Lợi nhuận sau thuế là gì? Cách tính và các yếu tố chính ảnh hưởng

04/08/2022
3639

Lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu rất quen thuộc với người làm kinh doanh. Bài viết dưới đây của MISA AMIS sẽ cung cấp những thông tin quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm rõ xoay quanh lợi nhuận sau thuế với các phân tích chi tiết nhất.

1. Tổng quan lợi nhuận sau thuế

1.1 Lợi nhuận sau thuế là gì? 

Lợi nhuận sau thuế còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như “lợi nhuận ròng”, “lãi ròng”, tên tiếng anh là Profit after tax – PAT hay Net profit. Lợi nhuận sau thuế là phần lợi nhuận cuối cùng còn lại của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi tất cả các loại chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Phần lợi nhuận này sẽ được dùng để chia cho các cổ đông (dưới dạng cổ tức bằng tiền), trích lập quỹ hoặc để dành để đầu tư cho các dự án trong tương lai của doanh nghiệp. 

Hình 1: Ý nghĩa của lợi nhuận sau thuế

1.2 Ý nghĩa của lợi nhuận sau thuế

Hình 2: Các đối tượng quan tâm tới lợi nhuận sau thuế

Khác với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chủ yếu thể hiện kết quả của hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế không chỉ thể hiện kết quả mà còn cho thấy hiệu quả cuối cùng của hoạt động kinh doanh đối với các cổ đông. Lợi nhuận sau thuế là yếu tố cơ bản quyết định lợi ích kinh tế mà nhà đầu tư nhận về sau một kỳ hoạt động kinh doanh.

Lãi nhuận ròng cao, tăng trưởng đều qua các năm tài chính chứng tỏ doanh nghiệp đã có doanh thu cao, kiểm soát chi phí tốt, hoạt động ngày càng hiệu quả. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế là căn cứ để các nhà đầu tư, gồm cả các nhà đầu tư tiềm năng đánh giá, so sánh giữa các tài sản đầu tư để đưa ra quyết định lựa chọn hoặc rút vốn, đầu tư thêm…

Bên cạnh đó, lãi ròng cao sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiến hành vay vốn. Doanh nghiệp cần chứng minh được khả năng tài chính khi vay vốn. Do đó, lãi ròng chính là một trong những minh chứng quan trọng giúp doanh nghiệp chứng minh năng lực tín dụng với ngân hàng.

Với lợi nhuận sau thuế cao và phát triển ổn định qua các năm, vị thế của doanh nghiệp trong mắt đối tác, nhà cung cấp, nhà phân phối và người lao động cũng được đánh giá cao. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội triển vọng khi tham gia đấu thầu, đặc biệt với các dự án đòi hỏi nhà thầu phải có hoạt động kinh doanh hiệu quả và tiềm lực tài chính tốt. Khi nhà cung cấp, nhà phân phối và người lao động cân nhắc lựa chọn hợp tác, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao cũng sẽ có lợi thế vượt trội. 

2. Cách tính lợi nhuận sau thuế trong doanh nghiệp

Lợi nhuận sau thuế TNDN là chỉ tiêu mã số 60 trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế TNDN được tính như sau:

Công thức số 1:

Lợi nhuận sau thuế

= Lợi nhuận trước thuế Chi phí thuế TNDN hiện hành -/+

Ghi nhận tăng/giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại

(Dấu +/- trong công thức số 1 và các công thức còn lại trong bài thể hiện cộng (+) hoặc trừ (-)

Ví dụ trong công thức số 1: là cộng (+) thu nhập thuế TNDN hoãn lại hoặc trừ (-) chi phí thuế TNDN hoãn lại)

Trong đó:

Chỉ tiêu

Bản chất

Lợi nhuận trước thuế

– là chỉ tiêu mã số 50 trên Báo cáo kết quả kinh doanh (Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế)

– bằng tổng của lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận khác

– bằng tổng của doanh thu và thu nhập khác trừ đi tổng chi phí phát sinh trong kỳ (không bao gồm chi phí thuế TNDN)

Chi phí thuế TNDN hiện hành – là chi phí thuế TNDN phát sinh trong kỳ tính theo thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế TNDN hiện hành
Ghi nhận tăng/giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại

– là ghi nhận tăng/giảm chi phí thuế TNDN phát sinh từ những khác biệt giữa chi phí thuế TNDN tính theo cơ sở thuế và cơ sở kế toán (*)

(*) Trong đó: 

Công thức số 2:

Chi phí thuế TNDN theo cơ sở kế toán

= Chi phí thuế TNDN hiện hành (tính theo cơ sở thuế) +/-

Ghi nhận tăng/giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại

Từ đó suy ra công thức tính lợi nhuận sau thuế như sau:

Công thức số 3:

Lợi nhuận sau thuế

= Lợi nhuận trước thuế 

Chi phí thuế TNDN theo cơ sở kế toán

Công thức số 4:

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận 

trước thuế 

x (1 – Thuế suất thuế TNDN) 

Hiện nay, với các doanh nghiệp thông thường, mức thuế suất thuế TNDN là 20%. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế sẽ có những quy định riêng về mức thuế suất ưu đãi cũng như thời gian được hưởng ưu đãi. 

Ngoài ra, trong trường hợp trong kỳ phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế TNDN phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế TNDN phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế TNDN hiện hành của năm phát hiện sai sót.

Như vậy, chỉ tiêu Thuế TNDN hiện hành trên Báo cáo kết quả kinh doanh không chỉ phản ánh chi phí thuế TNDN phát sinh trong kỳ theo cơ sở thuế, mà còn phản ảnh thêm khoản điều chỉnh tăng (hoặc giảm) do những sai sót không trọng yếu cho chi phí thuế TNDN phải nộp của các năm trước. Trong trường hợp này, các công thức số 2, 3, 4 sẽ điều chỉnh thành như sau:

Công thức số 2’:

Chi phí thuế TNDN theo cơ sở kế toán

= Chi phí thuế TNDN hiện hành (tính theo cơ sở thuế) +/- Ghi nhận tăng/giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại +/-

Điều chỉnh tăng/giảm chi phí thuế TNDN do sai sót không trọng yếu các năm trước

Công thức số 3’:

Lợi nhuận sau thuế

= Lợi nhuận trước thuế  Chi phí thuế TNDN theo cơ sở kế toán -/+

Điều chỉnh tăng/giảm chi phí thuế TNDN do sai sót không trọng yếu các năm trước

Công thức số 4’:

Lợi nhuận sau thuế

= Lợi nhuận trước thuế  x (1 – Thuế suất thuế TNDN)  -/+

Điều chỉnh tăng/giảm chi phí thuế TNDN do sai sót không trọng yếu các năm trước

Trong trường hợp sai sót trọng yếu, kế toán phải thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính, không điều chỉnh trực tiếp vào chi phí thuế TNDN kỳ này. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Lợi nhuận thuần là gì? Hướng dẫn cách tính chi tiết

3. Các yếu tố chính ảnh hưởng tới chỉ số lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp

3.1. Các yếu tố mang tính định lượng

Có thể dễ dàng thấy được, có 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế bao gồm doanh thu, thu nhập, chi phí và thuế suất thuế TNDN. 

Chi tiết hơn, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến từng chỉ tiêu doanh thu, chi phí, thuế, tuy nhiên một vài nhân tố điển hình mang tính định lượng có ảnh hưởng đáng kể như sau:

Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu: Giá bán và sản lượng tiêu thụ 

Giá bán và sản lượng tiêu thụ tác động trực tiếp tới biến động doanh thu. Hai yếu tố này tăng đều đến dẫn đến tăng doanh thu (giả sử giá vốn không đổi) thì lợi nhuận cũng sẽ tăng. 

Mỗi doanh nghiệp, tại từng thời điểm có thể có những chiến lược bán hàng khác nhau để tăng sản lượng, hoặc tăng giá bán, hoặc tăng cả hai. Tuy nhiên, mục tiêu mọi doanh nghiệp kỳ vọng đều là tăng doanh thu. 

Hình 3: Giá bán và sản lượng tiêu thụ

Một số chiến lược bán hàng thường được các doanh nghiệp sử dụng như sau:

+ Giữ nguyên giá bán, nhưng tăng giá trị sản phẩm (như thêm tính tăng, tăng giá trị về mặt thẩm mỹ, tăng độ tiện dụng)… từ đó tăng sản lượng tiêu thụ, tăng doanh thu

+ Giá trị sản phẩm không đổi nhưng hạ giá bán, từ đó tăng sản lượng tiêu thu, tăng doanh thu

+ Tăng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tăng giá bán – chiến lược thích hợp với các dòng sản phẩm cao cấp, đối tượng khách hàng hướng tới có mức thu nhập cao, ví dụ như dòng sản phầm Vertu, Mobiado …

+ Tăng giá trị sản phẩm kết hợp với hạ giá thành, chiến lược này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp đang muốn thâm nhập, mở rộng thị trường đang có mức độ cạnh tranh cao. 

Doanh nghiệp có thể lên dự toán ngân sách cho các chiến lược bán hàng khác nhau, từ đó lựa chọn chiến lược phù hợp để đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh thu. 

Hình 4: Làm sao để tăng giá bán mà vẫn giữ được khách hàng?

  Nhóm yếu tố ảnh hưởng tới chi phí:

– Giá vốn của sản phẩm tiêu thụ: Giá vốn của sản phẩm càng thấp thì lãi ròng càng cao. Mọi doanh nghiệp luôn tối ưu giá vốn hàng tồn kho bằng cách cân nhắc một số nguồn cung đầu vào khác nhau để lựa chọn nguồn hàng lý tưởng nhất, giá thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ. 

– Kiểm soát chi phí hoạt động: Chi phí hoạt động càng cao thì lợi nhuận càng giảm. Doanh nghiệp nên xem xét tỷ trọng các loại chi phí hiện tại, xác định các nội dung chi phí có thể cắt giảm, tối thiểu hóa chi phí phát sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm; nhờ đó hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận thu về. 

Nhóm yếu tố ảnh hưởng tới chi phí thuế TNDN

 Chi phí thuế TNDN là yếu tố tất yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế, tuy nhiên, đây cũng là yếu tố mà doanh nghiệp khó có thể kiểm soát nhất. Để giảm thiểu tác động của thuế lên lợi ích kinh tế thu về, doanh nghiệp thường cố gắng tối ưu thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc đến các yếu tố ưu đãi thuế khi ra quyết định đầu tư loại hình sản phẩm mới hoặc đầu tư dự án tại khu vực khác.

Ví dụ: thay vì việc lựa chọn đầu tư xây dựng dự án tại khu vực với mức thuế suất 20%, doanh nghiệp có thể lựa chọn mở nhà máy tại các khu vực được ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư với các mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc 17% trong thời gian 10 năm.

>>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

3.2. Các yếu tố mang tính định tính

Có rất nhiều yếu tố mang tính định tính ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế hay chính là kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một vài nhân tố điển hình như thị phần, sự thay đổi nhu cầu khách hàng, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, phong cách quản trị của nhà quản trị, các chương trình đào tạo cho nhân viên…. Đây là những nhân tố khó có thể định lượng, tuy nhiên lại có thể ảnh hưởng một cách toàn diện đến hoạt động của doanh nghiệp. 

4. Một số thông tin khác cần lưu ý về lợi nhuận sau thuế, phân phối lợi nhuận sau thuế

4.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước

Theo Điều 31 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước được phân phối theo nguyên tắc sau:

“Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối theo thứ tự như sau:

Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có).

Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định.

Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này được phân phối theo thứ tự như sau:

a) Trích quỹ đặc thu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có)

b) Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

c) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp:

d) Trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên:

đ) Trường hợp số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển quy định tại Điểm b Khoản này mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định thì doanh nghiệp được giảm trừ phần lợi nhuận trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào Quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính.

e) Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này được nộp về ngân sách nhà nước.”

lợi nhuận sau thuế
Hình 5: Phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước

4.2. Doanh nghiệp không phải doanh nghiệp nhà nước

Theo Khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021), điều lệ doanh nghiệp phải bao gồm một số nội dung cơ bản trong đó có nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh. 

Như vậy, nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh sẽ do doanh nghiệp tự xác định, và nêu rõ trong điều lệ doanh nghiệp. 

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ phân phối lợi nhuận sau thuế theo thứ tự sau:

Bù lỗ của các năm trước khi số lỗ đó đã hết hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế. Theo hướng dẫn của Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được kết chuyển toàn bộ và liên tục khoản lỗ vào lợi nhuận trước thuế không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Giả sử sau khi hết 5 năm, khoản lỗ vẫn chưa được bù trừ hết, doanh nghiệp có thể giữ lại phần lợi nhuận sau thuế để bù cho phần lỗ đó. 

– Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng. Tùy thuộc vào hợp đồng góp vốn giữa các thành viên góp vốn, lợi nhuận sau thuế sẽ được phân phối theo như quy định trong hợp đồng.

Trích quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa không quá ba tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị. 

Trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ đã được nhà nước quy định đối với doanh nghiệp đặc thù mà pháp luật quy định phải trích lập. Ví dụ như theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về một số loại quỹ trong các tổ chức tín dụng như sau:  (i) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp được trích hằng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng; (ii) Quỹ dự phòng tài chính; (iii) Các quỹ dự trữ khác theo quy định của pháp luật.

– Sau khi quyết toán các khoản trên, số lợi nhuận còn lại được phân chia cho các thành viên hoặc chia cổ tức cho các cổ đông. Việc chia cổ tức cho các cổ đông được xác định và thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp lợi nhuận sau thuế chỉ sử dụng một phần để chia cổ tức, phần còn lại sẽ được để lại để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

lợi nhuận sau thuế
Hình 6: Phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp

Trên đây là những thông tin cơ bản về khái niệm, ý nghĩa của lợi nhuận sau thuế, cách tính và các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu này. MISA AMIS hy vọng các thông tin này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể vận dụng vào hoạt động quản lý của doanh nghiệp mình, nâng cao kết quả cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời giúp cho các nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. 

Lợi nhuận sau thuế là một phần quan trọng trong sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. CEO/Chủ doanh nghiệp cần theo dõi liên tục, thậm chí là theo dõi chi tiết theo từng mặt hàng, dự án, từ đó có kế hoạch phát triển đúng đắn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp luôn tìm đến sự hỗ trợ của công cụ quản trị tài chính, phần mềm tích hợp quản lý tổng thể thay vì chỉ sử dụng một phần mềm kế toán đơn thuần, rời rạc. Một số phần mềm kế toán như MISA AMIS, MISA SME có thể cung cấp tự động chỉ tiêu lợi nhuận này cũng như các chỉ số tài chính chuyên sâu khác, giúp chủ doanh nghiệp kịp thời ra quyết định điều hành. Cụ thể: 

+ Cung cấp đầy đủ các chỉ tiêu Doanh thu, chi phí, lợi nhuận trên Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định sản xuất, kinh doanh hợp lý, hiệu quả.

+ Cung cấp đầy đủ các số liệu báo cáo khác liên quan đến chi phí, lợi nhuận chi tiết đến từng mặt hàng, thị trường để CEO/chủ doanh nghiệp nắm bắt được mặt hàng, thị trường nào kinh doanh đang hiệu quả để có kế hoạch kinh doanh hợp lý.

+ Dễ dàng nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua nhiều thiết bị như moblie, laptop mọi lúc mọi nơi chỉ cần có kết nối internet.

Doanh nghiệp đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày trải nghiệm phần mềm kế toán MISA AMIS để quản lý công tác tài chính – kế toán hiệu quả hơn.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Thảo Đinh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả