Người Nhật luôn được cả thế giới ngưỡng mộ vì thái độ làm việc cũng như tính kỷ luật cao trong công việc. Dưới đây là những bài học quản trị doanh nghiệp đã được thực hiện và kiểm nghiệm tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Nhật mà bất kì lãnh đạo nào cũng nên tham khảo học tập.
1. Liên tục cải tiến trong việc quản trị
Liên tục cải tiến bộ máy để quản trị doanh nghiệp hiệu quả là một trong những nguyên tắc hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nguyên tắc này đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn nỗ lực cải thiện lề lối của nhân viên. Do xã hội vận động không ngừng nên việc cải tiến cũng không bao giờ được dừng lại. Bên cạnh đó, cấp lãnh đạo cũng cần tạo điều kiện để cho nhân viên của mình phát huy và đóng góp vào quá trình cải tiến công việc.
2. Tăng cường phối hợp giữa các bộ phận
Mỗi bộ phận, phòng ban hoạt động một cách riêng rẽ, tách rời, chỉ chú ý đến lợi ích của bộ phận mình thì sẽ không thể đem lại hiệu quả cho toàn doanh nghiệp. Tăng cường sự trao đổi, kết nối giữa các bộ phận trong doanh nghiệp là trách nhiệm của những người đứng đầu. Chỉ khi các bộ phận phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả, thì năng suất công việc và lợi ích chung mới có thể tăng trưởng và thành công sẽ đến với doanh nghiệp.
3. Để nhân viên có quyền phát biểu, đóng góp ý kiến
Một trong những trách nhiệm khác của người quản trị là đảm bảo cho tất cả các thành viên trong một tập thể đều được nêu lên ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề chung trong doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện cho các nhân viên viên trình bày ý kiến của mình nhiều hơn trong các cuộc họp.
Việc phát biểu ý kiến và lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh sẽ giúp cho nhân viên ngày một hoàn thiện bản thân hơn, giúp cho quản lý hiểu được nhân viên hơn, từ đó, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các nhân viên cho các kế hoạch sau này
4. Tích cực làm việc đội nhóm
Hình thức làm việc đội nhóm là một trong những cách quản lý nhân sự được đánh giá cao tại Nhật Bản. Phương pháp này giúp cho quản lý thúc đẩy được sự liên kết giữa các nhân viên với nhau, tăng cường sự đoàn kết nhằm thực hiện mục tiêu chung của tập thể, tăng năng suất lao động. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân với nhau tạo nên sức mạnh tập thể và mang đến hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp.
5. Thực hiện luân chuyển nhân viên giỏi
Hầu hết, các nhà quản lý thường có xu hướng muốn giữ nhân viên giỏi ở bên cạnh mình mà không muốn điều chuyển sang các bộ phận khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc luân chuyển nhân viên giỏi sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho toàn thể công ty. Đây cũng là cách giúp cho những nhân viên giỏi được thể hiện năng lực và thử sức nhiều hơn, giúp nhân viên giỏi ngày càng phát triển và cống hiến được nhiều hơn cho công ty.
6. Mệnh lệnh phải đi kèm với thời hạn
Một mệnh lệnh được đưa ra mà không đi kèm với thời gian hoàn thành thì sẽ không phải là một mệnh lệnh đúng nghĩa. Mỗi khi giao việc cho nhân viên, quản lý luôn phải đưa ra một thời hạn hay lịch trình cụ thể và yêu cầu nhân viên cần theo sát lịch trình này. Việc không đưa ra một thời hạn nhất định để hoàn thành công việc chính là lý do khiến cho công việc bị chậm trễ, không đúng hạn, giảm hiệu quả công việc.
7. Không nên la mắng
Một quy tắc cũng là bài học quản trị được đặt ra đối với tập đoàn xe hơi lớn thứ hai thế giới Toyota đó là các nhà quản lý không được quát tháo hay đe dọa trừng phạt nhân viên khi có sai sót xảy ra. Sở dĩ, việc quát tháo hay trừng phạt nhân viên khi mắc lỗi lầm sẽ khiến cho nhân viên có xu hướng che giấu những sai sót, không dám thừa nhận và báo cáo về việc mình đã gây ra. Như vậy, doanh nghiệp cũng như nhân viên sẽ không rút ra được bài học, không tìm được nguyên nhân và sửa đổi phù hợp.
Bên cạnh đó, việc quát mắng và chỉ trích không khiến cho nhân viên trở nên tốt hơn mà chỉ khiến họ thêm mặc cảm, tự ti và mất đi tinh thần làm việc.
8. Quan tâm đến nhân viên
Quan tâm đến nhân viên là một trong những bài học về quản trị nhân sự của người Nhật. Đây là những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc “giữ chân” nhân viên. Thay vì chỉ đưa ra những mệnh lệnh, yêu cầu và ép nhân viên phải thực hiện, những câu quan tâm, hỏi han hay động viên, khích lệ sẽ là những món quà tinh thần to lớn mà lãnh đạo dành cho nhân viên của mình, khích lệ họ làm việc và cống hiến nhiều hơn cho công ty.
Bên cạnh những phương pháp quản trị truyền thống, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật cũng đang hướng đến những phương pháp quản trị mới nhằm tăng năng suất, tăng tính sáng tạo và đổi mới quy trình quản trị để hoạt động hiệu quả hơn, trong đó, có cả việc sử dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại.