Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính được người đọc báo cáo tài chính đặc biệt quan tâm. Vậy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gì, cách tính lợi nhuận sau thuế như thế nào, cách hạch toán và một số nội dung có liên quan ra sao? Hãy cùng MISA AMIS Kế toán tìm hiểu về các nội dung này qua bài viết dưới đây.
1. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gì?
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là chỉ tiêu phản ánh số lãi (hoặc lỗ) sau thuế chưa được quyết toán hoặc chưa phân phối tại thời điểm báo cáo.
Trên BCTC, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được thể hiện trên Bảng cân đối kế toán tại chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối [Mã số 421] theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc tại [Mã số 417] trên theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bao gồm:
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này
- Hình 1: Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Bảng cân đối kế toán
2. Cách tính lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và bài tập ví dụ
2.1 Cách tính lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thường được tính bằng công thức sau:
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối = Lợi nhuận sau thuế – Các quỹ trích lập – Cổ tức chi trả cho cổ đông.
Trong đó:
- Lợi nhuận sau thuế: Là các khoản tiền doanh nghiệp nhận được sau khi đã lấy tổng doanh thu trừ đi các phần chi phí và thuế phát sinh
- Các quỹ trích lập gồm bao gồm: quỹ đầu tư và phát triển; quỹ phúc lợi; quỹ khen thưởng. Các mức trích lập của những quỹ trên sẽ được tính theo một tỷ lệ nhất định tùy theo quy định của từng công ty.
- Cổ tức chi trả cho cổ đông: Là khoản tiền mà doanh nghiệp thực hiện chi trả cho các cổ đông
2.2 Bài tập ví dụ
Mời bạn đọc cùng theo dõi ví dụ dưới đây để nắm được cách xử lý các nghiệp vụ liên quan tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Công ty cổ phần A có lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính 2021 là 20.000 triệu đồng. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 5/2022, Đại hội đồng cổ đông đã quyết định về việc phân phối lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2021 như sau:
– Trích quỹ đầu tư phát triển: 8.000 triệu đồng
– Trích quỹ khen thưởng: 1.200 triệu đồng
– Trích quỹ phúc lợi: 800 triệu đồng
– Chi trả cổ tức cho cổ đông: 10.000 triệu đồng
Theo sổ đăng ký cổ đông của công ty tại ngày chốt danh sách chi trả cổ tức, công ty cổ phần A gồm 5 cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau:
Cổ đông | Tỉ lệ cổ phần sở hữu |
Cổ đông (1): doanh nghiệp B | 30% cổ phần |
Cổ đông (2): cá nhân C | 15% cổ phần |
Cổ đông (3): cá nhân D | 25% cổ phần |
Cổ đông (4): công ty E | 20% cổ phần |
Cổ đông (5): cá nhân F | 10% cổ phần |
Xử lý kế toán đối với các nghiệp vụ liên quan tới phân chia lợi nhận sau thuế như sau:
Ngày 01/01/2022: Kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước:
Nợ TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: 20.000 triệu đồng
Có TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước: 20.000 triệu đồng
Thực hiện nghị quyết của kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, kế toán hạch toán như sau:
+ Trích quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước: 10.000 triệu đồng
Có TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển: 8.000 triệu đồng
Có TK 3531 – Quỹ khen thưởng: 1.200 triệu đồng
Có TK 3532 – Quỹ phúc lợi : 800 triệu đồng
+ Chi trả cổ tức cho các cổ đông:
Kế toán xác định mức khấu trừ thuế TNCN đối với các cổ đông cá nhân trước khi chi trả cổ tức. Số tiền chi trả, khấu trừ thuế TNCN, số tiền thực nhận đối với từng cổ đông như sau:
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | Cổ đông | Tỷ lệ sở hữu | Cổ tức được chi trả | Khấu trừ thuế TNCN | Cổ tức thực nhận |
1 | Cổ đông (1) | 30% | 3.000 | 0 | 3.000 |
2 | Cổ đông (2) | 15% | 1.500 | 75 | 1.425 |
3 | Cổ đông (3) | 25% | 2.500 | 125 | 2.375 |
4 | Cổ đông (4) | 20% | 2.000 | 0 | 2.000 |
5 | Cổ đông (5) | 10% | 1.000 | 50 | 950 |
Cộng | 100% | 10.000 | 250 | 9.750 |
Hạch toán chi trả cổ tức cho các cổ đông, tại thời điểm có quyết định chi trả:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước : 10.000 triệu đồng
Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân: 250 triệu đồng
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác: 9.750 triệu đồng
Có thể bạn quan tâm: Hạch toán các bút toán kết chuyển cuối kỳ kế toán cần ghi nhớ
3. Hạch toán lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được theo dõi, hạch toán tại Tài khoản 421 – TK này dùng để phản ánh kết quả kinh doanh ( lãi, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp
Chi tiết về kết cấu tài khoản, nội dung phản ánh và hạch toán đối với tài khoản 421 được quy định tại điều 74 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014:
a/ Nội dung phản ánh
Nội dung phản ánh của TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối như sau:
- Hình 2: Nội dung phản ánh của tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Tài khoản 421 có thể có số dư Nợ hoặc số dư Có. Trong đó:
- Số dư bên Nợ: Là số lỗ hoạt động kinh doanh chưa xử lý
- Số dư bên Có: Là số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chưa sử dụng
- Hình 3: Nội dung tài khoản 421 thể hiện qua số dư bên Nợ/số dư bên Có
b/ Tài khoản cấp 2
Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước
- Tài khoản 42112: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay
- Hình 4: Tài khoản cấp 2 của tài khoản 421 và nội dung phản ánh
Lưu ý:
- Đầu năm tài chính kế tiếp, kế toán cần kết chuyển số dư đầu năm từ tài khoản 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay” sang tài khoản 4211 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước”.
- Tại thời điểm đầu năm tài chính kế tiếp, khi thực hiện bút toán kết chuyển, thì số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối “năm nay” được hiểu là số dư của tài khoản 4212 tại ngày 31/12 năm liền trước.
Ví dụ: Ngày 01/01/2022, doanh nghiệp thực hiện bút toán kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước thì giá trị kết chuyển “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay” chính là số dư ngày 31/12/2021. Sau khi thực hiện bút toán kết chuyển thì tài khoản 4212 không còn số dư.
c/ Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
Doanh nghiệp cần hạch toán chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh của từng năm tài chính (năm trước, năm nay) và theo dõi kịp thời, chi tiết theo từng nội dung phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp (trích lập các quỹ, bổ sung vốn đầu tư của chủ sở hữu, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, cho các nhà đầu tư).
Chi tiết phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế liên quan như dưới đây:
Nghiệp vụ | Hạch toán |
Cuối kỳ kế toán, kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh | Trường hợp lãi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh Có TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4212) Trường hợp lỗ: Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4212) Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh. |
Trả cổ tức, lợi nhuận được chia cho các chủ sở hữu | Khi có quyết định hoặc thông báo:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) Khi trả tiền cổ tức, lợi nhuận: Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) Có các TK 111, 112,… (số tiền thực trả) |
Công ty cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu (phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối) | Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá) Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lêch giữa giá phát hành cao hơn mệnh giá) (nếu có) |
Doanh nghiệp (không phải là công ty cổ phần) quyết định bổ sung vốn đầu tư của chủ sở hữu từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh (phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp) | Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu. |
Trích quỹ từ kết quả hoạt động kinh doanh (phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp) | Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển. Có TK 418 – Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu. Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534) |
Đầu năm tài chính kế tiếp, kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước | Trường hợp TK 4212 có số dư Có (lãi), ghi:
Nợ TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay Có TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước Trường hợp TK 4212 có số dư Nợ (lỗ), ghi: Nợ TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước Có TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay |
Trường hợp áp dụng hồi tố do thay đổi chính sách kế toán và điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của các năm trước nhưng năm nay mới phát hiện ra, doanh nghiệp cần thực hiện đồng thời:
Việc điều chỉnh số dư tài khoản 421 cần tuân thủ theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót và Chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Một số vấn đề khác về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
4.1. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là tài sản hay nguồn vốn?
Bản chất của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là phản ánh kết quả kinh doanh và tình hình phân chia lợi nhuận, xử lý lỗ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mọi nghiệp vụ theo dõi, hạch toán liên quan lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được thể hiện tại tài khoản 421 – nhóm tài khoản đầu 4 – nhóm tài khoản vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, trên Bảng cân đối kế toán, số liệu về lợi nhuận chưa phân phối được trình bày tại chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc nhóm D – Vốn chủ sở hữu.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được coi là nguồn vốn của doanh nghiệp.
4.2. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dùng để làm gì
Việc sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cơ bản thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp (người góp vốn, cổ đông). Hiện nay không có quy định cứng nhắc về việc phân phối, sử dụng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hoặc tình trạng thực tế việc хử lý lỗ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ cần được quy định tại Điều lệ công ty:
Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định về nội dung này:
“Điều 24. Điều lệ công ty Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: ……………………………………………………………………………………… l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;” |
Như vậy tại các doanh nghiệp khác nhau thì có những nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thế và xử lý lỗ trong kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, việc xử lý lỗ hay phân chia lợi nhuận đều phải đảm bảo rõ ràng, rành mạch và theo đúng các quy định, chính sách tài chính hiện hành.
a/ Về xử lý lỗ:
Hệ thống quản trị nội bộ của doanh nghiệp cần theo dõi số lỗ tính thuế và số lỗ không tính thuế, trong đó:
- Hình 6: Khoản lỗ tính thuế và khoản lỗ không tính thuế của doanh nghiệp
Khi chuyển lỗ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ được chuyển phần lỗ tính thuế làm căn cứ giảm trừ số thuế phải nộp trong tương lai.
b/ Về phân chia lợi nhuận:
Thông thường thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các nội dung phân phối lợi nhuận theo thứ tự ưu tiên như sau:
① Sử dụng đầu tư, tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:
Giá trị sử dụng thường căn cứ vào phương án đầu tư, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty; do các chủ sở hữu công ty quyết định. Với những phương án đầu tư lớn, đôi khi giá trị lợi nhuận sử dụng có thể dao động từ 50% tới 90% lợi nhuận chưa phân phối.
② Trích lập các quỹ (quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, phúc lợi …):
Mức trích lập thường theo một tỷ lệ nhất định được thể hiện tại Điều lệ công ty hoặc Quy chế quản lý tài chính của công ty. Tỷ lệ trích lập các quỹ có thể ở mức 5-10% hoặc lớn hơn tùy theo quy định của công ty và quy định pháp luật hiện hành.
③ Phân chia lợi nhuận cho các thành viên góp vốn hoặc chia cổ tức cho các cổ đông:
Thông thường phần giá trị lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi đã thực hiện các nội dung phân phối lợi nhuận nói trên sẽ được sử dụng để chia cho các thành viên góp vốn hoặc chia lãi (cổ tức) cho các cổ đông.
Khi phân phối lợi nhuận, doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng các khoản mục phi tiền tệ trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có thể ảnh hưởng đến luồng tiền và khả năng chi trả cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp, như:
– Khoản lãi do đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn; do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ; do đánh giá lại các công cụ tài chính;
– Các khoản mục phi tiền tệ khác…
Lưu ý, khoản cổ tức ưu đãi phải trả cần được loại ra theo bản chất của cổ phiếu ưu đãi và nguyên tắc:
– Nếu cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả: không ghi nhận cổ tức phải trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối;
– Nếu cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu: khoản cổ tức ưu đãi phải trả được xử lý kế toán tương tự như việc trả cổ tức của cổ phiếu phổ thông.
Việc ghi nhận, hạch toán các nội dung phân phối lợi nhuận nêu trên thực hiện theo các bút toán như đã trình bày tại mục 2c – Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 421.
Việc sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là quyết định của các chủ sở doanh nghiệp (người góp vốn trong công ty TNHH, các cổ đông trong công ty cổ phần…). Vì vậy, hồ sơ bắt buộc phải có khi sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là các nghị quyết, quyết định của các chủ sở doanh nghiệp như nghị quyết của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH; nghị quyết kỳ họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
4.3. Xác định nghĩa vụ thuế khi sử dụng lợi nhuận chưa phân phối trả cổ tức cho người góp vốn, cổ đông
Khi sử dụng lợi nhuận chưa phân phối chi trả lãi, cổ tức cho người góp vốn, cổ đông, doanh nghiệp cần xác định nghĩa vụ thuế và thực hiện khấu trừ trước khi chi trả, tùy thuộc đối tượng nhận lãi (cổ tức). Cụ thể:
- Hình 7: Lưu ý về thuế khi chi trả cổ tức cho người góp vốn, cổ đông
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phản ánh kết quả kinh doanh (lãi, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp, là một trong những chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán được người đọc báo cáo tài chính, đặc biệt là người góp vốn, cổ đông đặc biệt quan tâm. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý, hiểu đúng bản chất, cách hạch toán và xử lý kế toán, thuế đối với các nghiệp vụ liên quan.
Không dừng lại ở công cụ hỗ trợ công tác kế toán đơn thuần, phần mềm kế toán online MISA AMIS còn là trợ thủ đắc lực, đem đến cho nhà quản trị góc nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:
- Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
- Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
- Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
Đặc biệt, MISA AMIS Kế toán còn cung cấp hệ thống các chỉ số phân tích tài chính – công cụ đắc lực cho doanh nghiệp trong công cuộc tính toán và hoạch định tài chính tại đơn vị. Phần mềm AMIS Kế toán được thiết lập sẵn công thức tính cho các hệ số phân tích tài chính. Căn cứ vào số liệu kế toán được nhập vào, phần mềm sẽ tự động tổng hợp và tính toán ra các hệ số này. Dựa vào đó nhà quản lý có thể nhanh chóng đưa ra những đánh giá tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào, từ đó đưa ra những quyết định điều hành hợp lý.
Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:
Người viết: Lê Kim Tiến