Định lượng và định tính là gì? Phân biệt nghiên cứu định lượng và định tính

02/07/2024
791

Trong nghiên cứu khoa học và kinh doanh, định lượng và định tính là hai phương pháp chủ chốt để thu thập và phân tích dữ liệu. Mỗi phương pháp có cách tiếp cận và mục tiêu riêng, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, khách hàng và hoạt động nội bộ.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt, ưu nhược điểm và cách áp dụng của cả hai phương pháp định lượng và định tính, từ đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ra quyết định chiến lược cho doanh nghiệp.

1. Định lượng (Quantitative Research)

1.1. Định lượng là gì?

Định lượng (Quantitative Research) là phương pháp nghiên cứu dựa trên số liệu và dữ liệu đo lường cụ thể. Thông qua các bảng hỏi, khảo sát, thí nghiệm, phương pháp này thu thập những con số cụ thể để xác định mẫu và xu hướng.

Nói đơn giản, định lượng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự việc thông qua các con số. Điều này giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định dựa trên dữ liệu thực tế, đánh giá hiệu quả hoạt động và dự đoán xu hướng tương lai.

1.2. Dữ liệu định lượng là gì?

Dữ liệu định lượng là loại dữ liệu được biểu diễn dưới dạng số liệu, có thể đo lường và phân tích bằng các công cụ thống kê. Dữ liệu định lượng bao gồm các con số, tỷ lệ, phần trăm… 

Ví dụ, số lượng khách hàng mua sắm trong một ngày, doanh thu hàng tháng hay điểm số đánh giá của khách hàng đều là dữ liệu định lượng. 

Dữ liệu định lượng có 2 loại chính:

  • Dữ liệu rời rạc (Discrete Data): là loại dữ liệu chỉ nhận các giá trị nguyên. Ví dụ như số lượng nhân viên, số lượng sản phẩm. Nếu một cửa hàng bán được 50 chiếc áo thun trong một ngày, số 50 là dữ liệu rời rạc vì không có giá trị trung gian giữa các con số nguyên.
  • Dữ liệu liên tục (Continuous Data): là loại dữ liệu có thể nhận bất kỳ giá trị nào trong một khoảng liên tục. Ví dụ: chiều cao, cân nặng, nhiệt độ trong ngày. Cân nặng của một người có thể là 50 kg hoặc 50.5 kg, cho thấy dữ liệu liên tục có thể chia đến các giá trị nhỏ trong khoảng đo lường.

Tải miễn phí: 10 BIỂU MẪU & DASHBOARD GIÚP CEO KIỂM SOÁT QUY TRÌNH VÀ HIỆU SUẤT LÀM VIỆC TỔNG THỂ

1.3. Các kỹ thuật phân tích trong nghiên cứu định lượng

Dưới đây là ba kỹ thuật chính được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu định lượng:

Phân tích hồi quy (Regression Analysis)

Phân tích hồi quy được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều biến số. Hồi quy tuyến tính là một trong những phương pháp phổ biến nhất, cho phép dự đoán giá trị của một biến (biến phụ thuộc) dựa trên giá trị của một hoặc nhiều biến khác (biến độc lập). Các bước trong phân tích hồi quy bao gồm:

  • Xác định biến phụ thuộc và biến độc lập
  • Xây dựng mô hình hồi quy
  • Đánh giá mô hình

Ví dụ, bạn có thể sử dụng hồi quy tuyến tính để dự đoán doanh thu bán hàng dựa trên chi phí quảng cáo và giá sản phẩm.

Phân tích mô tả (Descriptive Analysis)

Phân tích mô tả là kỹ thuật giúp tóm tắt và trình bày dữ liệu theo cách dễ hiểu. Phương pháp này thường sử dụng các chỉ số thống kê cơ bản:

  • Trung bình: giá trị trung bình của tập dữ liệu
  • Trung vị: giá trị nằm giữa tập dữ liệu khi sắp xếp theo thứ tự
  • Độ lệch chuẩn: đo lường sự phân tán của dữ liệu quanh giá trị trung bình
  • Tần suất: Số lần xuất hiện của các giá trị trong tập dữ liệu

Ví dụ, khi phân tích doanh thu hàng tháng, bạn có thể tính trung bình doanh thu, xác định tháng có doanh thu cao nhất và thấp nhất, sau đó xem xét sự phân tán của doanh thu qua các tháng. Biểu đồ cột, biểu đồ tròn và dashboard là những công cụ phổ biến trong phân tích mô tả, giúp trực quan hóa dữ liệu một cách hiệu quả.

Đặc biệt đối với nhà quản lý, bảng dashboard giúp tổng hợp thông tin nhanh chóng, cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ ra quyết định kịp thời và chính xác. 

Dữ liệu định lượng được sử dụng để tạo các dashboard
Dashboard Tài chính – Kế toán trên phần mềm MISA AMIS

MISA AMIS là phần mềm quản trị doanh nghiệp toàn diện, bao gồm các phân hệ như Tài chính – Kế toán, Marketing – Bán hàng, Quản trị nhân sự, Văn phòng số (Quản lý công việc, quy trình, tài sản,…).

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu toàn bộ hoạt động vận hành để gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, phần mềm hỗ trợ phân tích định lượng bằng cách thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá tình hình tài chính, tối ưu hóa quy trình, quản lý hiệu quả nguồn lực và đưa ra các quyết định chiến lược dựa trên dữ liệu chính xác.

Đăng ký ngay

Phân tích nhân tố (Factor Analysis)

Phân tích nhân tố là kỹ thuật được sử dụng để giảm số lượng biến số và xác định các cấu trúc tiềm ẩn trong dữ liệu. Phương pháp này giúp nhóm các biến có liên quan lại với nhau thành các nhân tố chung. Các bước trong phân tích nhân tố bao gồm:

  • Xác định các biến cần phân tích
  • Trích xuất các nhân tố
  • Xoay các nhân tố (điều chỉnh các nhân tố để dễ diễn giải hơn)

Ví dụ, khi khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng, bạn có thể sử dụng phân tích nhân tố để xác định các nhân tố chính ảnh hưởng đến độ hài lòng của khách hàng, ví dụ như chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá cả… Kỹ thuật này giúp đơn giản hóa dữ liệu và nhận diện các yếu tố quan trọng.

1.4. Ưu – nhược điểm của nghiên cứu định lượng

Ưu điểm của nghiên cứu định lượng:

  • Độ chính xác cao: Sử dụng số liệu cụ thể mang lại độ chính xác cao, phương pháp này thường sử dụng các công cụ, kỹ thuật và phương pháp thống kê để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu.
  • Khả năng tổng quát hóa: Kết quả của nghiên cứu định lượng thường được so sánh và tổng quát hóa. Các kết quả này có thể đại diện cho toàn bộ mẫu, giúp đưa ra kết luận có tính khả thi cao.
  • Khách quan và rõ ràng: Giảm thiểu sự chủ quan và thiên vị của người nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc sử dụng các con số cụ thể giúp cho ra kết quả rõ ràng và có thể kiểm chứng lại.

Nhược điểm của nghiên cứu định lượng:

  • Thiếu chiều sâu: Khó xác định được nguyên nhân và ý nghĩa sâu xa của các hiện tượng, chủ yếu tập trung vào số liệu.
  • Hạn chế ngữ cảnh: Các con số và thống kê không phản ánh được bối cảnh và tình huống phức tạp trong thực tế.
  • Chi phí và thời gian: Thu thập dữ liệu từ mẫu lớn thường tốn kém và mất nhiều thời gian, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về thống kê và phần mềm phân tích dữ liệu.

1.5. Khi nào nên sử dụng nghiên cứu định lượng?

  • Đo lường và phân tích dữ liệu số liệu: Khi cần các kết quả cụ thể và có thể đo lường, ví dụ: phân tích doanh số bán hàng trong tháng.
  • Kiểm định giả thuyết: Khi cần xác nhận các giả thuyết hoặc dự đoán, ví dụ: kiểm tra xem quảng cáo mới có tăng doanh số không.
  • Tổng quát hóa kết quả: Khi cần áp dụng kết quả từ mẫu nghiên cứu lên toàn bộ mẫu, ví dụ: khảo sát 1000 người để suy ra thói quen tiêu dùng của phân khúc đó.
  • So sánh và xác định xu hướng: Khi cần so sánh dữ liệu qua các nhóm hoặc thời gian và xác định xu hướng, ví dụ: phân tích doanh số hàng quý để xác định xu hướng mua sắm.
  • Ra quyết định dựa trên số liệu: Khi cần dữ liệu cụ thể để hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh, ví dụ: sử dụng khảo sát nhân viên để quyết định chính sách làm việc từ xa.

TẢI NGAY: 10 BIỂU MẪU “BSC & KPI TINH GỌN” CHO NHÀ QUẢN LÝ TỪ CHIẾN LƯỢC ĐẾN THỰC THI

2. Định tính (Qualitative Research)

2.1. Định tính là gì?

Định tính (Qualitative Research) là phương pháp nghiên cứu tập trung vào việc thu thập và phân tích dữ liệu phi số liệu như văn bản, hình ảnh, âm thanh… để hiểu sâu hơn các hiện tượng, hành vi.

Mục tiêu của nghiên cứu định tính là khám phá và diễn giải các ý nghĩa, cảm xúc, trải nghiệm của con người, cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vấn đề nghiên cứu.

2.2. Dữ liệu định tính là gì?

Dữ liệu định tính là loại dữ liệu không đo lường được bằng số, mà thường biểu hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc video. Loại dữ liệu này giúp trả lời các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào,” bổ sung cho các phát hiện từ nghiên cứu định lượng.

Ví dụ về dữ liệu định tính: kết quả phỏng vấn cảm nhận của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm, hình ảnh quay lại hành vi khách hàng đi mua sắm và tương tác với các vật dụng trong cửa hàng…

2.3. Các kỹ thuật phân tích trong nghiên cứu định tính

Dưới đây là ba kỹ thuật chính được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu định tính:

Phỏng vấn sâu (In-depth Interviews)

Phỏng vấn sâu là kỹ thuật thu thập thông tin chi tiết từ các cá nhân thông qua câu hỏi mở. Phương pháp này cho phép đi sâu vào suy nghĩ, cảm nhận và kinh nghiệm của người tham gia. Các bước trong phỏng vấn sâu bao gồm:

  • Chọn đối tượng phỏng vấn: Người có kinh nghiệm hoặc quan điểm phù hợp.
  • Thiết kế câu hỏi mở: Khuyến khích chia sẻ tự nhiên và chi tiết.
  • Tiến hành phỏng vấn: Trong môi trường thoải mái, ghi âm hoặc ghi chép lại cuộc trò chuyện.
  • Phân tích dữ liệu: Chuyển đổi nội dung ghi âm thành văn bản, mã hóa và phân tích để tìm ra các chủ đề, mẫu và ý nghĩa nổi bật.

Ví dụ: Một công ty có thể phỏng vấn khách hàng về trải nghiệm sử dụng một sản phẩm mới để hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn và cảm nhận của họ.

Phân tích nội dung (Content Analysis)

Phân tích nội dung là kỹ thuật phân tích tài liệu, văn bản, hình ảnh hoặc video để xác định các mẫu, chủ đề và ý nghĩa. Để thực hiện phương pháp này cần:

  • Thu thập tài liệu: Thu thập các nguồn tài liệu phù hợp với chủ đề nghiên cứu như bài viết, báo cáo, email, và ghi chú.
  • Mã hóa dữ liệu: Phân loại và mã hóa các đoạn văn bản theo các chủ đề hoặc danh mục đã xác định trước.
  • Phân tích mẫu và chủ đề: Xem xét các mẫu và chủ đề xuất hiện trong dữ liệu để tìm ra các ý nghĩa và kết luận quan trọng.

Ví dụ: Một công ty có thể phân tích nội dung các bài viết review (đánh giá) sản phẩm trên mạng xã hội để nhận diện chủ đề chính mà khách hàng quan tâm.

Quan sát (Observation)

Quan sát là kỹ thuật thu thập dữ liệu bằng cách theo dõi và ghi nhận hành vi, hoạt động của con người trong môi trường tự nhiên mà không can thiệp vào quá trình đó. Cụ thể:

  • Xác định mục tiêu quan sát
  • Chọn địa điểm và đối tượng quan sát
  • Ghi chép chi tiết về các hành vi, hoạt động và tương tác một cách khách quan
  • Phân tích dữ liệu

Ví dụ: Một công ty có thể quan sát cách khách hàng tương tác với sản phẩm trong cửa hàng để hiểu rõ hơn hành vi mua sắm, từ đó cải thiện cách trưng bày và tiếp thị sản phẩm.

2.4. Ưu – nhược điểm của nghiên cứu định tính

Ưu điểm của nghiên cứu định tính

  • Hiểu sâu về hiện tượng: Nghiên cứu định tính cho phép hiểu sâu về các hiện tượng, cảm xúc, và quan điểm của con người thông qua việc phỏng vấn sâu, quan sát và các phương pháp khác.
  • Khám phá các quan điểm mới: Nghiên cứu định tính rất linh hoạt, có thể điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh và đối tượng nghiên cứu, giúp khám phá những khía cạnh hoặc khái niệm mới và không ngờ tới của vấn đề nghiên cứu.
  • Đa dạng hóa dữ liệu: Nghiên cứu định tính sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như phỏng vấn, quan sát, tài liệu, giúp có cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về vấn đề nghiên cứu.

Nhược điểm của nghiên cứu định tính

  • Thiếu tính đại diện: Do thường chỉ nghiên cứu một số ít trường hợp, kết quả nghiên cứu định tính có thể không đại diện cho toàn bộ mẫu, dẫn đến khó khăn trong việc tổng quát hóa kết quả.
  • Tốn thời gian, công sức: Việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu định tính thường tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với nghiên cứu định lượng.
  • Chủ quan: Dữ liệu nghiên cứu định tính có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của người nghiên cứu, dẫn đến việc phân tích dữ liệu mang tính chủ quan.

2.5. Khi nào nên sử dụng nghiên cứu định tính?

  • Khám phá các hiện tượng mới: Khi cần hiểu rõ hơn về các hiện tượng, hành vi hoặc quan điểm mà chưa có nhiều nghiên cứu trước đó. Ví dụ, khi một công ty muốn hiểu tại sao khách hàng thích một sản phẩm mới, họ có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
  • Hiểu sâu về trải nghiệm và cảm xúc: Khi cần hiểu rõ về trải nghiệm, cảm xúc và quan điểm cá nhân của người tham gia. Ví dụ, khi nghiên cứu về trải nghiệm của bệnh nhân trong bệnh viện, nhà nghiên cứu có thể sử dụng các buổi thảo luận nhóm hoặc phỏng vấn cá nhân để thu thập những câu chuyện và cảm nhận chi tiết từ bệnh nhân về quá trình điều trị.
  • Nghiên cứu trong bối cảnh tự nhiên: Khi cần quan sát hành vi và tương tác trong môi trường tự nhiên của người tham gia. Ví dụ, một nhà nghiên cứu muốn hiểu rõ hành vi mua sắm của khách hàng trong siêu thị có thể sử dụng phương pháp quan sát, theo dõi cách khách hàng lựa chọn sản phẩm, tương tác với các kệ hàng và đưa ra quyết định mua sắm.

3. Quy trình nghiên cứu định lượng và định tính

Bước 1: Xác định vấn đề nghiên cứu

Xác định vấn đề nghiên cứu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu. Ở bước này, người nghiên cứu cần xác định mục tiêu, vấn đề một cách rõ ràng, cụ thể. Điều này giúp định hướng toàn bộ quá trình và đảm bảo rằng các bước tiếp theo sẽ được thực hiện một cách có hệ thống và logic. 

Bước 2: Lựa chọn phương pháp nghiên cứu

Trong bước này, người nghiên cứu lựa chọn phương pháp phù hợp với mục tiêu của mình, có thể là khảo sát, phỏng vấn sâu hoặc quan sát. Cách thức thu thập dữ liệu cũng được quyết định ở giai đoạn này, bao gồm việc sử dụng bảng câu hỏi, ghi âm phỏng vấn hay ghi chép, quan sát.

Bước 3: Thu thập dữ liệu

Thu thập dữ liệu là giai đoạn quan trọng để có được thông tin cần thiết cho việc phân tích sau này. Người nghiên cứu phải xác định mẫu nghiên cứu, bao gồm số lượng mẫu và phương thức chọn mẫu. Sau đó, tiến hành thu thập dữ liệu theo kế hoạch đã đề ra, có thể là phân phối bảng câu hỏi, thực hiện phỏng vấn hoặc quan sát các tình huống thực tế. Dữ liệu thu thập cần đầy đủ, chính xác để đảm bảo kết quả nghiên cứu đáng tin cậy.

Bước 4: Phân tích dữ liệu

Phân tích dữ liệu là bước mà các phương pháp phân tích khác nhau được áp dụng để xử lý và giải thích dữ liệu đã thu thập. Đối với nghiên cứu định lượng, dữ liệu sẽ được làm sạch, mã hóa và đưa vào các công cụ phân tích như công cụ SPSS hoặc R để phân tích dữ liệu.

Trong nghiên cứu định tính, dữ liệu được mã hóa và phân loại theo các chủ đề, sau đó phân tích các mẫu và chủ đề nổi bật để tìm ra các ý nghĩa quan trọng. Một số phần mềm phổ biến cho phân tích định lượng là MAXQDA hoặc nVivo.

>> Xem thêm: Ra quyết định dựa trên dữ liệu

Bước 5: Diễn giải kết quả

Ở bước này người nghiên cứu cần giải thích các phát hiện từ quá trình phân tích trên. Kết quả phân tích được so sánh với giả thuyết hoặc mục tiêu ban đầu để xác định xem giả thuyết có được chấp nhận hay không. Nhà nghiên cứu cần đưa ra các kết luận dựa trên dữ liệu đã phân tích, giải thích ý nghĩa của các kết quả này và đưa ra khuyến nghị phù hợp.

Bước 6: Báo cáo kết quả

Bước cuối cùng trong quy trình nghiên cứu là báo cáo kết quả. Báo cáo cần bao gồm đầy đủ các phần: giới thiệu, phương pháp, kết quả và thảo luận. Kết quả nghiên cứu phải được trình bày rõ ràng và logic, sử dụng biểu đồ, bảng biểu để minh họa cho các phát hiện quan trọng. Báo cáo cũng cần giải thích chi tiết các kết luận và khuyến nghị, giúp người đọc hiểu rõ và áp dụng các phát hiện của nghiên cứu vào thực tiễn.

4. Phân biệt nghiên cứu định lượng và định tính

Tiêu chí Nghiên cứu định lượng Nghiên cứu định tính
Mục tiêu
  • Kiểm tra lý thuyết và giả thuyết 
  • Khám phá mối quan hệ nhân quả 
  • Có thể đo lường được 
  • Có cấu trúc hơn
  • Khám phá ý tưởng 
  • Xây dựng giả thuyết 
  • Phát triển sự hiểu biết về các hiện tượng 
  • Chủ quan và mô tả hơn 
  • Mô tả các hiện tượng phức tạp 
Câu hỏi nghiên cứu Những câu hỏi mang tính kết luận hơn như Cái gì, Khi nào, Ở đâu 

Ví dụ: Mối quan hệ giữa chi phí quảng cáo và doanh số bán hàng là gì?

Các câu hỏi mang tính khám phá như Thế nào hoặc Tại sao 

Ví dụ: Tại sao khách hàng thích sản phẩm A hơn sản phẩm B?

Cỡ mẫu  Lớn Nhỏ
Dữ liệu
  • Có cấu trúc 
  • Có thể đo lường được 
  • Dạng số
  • Không có cấu trúc 
  • Không thể đo lường và định lượng
  • Có thể là văn bản, hình ảnh, âm thanh
Phương pháp thu thập dữ liệu Bảng câu hỏi, thí nghiệm, khảo sát với thang đánh giá hoặc câu hỏi đóng Phỏng vấn sâu, quan sát, câu hỏi mở
Phân tích Sử dụng các phương pháp thống kê và phần mềm phân tích (SPSS, R) Mã hóa, phân loại theo chủ đề, phân tích nội dung

5. Kết luận

Nghiên cứu định lượng cung cấp số liệu khách quan, dễ tổng quát hóa, còn nghiên cứu định tính giúp hiểu sâu về bối cảnh và ý nghĩa đằng sau các hiện tượng. Kết hợp cả hai phương pháp này sẽ mang lại góc nhìn toàn diện, giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định chiến lược chính xác và hiệu quả hơn.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả