Báo cáo tài chính là đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nó vừa là cơ sở để phân tích, phát hiện tiềm năng về kinh tế vừa giúp xác định xu hướng hoạt động của một doanh nghiệp. Để đảm bảo người đọc báo cáo tài chính ngoài việc có thể đọc hiểu được bản chất, sự biến động các chỉ tiêu, hiểu về cơ cấu của từng chỉ tiêu, rủi ro về mất cân bằng tài chính trong ngắn hạn cũng như dài hạn thì tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các thông tin công bố trên các báo cáo tài chính là vô cùng cần thiết.
Vì vậy, việc nhận diện một cách hiệu quả các thủ thuật trong làm đẹp báo cáo tài chính là điều cần thiết đối với bất kỳ nhà đầu tư, cổ đông hoặc các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính khác như nhà cung cấp, khách hàng…
Bài viết này sẽ tiếp tục tổng hợp thêm một số thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước thường hay vận dụng để “xào nấu” thông tin nhằm làm đẹp BCTC. Xem thêm các thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính thường gặp tại bài viết: Nhận diện một số thủ thuật làm đẹp Báo cáo tài chính thường gặp
1. Thành lập các SPEs
Sau hơn 15 năm gia nhập WTO, Tổ chức Thương Mại Thế Giới kể từ năm 2006, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình đáng kinh ngạc, đáng kể nhất là tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 537.31 tỷ USD tính đến tháng 10/2021 so với chỉ 84.7 tỷ USD năm 2006.
Ngoài ra thì chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Chính nhờ nhiều cơ hội hợp tác phát triển với các doanh nghiệp toàn cầu, mà các doanh nghiệp có quy mô tại Việt Nam đều đã và đang theo đuổi mô hình tập đoàn đa ngành cùng với đó là mạng lưới các công ty mẹ con chằng chịt bên dưới.
Các doanh nghiệp tận dụng mô hình đa ngành công ty mẹ con này để thực hiện các hoạt động mua bán nội bộ sẽ không rõ ràng. Các công ty mẹ thành lập các “Công ty phục vụ mục đích đặc biệt” trong tiếng Anh là “Special Purpose Entity”, viết tắt là “SPE” hoặc còn gọi là “Special Purpose Vehicle”, viết tắt là “SPV”.
Các SPEs này được tạo nên nhằm tạo doanh thu không có thực và che giấu các khoản nợ thuộc công ty mẹ. Một số công ty còn sử dụng thủ thuật này để tăng nguồn vốn cho công ty mẹ bằng cách sử dụng các SPEs để huy động nguồn vốn từ các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng trong và ngoài nước.
Nguồn vốn mà các SPEs này có được đa phần sẽ được dùng để mua nguyên vật liệu từ các đối tác và bán lại cho công ty mẹ với giá thành thấp hơn trước khi được công ty mẹ hoàn thành các công đoạn sản xuất cần thiết để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Các sản phẩm hoàn thiện tiếp tục được mua lại bởi chính các SPEs này và cũng được chính các SPEs bán ra thị trường bên ngoài dưới cùng tên thương hiệu của công ty mẹ. Đây là một trong những thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính vô cùng tinh vi và phức tạp.
Tuy nhiên thực tại đáng ghi nhận là tại Việt Nam, phương pháp này vận dụng khá nhiều, đặc biệt là ở một số tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh và công ty con tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn sử dụng phương pháp này bằng cách không loại trừ giao dịch nội bộ khiến kết quả kinh doanh của công ty mẹ và công ty con đều tăng đáng kể, khiến nhà đầu tư và cổ đông không thể có đánh giá chính xác và toàn diện tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty.
Ví dụ: Thủ thuật này đã từng được sử dụng bởi Công ty Cổ phần y tế Việt Nhật JVC.Trong suốt giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014, công ty này đã thành lập các SPEs dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh, tài trợ, bảo lãnh. Thông qua các công ty “không liên quan” này, Việt Nhật JVC bảo lãnh các tổ chức này vay vốn ngân hàng, tài sản đảm bảo có thể chính là cổ phiếu của JVC được tài trợ bởi một bên thứ ba khác.
Ngoài ra, Công ty này còn ghi nhận doanh thu ảo nhờ bán sang các SPEs này và tạo kết quả doanh thu cũng như lợi nhuận vô cùng tích cực tuy nhiên dòng tiền hầu như là không có, công ty đều phải thế chấp hàng hóa để vay nợ ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động, sau đó tiếp tục lại vòng luẩn quẩn này để gia tăng doanh thu và lợi nhuận ảo.
>> Xem thêm: Hướng dẫn phân tích Báo cáo tài chính chi tiết, hiệu quả
2. Sử dụng hai hệ thống sổ kế toán
Một số doanh nghiệp tại Việt Nam còn sử dụng hai hệ thống sổ kế toán nhằm đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng.
Hệ thống sổ kế toán đầu tiên là hệ thống nội bộ với các giao dịch, số liệu thông tin thực tế được sử dụng trong phạm vi nội bộ công ty và chỉ được dùng cho mục đích quản trị nội bộ. Hệ thống sổ kế toán thứ hai là hệ thống dùng cho mục đích đối phó với các cơ quan quản lý và thông tin sẽ được báo cáo ra công chúng.
Hệ thống sổ này thường được các doanh nghiệp đưa vào một số lượng lớn nghiệp vụ, số liệu giả mạo nhằm tạo ra các báo cáo tài chính với kết quả doanh thu và lợi nhuận tốt đẹp, thu hút các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo dựng bức tranh kết quả hoạt động kinh doanh tươi sáng, từ đó, các công ty dễ dàng thu lợi bất chính.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn sử dụng các báo cáo tài chính từ hệ thống sổ thứ hai này dùng cho mục đích vay vốn ngân hàng. Khi ngân hàng dựa vào các số liệu ảo không đúng với năng lực của doanh nghiệp, thì việc đánh giá tín nhiệm tín dụng của ngân hàng sẽ không còn đúng, dẫn đến khả năng không thu hồi được vay nợ do thực lực doanh nghiệp trên thực tế là không có khả năng chi trả. Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng sử dụng hệ thống sổ kế toán nội bộ nhằm chế biến số liệu và báo cáo với các cơ quan thuế với mục đích trốn thuế doanh nghiệp.
Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), trong thời gian từ năm 2014 – 2019 Ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, trong đó 1 hệ thống nội bộ, bí mật để theo dõi số liệu thực tế. Một hệ thống khác ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước. Hai hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu và theo kết quả giám định, Công ty Nhật Cường đã trốn đóng gần 27 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 3,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Cách kiểm tra sổ sách kế toán và hướng dẫn xử lý một số sai lệch cơ bản
3. Tận dụng “cam kết” của Ban lãnh đạo về tính trung thực của cách hạch toán nhằm làm đẹp báo cáo tài chính
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam dựa vào “cam kết” của Ban lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo tính trung thực của các cách hạch toán nhằm giúp báo cáo tài chính cho kết quả như mong muốn của ban giám đốc. Chẳng hạn, một số công ty làm đẹp báo cáo tài chính bằng các giao dịch có cam kết hoàn lại mà chủ yếu là các hợp đồng giao dịch có cam kết mua lại trong các doanh nghiệp có nhiều khoản đầu tư tài chính.
Thông thường, các giao dịch này sẽ được thực hiện trước khi kết thúc năm tài chính với một điều khoản cho phép mua lại được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm tránh phải hạch toán trích lập dự phòng các khoản đầu tư, nhờ đó sẽ ghi nhận tăng lãi ảo trong kỳ. Trên thực tế, các công ty kiểm toán độc lập của các doanh nghiệp áp dụng thủ thuật này sẽ không gặp khó khăn trong việc phát hiện ra thủ thuật đã được doanh nghiệp áp dụng.
Tuy nhiên, do các công ty kiểm toán độc lập chủ động bỏ qua thủ thuật trên dựa vào “cam kết trách nhiệm” từ Ban lãnh đạo công ty mà không nêu bất kỳ lưu ý, ý kiến kèm theo trên báo cáo tài chính kiểm toán, nên doanh nghiệp có thể dễ dàng “xào nấu” số liệu, che giấu các thủ thuật làm đẹp BCTC. Trong trường hợp này, nhà đầu tư, cổ đông sẽ không thể tiếp cận được thông tin tài chính đúng đắn và đầy đủ.
Ví dụ: Năm 2013 trên báo cáo tài chính Công ty Đầu tư Châu Á -Thái Bình Dương (Mã CK: API) đã thành công khi đầu tư trên 20% vào Công ty Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển Doanh nghiệp IDJ. Với khoản đầu tư này, API hạch toán được khoản lợi nhuận hơn 34 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh trong kỳ, do chênh lệch giá mua và giá trị sổ sách của lượng cổ phiếu tại thời điểm chuyển thành công ty liên kết.
Tuy nhiên, lợi nhuận thực sự từ khoản đầu tư này đã được hé lộ tại thời điểm sau quý I/2014, giá cổ phiếu IDJ giảm thấp hơn giá mua bình quân của API, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Quý I/2014, IDJ không còn duy trì lãi trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
Khi mà nền kinh tế thế giới và trong nước càng ngày phát triển, thì vai trò của báo cáo tài chính ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các thông tin tài chính không chỉ được sử dụng cho mục đích nội bộ mà còn được công bố rộng rãi ra công chúng.
Việc chế biến tạo các số liệu ảo, không đúng thông qua các SPEs hay hệ thống sổ kế toán thứ hai để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước hay tận dụng “cam kết” của doanh nghiệp để bảo đảm nhằm đạt kết quả lợi nhuận, doanh thu như mong muốn ngày càng trở nên phổ biến. Trước mắt. các thủ thuật giúp doanh nghiệp thành công trong việc đạt được sự hài lòng nhà đầu tư, các cổ đông với bức tranh kết quả kinh doanh đẹp đẽ.
Tuy nhiên về lâu dài khi mà các số liệu giả mạo bị phát hiện thì các doanh nghiệp này khó lòng có thể trụ vững vì đã mất uy tín đối với khách hàng, nhà cung cấp, suy giảm lòng tin từ nhà đầu tư, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng từ chối cho các doanh nghiệp này vay vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Kết cục phá sản chỉ là chuyện sớm muộn. Để có hệ thống quản trị tài chính kế toán minh bạch và làm chuẩn chỉnh ngay từ đầu, các doanh nghiệp có thể đầu tư các phần mềm đáng tin cậy đồng thời luôn giữ nguyên tắc minh bạch trong hoạt động kế toán. Hiện nay phần mềm như phần mềm kế toán online MISA AMIS – giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. Phần mềm AMIS Kế Toán hỗ trợ tự động hóa việc lập báo cáo:
- Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
- Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
- Giám đốc có thể xem báo cáo trên mọi thiết bị, bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
- Cảnh báo thông minh: Tự động cảnh báo khi phát hiện có sai sót.
- …..
Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để gấp đôi hiệu quả công tác kế toán-tài chính trong doanh nghiệp và đáp ứng các xu hướng làm việc mới.
Tổng hợp: Trương Ngọc Hoài Phương