Tín dụng tiêu dùng là gì? Tín dụng tiêu dùng có những đặc điểm, lợi ích hay những rủi ro như thế nào. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu bài viết dưới đây để làm rõ những nội dung kể trên.
1. Định nghĩa tín dụng tiêu dùng là gì?
Theo quy định tại khoản 6 điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.
Người tiêu dùng sử dụng khoản tín dụng đó để chi tiêu cho các mục đích cá nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của mình. Tín dụng tiêu dùng sẽ không yêu cầu người vay không phải thế chấp bất cứ một loại tài sản nào mà chỉ cần chứng minh được thu nhập. Việc cấp tín dụng sẽ được dựa trên khả năng thanh toán của người vay và lịch sử tín dụng của họ.
Tín dụng tiêu dùng bao gồm các khoản tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, fintech và một số tổ chức tài chính khác. Người tiêu dùng thường phải trả lại khoản tiền vay theo kế hoạch trả góp với lãi suất được xác định trước.
Tín dụng tiêu dùng được coi là giải pháp thanh toán linh hoạt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sử dụng tín dụng tiêu dùng một cách có trách nhiệm, người tiêu dùng cần quản lý tài chính cẩn thận, đảm bảo khả năng trả nợ đúng hẹn và tránh tích tụ nợ không kiểm soát.
>> Đọc thêm: Cá nhân cho công ty vay tiền không lấy lãi có bị ấn định thuế không?
2. Đặc điểm của tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng bao gồm những đặc điểm dưới đây:
- Không yêu cầu tài sản đảm bảo: Tín dụng tiêu dùng không yêu cầu người vay phải cung cấp tài sản như nhà đất hoặc xe ô tô làm đảm bảo cho khoản vay. Điều này giúp người vay tiếp cận tiền một cách dễ dàng hơn.
- Đa dạng mục đích sử dụng: Khoản tiền vay từ tín dụng tiêu dùng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm mua sắm, đi du lịch, trả học phí, sửa chữa nhà cửa, hoặc thậm chí giải quyết tình huống khẩn cấp như chi trả viện phí.
- Thời hạn linh hoạt: Tín dụng tiêu dùng thường có thời hạn linh hoạt, từ vài tháng đến vài năm. Người vay có thể lựa chọn khoảng thời gian trả nợ phù hợp với tình hình tài chính của họ.
- Lãi suất cố định hoặc biến đổi: Người vay có thể chọn khoản vay có lãi suất cố định – tức là lãi suất không thay đổi trong suốt thời kỳ vay, hoặc có thể chọn lãi suất biến đổi – tức là lãi suất có thể thay đổi theo chỉ số thị trường.
- Phê duyệt dựa trên lịch sử tín dụng: Người vay cần có lịch sử tín dụng tích cực để được chấp nhận cho khoản tín dụng tiêu dùng. Lịch sử tín dụng xác định khả năng vay và lãi suất áp dụng.
- Các lựa chọn thanh toán linh hoạt: Người vay thường có sự linh hoạt trong việc chọn lựa hình thức thanh toán, bao gồm trả tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng, hoặc trả qua thẻ tín dụng.
- Khả năng vay lại sau khi trả nợ: Sau khi đã thanh toán khoản vay, người vay thường có khả năng vay lại từ nguồn tín dụng tiêu dùng nếu cần thiết và duy trì được lịch sử tín dụng tốt.
Những đặc điểm này thể hiện tính linh hoạt và tiện lợi của tín dụng tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng trả nợ và quản lý tài chính của mình để tránh gặp phải những khó khăn trong việc thanh toán nợ.
3. Điều kiện hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng
Căn cứ theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, điều kiện hoạt động tín dụng tiêu dùng đối với công ty tài chính tiêu dùng được quy định như sau:
a) Các điều kiện quy định tại Điều 9 và/hoặc Điều 12 Nghị định 39/2014/NĐ-CP
- Công ty tài chính được cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này (điều 9 Nghị định 39/2014/NĐ-CP), bao gồm các điều kiện cụ thể dưới đây:
– Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động ngân hàng được ghi trong Giấy phép.
– Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ-CP)
- Căn cứ điều 12 Nghị định 39/2014/NĐ-CP quy định: Công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 39/2014/NĐ-CP
Đối với công ty tài chính được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định 39/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được bổ sung hoạt động phát hành thẻ tín dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 39/2014/NĐ-CP với các điều kiện sau:
– Các điều kiện quy định tại Điểm c, d, đ Khoản 2 Điều 11 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Tuân thủ các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro liên tục trong tất cả các quý của năm liền kề trước năm đề nghị được bổ sung hoạt động;
+ Tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 01 năm liền kề tính từ thời điểm đề nghị bổ sung hoạt động trở về trước.
– Hoạt động kinh doanh có lãi liên tục ít nhất trong 02 năm liền kề trước năm đề nghị bổ sung hoạt động;
b) Dư nợ tín dụng tiêu dùng tối thiểu chiếm 70% tổng dư nợ cấp tín dụng hoặc một tỷ lệ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
4. Các hoạt động của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng
Căn cứ theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP quy định:
“Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động quy định tại Điểm a, e Khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng, Điều 6, 7, 8, 9, 12 và Điều 14 Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này, trừ các hoạt động quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 2 Điều này.”
Cụ thể công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được phép thực hiện các hoạt động như:
- Nhận tiền gửi của tổ chức;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;
(Điểm a, e Khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng)
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định
- Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện
- Vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện
- Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng
- Phát hành thẻ tín dụng
(Theo Điều 6, 7, 8, 9, 12 và Điều 14 Nghị định 39/2014/NĐ-CP)
Bên cạnh các hoạt động được thực hiện kể trên, căn cứ theo quy định tại Điểm a, b và c Khoản 2 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sẽ không được thực hiện các hoạt động như:
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua bán trái phiếu doanh nghiệp
- Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh
- Ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện cấp tín dụng.
>> Đọc thêm: Vay vốn ngân hàng – Bí quyết vay vốn thành công cho doanh nghiệp
5. Rủi ro khi vay tín dụng tiêu dùng
Khi quyết định vay tín dụng tiêu dùng, chúng ta cần nắm rõ về các rủi ro liên quan. Một trong những rủi ro quan trọng nhất là lãi suất cao. Tín dụng tiêu dùng thường có lãi suất cao hơn so với các khoản vay có tài sản đảm bảo như vay mua nhà hay ô tô. Điều này có nghĩa là, trong quá trình trả nợ, người tiêu dùng có thể phải trả một khoản lãi suất lớn, làm tăng tổng số tiền cần phải trả. Do đó, việc lên kế hoạch trả nợ cẩn thận là rất quan trọng để tránh bị nợ tích tụ và xảy ra những áp lực tài chính không cần thiết.
Tích tụ nợ là một rủi ro khác khi sử dụng tín dụng tiêu dùng một cách không kiểm soát. Người tiêu dùng có thể dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của việc mua sắm và tiêu tiền mà không có kế hoạch cụ thể. Khi đó các khoản tín dụng tích tụ và không thể trả nợ đúng hẹn, lãi suất cao cùng với sự tích tụ nợ có thể dẫn đến tình trạng xấu cho kế hoạch tài chính cá nhân.
Ngoài ra, khả năng thanh toán yếu cũng là một rủi ro. Nếu người tiêu dùng bị mất khả năng thanh toán do mất việc làm, chi tiêu y tế bất ngờ hoặc các khả năng tài chính khác.. thì người tiêu dùng có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc thanh toán nợ. Các tổ chức tín dụng có thể áp dụng các biện pháp thu hồi nợ dẫn đến việc tài sản cá nhân bị tịch thu để đền bù cho khoản nợ chưa trả.
Tóm lại, việc sử dụng tín dụng tiêu dùng có lợi ích nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Để tránh rơi vào tình huống tài chính khó khăn, quản lý tài chính một cách cẩn thận và chỉ sử dụng tín dụng khi người tiêu dùng thực sự thấy cần thiết và có khả năng trả nợ đúng hẹn nhằm hạn chế các rủi ro không cần thiết.