Hiện nay, có nhiều phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp được sử dụng như phương pháp so sánh, phương pháp tỷ số, phương pháp phân tích nhân tố, … trong đó, phương pháp phân tích Dupont là một trong các phương pháp được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về phương pháp phân tích Dupont, ý nghĩa, cách thức thực hiện, và vận dụng phương pháp này vào phân tích chỉ tiêu Sức sinh lời của vốn chủ sở hữu.
1. Phân tích Dupont là gì?
Phân tích Dupont là một phương pháp phân tích được ông Donaldson Brown, là một nhân viên quản lý của Tập đoàn Dupont phát triển vào năm 1914 để áp dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của chính của Tập đoàn. Công thức của ông là một công thức dùng để đánh giá hiệu suất tài chính của doanh nghiệp, tập trung vào chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Phân tích Dupont đi xa hơn một bước, giúp nhà đầu tư xác định các hoạt động tài chính nào đóng góp nhiều nhất vào sự thay đổi của ROE. Nhà đầu tư có thể sử dụng phân tích Dupont để so sánh hiệu quả hoạt động của hai doanh nghiệp tương tự, trong khi các nhà quản lý doanh nghiệp có thể áp dụng để nhận diện điểm mạnh và điểm yếu cần khắc phục.
Cơ sở toán học của công thức này khá đơn giản: với chỉ tiêu phân tích X là kết quả của tỷ số a/b, với phương pháp Dupont, ta nhân cả tử và mẫu với c và d (là hai chỉ tiêu tài chính), ta có kết quả như sau:
X | = | a | = | a x c x d | = | a | x | c | x | d |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
b | b x c x d | c | d | b |
Công thức này trở thành thước đo tiêu chuẩn cho tất cả các phòng ban của Tập đoàn Dupont và sau này vì tính hữu dụng của nó đã được các doanh nghiệp khác áp dụng.
2. Ưu nhược điểm của phương pháp Dupont
Phương pháp Dupont, hay mô hình Dupont, là một công cụ phân tích tài chính được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, như bất kỳ phương pháp nào, nó cũng có những ưu và nhược điểm riêng biệt:
2.1. Ưu điểm của Phương pháp Dupont
- Phương pháp Dupont cung cấp một cách tiếp cận dễ hiểu để phân tích hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Đây là công cụ hữu ích giúp chủ thể quản lý nắm bắt các kiến thức cơ bản và đưa ra giải pháp cải thiện hiệu suất tài chính.
- Mô hình này có thể dễ dàng tích hợp với các chính sách tài chính của doanh nghiệp, hỗ trợ việc xây dựng và thực thi chiến lược tài chính, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách đồng bộ.
- Qua việc phân tích ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) thành các yếu tố nhỏ hơn, phương pháp này giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng đâu là yếu tố cần cải thiện để tối ưu hóa lợi nhuận.
- Phương pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tự đánh giá nội bộ mà còn có thể được sử dụng như một công cụ thuyết phục các bên liên quan (nhà đầu tư, cổ đông) hiểu rõ hơn về năng lực tài chính và triển vọng của doanh nghiệp.
2.2. Nhược điểm của Phương pháp Dupont
- Kết quả từ mô hình Dupont chủ yếu dựa vào dữ liệu báo cáo tài chính, có thể bị ảnh hưởng bởi các phương pháp kế toán hoặc sai lệch trong ghi nhận.
- Mô hình này không xem xét các yếu tố phi tài chính như thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, hay thị trường – những yếu tố ngày càng quan trọng trong môi trường kinh doanh hiện đại.
- Phương pháp Dupont không phản ánh rõ ràng mức độ rủi ro tài chính, chẳng hạn như khả năng thanh khoản hay dòng tiền.
- Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau có đặc thù riêng, làm cho việc so sánh thông qua Dupont không thực sự hiệu quả nếu không điều chỉnh các yếu tố đặc thù.
3. Vận dụng phương pháp phân tích Dupont vào phân tích chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
Như đã đề cập, phân tích Dupont chia nhỏ chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thành các thành phần cấu thành để xác định yếu tố nào ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi của ROE.
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay Sức sinh lời của vốn chủ sở hữu hoặc Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity- ROE) là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lời của mỗi đồng vốn đầu tư, từ đó đo lường hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
- Đây là một chỉ số quan trọng được dùng để lựa chọn cổ phiếu tiềm năng, bởi trong dài hạn, giá trị cổ đông nhận được phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Công thức xác định Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE như sau:
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE | = | Lợi nhuận sau thuế TNDN |
Vốn chủ sở hữu bình quân |
Trong đó:
- Vốn chủ sở hữu bình quân bằng trung bình cộng của vốn chủ sở hữu đầu kỳ và cuối kỳ.
Áp dụng phương pháp Dupont, nhân cả tử và mẫu của tỷ số trên với Doanh thu thuần, và Tài sản bình quân (bằng trung bình cộng của Tổng tài sản đầu kỳ và cuối kỳ), ta được công thức như sau:
ROE | = | Lợi nhuận sau thuế TNDN | x | Doanh thu thuần | x | Tài sản bình quân |
Doanh thu thuần | Tài sản bình quân | Vốn chủ sở hữu bình quân |
Trong đó:
- Tài sản bình quân bằng trung bình cộng của tổng tài sản đầu kỳ và tổng tài sản cuối kỳ.
Theo đó, ta có:
ROE | = | Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) | x | Số vòng quay tài sản | x | Đòn bẩy tài chính |
Như vậy, qua khai triển chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể thấy chỉ tiêu này được cấu thành bởi ba yếu tố:
- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu: Đây là chỉ tiêu quan trọng với các nhà quản trị dưới góc độ quản lý bởi nó cho biết hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong việc kiểm soát chi phí hoạt động (với mục tiêu giảm thiểu chi phí để tối đa hóa lợi nhuận). Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng phần nào phản ánh chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nếu doanh nghiệp hướng đến chiến lược kinh doanh tập trung mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động marketing, giảm giá bán, thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sẽ nhỏ. Ngược lại, nếu doanh nghiệp định hướng bán các sản phẩm với mức độ khác biệt cao, hướng tới khách hàng thu nhập cao, thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sẽ cao. Theo đó, kết quả chỉ tiêu này cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động đúng chiến lược đặt ra hay chưa.
- Doanh nghiệp muốn tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thì cần có những biện pháp giảm chi phí, tăng doanh thu và giảm các khoản giảm trừ doanh thu (ngoại trừ thuế gián thu), từ đó, tăng Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
- Số vòng quay tài sản: Chỉ tiêu này cho biết năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp, với số vòng quay của tài sản thấp chứng tỏ doanh nghiệp chưa tối ưu được nguồn lực tài sản trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra doanh thu.
- Số vòng quay của tài sản càng cao chứng tỏ sự vận động trong các khâu của quá trình sản xuất là trôi chảy, không ngừng trệ hay ứ đọng, sức sản xuất của các tài sản càng nhanh, tài sản khai thác càng hiệu quả, theo đó, tăng Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
- Đòn bẩy tài chính: chỉ tiêu này thể hiện mức độ sử dụng vốn vay trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Vay nợ nhiều sẽ cho thấy tỷ lệ tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ vay cao. Do chi phí sử dụng vốn vay thường thấp hơn chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp thường có xu hướng vay nợ để tận dụng nguồn vốn, tối ưu hóa dòng tiền, tận dụng các cơ hội kinh doanh, từ đó, gia tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu như sử dụng vốn vay không hiệu quả, đòn bẩy tài chính cao làm tăng rủi ro mất khả năng thanh toán các khoản nợ.
4. Ý nghĩa phương pháp phân tích Dupont
Dựa vào phương pháp phân tích Dupont, thay vì chỉ có thể giải thích tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu dựa trên biến động của lợi nhuận, ta có thể giải thích được sự biến động của chỉ tiêu này thông qua sự biến động của ba chỉ tiêu là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, số vòng quay tài sản, và đòn bẩy tài chính, cũng qua đó đánh giá mức độ tác động của từng chỉ tiêu đến tỉ suất vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng từ phương trình Dupont cho thấy, doanh nghiệp muốn cải thiện Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thì cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động hay khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp (thể hiện thông qua chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu), nâng cao hiệu quả khai thác tài sản của doanh nghiệp (thể hiện thông qua chỉ tiêu Số vòng quay tài sản), và lựa chọn cơ cấu vốn phù hợp (thể hiện qua chỉ tiêu Đòn bẩy tài chính).
Bên cạnh đó, khi kết hợp với phương pháp so sánh biến động của Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cùng các chỉ tiêu thành phần qua các năm, doanh nghiệp sẽ thấy được xu hướng tăng trưởng hay suy giảm của các chỉ tiêu. Từ đó đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả quản lý chi phí, hiệu quả khai thác tài sản và thay sư đổi của cơ cấu vốn nói riêng, từ đó đưa ra các hành động điều chỉnh cho phù hợp, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trong kỳ tới.
Ngoài ra, với nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh lợi nhuận mà các nhà đầu tư có thể nhận về, việc áp dụng phương pháp Dupont sẽ giúp nhà đầu tư xác định nguyên nhân biến động (tăng/giảm/không đổi) của chỉ tiêu này là gì, từ đó có những so sánh, đánh giá giữa các cơ hội đầu tư, để ra quyết định đầu tư cho phù hợp.
5. Ví dụ vận dụng mô hình phân tích Dupont để phân tích Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
Có thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh qua các năm của công ty ABC – công ty kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ và số liệu trung bình ngành như sau:
Dựa trên số liệu bài cho, áp dụng phương pháp phân tích Dupont, ta có bảng phân tích Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) như sau:
Chỉ tiêu |
Công ty ABC | Năm N so với năm … | ||||||||
N-3 | N-2 | N-1 | ||||||||
N-3 | N-2 | N-1 | N | +/- | % | +/- | % | +/- |
% |
|
DT (tỷ VND) | 15,889 | 16,988 | 14,799 | 22,619 | 6,730 | 42.36% | 5,631 | 33.15% | 7,820 | 52.84% |
LNST (tỷ VND) | 480 | 608 | 546 | 654 | 174 | 36.33% | 46 | 7.63% | 108 | 19.85% |
TTS (tỷ VND) | 5,167 | 6,593 | 5,387 | 9,106 | 3,939 | 76.23% | 2,513 | 38.12% | 3,719 | 69.04% |
VCSH (tỷ VND) | 1,158 | 1,279 | 1,225 | 1,679 | 521 | 44.99% | 400 | 31.27% | 454 | 37.06% |
TTS bình quân (tỷ VND) | 5,880 | 5,990 | 7,247 | 1,367 | 23.24% | 1,257 | 20.98% | |||
VCSH bình quân (tỷ VND) | 1,219 | 1,252 | 1,452 | 234 | 19.16% | 200 | 15.97% | |||
ROS (%) | 3.58% | 3.69% | 2.89% | -0.69% | -19.16% | -0.80% | -21.58% | |||
Số Vòng quay TS (vòng) | 2.89 | 2.47 | 3.12 | 0.23 | 8.04% | 0.65 | 26.34% | |||
Đòn bẩy tài chính | 4.83 | 4.78 | 4.99 | 0.17 | 3.42% | 0.21 | 4.31% | |||
ROE (%) | 49.90% | 43.61% | 45.07% | -4.83% | -9.68% | 1.46% | 3.34% | |||
ROE trung bình ngành (%) | 51.57% | 45.31% | 44.04% | -7.53% | -14.60% | -1.27% | -2.80% | |||
So sánh ROE của ABC với trung bình ngành (%) | -1.67% | -1.70% | 1.03% | 2.70% | -161.51% | 2.73% | -160.53% |
Dựa trên số liệu trên, ta có biểu đồ kết quả hoạt động kinh doanh của công ty ABC như sau:
Theo bảng số liệu và biểu đồ, ta nhận Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty có xu hướng giảm. Từ năm (N-2) đến năm (N-1), chỉ số này giảm tương đối từ xấp xỉ 50% xuống còn khoảng 43.61%, mặc dù sang năm N chỉ số này đã tăng nhẹ lên trên 45%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức chỉ số sinh lời của vốn chủ sở hữu trong năm (N-2) (thấp hơn 4.83%,).
Mặc dù chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận có xu hướng tăng, đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận năm N cao nhất trong giai đoạn từ năm (N-2) đến năm N, với mức tăng lần lượt là 33.15% và 7.63%, tuy nhiên Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn sụt giảm. Qua phân tích Dupont ta nhận thấy, Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sụt giảm là do mức tăng của Số vòng quay tài sản và Hệ số đòn bẩy tài chính không đủ để bù đắp sự sụt giảm của Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS). Cụ thể như sau:
– Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sụt giảm từ 3.58% của năm (N-2) xuống còn 2.89% trong năm N (tương đương giảm 19% trong 3 năm). Mặc dù trong giai đoạn này doanh thu, lợi nhuận đều tăng, nhưng mức tăng của lợi nhuận lại thấp hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu, cụ thể so sánh giữa năm N và năm N – 2, mức tăng của doanh thu gần gấp 5 lần mức tăng của lợi nhuận. Điều này cho thấy mặc dù hoạt động kinh doanh đang được mở rộng, có sự phát triển về doanh thu, thị phần, tuy nhiên công ty chưa kiểm soát tốt chi phí, công tác quản lý chi chi phí còn chưa hiệu quả, dẫn tới giảm mức sinh lợi của vốn chủ sở hữu.
– Trong khi đó, số vòng quay tài sản đã có sự cải thiện, tăng 0.23 vòng lên mức 3.12 vòng trong năm N, đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy tài sản của công ty đã được sử dụng hiệu quả hơn, và tạo ra nhiều giá trị hơn, giúp tăng Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên mức tăng của số vòng quay tài sản chỉ khoảng trên 8%, công ty cần có những biện pháp để tăng số vòng quay tài sản, đẩy mạnh hiệu quả sử dụng tài sản.
– Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính cũng tăng nhẹ khoảng 3.42%. Trong nhiều năm, hệ số đòn bẩy tài chính duy trì ở mức khá cao, xấp xỉ 5 lần, cho thấy tỷ lệ tài sản của công ty đang được tài trợ bởi nợ vay cao, vay nợ chiếm xấp xỉ 80% tổng nguồn tài trợ. Mức độ tài trợ này được duy trì từ năm (N-2) đến năm N và đã đem lại các đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỉ lệ vay nợ cao, mức sinh lợi ROE hiện còn khá thấp, cần thêm thông tin về mức độ tài trợ tài sản bằng nợ vay của các doanh nghiệp tương tự, hoặc trung bình ngành và kết hợp tính toán xác định chi phí sử dụng vốn tối ưu, từ đó chỉ rõ vay nợ có tiềm ẩn nhiều rủi ro hay không. Khi so với trung bình ngành, Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty có xu hướng biến động tương tự như các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, khi so sánh biến động từng năm nhận thấy trong hai năm (N-2), (N-1), tỷ số này của công ty đều thấp hơn trung bình ngành, đến năm N, tỷ số này đã tăng lên vượt mức trung bình ngành. Như vậy, hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty đã có những chuyển biến tích cực hơn nhưng tỉ suất sinh lời vẫn khá thấp, nhất là so với lãi suất vay vốn trên thị trường, do đó, nếu lãi suất vay vốn tăng hơn nữa trong điều kiện ROA cải thiện chậm sẽ rất dễ dẫn đến ROE sẽ suy giảm mạnh.
Như vậy, qua phân tích nhận thấy Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đang có xu hướng giảm, mặc dù công ty đã sử dụng tài sản hiệu quả hơn, đồng thời có chuyển biến từ sử dụng đòn bẩy tài chính, tuy nhiên, rủi ro hoàn trả nợ vay khá hiện hữu. Công ty cần có có những phân tích sâu hơn về cơ cấu chi phí hiện tại, xác định các khu vực chi phí trọng yếu, xây dựng các biện pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó tận dụng hiệu quả lợi thế từ đòn bẩy tài chính, gia tăng lợi nhuận, gia tăng lợi ích của chủ sở hữu để có điều kiện xem xét cân nhắc lại đòn bẩy tài chính. Một số biện pháp để cắt giảm chi phí đang được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng trong thực tế hiện nay như:
- Tối giản hóa bộ máy quản lý, xác định cơ cấu quản lý cho phù hợp, cắt giảm các khâu trung gian, từ đó tiết kiệm cả về nhân lực và vật lực
- Hệ thống hóa, chuẩn hóa các quy trình trong doanh nghiệp, tránh chồng chéo công việc, lãng phí nhân lực, quản lý khó khăn
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp, đầu tư xây dựng hoặc mua sắm phần mềm quản trị phù hợp với quy mô doanh nghiệp, tích hợp các quy trình trong phần mềm, từ đó giảm thời gian xử lý công việc, đảm bảo phản ứng kịp thời khi có những sự thay đổi của thị trường, cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực.
- Xây dựng định mức chi phí để tối ưu quản lý các khoản chi phí. Định mức này cần tuân theo những tiêu chuẩn gắn với từng trường hợp cụ thể, kết hợp với dữ liệu quá khứ, từ đó xây dựng định mức cho từng loại chi phí.
- So sánh chi phí thực tế phát sinh với định mức chi phí đã lập, xác định nguyên nhân chênh lệch, khoanh vùng các chi phí có biến động bất thường, để đưa ra các biện pháp kiểm soát chi phí cụ thể và phù hợp với từng loại chi phí
- Xây dựng ý thức tiết kiệm chi phí từ cấp lãnh đạo đến cấp nhân viên, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của kiểm soát chi phí trong doanh nghiệp
- …
Lời kết
Trên đây là những thông tin giới thiệu cơ bản về phương pháp phân tích Dupont, và cách thức vận dụng phương pháp này vào phân tích chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Với những thông tin này, MISA AMIS hy vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc đưa ra những quyết định kinh doanh, quyết định đầu tư đúng đắn.
Tỷ suất lợi nhuận là một chỉ số quan trọng đối với các nhà đầu tư, việc phân tích và đánh giá các chỉ số này một cách đúng đắn sẽ đem lại hiệu quả đầu tư cao. Thay vì phải đợi kế toán tổng hợp số liệu để tính toán một cách thủ công, CEO/chủ doanh nghiệp có thể theo dõi nhanh chóng các chỉ số tài chính của công ty nhờ Phần mềm kế toán online MISA AMIS – công cụ đang được đánh giá rất cao hiện nay không chỉ trong công tác kế toán mà còn trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp.
Phần mềm AMIS Kế toán được thiết lập sẵn công thức tính cho các hệ số phân tích tài chính. Căn cứ vào số liệu kế toán được nhập vào, phần mềm sẽ tự động tổng hợp và tính toán ra các chỉ số này. Dựa vào đó nhà quản lý có thể nhanh chóng đưa ra những đánh giá tổng quát về tình hình của doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào, từ đó đưa ra những quyết định điều hành hợp lý.
>> Xem thêm: Phần mềm kế toán hỗ trợ cung cấp những chỉ tiêu tài chính nào?
Những tính năng ưu việt của phần mềm kế toán online MISA AMIS giúp nhà quản trị có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:
- Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
- Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
- Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, BCTC và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:
Đinh Thị Thảo