Lạm phát là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế

09/09/2023
1244

Lạm phát là gì? Lạm phát là một cụm từ được sử dụng phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ về lạm phát cũng như những nguyên nhân và sự ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu chi tiết hơn.

1. Lạm phát là gì? Phân loại lạm phát

1.1. Lạm phát là gì?

Trong kinh tế vĩ mô, lạm phát (inflation) là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Lạm phát có thể gây ra nhiều vấn đề như giảm sức mua của người tiêu dùng, giảm giá trị tiền tiết kiệm và sự bất ổn trong các hoạt động kinh tế. 

Ví dụ về lạm phát: Trong điều kiện bình thường, giá một bát phở tại Hà Nội là 30.000 VNĐ, khi xảy ra tình trạng lạm phát thì giá tô phở tăng lên 35.000 VNĐ.

Điểm 2 điều 3 Luật Ngân hàng nhà nước quy định: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Điểm 4 điều 3 Luật Ngân hàng nhà nước: Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

lạm phát là gì

1.2. Phân loại lạm phát

Lạm phát được phân chia thành 03 mức độ khác nhau: 

  • Lạm phát tự nhiên: Tỷ lệ lạm phát từ 0 – 10%/năm. Với mức lạm phát này, các hoạt động của nền kinh tế vẫn diễn ra bình thường, đời sống của người dân vẫn được diễn ra ổn định.
  • Lạm phát phi mã: Tỷ lệ lạm phát từ 10% – dưới 1000%/năm. Khi ở mức độ này, kinh tế đất nước sẽ gặp nhiều biến động và đồng tiền bị mất giá trầm trọng dẫn đến thị trường tài chính bị phá vỡ.
  • Siêu lạm phát: Tỷ lệ lạm phát trên 1000%/năm. Khi xảy ra siêu lạm phát, nền kinh tế quốc gia sẽ gặp phải những thảm họa khó có thể khôi phục lại trạng thái bình thường.

2. Các nguyên nhân phổ biến của lạm phát là gì?

2.1. Lạm phát do tiền tệ

Khi lượng tiền lưu hành trong nước tăng lên, có thể do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ để ổn định giá trị của đồng tiền quốc gia so với ngoại tệ hoặc thực hiện chính sách tăng cung tiền (mua công trái) theo yêu cầu của nhà nước làm lượng tiền lưu thông tăng lên và gây ra hiện tượng lạm phát.

2.2. Lạm phát do cầu kéo

Khi nhu cầu thị trường về một sản phẩm cụ thể tăng, giá của sản phẩm đó thường cũng tăng lên. Tuy nhiên, tác động này có thể lan rộng sang các sản phẩm khác, dẫn đến sự tăng giá trên hầu hết các loại hàng hóa. Hiện tượng lạm phát do sự tăng nhanh về nhu cầu tiêu dùng thường được gọi là “lạm phát do cầu kéo.”

Ví dụ tại Việt Nam, khi giá xăng tăng lên sẽ làm tăng giá cước vận chuyển của các xe hàng và dẫn đến sự tăng giá của các loại hàng hóa như: thịt lợn, các sản phẩm nông sản và nhiều mặt hàng khác.

2.3. Lạm phát do chi phí đẩy

Chi phí đẩy của các doanh nghiệp bao gồm các yếu tố như tiền lương, giá nguyên liệu đầu vào, máy móc, thuế… Khi giá của một hoặc một số yếu tố này tăng sẽ làm cho tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Do đó, để bảo toàn lợi nhuận, các doanh nghiệp thường phải tăng giá sản phẩm. Hiện tượng này dẫn đến sự tăng mức giá chung trên toàn nền kinh tế và được gọi là “lạm phát do chi phí đẩy”.

2.4. Lạm phát do cầu thay đổi

Khi trên thị trường xảy ra tình huống mà nhu cầu về một sản phẩm nào đó giảm đi trong khi nhu cầu đối với sản phẩm khác tăng lên và nếu có sự tồn tại của người cung cấp độc quyền và giá của họ không thay đổi (giá không giảm xuống, ví dụ như giá điện ở Việt Nam) thì giá của sản phẩm có nhu cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó, sản phẩm có nhu cầu tăng sẽ có giá tăng thêm dẫn đến mức giá chung tăng lên và gây ra hiện tượng lạm phát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát

3. Công thức tính lạm phát

Lạm phát là một hiện tượng kinh tế phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến giá trị đồng tiền và đời sống của mọi người dân. Có nhiều cách khác nhau để đo lường tỷ lệ lạm phát, trong đó các chỉ số kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giảm phát GDP đóng vai trò chủ chốt. Những phương pháp tính toán này giúp đánh giá chính xác mức độ biến động của giá cả trong nền kinh tế, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định hợp lý.

  • Tính lạm phát dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Để tính lạm phát bằng CPI, ta sẽ dựa vào sự biến đổi giá của một giỏ hàng hóa thiết yếu mà người dân thường xuyên sử dụng. Mặc dù đối với một hộ gia đình, chỉ cần một vài loại hàng hóa là đủ, nhưng ở cấp độ quốc gia, CPI thường tính toán dựa trên hơn 600 loại hàng hóa và dịch vụ. Để đơn giản, các cơ quan thống kê chọn ra những mặt hàng phổ biến và thiết yếu để làm cơ sở tính toán chỉ số này. Công thức tính tỷ lệ lạm phát dựa trên CPI là:

Tỷ lệ lạm phát kỳ hiện tại = (Giá trị chỉ số CPI cuối cùng / Giá trị CPI ban đầu) x 100

Ví dụ: Giả sử chỉ số CPI vào các năm 2023 và 2024 lần lượt là 99 và 108 thì tỷ lệ lạm phát từ 2023 đến 2024 sẽ là: 

(108 / 99) x 100 = 109,09 %

  • Tính lạm phát dựa theo chỉ số giảm phát GDP

Ngoài CPI, lạm phát còn có thể được đo lường bằng chỉ số giảm phát GDP. Chỉ số này tính toán dựa trên mức tăng giá trung bình của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế. Để tính tỷ lệ lạm phát qua chỉ số giảm phát GDP, ta có công thức:

Tỷ lệ lạm phát năm hiện tại so với năm liền trước= [(Chỉ số giảm phát GDP năm hiện tại – Chỉ số giảm phát GDP năm liền trước) / Chỉ số giảm phát GDP năm liền trước] x 100

Ví dụ: Giả sử chỉ số giảm phát GDP vào năm 2024 và 2023 lần lượt là 108 và 99, thì tỷ lệ lạm phát năm 2024 so với năm 2023 sẽ là:

[(108 – 99) / 99] x 100 = 9,09 %

Công thức tính lạm phát dựa theo chỉ số giảm phát GDP
Công thức tính lạm phát dựa theo chỉ số giảm phát GDP

4. Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lạm phát là gì?

Lạm phát là một hiện tượng kinh tế phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và nền kinh tế của mỗi quốc gia. Để hiểu và tính toán được tỷ lệ lạm phát, chúng ta cần quan tâm đến một số yếu tố cơ bản. Trong đó, giá cả hàng hóa và số lượng hàng hóa được mua là hai yếu tố quan trọng nhất.

  • Giá cả của hàng hóa:

Giá cả hàng hóa đóng vai trò quyết định trong việc tính toán tỷ lệ lạm phát. Khi giá cả của các sản phẩm và dịch vụ tăng lên theo thời gian, chi phí để mua cùng một lượng hàng hóa trở nên cao hơn, dẫn đến sự mất giá của đồng tiền. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một công cụ phổ biến để đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa theo thời gian. Vì vậy, sự biến động của giá cả hàng hóa là một yếu tố quan trọng cần xem xét trong việc đánh giá mức độ lạm phát.

  • Số lượng hàng hóa được mua

Ngoài giá cả, số lượng hàng hóa được mua cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát. Khi cầu tăng trong khi cung không đáp ứng kịp, giá cả có xu hướng tăng lên, góp phần thúc đẩy lạm phát. Ngược lại, nếu cầu giảm hoặc nguồn cung tăng mạnh, áp lực lên giá cả sẽ giảm, giúp kiểm soát lạm phát. Do đó, sự thay đổi trong lượng hàng hóa được tiêu thụ trên thị trường là một yếu tố cần thiết để đánh giá chính xác mức độ lạm phát trong nền kinh tế.

5. Tác động của lạm phát đến nền kinh tế Việt Nam

5.1. Tác động của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế

Lạm phát nhẹ có thể hỗ trợ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng cao, nó có thể dẫn đến những tác động bất lợi cho nền kinh tế và xã hội, bao gồm:

  • Chênh lệch giữa cung và cầu: Tỷ lệ chênh lệch giữa cung và cầu trên thị trường có thể tạo ra sự không ổn định trong sức mua, sản lượng và giá cả của hàng hóa và dịch vụ.
  • Tạo ra sự phân hoá xã hội: Việc tăng giá các loại hàng hóa có thể tạo ra sự phân hoá giữa giàu và nghèo trong xã hội. Nhiều người đầu cơ, trục lợi từ sự tăng giá và ngày càng trở nên giàu hơn, trong khi đó người nghèo lại càng khó tiếp cận với hàng hóa thiết yếu và gặp phải tình cảnh khó khăn hơn trong tài chính.
  • Ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế: Lạm phát có thể giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi vì giá cả của hàng hóa và dịch vụ tăng, đặc biệt là giá nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất. Điều này có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng khủng hoảng và suy giảm.

5.2. Tác động của lạm phát đến sản xuất

Lạm phát có tác động lớn đến hoạt động sản xuất. Điều này xuất phát từ việc nhiều mặt hàng nguồn cung cho quá trình sản xuất tăng giá, dẫn đến sự tăng giá cả của sản phẩm.

Ngược lại, những người cung cấp nguyên vật liệu hoặc nguồn cung cho sản xuất có thể nhận được nhiều lợi ích từ lạm phát. Họ thường tìm cách tăng lượng dự trữ nguồn cung với mong muốn đẩy giá sản phẩm lên cao hơn dẫn đến việc tích trữ, dồn ép hàng hóa ngày càng tăng lên.

5.3. Tác động của lạm phát đến thu nhập và việc làm

Do tác động của lạm phát, nhu cầu tiêu dùng và chi phí của người dân thường sẽ tăng lên. Điều này thường dẫn đến yêu cầu tăng lương của người lao động, bởi họ cần mức thu nhập cao hơn để đối phó với giá cả ngày càng leo thang.

Tuy nhiên, thực tế có thể xảy ra tình huống khi tốc độ tăng lương của người lao động không đuổi kịp tốc độ tăng giá của các sản phẩm, dịch vụ và hàng hoá trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến mất cân đối thu nhập và giá cả, do vậy người lao động cần phải được tăng lương để duy trì chất lượng cuộc sống.

Khi lạm phát kéo dài, nó có thể tạo ra sự không ổn định trên thị trường lao động, tạo ra sự khoảng cách ngày càng xa về thu nhập và mức sống giữa các tầng lớp trong xã hội.

Lạm phát kéo dài sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường lao động
Lạm phát kéo dài sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường lao động

6. Một số giải pháp kiểm soát lạm phát

6.1. Giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông

Một trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát là sự mất giá của đồng tiền. Để kiểm soát lạm phát, có một số biện pháp có thể thực hiện. Do đó cần ngừng phát hành tiền để giảm việc đưa thêm tiền vào lưu thông, từ đó giảm cung lượng tiền. Đồng thời thực hiện nâng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tiền gửi nhằm thúc đẩy người dân gửi tiền vào ngân hàng để kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế.

Ngoài ra, có thể thực hiện tăng thuế tiêu dùng. Việc tăng thuế trên một số sản phẩm và dịch vụ có thể giảm nhu cầu tiêu dùng cá nhân, đồng thời đẩy thêm hàng hoá và dịch vụ vào thị trường trong nước.

6.2. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Bên cạnh việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, một giải pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát là thúc đẩy cung hàng hoá bởi nguyên nhân lớn gây lạm phát cao chính là do cung quá thấp so với cầu. Chỉ khi có đủ hàng hoá để đáp ứng nhu cầu của người dân, tỷ lệ lạm phát mới có khả năng giảm đi.

Do đó, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo lượng cung ngang bằng với mức cầu hoặc thấp hơn so với cầu để giảm tỷ lệ lạm phát.

Trên đây là tổng hợp các nội dung liên quan đến lạm phát là gì? Tác động của lạm phát đến nền kinh tế Việt Nam hi vọng sẽ giúp anh chị hiểu đầy đủ và chi tiết hơn về lạm phát.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác cho các doanh nghiệp hiện nay.

Dùng ngay miễn phí


 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả