Khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ và những điều kế toán cần chú ý

27/03/2023
14748

Có những nghiệp vụ khấu hao và tính khấu hao đặc biệt, gây khó khăn cho phần đông kế toán ví dụ trường hợp khấu hao xe ô tô. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu các nội dung mà kế toán cần lưu ý đối với trường hợp khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ – trường hợp khấu hao đặc biệt tại các doanh nghiệp.

1. Khấu hao xe ô tô là gì?

Khấu hao xe ô tô là quá trình định giá, tính toán và phân bổ giá trị của chiếc xe ô tô sau một khoảng thời gian sử dụng do sự hao mòn. Các doanh nghiệp có nguồn khấu hao lớn hoặc mới đi vào hoạt động nhưng chưa có doanh thu thường coi khấu hao tài sản cố định, bao gồm xe ô tô, là một trong những nguồn tài chính quan trọng.

Khấu hao giúp phân bổ chi phí hợp lý theo từng kỳ kế toán, từ đó góp phần cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp.

2. Các quy định pháp luật liên quan đến trích khấu hao xe ô tô

Ô tô là TSCĐ đặc biệt vì bị khống chế về thuế GTGT được khấu trừ đầu vào cũng như số khấu hao được tính vào chi phí hợp lý. Có một số quy định về khấu hao xe ô tô mà kế toán doanh nghiệp cần lưu ý, cụ thể như sau:

2.1. Quy định về thuế GTGT đầu vào của ô tô

Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 78/2014/TT-BTC và Thông tư 96/2015/TT-BTC đã quy định:

“Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có trị giá hơn 1.6 tỷ đồng thì phần thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần ngoài giá trị 1.6 tỷ sẽ không được khấu trừ.

Như vậy, đối với khấu hao tài sản cố định xe ô tô, kế toán cần ghi nhớ:

  • Nếu xe ô tô có nguyên giá < 1.6 tỷ thì được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào; 
  • Nếu xe ô tô có nguyên giá > 1.6 tỷ, với thuế GTGT ô tô hiện nay là 10% thì phần thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là 160 triệu, phần thuế GTGT không được khấu trừ sẽ được tính vào nguyên giá của ô tô 

(Căn cứ theo khoản 9 điều 14 thông tư 219/2013/TT-BTC, “Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định”)

Đọc thêm: Hướng dẫn hạch toán mua xe ô tô và các chứng từ, nghiệp vụ kế toán cần nắm

2.2. Quy định về thuế TNDN

Căn cứ vào Thông tư 151/2014/TT-BTC:

“Phần trích khấu hao TSCĐ tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn)… là khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN.”

Như vậy, Theo Thông tư 151/2014/TT-BTC, phần trích khấu hao tài sản cố định tương ứng với phần nguyên giá vượt quá 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (ngoại trừ ô tô sử dụng trong kinh doanh vận tải hành khách, du lịch, khách sạn) sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kế toán phải đặc biệt lưu ý khi xác định và ghi sổ hạch toán mua xe ô tô, đặc biệt là đối với các xe có giá trị trên 1,6 tỷ đồng, để đảm bảo sự chính xác trong thông tin kế toán và việc khấu hao tài sản cố định.

khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ

3. Cách xác định nguyên giá và hạch toán xe ô tô trên 1.6 tỷ

Cách xác định nguyên giá xe ô tô:

Căn cứ theo điều 4, Thông tư 45/2018/TT-BTC quy định về cách xác định nguyên giá tài sản cố định như sau:

  • Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình (bao gồm cả tài sản mới và cũ) là giá mua thực tế phải trả cộng với các khoản thuế (không bao gồm thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
  • Các chi phí này phải được tính đến thời điểm tài sản được đưa vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, bao gồm: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản, chi phí vận chuyển, bốc dỡ, nâng cấp, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Ví dụ 1: Cùng xét trường hợp khấu hao xe ô tô sau:

Doanh nghiệp A mua một ô tô trị giá 2 tỷ, thuế GTGT 10%, lệ phí trước bạ 300 triệu. Doanh nghiệp A không kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách. Doanh nghiệp A trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng, thời gian khấu hao chọn là 10 năm. 

Căn cứ vào quy định tại các thông tư thì kế toán doanh nghiệp lúc mua ô tô hạch toán ô tô trên 1.6 tỷ như sau:

Phần thuế GTGT không được khấu trừ sẽ được ghi nhận vào nguyên giá của TSCĐ: 2,000,000,000 + 40,000,000 = 2,040,000,000

=> Tổng nguyên giá tài sản cố định xe ô tô là: 2,040,000,000 + 300,000,000 = 2,340,000,000

Cách hạch toán hóa đơn mua xe ô tô trên 1.6 tỷ

Căn cứ vào quy định tại các thông tư thì kế toán doanh nghiệp lúc mua ô tô hạch toán ô tô trên 1.6 tỷ như sau:

Nợ TK 211

Nợ TK 133 (thuế GTGT cho phần nguyên giá 1.6 tỷ được khấu trừ)

Có TK 112, 331

Hạch toán lệ phí trước bạ:

Nợ TK 211

Có TK 3339

Nợ TK 3339

TK 112

Ví dụ 2: Xét trường hợp doanh nghiệp A tại ví dụ 1, phần hạch toán hóa đơn mua xe ô tô như sau:

Nợ TK 211  2,040,000,000

Nợ TK 133 160,000,000 (thuế GTGT cho phần nguyên giá 1.6 tỷ được khấu trừ)

Có TK 112 331: 2,200,000.000

Hạch toán lệ phí trước bạ:

Nợ TK 211 300,000,000

Có TK 3339 300,000,000

Nợ TK 3339 300,000,000

Có TK 112 300,000,000 

4. Cách tính khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ

4.1 Cách tính khấu hao theo Luật Kế toán

Theo quy định của Luật Kế toán, ô tô là tài sản cố định có thời gian trích khấu hao trong khoảng từ 6 đến 10 năm. Trường hợp doanh nghiệp quyết định khấu hao trong vòng 10 năm, mức khấu hao mỗi năm sẽ được tính theo công thức:

Khấu hao hàng năm = Nguyên giá tài sản cố định
10

Điều này có nghĩa rằng giá trị của ô tô sẽ được phân bổ đều vào chi phí hàng năm trong suốt thời gian 10 năm.

Ví dụ 3: Căn cứ theo các dữ liệu tại ví dụ 1, mức khấu hao của doanh nghiệp A được tính như sau:

⇒ Mức khấu hao hàng năm là:

Mức khấu hao hàng năm = 2.340.000.000 = 234.000.000
10

⇒ Mức khấu hao hàng tháng là:

Mức khấu hao hàng tháng = 234.000.000 = 19.500.000
12

Hàng tháng, kế toán ghi nhận vào sổ sách kế toán theo bút toán như sau:

Nợ TK 642 19,500,000

Có TK 214 19,500,000

Bên cạnh việc trích khấu hao cho xe ô tô, kế toán cũng cần lưu ý đến nghiệp vụ hạch toán mua xe ô tô trên 1.6 tỷ. Các nội dung liên quan đến hạch toán mua xe ô tô tham khảo tại bài viết: Hướng dẫn hạch toán mua xe ô tô và các chứng từ, nghiệp vụ kế toán cần nắm

4.2. Tính khấu hao theo luật thuế:

Theo Luật Thuế, đối với ô tô có giá trị vượt quá 1.6 tỷ đồng (đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và không phục vụ kinh doanh vận tải hành khách), chỉ phần giá trị đến 1.6 tỷ đồng mới được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần nguyên giá vượt quá 1.6 tỷ đồng sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi trích khấu hao.

Cách 1:

Theo quy định, chi phí khấu hao chỉ được tính tối đa là 1.6 tỷ đồng. Do đó, phần giá trị vượt 1.6 tỷ sẽ không được tính vào chi phí thuế TNDN.

Phần chênh lệch:

2,34 tỷ – 1,6 tỷ = 740 triệu đồng (không được tính vào chi phí thuế)

Mức khấu hao 1.6 tỷ trong 10 năm được tính như sau:

Mức khấu hao hàng năm = 740.000.000 = 74.000.000 đồng/năm
10

Vậy mức khấu hao bị loại khỏi chi phí trong 1 năm là: 74 triệu đồng

Cách 2:

Nếu chỉ tính khấu hao cho phần 1.6 tỷ, Mức trích khấu hao được tính như sau:

Mức khấu hao tính vào chi phí được trừ trong 1 năm:

Mức khấu hao hàng năm = 1,6 tỷ = 160.000.000 đồng/năm
10

Mức khấu hao hạch toán vào sổ sách là: 234 triệu đồng

Như vậy, mức trích khấu hao bị loại là:

234 triệu – 160 triệu = 74 triệu đồng

Lưu ý:

Khi lập tờ khai quyết toán thuế TNDN 03/TNDN, ghi tại chỉ tiêu B4 – Các khoản chi không được tính là chi phí được trừ: 74,000,000.

Các nghiệp vụ liên quan đến khấu hao tài sản cố định nhất là ghi nhận khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ được coi là nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi kế toán phải thực sự chú ý. Nếu có sự hỗ trợ thêm của phần mềm công nghệ như phần mềm kế toán online MISA AMIS, kế toán sẽ không phải lo lắng quá nhiều đối với những nghiệp vụ phức tạp như vậy nữa. Phần mềm kế toán online MISA AMIS hỗ trợ kế toán trong nghiệp vụ TSCĐ nói chung và nghiệp vụ trích khấu hao TSCĐ nói riêng như sau:

  • Dễ dàng quản lý danh sách các TSCĐ được đưa vào sử dụng tại các phòng ban
  • Tự động trích khấu hao cho toàn bộ TSCĐ theo từng kỳ, từng phòng ban, từng đối tượng sử dụng để tập hợp chi phí tính giá thành sản phẩm hoặc tự động phân bổ chi phí tính khấu bao cho từng bộ phận sử dụng để tính lãi lỗ theo bộ phận.
  • Lập chứng từ ghi giảm cho một hay nhiều TSCĐ cùng lúc, tự động định khoản bút toán ghi giảm.


Tác giả tổng hợp: Phương Thanh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 4.5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả