3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp mà các nhà quản trị cần biết 

14/11/2024
4085

Cấp độ văn hóa doanh nghiệp được hiểu là sự nhìn nhận từ hiện tượng đến bản chất của văn hóa trong các doanh nghiệp. Từ đó, các nhà lãnh đạo có thể hiểu rõ những bộ phận làm nên văn hóa, xác định và xây dựng các mục tiêu để phát triển công ty. Vậy 3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp cụ thể là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của MISA AMIS HRM.

mindmap nhân sự

TẢI NGAY MIỄN PHÍ – MINDMAP BIỂU MẪU CHO NHÂN SỰ TỪ A-Z

1. 3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp của Schein

Edgar Schein (1928) là một nhà tâm lý học và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa tổ chức và quản trị. Schein được biết đến nhiều nhất với công trình nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình 3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp, giúp giải thích cách văn hóa hình thành, phát triển và tác động đến cách thức tổ chức vận hành.

Công trình của ông đã có ảnh hưởng lớn, giúp các nhà quản lý và doanh nghiệp trên toàn thế giới hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng môi trường làm việc hiệu quả và lành mạnh.

cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp theo Schein

Ba cấp độ trong mô hình của Schein bao gồm Cấu trúc hữu hình (Artifacts), Những giá trị được công bố, chấp nhận (Espoused Values) và Quan điểm chung được công nhận hiển nhiên (Basic Assumptions).

Cấp độ 1: Cấu trúc hữu hình (Artifacts)

Cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp là những yếu tố dễ dàng cảm nhận, nhìn, nghe được ngay lần đầu tiếp xúc. Cấp độ này được thể hiện qua các hiện vật liên quan đến doanh nghiệp như: 

  • Kiến trúc, cơ sở hạ tầng, cách trang trí của công ty
  • Cơ cấu tổ chức và phòng ban của công ty
  • Những câu chuyện về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của công ty
  • Các văn bản đề ra nguyên tắc hoạt động của công ty
  • Bao bì, mẫu mã sản phẩm
  • Các ấn phẩm truyền thông của công ty như logo, khẩu hiệu
  • Văn hoá giao tiếp giữa nhân viên với khách hàng, giữa nhân viên với các cấp quản lý
  • Các lễ nghi, trang phục trong sự kiện
3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp là điều mọi người có thể nhìn thấy ngay lần đầu tiên tiếp xúc với công ty

Đặc điểm:

Cấp độ này chịu nhiều ảnh hưởng từ ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh. Đồng thời, nó chịu sự tác động lớn đến từ quan điểm, góc nhìn của người lãnh đạo. Cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp rất dễ thay đổi và ít thể hiện rõ ràng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Để hiểu rõ hơn về cấp độ 1 – cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp, Starbucks là một ví dụ rõ ràng nhất. Đây là một trong những thương hiệu coffee nổi tiếng về thành công trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Logo hình ảnh và cách thiết kế trang trí cửa hàng luôn là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa Starbucks với các thương hiệu khác. Vì lý do này mà khách hàng luôn cho rằng Starbucks luôn đi đầu trong việc cập nhật, sáng tạo ra các ý tưởng mới độc lạ, khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. 

Sự chỉn chu trong việc thiết kế hình ảnh logo, tạo dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp cho đến sự đồng bộ từ đồng phục của nhân viên và bao bì thiết kế của sản phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến khách hàng. 

3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Starbucks là doanh nghiệp đã làm rất tốt ở cấp độ 1

Để khách hàng có thể phân biệt rõ ràng Starbucks với những thương hiệu khác, Starbucks luôn đầu tư ngân sách lớn trong việc thiết kế sản phẩm, cửa hàng, tiên phong cho ra những ý tưởng độc lạ.

Một ví dụ khác về cấp độ này là Amazon. Trước tòa nhà trụ sở là ba khối cầu khổng lồ, gọn được biết đến với tên gọi Amazon Spheres. Không gian bên trong của ba quả cầu được thiết kế như một khu rừng nhiệt đới nhỏ. Không chỉ đem đến một không gian xanh cho toàn bộ nhân viên, Amazon còn cho xây dựng khu mua sắm, quán cà phê, khu chăm sóc dành riêng cho thú cưng,…

Tên của tòa nhà trụ sở Amazon được lấy cảm hứng từ triết lý kinh doanh nổi tiếng “Day 1”. Amazon mong muốn là mỗi ngày đối với nhân viên cũng là một khởi đầu, cho nên họ cần phải luôn đổi mới, thử nghiệm liên tục và ngày càng đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới cho khách hàng. Thiết kế đặc biệt của trụ sở chính Amazon đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhiều người và trở thành dấu ấn riêng biệt của doanh nghiệp.

Cấp độ 2: Những giá trị được công bố, chấp nhận (Espoused Values)

Những giá trị được công bố, chấp nhận là những quy định, giá trị cốt lõi cũng như chiến lược và mục tiêu, được chấp nhận rộng rãi bởi ban lãnh đạo và nhân viên Chúng được xem như kim chỉ nam để mọi nhân viên tuân thủ làm theo.

Những giá trị được công bố chấp nhận có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, bản cam kết, lời tuyên bố, quy tắc ứng xử, nội quy của doanh nghiệp,…

Đặc điểm:

Các giá trị ở cấp độ 2 có thể dễ dàng nhận biết được qua văn bản, cách diễn đạt, cách thể hiện của nhân viên. So với cấp độ 1, cấp độ 2 có khả năng thay đổi cao hơn. Chúng có nhiệm vụ hướng dẫn nhân viên xử lý tình huống, đối phó với một số tình huống cơ bản, rèn luyện cách ứng xử cho nhân viên mới trong môi trường làm việc mới. 

Cấp độ này cũng thể hiện phần nào giá trị bên trong cốt lõi của công ty. Dù chúng vẫn chịu một số ảnh hưởng từ nhà quản trị nhưng ở mức độ thấp hơn so với cấp độ 1

Ngoài ra cần lưu ý rằng các giá trị ở cấp độ 2 được công khai và chấp nhận rộng rãi nhưng có thể chưa thực sự thấm sâu vào tư tưởng của các thành viên trong tổ chức. Đôi khi giá trị đó được nhà lãnh đạo tán thành nhưng khi áp dụng vào thực tế, do nhiều nguyên nhân mà chúng chưa thực sự trở thành tôn chỉ đối với nhân viên.

Ví dụ:

Câu nói: “Khách hàng là thượng đế” được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm triết lý kinh doanh. Để mọi nhân viên biết được điều này, việc tuyên truyền và quản lý toàn bộ nhân viên là cần thiết. Các nội quy, quy định của doanh nghiệp được đặt ra nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo triết lý kinh doanh đó.

3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đều tuyên bố đặt khách hàng lên hàng đầu

Nếu nhân viên tôn trọng, phục vụ không chu đáo với khách hàng, hình ảnh của công ty, doanh nghiệp đó cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nhân viên đó cũng sẽ bị kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm của họ. 

Nếu doanh nghiệp xử lý các trường hợp vi phạm thích đáng, dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn, lòng tin và lòng trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Tinh thần khách hàng là trên hết được doanh nghiệp lẫn nhân viên đồng lòng thực hiện thì đó sẽ là bước đầu tiên dẫn đến thành công trong văn hoá doanh nghiệp. 

Cấp độ 3: Quan điểm chung được công nhận hiển nhiên (Basic Assumptions)

Cấp độ sâu nhất theo Schein là các quan điểm chung được công nhận hiển nhiên. Những quan điểm này thực chất là những niềm tin, giá trị đã in sâu vào tâm trí, thậm chí không hề được nói ra nhưng mọi người vẫn hiểu. Yếu tố này đại diện cho cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp và tác động mạnh mẽ đến cách suy nghĩ, hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong tổ chức.

Đặc điểm:

Cách thức mà các quan điểm chung hình thành đó là dựa vào thời gian, kinh nghiệm, sự quan sát và tương tác trong tổ chức. Quan điểm chung được coi là đương nhiên và hiếm khi bị nghi ngờ. Những quan điểm chung này thể hiện giá trị cao nhất của doanh nghiệp và được coi như là “tài sản” của doanh nghiệp.

Cấp độ 3 hình thành trong suy nghĩ của nhân viên như một thói quen, khó có thể thay đổi
Cấp độ 3 hình thành trong suy nghĩ của nhân viên như một thói quen, khó có thể thay đổi

Ví dụ:

Các doanh nghiệp ở châu Âu hay Mỹ thường đề cao giá trị bản thân, cá nhân. Nhân viên tương đối thoải mái trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân và cạnh tranh trong công việc. Các công ty Việt Nam lại thường đề cao giá trị cộng đồng, sự đoàn kết. Đôi khi cách ứng xử trong công ty cũng vì thế mà thiên về “dĩ hòa vi quý”, tránh làm mất lòng nhau, thiếu sự thẳng thắn và tinh thần cạnh tranh.

>>> Xem thêm: Ebook hướng dẫn xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bộ 60 câu hỏi nhận biết văn hóa doanh nghiệp

2. Ý nghĩa của việc áp dụng 3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp

3 cấp độ văn hóa doanh nghiệp của Schein có giá trị thực tiễn cao đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản trị nhân sự và cả các thành viên khác trong tổ chức. Thấu hiểu các cấp độ này giúp nhà lãnh đạo định hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chiến lược, mục tiêu của tổ chức. Dưới đây là những ý nghĩa quan trọng của việc áp dụng các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

Liên kết văn hóa doanh nghiệp với chiến lược

Một văn hóa mạnh mẽ, được xây dựng phù hợp với các mục tiêu chiến lược, giúp nhân viên hiểu rõ định hướng và tầm nhìn của công ty, từ đó tập trung hơn vào các nhiệm vụ cốt lõi. Để gắn kết văn hóa doanh nghiệp với chiến lược, nhà quản trị có thể kiểm tra các giá trị ở cấp độ 2 và cấp độ 3 đã có sự thống nhất chưa, cần xử lý các mâu thuẫn nếu có để các giá trị thực sự hỗ trợ cho nhau.

Đánh giá văn hóa doanh nghiệp

Thông qua các cấp độ văn hóa doanh nghiệp của Schein, nhà quản lý có thể đánh giá được văn hóa doanh nghiệp hiện tại có điểm mạnh, điểm yếu gì, đâu là vấn đề cần cải thiện, và có động lực nào để thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp không.

Thay đổi và cải tiến văn hóa doanh nghiệp

Mô hình Schein tập trung vào cả ba cấp độ văn hóa, là một cách tiếp cận toàn diện để nhà quản trị nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại. Từ đó xác định được giữa các cấp độ đã có sự thống nhất chưa và cần thay đổi điều gì để tạo nên văn hóa doanh nghiệp bền vững, có bản sắc riêng.

cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Các cấp độ văn hóa tổ chức giúp phân tích và thay đổi văn hóa hiện tại tiến bộ hơn

Truyền thông tổ chức

Mô hình của Schein đề cao các nỗ lực giao tiếp rõ ràng, nhất quán, thể hiện đúng những kỳ vọng về văn hóa doanh nghiệp của nhà lãnh đạo đến nhân viên. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin với nhân viên, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Củng cố kỹ năng lãnh đạo

Thông qua mô hình Schein, nhà lãnh đạo sẽ hiểu rằng các cấp độ văn hóa sẽ tác động đến tổ chức như thế nào. Chính họ cũng có thể điều chỉnh năng lực lãnh đạo cũng như các hành vi khác của mình để phù hợp với các giá trị được chấp nhận và các quan điểm chung. Từ đó thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp tích cực và hiệu quả hơn.

Thu hút và giữ chân nhân tài

Các ứng viên luôn mong muốn được làm việc trong doanh nghiệp có văn hóa phù hợp với những giá trị của họ. Khi thấu hiểu các cấp độ văn hóa doanh nghiệp, tổ chức có thể truyền đạt văn hóa đó đến với các ứng viên một cách chính xác và hiệu quả nhất, từ đó thu hút được những thành viên cùng chung quan điểm và sẵn sàng hòa mình vào bối cảnh văn hóa đó.

Thúc đẩy việc học tập, chia sẻ tri thức trong tổ chức

Các giả định cơ bản là rất quan trọng trong việc thúc đẩy học tập, chia sẻ tri thức trong nội bộ. Doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên nêu ý kiến một cách cởi mở về văn hóa doanh nghiệp, về các giá trị được tán thành và các quan điểm chung. Qua đó doanh nghiệp có thể nắm bắt và quản lý được các tri thức ngầm được lan tỏa trong tổ chức, sử dụng ngược lại để phát triển văn hóa nội bộ.

Hỗ trợ trong quá trình sáp nhập và mua lại

Trong trường hợp doanh nghiệp có sự sáp nhập hoặc mua lại, việc hiểu rõ sự khác biệt về văn hóa là rất quan trọng. Từ mô hình Schein có thể đánh giá văn hóa của các bên được sáp nhập hoặc mua lại, xem mức độ khác biệt lớn đến đâu. Sau đó nhà lãnh đạo cần có phương án thu hẹp khoảng cách văn hóa để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi.

3. Kết luận

Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp theo mô hình của Edgar Schein giúp nhà quản trị hiểu sâu hơn về bản chất của văn hóa tổ chức và tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó. Việc áp dụng mô hình của Schein sẽ mang lại cho nhà quản trị công cụ để đánh giá, điều chỉnh và phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách toàn diện, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả