Ma trận IFE là gì? Cách xây dựng ma trận IFE cho doanh nghiệp

05/08/2024
1658

Ma trận IFE là một trong những công cụ hỗ trợ phân tích chiến lược có tính ứng dụng cao cho doanh nghiệp trong hầu hết mọi lĩnh vực. Bằng việc phân tích thông qua các yếu tố môi trường bên trong, các doanh nghiệp có thể đánh giá được tình hình nội tại, xác định những điểm mạnh và điểm yếu then chốt, từ đó giúp doanh nghiệp có thể hoạch định được các chiến lược kinh doanh và quản trị phù hợp. 

1. Ma trận IFE là gì? 

Ma trận IFE hay ma trận đánh giá các yếu tố nội bộ (tiếng Anh là Internal Factor Evaluation Matrix) là một công cụ quản trị chiến lược được dùng để đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu chính trong từng phương diện hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ma trận này còn giúp xác định và đánh giá mối quan hệ giữa các phòng ban với nhau. Nói ngắn gọn, ma trận IFE được dùng để xây dựng chiến lược cho công ty.

Yếu tố nội bộ được xem là rất quan trọng trong mỗi chiến lược kinh doanh và các mục tiêu mà doanh nghiệp đã đề ra, sau khi xem xét các yếu tố nội bộ, nhà quản trị chiến lược cần lập ma trận các yếu tố này nhằm xem xét khả năng năng phản ứng và nhìn nhận những điểm mạnh, yếu. Từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa điểm mạnh để khai thác và chuẩn bị nội lực đối đầu với những điểm yếu, tìm ra các phương thức cải tiến điểm yếu này. 

2. Lợi ích của việc sử dụng ma trận IFE

Việc sử dụng ma trận IFE mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp, bao gồm:

Lợi ích ma trận IFE
Lợi ích của việc sử dụng ma trận IFE

– Đánh giá tình hình nội bộ: Ma trận IFE giúp doanh nghiệp đánh giá tổng quan về các yếu tố nội bộ ảnh hưởng đến hiệu suất và cạnh tranh của mình trong ngành.

– Nhận diện điểm mạnh và yếu: Bằng cách phân tích điểm của từng yếu tố, doanh nghiệp có thể nhận diện được điểm mạnh để tận dụng cũng như điểm yếu để cải thiện. 

– Xác định chiến lược phát triển: Kết quả từ ma trận IFE cung cấp thông tin cần thiết để định hình chiến lược phát triển, từ việc tận dụng điểm mạnh đến khắc phục điểm yếu. Từ đó, ma trận IFE giúp doanh nghiệp xây dựng và thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững.

– Tăng cường tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp có thể sử dụng ma trận IFE để có cái nhìn chiến lược sâu hơn về bản thân và thị trường, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và hiệu quả.

– Cải thiện hiệu suất: Bằng cách tập trung vào các yếu tố quan trọng và điểm mạnh của mình, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hiệu suất nội bộ và tăng cường cạnh tranh.

TẢI MIỄN PHÍ: 8 MẪU CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP 2024

3. Ma trận IFE bao gồm những nhân tố nào?

Những nhân tố trong ma trận IFE bao gồm:

Nhân tố ma trận IFE
Những nhân tố trong ma trận IFE

– Key internal factors (Nhân tố chính bên trong): bao gồm điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp

– Weight (Trọng số): chấm điểm mức độ quan trọng của nhân tố chính từ 0-1

– Rating (Xếp hạng): xếp hạng các yếu tố từ 1-4 để thể hiện điểm mạnh/điểm yếu

– Weighted Score (Điểm): Tích giữa Weight và Rating để xác định điểm quan trọng cho mỗi biến số

– Variable (Biến số): các nhân tố bên trong tác động đến tổ chức (thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, kênh phân phối, sản phẩm, tài chính, nhân sự,…).

4. Ưu điểm và hạn chế của ma trận IFE

4.1. Ưu điểm

Dưới đây là một số ưu điểm của ma trận IFE:

– Đánh giá các yếu tố nội bộ một cách có hệ thống: Ma trận IFE phân chia các yếu tố nội bộ thành từng nhóm và chấm điểm cho từng yếu tố, từ đó giúp doanh nghiệp ưu tiên cải thiện những lĩnh vực cần thiết.

– Hiển thị trực quan tác động của các yếu tố nội bộ: Ma trận IFE cho phép đánh giá nhanh chóng và trực quan về điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể ưu tiên các mục tiêu và mục đích cần đạt được.

– Hỗ trợ xây dựng kế hoạch chiến lược: Ma trận IFE giúp xác định các cơ hội tiềm năng, từ đó doanh nghiệp có thể lập kế hoạch để tận dụng những cơ hội này.

– Liên quan chặt chẽ với các công cụ khác: Ma trận IFE phối hợp tốt với các công cụ phân tích khác như phân tích SWOT (Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội, Thách thức) và phân tích TOWS (Thách thức, Cơ hội, Điểm yếu, Điểm mạnh). Điều này giúp doanh nghiệp có được cái nhìn toàn diện về tình hình của mình.

– Cung cấp nền tảng cho các phân tích sâu hơn: Ma trận IFE là nền tảng để xây dựng Ma trận Nội – Ngoại (Ma trận IE), giúp doanh nghiệp đánh giá đồng thời các yếu tố bên trong và bên ngoài để đưa ra chiến lược phù hợp.

4.2. Hạn chế 

Bên cạnh ưu điểm, phương pháp ma trận IFE cũng có một số hạn chế trong việc đánh giá các yếu tố nội bộ của doanh nghiệp, cụ thể:

– Tính chủ quan: Ma trận IFE là một công cụ đánh giá dựa trên ý kiến đánh giá, vì vậy việc xác định điểm mạnh, điểm yếu và trọng số của các yếu tố có thể không hoàn toàn khách quan. Điều này có thể dẫn đến những điểm số tổng thể bị thiên kiến và cho ra kết quả không chính xác.

– Bỏ qua yếu tố bên ngoài: Ma trận IFE chỉ tập trung vào các yếu tố bên trong doanh nghiệp mà không tính đến những yếu tố bên ngoài quan trọng như môi trường cạnh tranh, tình hình kinh tế, xu hướng thị trường… Do đó, thông tin thu được từ ma trận IFE có thể không đầy đủ và thậm chí gây hiểu lầm.

– Không tính đến sự thay đổi: Ma trận IFE không xem xét đến sự thay đổi và phát triển của doanh nghiệp theo thời gian. Các yếu tố nội bộ có thể mạnh lên hoặc yếu đi, vì vậy sử dụng ma trận IFE mà không tính đến sự thay đổi này có thể dẫn đến những kết luận không chính xác khi xây dựng chiến lược.

5. Các bước xây dựng ma trận IFE cho doanh nghiệp

Theo cuốn sách Khái luận về Quản trị chiến lược của Tiến sĩ Fred R. David – bậc thầy trong nghiên cứu và giảng dạy về quản trị chiến lược có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, với ba cuốn sách giáo khoa chính thống về quản trị chiến lược đã được sử dụng tại khoảng 400 trường cao đẳng và đại học trên toàn thế giới, trong đó có Đại học Harvard và Đại học Duke, để xây dựng ma trận IFE chúng ta phải trải qua 5 bước sau đây:

Quy trình xây dựng IFE
Các bước xây dựng ma trận IFE cho doạn nghiệp

– Bước 1: Xác định các nhân tố then chốt (Key Internal Factors)

+ Kiểm tra toàn bộ hoạt động kinh doanh của bạn và liệt kê cả điểm mạnh và điểm yếu trong từng lĩnh vực.

+ Nên liệt kê từ 10 đến 20 yếu tố, nhưng càng nhiều yếu tố đưa vào ma trận IFE thì càng tốt. Số lượng yếu tố không ảnh hưởng đến tổng điểm có trọng số vì tổng trọng số luôn bằng 1. Tuy nhiên, việc liệt kê nhiều yếu tố sẽ giúp giảm thiểu sai sót do đánh giá chủ quan.

+ Liệt kê điểm mạnh trước, sau đó đến điểm yếu. Cần cụ thể và khách quan nhất có thể. Ví dụ, bạn có thể sử dụng tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ và các số liệu so sánh.

– Bước 2: Đánh giá trọng số (Weight)

+ Sau khi xác định được các điểm mạnh và điểm yếu (là phần cốt lõi của Ma trận IFE), hãy gán trọng số cho từng yếu tố, trong phạm vi từ 0,00 đến 1,00.

+ Trọng số của một yếu tố cho biết tầm quan trọng tương đối của yếu tố đó: 0 nghĩa là không quan trọng, 1 nghĩa là cực kỳ quan trọng.

+ Nếu bạn sử dụng hơn 10 yếu tố, có thể dễ dàng gán trọng số hơn bằng cách sử dụng thang điểm từ 0 đến 100 thay vì 0,00 đến 1,00.

+ Bất kể yếu tố then chốt là điểm mạnh hay điểm yếu bên trong, các yếu tố có tầm quan trọng lớn nhất đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nên được gán trọng số cao nhất.

+ Sau khi gán trọng số cho từng yếu tố, đảm bảo tổng của tất cả các trọng số bằng 1,00 (hoặc 100 nếu sử dụng thang điểm 0 đến 100).

+ Trọng số được gán cho một yếu tố cho biết tầm quan trọng tương đối của yếu tố đó đối với thành công trong ngành của công ty. Trọng số phụ thuộc vào ngành nghề.

– Bước 3: Xếp hạng (Rating)

+ Gán điểm cho mỗi yếu tố theo thang điểm từ 1 đến X. Thang điểm tùy thuộc vào bạn. Thông thường, các nhà thực hành sử dụng thang điểm từ 1 đến 4.

+ Điểm đánh giá cho biết liệu yếu tố đó là một điểm yếu chính (điểm = 1), điểm yếu nhỏ (điểm = 2), điểm mạnh nhỏ (điểm = 3) hay điểm mạnh chính (điểm = 4). Nếu bạn sử dụng thang điểm từ 1 đến 4, thì điểm mạnh phải được đánh giá là 4 hoặc 3 và điểm yếu phải được đánh giá là 1 hoặc 2.

+ Lưu ý, trọng số được xác định ở bước trước dựa trên ngành nghề. Đánh giá dựa trên tình hình cụ thể của công ty bạn.

– Bước 4: Tính toán

Bây giờ chúng ta có thể tính toán trong ma trận IFE của doanh nghiệp. Nhân trọng số của mỗi yếu tố với điểm đánh giá của nó. Điều này sẽ cung cấp cho bạn điểm có trọng số cho mỗi yếu tố.

– Bước 5: Tổng hợp

Bước cuối cùng trong việc xây dựng ma trận IFE là cộng các điểm có trọng số cho từng yếu tố. Đây là tổng điểm có trọng số cho doanh nghiệp của bạn.

*Đánh giá ma trận IFE: Không kể ma trận IFE có bao nhiêu yếu tố, tổng điểm quan trọng có thể được phân loại từ thấp nhất là 1,0 cho đến cao nhất là 4,0 và trung bình là 2,5. Tổng điểm quan trọng thấp hơn 2,5 cho thấy công ty yếu về nội bộ và cao hơn 2,5 cho thấy công ty mạnh về nội bộ.

6. Ví dụ về ma trận IFE của doanh nghiệp

6.1. Ví dụ về ma trận IFE của một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa

Đánh giá: Tổng số điểm quan trọng là 2,90 lớn hơn 2,5, cho thấy nội bộ của doanh nghiệp mạnh các điểm nổi bật hơn so với đối thủ trong ngành. 

Yếu tố chủ yếu Tầm quan trọng Trọng số Tính điểm
Điểm hòa vốn giảm từ 2 triệu sản phẩm xuống 1 triệu sản phẩm 0,15 3 0,45
Tuổi thọ sản phẩm tăng 10%, và tỉ lệ hàng lỗi giảm xuống 12% 0,10 3 0,03
Năng suất tăng từ 2.500 lên 3.000 sản phẩm/ công nhân/ năm 0,10 3 0,03
Tái cấu trúc cơ cấu, giúp đưa ra những quyết định phù hợp 0,15 3 0,45
Dịch vụ sau bán hàng tốt hơn đối thủ cạnh tranh trong ngành 0,10 4 0,4
Ngân sách đầu tư R&D tăng lên 80 tỉ trong năm giúp cải thiện về hình ảnh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm 0,15 3 0,45
Tỉ số Nợ/ VCSH tăng lên đạt 45% 0,10 1 0,1
Đưa nhà máy mới xây dựng vào sản xuất giúp giảm 20% chi phí đầu vào 0,05 3 0,15
Giảm số lượng nhân viên quản lí và công nhân thừ 3000 xuống còn 2500 0,05 3 0,15
Giảm giá thành đơn vị xuống còn 90.000/ sản phẩm 0,05 3 0,15
Tổng số điểm 2,90

6.2. Ví dụ về ma trận IFE của Công ty Coca-Cola

Theo cuốn sách “Strategy Analysis of Coca-Cola” (tạm dịch: Phân tích chiến lược của Coca-Cola) của tác giả Md.Ismail Hossain, Đại học Dhaka, ma trận IFE của Coca-Cola được phân tích như sau:

STT Điểm mạnh của Coca-Cola Trọng số Đánh giá Điểm trọng số
1 Hình ảnh thương hiệu mạnh 0,11 3 0,33
2 Thị phần lớn nhất 0,12 4 0,48
3 Danh mục thương hiệu mạnh 0,05 3 0,15
4 Lòng trung thành của khách hàng cao 0,09 3 0,27
5 Mạng lưới phân phối rộng khắp 0,05 3 0,15
6 Đầu tư vào marketing và quảng cáo 0,02 2 0,04
7 Giá trị công ty cao 0,02 4 0,08
Điểm yếu của Coca-Cola
1 Vấn đề liên quan đến nước 0,1 3 0,3
2 Doanh thu giảm 0,18 3 0,54
3 Đa dạng hóa sản phẩm tương đối ít 0,07 3 0,21
4 Thiếu các đồ uống lành mạnh 0,12 2 0,24
5 Vấn đề với sự biến động của ngoại tệ 0,03 4 0,12
6 Điều chỉnh theo nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng 0,04 3 0,12
Tổng số điểm 1 3.03

Đánh giá chung: Tổng số điểm quan trọng là 3,03 lớn hơn 2,5, cho thấy nội bộ của Coca-Cola có nhiều điểm nổi bật mạnh hơn so với đối thủ trong ngành. 

Cụ thể, từng yếu tố điểm mạnh, điểm yếu trong bảng ma trận IFE của Coca-Cola được phân tích cụ thể nguyên nhân và đánh giá như sau:

Về điểm mạnh:

STT Điểm mạnh của Coca-Cola Lý do cho trọng số và đánh giá
1 Hình ảnh thương hiệu mạnh Hình ảnh thương hiệu rất quan trọng để được khách hàng chấp nhận rộng rãi và do đó trọng số tương đối cao 0.11. Mặt khác, công ty khá thành công trong việc duy trì hình ảnh thương hiệu này mặc dù có các thương hiệu mạnh khác như Pepsi. Do đó, đánh giá ở đây là 3.
2 Thị phần lớn nhất Công ty đã có thể chiếm lĩnh một thị phần lớn và đang tiếp tục duy trì điều này, điều rất quan trọng đối với công ty. Do đó, điểm số là 0.12. Công ty có thể duy trì và chiếm lĩnh thị trường lớn nên đánh giá ở đây là 4.
3 Danh mục thương hiệu mạnh Để tồn tại trên thị trường, bạn phải mở rộng danh mục liên tục. Coca-Cola cũng đang mở rộng danh mục liên tục. Nhưng các đối thủ khác cũng rất mạnh ở đây. Vì vậy, trong trường hợp này, điểm số là 0.05 và đánh giá là 3.
4 Lòng trung thành của khách hàng cao Lòng trung thành của khách hàng rất quan trọng đối với hiệu suất nhất quán. Coca-Cola cũng rất mạnh ở vị trí này nhưng các đối thủ của nó cũng có lòng trung thành của khách hàng cao. Do đó có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực này. Vì vậy, điểm số ở đây là 0.09 và đánh giá là 3.
5 Mạng lưới phân phối rộng khắp Mạng lưới phân phối rất quan trọng đối với cấu trúc chi phí của một công ty và công ty có một mạng lưới phân phối tốt. Vì vậy, điểm số ở đây là 0.05 và đánh giá là 3.
6 Đầu tư vào marketing và quảng cáo Chi phí marketing và quảng cáo rất quan trọng đối với lợi nhuận của một công ty và Coca-Cola phải đầu tư vào đây thường xuyên. Nhưng doanh thu của nó không tăng liên tục. Vì vậy, có cơ hội để cải thiện hiệu quả. Do đó, điểm số ở đây là 0.02 và đánh giá là 2.
7 Giá trị công ty cao Giá trị của một công ty rất quan trọng đối với các nhà đầu tư và nó đã tăng nhanh chóng. Vì vậy, điểm số ở đây là 0.02 và đánh giá là 4.

Về điểm yếu:

STT Điểm yếu của Coca-Cola Lý do cho trọng số và đánh giá
1 Vấn đề quan điểm nước Vấn đề nước là một trong những điểm yếu quan trọng nhất của Coca-Cola. Công ty đã đối mặt với vấn đề này trong một thời gian dài (khoảng 1/3 số nhà máy đóng chai của Coca‑Cola nằm ở những khu vực khan hiếm nước sạch…) và cũng đã có một số sáng kiến. Vì vậy, điểm số ở đây là 0.10 và đánh giá là 3.
2 Doanh thu giảm Đây là điểm yếu chính của công ty Coca-Cola và có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự giảm sút này. Coca-Cola đã thực hiện nhiều loại sáng kiến khác nhau để cải thiện doanh thu của mình. Do đó, trọng số là 0.18 và đánh giá là 3.
3 Đa dạng hóa sản phẩm tương đối ít Sản phẩm của Coca-Cola ít đa dạng hơn ngoài các loại nước giải khát so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng công ty đang trong quá trình đa dạng hóa. Vì vậy, trọng số ở đây là 0.07 và đánh giá là 3.
4 Thiếu các đồ uống lành mạnh Đây là mối quan tâm quan trọng của mọi người và họ ngày càng chú trọng đến sức khỏe nhưng Coca-Cola không rất chủ động trong lĩnh vực này. Vì vậy, trọng số là 0.12 và đánh giá là 2.
5 Vấn đề với sự biến động của ngoại tệ Đây là vấn đề phổ biến với các công ty đa quốc gia và Coca-Cola đang xử lý ổn định nhưng có thể có nguy cơ thua lỗ. Do đó, trọng số là 0.03 và đánh giá là 4.
6 Điều chỉnh theo nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng Đáp ứng nhu cầu của khách hàng rất quan trọng trong một thế giới đang thay đổi và điều này rất cần thiết nhưng Coca-Cola đang cố gắng ứng phó với nó. Vì vậy, trọng số ở đây là 0.04 và đánh giá là 3.

Đánh giá chung: Điểm mạnh quan trọng nhất của Coca-Cola là hình ảnh thương hiệu và mức độ nhận diện thương hiệu cao. Thương hiệu này hiện diện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới và có mức độ phổ biến rất cao. Coca-Cola cũng chiếm thị phần lớn nhất khoảng 48% trong ngành công nghiệp đồ uống.

Thương hiệu coca cola
Coca Cola – Một trong những thương hiệu nước giải khát lớn nhất thế giới

Một điểm mạnh khác của Coca-Cola là danh mục sản phẩm mạnh mẽ. Để cạnh tranh với các loại đồ uống lành mạnh, công ty đã giới thiệu các sản phẩm như Diet Coke, Coke Zero Sugar, Fanta Orange Zero, Lilt Zero, Schweppes Diet Lemonade, và Powerade Zero. Họ đã đưa ra các lựa chọn ít calo cho gần như tất cả các sản phẩm chính và nổi tiếng của mình.

Bằng cách này, Coca-Cola sở hữu một số điểm mạnh đáng kể giúp họ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các loại đồ uống có hương vị của Coca-Cola có mức độ trung thành của khách hàng rất cao. Một lý do quan trọng nữa đằng sau sự hiện diện quốc tế ấn tượng của Coca-Cola là mạng lưới phân phối mạnh mẽ. Coca-Cola sử dụng các chiến lược marketing và quảng cáo độc đáo.

Họ đầu tư lớn vào marketing và quảng cáo cũng như tương tác với khách hàng. Từ video marketing viral đến các chiến dịch truyền thông xã hội, Coca-Cola đã sử dụng tất cả những điều này để thu hút khách hàng. Công ty cũng giành được sự công khai thông qua tài trợ và các phương pháp khác. Hiện được định giá ở mức 83,84 tỷ USD, Coca-Cola có giá trị thương hiệu cao. Đây là những điểm mạnh chính của Coca-Cola và cũng là lý do đằng sau sự thành công của doanh nghiệp.

Bên cạnh một số điểm mạnh thì doanh nghiệp cũng đang tồn tại nhiều điểm yếu làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nước, thiếu các đồ uống lành mạnh và vấn đề với sự biến động của ngoại tệ. 

Ở nhiều nơi trên thế giới, nước là một nguồn tài nguyên hạn chế. Nước cũng là một trong những thành phần chính trong các sản phẩm của Coca-Cola. Công ty đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích liên quan đến các vấn đề quản lý nước. Trong quá khứ, Coca-Cola đã bị chỉ trích nặng nề về việc tiêu thụ nước. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang phải đối phó với các vấn đề liên quan đến quản lý nước và đang đầu tư vào bảo tồn nước cùng với các biện pháp khác để ứng phó với khủng hoảng nước. 

Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới chú trọng hơn đến các đồ uống lành mạnh và xa dần các đồ uống có ga, trong khi Coca-Cola là nhà sản xuất đồ uống có ga lớn nhất. Ngoài ra, vấn đề với sự biến động của ngoại tệ cũng là một điểm yếu đáng lưu tâm của Công ty Coca-Cola. Tổ chức này kiếm thu nhập, trả chi phí, mua tài nguyên và có các khoản vay nợ ở nhiều quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn tiền tệ khác ngoài đô la Mỹ, như đồng Euro, Yên Nhật, đồng Reais Brazil, đồng Peso Mexico…

Vì các báo cáo tài chính hợp nhất của công ty được trình bày bằng đô la Mỹ, Coca-Cola phải chuyển đổi thu nhập, tiền lương và chi phí, và thêm vào các tài nguyên và nợ, vào đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái trong suốt thời gian báo cáo. Hơn nữa, việc chuẩn bị bảng cân đối kế toán bằng đô la Mỹ được coi là một thách thức lớn đối với công ty. Mặc dù đô la Mỹ tăng mạnh trong thời gian qua nhưng đây là điểm yếu lớn do sự không chắc chắn của thị trường tiền tệ ở các quốc gia đã hoặc có nguy cơ cao chiến tranh, độc tài, thao túng tiền tệ…

7. Kết hợp công nghệ và ma trận IFE trong xây dựng chiến lược kinh doanh và quản trị

Ma trận IFE là một trong những phương pháp, công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về môi trường nội bộ, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh và quản trị phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này còn có nhiều hạn chế như tính chủ quan; không tính đến sự thay đổi (các yếu tố nội bộ có thể mạnh lên hoặc yếu đi theo thời gian); bỏ qua các yếu tố bên ngoài như môi trường cạnh tranh, tình hình kinh tế, xu hướng thị trường… Vì vậy, thông tin thu được từ ma trận IFE có thể không đầy đủ, chính xác và thậm chí gây hiểu lầm. Do đó, doanh nghiệp cần kết hợp với việc sử dụng những giải pháp công nghệ về quản trị doanh nghiệp khác để có thể phân tích tình hình nội bộ một cách chính xác nhất, từ đó mới có thể xây dựng được những chiến lược kinh doanh và quản trị tối ưu. 

Một trong những ứng dụng giúp các doanh nghiệp nâng cao và tối ưu công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh “bách chiến bách thắng” được đánh giá cao hiện nay đó là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS

Với khả năng tích hợp toàn diện các chức năng từ quản lý tài chính, nhân sự, bán hàng đến chăm sóc khách hàng, MISA AMIS cung cấp cho doanh nghiệp một cái nhìn toàn cảnh và chi tiết về hoạt động của mình, từ đó thấy được các điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp một cách chính xác nhất. 

Dùng thử miễn phí

Kết hợp sử dụng bộ giải pháp MISA AMIS cùng phương pháp ma trận IFE sẽ giúp các nhà quản lý không chỉ nắm bắt chính xác tình hình hiện tại mà còn dự đoán được các xu hướng phát triển, từ đó đề ra những chiến lược kinh doanh phù hợp. Với hệ thống báo cáo và phân tích dữ liệu mạnh mẽ, MISA AMIS giúp doanh nghiệp thường xuyên nhìn nhận được những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần cải thiện. Nhờ vậy, các chiến lược quản trị cũng được tối ưu hóa, giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thị trường mà còn vượt lên trên đối thủ cạnh tranh.

Trải nghiệm ngay phần mềm MISA AMIS tại đây:


8. Kết luận

Xây dựng ma trận IFE là một quá trình không thể thiếu trong việc hoạch định chiến lược của doanh nghiệp. Kết quả từ ma trận IFE cung cấp những thông tin quan trọng về điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức, làm cơ sở để doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực nội bộ, hạn chế những điểm yếu và phát huy tối đa những điểm mạnh. Việc kết hợp giữa phương pháp ma trận IFE với những giải pháp công nghệ quản trị doanh nghiệp hiện đại như MISA AMIS sẽ là cơ sở vững chắc giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến lược kinh doanh và quản trị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả