Kiến thức Tài chính - kế toán Kế toán cho người mới bắt đầu Nhập môn kế toán 7 nguyên tắc kế toán cơ bản theo chuẩn mực kế toán...

7 nguyên tắc kế toán cơ bản theo chuẩn mực kế toán Việt Nam

Người làm kế toán cần nắm vững 07 nguyên tắc kế toán cơ bản được quy định tại Chuẩn mực chung – Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Đây được xem như kim chỉ nam, là cơ sở giúp người làm kế toán nắm bắt và tuân thủ đúng các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán cụ thể. 

MISA AMIS
Kiều Phương Thanh là một chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính kế toán, tác giả của rất nhiều bài viết được đón nhận và chia sẻ trên các diễn đàn kế toán và tài chính Việt Nam.
Hình 1: 7 nguyên tắc kế toán cơ bản theo chuẩn mực kế toán Việt Nam

Căn cứ pháp lý: 

– Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 – Chuẩn mực chung (VAS 01)

– Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (VSA 570)

– Các chuẩn mực kế toán Việt Nam có liên quan khác

– Thông tư 200/2014/TT-BTC (TT200)

– Thông tư 48/2019/TT-BTC về trích lập dự phòng

Chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định 07 nguyên tắc kế toán cơ bản:

Hình 2: Các nguyên tắc kế toán cơ bản

1. Nguyên tắc Cơ sở dồn tích

Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. 

(Quy định tại điểm 03 VAS 01)

Nói cách khác, để phản ánh một cách trung thực và hợp lý tình hình thu nhập, chi phí trong kỳ cũng như bức tranh tổng quan về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh liên quan tới Bảng cân đối kế toán Báo cáo kết quả kinh doanh phải được ghi nhận khi thực tế phát sinh. Thời điểm thực tế phát sinh là thời điểm nghiệp vụ diễn ra, gây nên biến động về tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Ví dụ: tại thời điểm các điều kiện ghi nhận doanh thu được đồng thời thỏa mãn, doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ được ghi nhận, không phụ thuộc vào việc đã nhận được tiền thanh toán từ khách hàng hay chưa. 

>>> Đọc thêm về thời điểm ghi nhận doanh thu tại các bài viết:

Tài sản cố định tăng do mua ngoài được ghi tăng tài sản tại thời điểm nhận bàn giao từ nhà cung cấp, hoàn thành lắp đặt để sẵn sàng đưa vào sử dụng, không phụ thuộc vào tình hình thanh toán với nhà cung cấp. 

Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu ghi nhận các nghiệp vụ tại thời điểm thực tế phát sinh, doanh nghiệp cần thực hiện một số ước tính kế toán đối với các khoản phải trả. Việc sử dụng các ước tính kế toán chi phí này, nếu không được thực hiện trên cơ sở đáng tin cậy, sẽ tiềm ẩn rủi ro bóp méo bức tranh về tình hình tài chính của doanh nghiệp. 

>>> Đọc thêm: Hiểu thế nào về nguyên tắc cơ sở dồn tích?

2. Nguyên tắc Hoạt động liên tục 

Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính. 

(Quy định tại điểm 04 VAS 01)

Tương lai gần trong định nghĩa về hoạt động liên tục là ít nhất là 1 năm kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán, theo hướng dẫn tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 570 (VSA 570). 

Tại thời điểm lập báo cáo, ban giám đốc có trách nhiệm đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, từ đó, xác định cơ sở lập báo cáo phù hợp. 

Một số sự kiện và điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp bao gồm:

Hình 3: Tổng hợp từ điểm A2 mục III VSA 570

Bạn đọc cũng cần lưu ý 3 trường hợp thường gặp dưới đây. Mặc dù có sự thay đổi đáng kể về tư cách pháp nhân hay loại hình doanh nghiệp nhưng đơn vị vẫn đáp ứng giả định sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nên báo cáo tài chính vẫn được lập trên cơ sở hoạt động liên tục. 

Hình 4: 3 trường hợp lưu ý đáp ứng giả định hoạt động liên tục

(*) Mặc dù phải tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp, đánh giá lại tài sản và nợ phải trả khi xử lý kế toán đối với cổ phần hóa, nhưng về bản chất doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như bình thường. 

Về cơ bản, khi cơ sở giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm lập báo cáo, doanh nghiệp cần tái phân loại tài sản dài hạn và nợ phải trả dài hạn thành tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn. Đồng thời, toàn bộ tài sản và nợ phải trả cần được đánh giá lại trừ trường hợp có một bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả theo giá trị sổ sách, giá trị đánh giá lại được ghi nhận vào sổ kế toán trước khi lập bảng cân đối kế toán. 

Chi tiết về cơ sở lập và trình bày báo cáo tài chính khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục được trình bày chi tiết ở điều 106 Thông tư 200/2014/TT-BTC. 

3. Nguyên tắc Giá gốc

Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

(Quy định tại điểm 05 VAS 01)

Nguyên tắc giá gốc được áp dụng cho kế toán các đối tượng tài sản, chi tiết một số đối tượng tài sản thường gặp được tổng hợp dưới đây: 

Hình 5: Ghi nhận giá trị một số đối tượng tài sản trên sổ kế toán

Lưu ý: Nguyên tắc kế toán này chỉ quy định việc áp dụng nguyên tắc giá gốc trong ghi nhận tài sản. Tuy nhiên, luật số 88/2015/QH13 – luật kế toán Việt Nam hiện hành có nêu quy định tại điểm 5 điều 3: Giá gốc là giá trị được ghi nhận ban đầu của tài sản hoặc nợ phải trả.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS hiện nay có thể tự động tổng hợp chi phí mua để tính và theo dõi giá gốc dễ dàng hơn, đảm bảo tính chính xác cao. Đây cũng là phần mềm đáp ứng được tất cả các phần hành của kế toán và được sử dụng phổ biến nhất.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

4. Nguyên tắc Phù hợp 

Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

(Quy định tại điểm 06 VAS 01)

Theo nguyên tắc kế toán phù hợp, khi ghi nhận một khoản doanh thu, doanh nghiệp cần đồng thời ghi nhận đầy đủ các khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra khoản doanh thu đó. 

Hình 6: Chi phí tương ứng liên quan tới việc tạo ra doanh thu

Chi phí liên quan tới một khoản doanh thu bao gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu, chi phí đã được ghi nhận vào tài khoản 242 từ kỳ trước, và chi phí phải trả ghi nhận ở các tài khoản 335, 352 liên quan đến việc tạo ra doanh thu của kỳ lập báo cáo. 

Vì chưa thực tế phát sinh, nên các khoản chi phí phải trả có thể bị bỏ sót chưa được ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ tạo ra khoản doanh thu tương ứng. Hoặc bản thân việc ghi nhận dự phòng phải trả cần đánh giá dựa trên nhiều yếu tố xét đoán nên sẽ ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận kế toán trong kỳ.

Về cơ sở xác định các khoản chi phí phải trả, điểm 1d Điều 54 TT200 về nguyên tắc kế toán tài khoản 335 – chi phí phải trả lưu ý: 

Việc trích trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phải được tính toán một cách chặt chẽ (lập dự toán chi phí và được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và phải có bằng chứng hợp lý, tin cậy về các khoản chi phí phải trích trước trong kỳ, để đảm bảo số chi phí phải trả hạch toán vào tài khoản này phù hợp với số chi phí thực tế phát sinh. Nghiêm cấm việc trích trước vào chi phí những nội dung không được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Nhờ việc ghi nhận đầy đủ các khoản chi phí tạo ra doanh thu, báo cáo kết quả kinh doanh có thể phản ánh một cách đúng đắn sự cân bằng giữa thu nhập (doanh thu) và chi phí trong từng kỳ kế toán, đưa đến cái nhìn trung thực và hợp lý về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Yêu cầu phải xác định chi phí phù hợp với doanh thu trong kỳ để xác định đúng đắn kết quả kinh doanh của kỳ kế toán theo nguyên tắc kế toán phù hợp thống nhất với yêu cầu việc ghi nhận tài sản, nguồn vốn, doanh thu và chi phí trên báo cáo tài chính dựa trên cơ sở nghiệp vụ kinh tế phát sinh chứ không phải dựa trên cơ sở thu tiền hay chi tiền của cơ sở dồn tích được trình bày ở Mục 1. 

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

5. Nguyên tắc Nhất quán

Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

(Quy định tại điểm 07 VAS 01)

Nguyên tắc nhất quán cần được tuân thủ để đảm bảo người sử dụng báo cáo tài chính cần phải so sánh được báo cáo tài chính của doanh nghiệp qua nhiều kỳ, từ đó dễ dàng xác định xu hướng biến động tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. 

Không chỉ yêu cầu duy trì các chính sách kế toán ổn định giữa các kỳ kế toán, nguyên tắc nhất quán được quy định ở điểm 05 VAS 29 còn yêu cầu áp dụng thống nhất chính sách kế toán cho các nghiệp vụ có cùng bản chất kinh tế. 

Các giao dịch, sự kiện có cùng bản chất cần phải được áp dụng chung một chính sách, phương pháp kế toán, trừ trường hợp có chuẩn mực kế toán khác yêu cầu, cho phép phân loại các nghiệp vụ này thành các nhóm nhỏ và hướng dẫn chính sách kế toán khác nhau cho từng nhóm nghiệp vụ. Khi đó, các giao dịch, sự kiện được phân loại cùng một nhóm sẽ được áp dụng nhất quát một chính sách, phương pháp kế toán phù hợp. 

Doanh nghiệp chỉ được thay đổi chính sách kế toán khi: 

Hình 7: Trường hợp doanh nghiệp được thay đổi chính sách kế toán theo Điểm 06 VAS 29

Khi thay đổi chính sách kế toán, chính sách kế toán mới cần được áp dụng nguyên tắc hồi tố. Theo hướng dẫn tại điểm 11 VAS 29:

Doanh nghiệp phải điều chỉnh số dư đầu kỳ các khoản mục bị ảnh hưởng đã được trình bày trong phần vốn chủ sở hữu của kỳ sớm nhất và các số liệu so sánh cho mỗi kỳ trước cũng phải được trình bày như thể đã được áp dụng chính sách kế toán mới.

Nói cách khác, ít nhất, doanh nghiệp cần trình bày lại các khoản mục, thông tin có liên quan trên Báo cáo tài chính như thể đã áp dụng chính sách kế toán mới cho kỳ này (N), kỳ liền trước (N-1), và kỳ so sánh của các kỳ liền trước (N-2, N-3…).

Bên cạnh đó, các thông tin chi tiết về thay đổi chính sách kế toán cần được trình bày ở thuyết minh báo cáo tài chính. 

>>> Đọc thêm: Nguyên tắc nhất quán là gì? Nội dung nguyên tắc nhất quán

6. Nguyên tắc Thận trọng 

Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

Hình 8: Các yêu cầu của nguyên tắc thận trọng theo quy định tại điểm 08 VAS 01

Các khoản dự phòng được lập nhằm dự tính bù đắp các khoản tổn thất có thể xảy ra của doanh nghiệp, giúp báo cáo tài chính năm có thể phản ánh đúng đắn giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được. 

Thông tư 48/2019/TT-BTC đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, dịch vụ đảm bảo giá trị lập dự phòng không quá lớn.

Lưu ý về mặt giá trị, nguyên tắc thận trọng yêu cầu không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; đồng thời, không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí. Giá trị hàng tồn kho, giá trị chứng khoán kinh doanh ghi nhận trên sổ kế toán (đề cập ở bảng 1 -Phần 3) là những ví dụ thường gặp tuân thủ nguyên tắc thận trọng khi ghi nhận giá trị tài sản. 

Lưu ý về mặt thời điểm ghi nhận, ngay khi có bằng chứng có thể phát sinh chi phí doanh nghiệp cần ghi nhận ngay chi phí vào kỳ hiện tại; tuy nhiên, phải đợi tới khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế mới đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, thu nhập. 

Nhờ có nguyên tắc thận trọng, lợi nhuận của doanh nghiệp, giá trị các tài sản và cũng như nguồn hình thành tài sản được phản ánh một cách đáng tin cậy. 

7. Nguyên tắc Trọng yếu

Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.

(Quy định tại điểm 09 VAS 01)

Mục đích của nguyên tắc trọng yếu là yêu cầu trình bày trên Báo cáo tài chính những thông tin trọng yếu – những thông tin mà nếu thiếu hoặc thiếu chính xác sẽ làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng ra quyết định của người đọc báo cáo. 

Để xem xét một thông tin có được coi là trọng yếu để trình bày trên báo cáo tài chính hay không, doanh nghiệp cần xem xét về cả độ lớn (định lượng) và tính chất (định tính) của thông tin, xem xét trong hoàn cảnh cụ thể. 

Hiện tại, ngoài quy định về nguyên tắc trọng yếu đề cập tại VAS 01, chưa có thêm hướng dẫn chi tiết về cách thức, tiêu chuẩn xác định một thông tin trong một trường hợp nhất định có được coi là trọng yếu hay không. Điều này phụ thuộc vào đánh giá mang tính chủ quan, xét đoán, kinh nghiệm và sự thận trọng nghề nghiệp của người lập báo cáo, ban giám đốc doanh nghiệp với mục tiêu phản ánh một cách trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thông thường, các nguyên tắc kế toán được đồng thời áp dụng thống nhất, nguyên tắc này là tiền đề, bổ sung cho nguyên tắc kia. 

Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp xung đột giữa các nguyên tắc kế toán. 

Ví dụ, theo như yêu cầu của nguyên tắc thận trọng, doanh nghiệp cần ghi nhận chi phí ngay khi có bằng về khả năng phát sinh, nhưng phải đợi tới khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế mới được ghi nhận doanh thu. 

Sự khác biệt về độ chắc chắn trong điều kiện ghi nhận doanh thu và chi phí theo nguyên tắc thận trọng đôi khi có thể gây ra mâu thuẫn với nguyên tắc phù hợp – ghi nhận đồng thời doanh thu và chi phí tạo ra khoản doanh thu đó. 

Bạn đọc cũng có thể đưa ra thắc mắc về sự khác biệt giữa cơ sở dồn tích quy định chỉ ghi nhận nghiệp vụ khi thực tế phát sinh với quy định của nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc phù hợp cho phép ghi nhận chi phí khi có bằng chứng về khả năng phát sinh, ghi nhận chi phí phải trả liên quan đến việc tạo ra doanh thu của kỳ lập báo cáo, nghĩa là chi phí chưa thực tế phát sinh.

Giải đáp cho thắc mắc này, Điều 78 – nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu và Điều 82 – nguyên tắc kế toán các khoản chi phí ở Thông tư 200 hướng dẫn doanh nghiệp phải căn cứ vào chất bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.

Việc tuân thủ linh hoạt 07 nguyên tắc kế toán cơ bản là cơ sở để doanh nghiệp xử lý các vấn đề chưa được quy định trong các Chuẩn mực kế toán cụ thể, nhờ đó, ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính một cách thống nhất, đảm bảo cung cấp trung thực, kịp thời bức tranh tài chính thực tế của doanh nghiệp. 

MISA AMIS hy vọng những phân tích và trình bày trên đây có thể giúp bạn đọc nhanh chóng nắm bắt được bản chất, cách thức xử lý kế toán nói chung và ngày càng tự tin trên con đường kế toán chuyên nghiệp. 

Phần mềm kế toán online MISA AMIS ngoài khả năng tự động tổng hợp và xác định giá gốc thì còn nhiều tính năng, tiện ích thông minh, hỗ trợ kế toán doanh nghiệp một cách tối đa trong suốt quá trình làm việc:

  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • ….


 Kính mời Quý doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS 15 ngày full tính năng ngay hôm nay.

Tác giả: NHY

 939 

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]