mở rộng kinh doanh, lợi thế chính của đa dạng hóa là nếu một doanh nghiệp bị bất lợi, doanh nghiệp khác có thể không bị ảnh hưởng. |
Bước 3: Lập kế hoạch chi tiết
– Xác định mục tiêu cụ thể: Sau khi đã xác định được chiến lược cụ thể, xác định và đặt ra các mục tiêu cụ thể của chiến lược đã chọn, cần xác định mục tiêu có thể đo lường được.
– Lên kế hoạch triển khai và thực hiện:
Tham khảo kế hoạch triển khai và thực hiện của từng chiến dịch như dưới đây để lập kế hoạch triển khai phù hợp với doanh nghiệp và với chiến lược mình đã chọn.
- Chiến lược phát triển sản phẩm
Mục tiêu: Phát triển các sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có cho thị trường hiện tại.
Cách thực hiện:
+ Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
+ Thu thập phản hồi từ khách hàng để cải tiến sản phẩm.
+ Ra mắt các sản phẩm mới với các tính năng cải tiến.
- Chiến lược phát triển thị trường
Mục tiêu: Mở rộng sang các thị trường mới với các sản phẩm hiện tại.
Cách thực hiện:
+ Nghiên cứu và phân tích các thị trường tiềm năng mới.
+ Điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ để phù hợp với thị trường mới.
+ Thiết lập kênh phân phối mới hoặc hợp tác với các đối tác địa phương.
- Chiến lược thâm nhập thị trường
Mục tiêu: Tăng cường thị phần trong thị trường hiện tại với các sản phẩm hiện tại.
Cách thực hiện:
+ Tăng cường các chiến dịch marketing và quảng cáo.
+ Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.
+ Đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
- Chiến lược đa dạng hóa
Mục tiêu: Phát triển các sản phẩm mới cho các thị trường mới.
Cách thực hiện:
+ Xác định các cơ hội kinh doanh mới ngoài lĩnh vực hiện tại.
+ Thực hiện nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng.
+ Phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn toàn mới và thử nghiệm tại các thị trường khác nhau.
– Phân bổ nguồn lực: Xác định các nguồn lực cần thiết (nhân sự, tài chính, công nghệ…) để thực hiện chiến lược.
– Thiết lập thời gian biểu: Đặt ra các mốc thời gian cụ thể để theo dõi tiến độ và điều chỉnh kịp thời.
Bước 4: Triển khai và theo dõi
– Thực hiện kế hoạch: Bắt đầu triển khai các chiến lược đã lựa chọn theo kế hoạch chi tiết.
– Theo dõi và đánh giá: Liên tục theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả của từng chiến lược. Việc theo dõi và đánh giá có thể bao gồm:
+ Số lượng khách hàng mới và doanh số bán hàng tăng sau khi triển khai chiến lược phát triển thị trường hoặc sản phẩm.
+ Phản hồi từ khách hàng và thị trường về các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
+ Đánh giá các hoạt động tiếp thị và quảng cáo để xem xét hiệu quả và đưa ra điều chỉnh.
– Điều chỉnh nếu cần thiết: Dựa trên kết quả theo dõi, điều chỉnh kế hoạch và chiến lược để đạt được mục tiêu mong muốn.
Bước 5: Đánh giá kết quả
– Đánh giá cuối cùng: Sau khi triển khai, đánh giá toàn diện kết quả đạt được so với mục tiêu ban đầu.
– Rút kinh nghiệm: Từ các kết quả và phản hồi, rút ra các bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các chiến lược tương lai.
Một số lưu ý khi triển khai ma trận Ansoff trong doanh nghiệp:
– Thu thập dữ liệu và phân tích để đánh giá thị trường, sản phẩm hiện tại, nghiên cứu thị trường mới và sản phẩm tiềm năng là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong việc triển khai ma trận Ansoff. Doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường, khảo sát ý kiến khách hàng, phân tích dữ liệu thống kê, và đánh giá các yếu tố môi trường liên quan.
– Các nguồn dữ liệu và công cụ phân tích có thể bao gồm:
+ Khảo sát khách hàng để hiểu thêm về nhu cầu của họ.
+ Phân tích dữ liệu thống kê về doanh số bán hàng, tăng trưởng thị trường, và cạnh tranh cũng như hiệu quả của các sản phẩm hiện tại.
+ Nghiên cứu thị trường và xu hướng kinh doanh để xác định tiềm năng và thách thức trong các thị trường mới.
+ Phân tích SWOT để xác định các yếu điểm, mạnh mẽ, cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp.
– Để triển khai ma trận Ansoff nhằm hoạch định chiến lược tăng trưởng/phát triển cho doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa, cần kết hợp với những phần mềm công nghệ chất lượng về quản trị doanh nghiệp. Một trong những ứng dụng giúp các doanh nghiệp quản trị và hoạch định chiến lược phát triển được người dùng đánh giá cao hiện nay là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS.
Trong việc triển khai mô hình Ansoff, việc quản trị và theo dõi liên tục là vô cùng cần thiết. Đây chính là điểm mạnh của nền tảng MISA AMIS, một hệ thống quản trị doanh nghiệp toàn diện, hỗ trợ các chức năng từ kế toán, tài chính, nhân sự đến quản lý dự án. Các lợi ích cụ thể của nền tảng MISA AMIS bao gồm:
– Quản lý dữ liệu tích hợp: MISA AMIS cho phép doanh nghiệp tập trung và tích hợp toàn bộ dữ liệu từ các phòng ban khác nhau vào một nền tảng duy nhất. Điều này giúp việc theo dõi và phân tích dữ liệu trở nên dễ dàng và chính xác hơn, hỗ trợ tốt cho việc ra quyết định dựa trên chiến lược từ ma trận Ansoff.
– Tối ưu hóa quy trình quản lý: Nền tảng MISA AMIS cung cấp các công cụ để tự động hóa quy trình quản lý, từ đó giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu suất công việc. Ví dụ, khi doanh nghiệp áp dụng chiến lược thâm nhập thị trường, việc quản lý và theo dõi chiến dịch tiếp thị sẽ trở nên hiệu quả hơn nhờ các công cụ quản lý dự án và tiếp thị của MISA AMIS.
– Phân tích tài chính và hiệu suất kinh doanh: MISA AMIS cung cấp các báo cáo tài chính chi tiết và trực quan, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi hiệu suất kinh doanh. Khi triển khai các chiến lược phát triển sản phẩm hay phát triển thị trường từ mô hình Ansoff, các báo cáo này sẽ giúp ban lãnh đạo đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược kịp thời.
– Quản trị nhân sự: Việc quản trị nhân sự cũng được tích hợp vào MISA AMIS, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý đội ngũ nhân viên và phân công công việc hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp thực hiện chiến lược đa dạng hóa từ mô hình Ansoff, yêu cầu cần có một đội ngũ nhân viên linh hoạt và có kỹ năng đa dạng.
Hơn 250.000+ doanh nghiệp đã tin chọn MISA AMIS, trong đó có Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Đại học Công nghệ Đồng Nai, Công ty Cổ phần Công nghệ Novatek, Cao đẳng Dầu khí,.. và nhiều khách hàng khác.
Dùng thử và khám phá sức mạnh của MISA AMIS ngay tại đây:
5. Phân tích ma trận Ansoff của Nike
Nike là một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới chuyên sản xuất và kinh doanh đồ thể thao, bao gồm giày dép, quần áo và các thiết bị thể thao. Công ty được thành lập vào năm 1964 bởi Bill Bowerman và Phil Knight, ban đầu hoạt động dưới tên gọi Blue Ribbon Sports. Đến năm 1971, công ty chính thức đổi tên thành Nike, lấy cảm hứng từ nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Trụ sở chính của Nike đặt tại Beaverton, Oregon, Mỹ.
Từ một cửa hàng bán lẻ đầu tiên mở vào năm 1966, đến nay, Nike đã trở thành một thương hiệu toàn cầu với hàng ngàn cửa hàng bán lẻ và đối tác phân phối trên khắp thế giới. Nike nổi tiếng với các sản phẩm giày thể thao hiệu suất cao và đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều vận động viên chuyên nghiệp cũng như người tiêu dùng trên toàn cầu.
Theo báo cáo xếp hạng giá trị thương hiệu thuộc các nhóm ngành của Brand Finance năm 2023, trong lĩnh vực thời trang may mặc, Nike tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu là thương hiệu may mặc có giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu tương đương 31,3 tỷ USD.
Top 10 Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu ngành may mặc của Brand Finance năm 2023, trong đó Nike đứng đầu bảng xếp hạng. Nguồn: Brand Finance. Link: https://brandfinance.com/press-releases/nike-retains-crown-as-worlds-most-valuable-apparel-brand-brand-value-usd31-3-billion
Theo Strategic Analysis Hub, một trang web uy tín chuyên cung cấp các tài liệu phân tích chiến lược của các doanh nghiệp, Nike đã ứng dụng mô hình và ma trận Ansoff vào việc hoạch định chiến lược phát triển từ lâu. Ma trận Ansoff của Nike tập trung vào cả 4 chiến lược chính: Thâm nhập thị trường, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm và đa dạng hóa.
5.1. Chiến lược thâm nhập thị trường của Nike
Chiến lược thâm nhập thị trường trong ma trận Ansoff của Nike được đánh giá là có mức độ rủi ro thấp nhất trong các chiến lược tăng trưởng của công ty này. Nike đã thâm nhập thị trường bằng cách sản xuất cùng một sản phẩm trong cùng một thị trường và phân khúc thị trường với nhiều sản phẩm có các mức giá khác nhau.
Công ty đã cạnh tranh thông qua nhiều cách khác nhau như chiến lược dẫn đầu chi phí đã giúp công ty mở rộng thị trường nhờ bán giày của mình với giá rất thấp và khách hàng luôn bị thu hút bởi giá thấp. Bằng cách này, ngày càng có nhiều khách hàng mua sản phẩm của họ làm tăng thị phần của công ty Nike trên thị trường ngành. Nike còn thực hiện chiến lược thâm nhập thông qua quan hệ đối tác với các kênh phân phối lớn, chẳng hạn như Walmart, Target và Costco, cũng như các cửa hàng bán lẻ NikeTown do công ty sở hữu.
– Tiếp thị tích cực: Nike thực hiện các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo tích cực để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của mình cho thị trường khách hàng hiện tại. Để mở rộng phạm vi tiếp cận của công ty và thu hút sự chú ý của khách hàng, thương hiệu này sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau, như quảng cáo trên truyền hình, báo, tạp chí, các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội.
– Tài trợ sự kiện: Cùng với các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo tích cực, Nike còn tài trợ cho các loại sự kiện thể thao khác nhau trên toàn thế giới. Điều này giúp công ty quảng bá các sản phẩm thể thao của mình và tăng cường sự nhận diện thương hiệu bằng cách kết nối với những người dùng tiềm năng mới.
– Đại sứ thương hiệu: Nike cũng thuê những ngôi sao thể thao hàng đầu thế giới và các nhân vật công chúng làm đại sứ thương hiệu. Họ có lượng người hâm mộ khổng lồ, và ảnh hưởng của họ giúp công ty quảng bá hình ảnh thương hiệu và các sản phẩm của mình.
– Giảm giá khuyến mãi: Nike là một thương hiệu thể thao cao cấp và công ty cung cấp các chương trình giảm giá khuyến mãi vào những sự kiện và dịp đặc biệt để thu hút sự chú ý của khách hàng. Những chương trình này giúp công ty tăng doanh số bán hàng của các sản phẩm hiện tại trong thị trường khách hàng hiện tại.
5.2. Chiến lược phát triển thị trường của Nike
Đây được xem là chiến lược kinh doanh sinh lợi nhất của Nike vì nó hỗ trợ mở rộng tăng trưởng của công ty bằng cách tập trung vào các thị trường và phân khúc khác nhau. Ví dụ, Nike mở các cửa hàng bán lẻ giày ở Châu Phi và Trung Đông để tăng doanh thu và lợi nhuận. Nike cũng đã thực hiện chiến lược phát triển thị trường của mình bằng cách sản xuất các sản phẩm cải tiến và đổi mới tại các thị trường mới chẳng hạn như sản xuất sản phẩm và dịch vụ chuyên cho người tập thể hình.
Để tăng tỷ lệ chấp nhận của thị trường, Nike đã tung ra các biến thể sản phẩm giá thấp hơn ở các nước đang phát triển. Cách tiếp cận chiến lược này giúp công ty khuếch đại thị phần của mình. Nike cũng có một chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối rất mạnh, giúp công ty cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của mình tại các thị trường mới trên toàn cầu.
Cùng với việc bán các sản phẩm trong các cửa hàng bán lẻ của mình, Nike còn bán các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, trong các cửa hàng thương hiệu được ủy quyền, và các cửa hàng bán lẻ khác. Các lựa chọn bán lẻ đa dạng giúp công ty tăng doanh số bán hàng và mở rộng phạm vi thị trường.
5.3. Chiến lược phát triển sản phẩm của Nike
Nike quyết định mang lại những sản phẩm đổi mới cho khách hàng hiện tại của họ thông qua việc thay đổi thiết kế, tính năng hoặc đặc điểm của sản phẩm, để giữ chân khách hàng hiện tại. Họ phát triển các tính năng sản phẩm mới và sáng tạo như thiết kế giày độc đáo và khác biệt mang lại những mẫu giày độc lạ và phiên bản giới hạn như Nike SB Dunk Low ‘Chunky Dunky’, Nike Lebron 9 Low Lebonald Palmer… Mục tiêu chính của kế hoạch tăng trưởng chuyên sâu của Nike là mở rộng thị phần của nhánh công ty giày bằng cách tích hợp các công nghệ mới nhất vào thiết kế và chất lượng của giày thể thao.
– Nghiên cứu và Phát triển: Nike đã đạt được danh tiếng toàn cầu về các sản phẩm chất lượng, tính năng độc đáo và thiết kế sáng tạo và thông minh. Để đạt được tất cả những điều này, Nike đã đầu tư một lượng vốn đáng kể vào phát triển sản phẩm mới. Các thiết kế và tính năng sáng tạo giúp công ty có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
– Biến thể sản phẩm: Nike sản xuất các biến thể sản phẩm khác nhau để nhắm vào các phân khúc khách hàng khác nhau. Công ty phát triển các tính năng chất lượng cao trong các sản phẩm cao cấp dành cho khách hàng cao cấp; và chất lượng hợp lý cho khách hàng quan tâm đến giá cả ở các thị trường khác nhau.
– Lắng nghe phản hồi của khách hàng: Nike chú trọng đến phản hồi và đánh giá của khách hàng trong quá trình phát triển sản phẩm của mình. Điều này cho phép công ty điều chỉnh các sản phẩm hiện có, ra mắt các sản phẩm mới và cải tiến tốt hơn các phiên bản sản phẩm hiện tại.
5.4. Chiến lược đa dạng hóa của Nike
Nike đã đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của họ theo hai chiều ngang và dọc. Với phương pháp đa dạng hóa theo chiều dọc Nike đã ra mắt những mẫu mã sản phẩm giày mới tương tự và dựa trên những sản phẩm đã và hiện có . Còn theo chiều ngang, nghĩa là Nike sẽ tạo ra những mặt hàng hoàn toàn mới như là găng tay bóng đá, quả bóng… Mục tiêu của chiến lược đa dạng hóa này còn là bán sản phẩm mới tại các thị trường mới. Việc tạo ra các cửa hàng NikeTown là một bước để công ty xem việc đa dạng hóa như một chiến lược tăng trưởng chuyên sâu.
6. Kết luận
Với việc sử dụng ma trận Ansoff, các doanh nghiệp có thể xác định được những cơ hội tăng trưởng phù hợp, từ việc đẩy mạnh sản phẩm hiện tại trên thị trường hiện tại hoặc các thị trường mới, cho đến việc phát triển các sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm cũ… Việc lựa chọn chiến lược tăng trưởng phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên, việc áp dụng ma trận Ansoff cũng là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Các nhà quản lý cần có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, sản phẩm và các yếu tố cạnh tranh để có thể đưa ra các quyết định chiến lược tăng trưởng chính xác. Với sự kết hợp giữa ma trận Ansoff và nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS không chỉ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp xác định các chiến lược tăng trưởng phù hợp, mà còn hỗ trợ việc triển khai và theo dõi các chiến lược này một cách hiệu quả và nhất quán, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp.