Vốn là phần quan trọng để hình thành nên một doanh nghiệp. Đối với một số ngành nhất định, pháp luật có quy định cụ thể số vốn ban đầu tối thiểu cần phải có khi tham gia kinh doanh. Số vốn này được gọi là vốn pháp định. Cùng tìm hiểu rõ hơn về khái niệm này qua bài viết sau.
1. Vốn pháp định là gì
Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định vốn pháp định là gì nhưng dựa theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005, quy định về vốn pháp định như sau:
“Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp.”
Theo đó có thể hiểu, vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập công ty. Vốn pháp định sẽ khác nhau và được xác định theo từng ngành, nghề kinh doanh, không áp dụng theo loại hình doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của vốn pháp định
Vốn pháp định có một số đặc điểm nội bật như sau:
- Phạm vi áp dụng: Vốn pháp định không phải là yêu cầu đối với tất cả các doanh nghiệp mà chỉ áp dụng cho một số ngành nghề cụ thể mà pháp luật quy định. Các ngành này thường liên quan đến hoạt động có rủi ro cao hoặc yêu cầu bảo vệ cao cho khách hàng và công chúng, chẳng hạn như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, xây dựng.
- Đối tượng áp dụng: Vốn pháp định áp dụng cho các chủ thể kinh doanh trong các ngành được pháp luật quy định. Đây có thể là các cá nhân, pháp nhân (công ty), hộ kinh doanh, tổ chức hoặc tổ hợp tác. Điều này nhằm đảm bảo rằng mọi chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh có rủi ro nhất định đều có đủ năng lực tài chính để đối phó với các rủi ro tiềm tàng.
- Thời điểm xác nhận: Doanh nghiệp phải chứng minh có đủ vốn pháp định trước khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
- Mức vốn cụ thể: Được quy định khác nhau tùy theo từng ngành nghề kinh doanh.
3. Quy định pháp luật về vốn pháp định
3.1 Căn cứ pháp lý
Vốn pháp định được quy định bởi hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ trong hoạt động kinh doanh. Một số căn cứ pháp lý chính bao gồm:
- Luật Doanh nghiệp: Đây là cơ sở pháp lý quy định về vốn pháp định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Luật Đầu tư: Quy định các lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn pháp định và các điều kiện kèm theo.
- Nghị định và Thông tư liên quan: Một số nghị định và thông tư cụ thể hóa mức vốn pháp định cho từng ngành nghề, ví dụ như Nghị định 76/2015/NĐ-CP về kinh doanh bất động sản hay Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải.
3.2 Ngành nghề yêu cầu vốn pháp định
Không phải tất cả các ngành nghề kinh doanh đều yêu cầu vốn pháp định. Các ngành nghề có yêu cầu thường có đặc điểm nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều bên, hoặc có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội. Một số ngành nghề phổ biến yêu cầu vốn pháp định bao gồm:
- Bất động sản: Theo quy định, vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng.
- Dịch vụ bảo vệ: Yêu cầu vốn pháp định tối thiểu là 2 tỷ đồng.
- Ngân hàng, tổ chức tín dụng: Mức vốn pháp định phụ thuộc vào từng loại hình tổ chức, ví dụ: ngân hàng thương mại yêu cầu tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
- Bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ cần vốn pháp định tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên tùy theo loại hình kinh doanh.
- Kinh doanh vận tải: Yêu cầu vốn pháp định khác nhau tùy loại hình vận tải, ví dụ: kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô cần vốn pháp định 500 triệu đồng đối với xe dưới 10 chỗ ngồi.
Chi tiết cụ thể về các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, mời bạn tham khảo tại Mục 6 của bài viết này.
3.3. Trách nhiệm của doanh nghiệp
Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định cần tuân thủ một số trách nhiệm pháp lý sau:
- Chứng minh vốn pháp định: Trước khi thành lập, doanh nghiệp phải chứng minh đủ vốn pháp định thông qua các tài liệu như xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, giấy tờ sở hữu tài sản hoặc vốn góp.
- Duy trì vốn pháp định: Doanh nghiệp phải đảm bảo mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động. Việc giảm vốn pháp định dưới mức quy định có thể dẫn đến xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh.
- Báo cáo và kiểm toán: Các doanh nghiệp thuộc ngành nghề yêu cầu vốn pháp định cần định kỳ báo cáo tình hình tài chính và đảm bảo minh bạch qua kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ pháp luật chuyên ngành: Ngoài các quy định chung, doanh nghiệp phải tuân thủ thêm các quy định riêng của từng ngành nghề, đảm bảo hoạt động kinh doanh không vi phạm pháp luật.
4. Vai trò ý nghĩa của vốn pháp định
Vốn pháp định đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và bền vững của hoạt động kinh doanh. Nó được xem là yếu tố bảo chứng cho năng lực tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng đối mặt với các rủi ro trong quá trình hoạt động. Cụ thể:
- Đảm bảo năng lực tài chính: Vốn pháp định giúp doanh nghiệp chứng minh khả năng tài chính đủ mạnh để hoạt động trong các ngành nghề có yêu cầu đặc biệt, tạo dựng uy tín với khách hàng, đối tác và người lao động.
- Bảo vệ quyền lợi khách hàng và đối tác: Quy định về vốn pháp định nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính để thực hiện cam kết, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và đối tác trong quá trình giao dịch.
- Hạn chế rủi ro trong ngành nghề đặc thù: Đối với các lĩnh vực kinh doanh có mức độ nhạy cảm cao như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, việc quy định vốn pháp định giúp giảm thiểu nguy cơ doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, từ đó bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
- Tăng cường quản lý nhà nước: Việc quy định vốn pháp định cho phép cơ quan quản lý giám sát và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính.
5. Phân biệt vốn điều lệ và Vốn pháp định
Tiêu chí | Vốn điều lệ | Vốn pháp định |
Khái niệm | Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) | Là mức vốn tối thiểu theo yêu cầu của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay vốn pháp định thường được yêu cầu trong các văn bản luật chuyên ngành với từng ngành nghề cụ thể. |
Cơ sở xác định | – Khi thành lập công ty bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ.
– Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. – Mức vốn điều lệ đăng ký không được thấp hơn so với mức vốn pháp định đối với kinh doanh ngành nghề có điều kiện. |
– Pháp luật chuyên ngành quy định về vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
– Công ty dự định thành lập hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp đăng ký phải tối thiểu bằng vốn pháp định. |
Mức vốn | Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập doanh nghiệp. | Mức vốn pháp định là cố định với từng ngành nghề kinh doanh. |
Ký quỹ | Không yêu cầu. | Một số trường hợp phải ký quỹ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. |
Thời hạn góp vốn | Trong vòng 90 ngày kể từ khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Phải đáp ứng đủ khi hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện. |
Sự thay đổi vốn trong quá trình hoạt động | Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ tùy theo tình hình doanh nghiệp. | Vốn pháp định là cố định và được xác định theo từ ngành, nghề kinh doanh cụ thể. |
Ý nghĩa pháp lý | – Là căn cứ khi doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp;
– Giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh sau khi thành lập. |
– Là biện pháp để doanh nghiệp chứng minh cho cơ quan nhà nước thấy rằng mình đủ tiềm lực về kinh tế để kinh doanh trong lĩnh vực này;
– Là cơ sở để doanh nghiệp bảo đảm an toàn, quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đối tác khi tham gia giao dịch với doanh nghiệp mình. |
6. Các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định tại Việt Nam
STT | Ngành nghề | Đối tượng | Vốn pháp định | Văn bản pháp luật |
1 | Kinh doanh dịch vụ bảo vệ | Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam | Ít nhất là 1.000.000 USD | Điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP |
2 | Kinh doanh dịch vụ kiểm toán | Công ty TNHH kinh doanh dịch vụ kiểm toán | 5 tỷ đồng | Điều 5 Nghị định 17/2012/NĐ-CP |
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam | Tối thiểu là 5 tỷ đồng | Khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2012/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới | 500.000 USD | Điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định 17/2012/NĐ-CP | ||
Tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng | 6 tỷ đồng trở lên | Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 84/2016/NĐ-CP | ||
3 | Kinh doanh chứng khoán | Môi giới chứng khoán | Tối thiểu 25 tỷ đồng | Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP |
Tự doanh chứng khoán | Tối thiểu 50 tỷ đồng | |||
Bảo lãnh phát hành chứng khoán | Tối thiểu 165 tỷ đồng | |||
Tư vấn đầu tư chứng khoán | Tối thiểu 10 tỷ đồng | |||
Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam | Tối thiểu 10 tỷ đồng. | Khoản 2 Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP | ||
Công ty quản lý quỹ, vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam | Tối thiểu 25 tỷ đồng. | Khoản 3 Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP | ||
Hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán | Tối thiểu 800 tỷ đồng trở lên | Khoản 2 Điều 4 Nghị định 158/2020/NĐ-CP | ||
Hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán | Tối thiểu 600 tỷ đồng trở lên | |||
Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán | Tối thiểu 250 tỷ đồng trở lên | |||
Công ty chứng khoán đăng ký kinh doanh cả hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh | Tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên | |||
Kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty quản lý quỹ | Tối thiểu từ 25 tỷ đồng trở lên | Khoản 3 Điều 4 Nghị định 158/2020/NĐ-CP | ||
Thành lập quỹ thành viên | Tối thiểu là 50 tỷ đồng | Điều 113 Luật chứng khoán 2019 | ||
Công ty đầu tư chứng khoán | Tối thiểu là 50 tỷ đồng | Điều 115 Luật chứng khoán 2019 | ||
4 | Kinh doanh dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết và các loại chứng khoán khác | Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán đối với thành viên bù trừ trực tiếp | Tối thiểu 1.000 tỷ đồng (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) hoặc tối thiểu 250 tỷ đồng (đối với công ty chứng khoán); | Điều 151 Nghị định 155/2020/NĐ-CP |
Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán đối với thành viên bù trừ chung | Tối thiểu 7.000 tỷ đồng (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) hoặc tối thiểu 900 tỷ đồng (đối với công ty chứng khoán). | |||
Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán đối với thành viên bù trừ trực tiếp | Tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên | Điều 9 Nghị định 158/2020/NĐ-CP | ||
Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán đối với thành viên bù trừ chung | Tối thiểu từ 1.200 tỷ đồng trở lên; | |||
Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với ngân hàng thương mại | Tối thiểu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với ngân hàng thương mại | |||
Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài | Từ 1.000 tỷ đồng trở lên | |||
Lựa chọn ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán. | Trên 10.000 tỷ đồng | Điều 69 Luật Chứng khoán 2019 | ||
5 | Kinh doanh bảo hiểm | Tổ chức nước ngoài thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm | Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép | Khoản 1 Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP |
Tổ chức Việt Nam thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm | Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. | |||
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam | Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép | Điều 8 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe | 300 tỷ đồng | Khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh | 350 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh | 400 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe | 600 tỷ đồng | Khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí và | 800 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí và | 1.000 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe | 300 tỷ đồng | Khoản 3 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Chi nhánh nước ngoài kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe | 200 tỷ đồng | Khoản 4 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Chi nhánh nước ngoài kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh | 250 tỷ đồng | |||
Chi nhánh nước ngoài kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh | 300 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe | 400 tỷ đồng | Khoản 5 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe | 700 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe | 1.100 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm | 4 tỷ đồng | Khoản 6 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP | ||
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm | 8 tỷ đồng | |||
6 | Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài | Tối thiểu là 200 tỷ đồng | Khoản 6 Điều 1 Nghị định 175/2016/NĐ-CP | |
7 | Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm | 15 tỷ đồng (hưa bao gồm mức vốn pháp định của các lĩnh vực kinh doanh khác mà doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật). | Điều 11 Nghị định 88/2014/NĐ-CP | |
8 | Kinh doanh ca-si-nô (casino) | Đầu tư dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino | 02 tỷ đô la Mỹ | Điều 23 Nghị định 03/2017/NĐ-CP |
9 | Kinh doanh đặt cược | Hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa | Tối thiểu là 1.000 tỷ đồng | Điều 30 Nghị định 06/2017/NĐ-CP |
Hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó; | Tối thiểu là 300 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế | Tối thiểu 1.000 tỷ đồng hoặc tương đương | Điều 38 Nghị định 06/2017/NĐ-CP | ||
10 | Kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện | Công ty quản lý quỹ | Tổng giá trị tài sản quản lý tối thiểu là 1.000 tỷ đồng | Điều 34 Nghị định 88/2016/NĐ-CP |
11 | Hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa | Sở giao dịch hàng hóa | Từ 150 tỷ đồng trở lên | Từ 75 tỷ đồng trở lên |
Thành viên môi giới của Sở giao dịch hàng hóa | Từ 5 tỷ đồng trở lên | Khoản 19 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP | ||
Thành viên kinh doanh của Sở giao dịch hàng hóa | Từ 75 tỷ đồng trở lên | Khoản 20 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP | ||
12 | Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh | Tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi | Điều 23 Nghị định 69/2018/NĐ-CP | |
13 | Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt | Tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Điều 24 Nghị định 69/2018/NĐ-CP | |
14 | Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng | Tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Điều 25 Nghị định 69/2018/NĐ-CP | |
15 | Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp | Từ 10 tỷ đồng trở lên | Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP. | |
16 | Hoạt động giáo dục nghề nghiệp | Thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp | Tối thiểu là 05 tỷ đồng | Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP |
Thành lập trường trung cấp giáo dục nghề nghiệp | Tối thiểu là 50 tỷ đồng | |||
Thành lập trường cao đẳng giáo dục nghề nghiệp | Tối thiểu là 100 tỷ đồng | |||
Thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật | Tối thiểu là 05 tỷ đồng | Điều 4 Nghị định 143/2016/NĐ-CP | ||
Thành lập trường trung cấp giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật | Tối thiểu là 50 tỷ đồng | |||
Thành lập trường cao đẳng giáo dục nghề nghiệp | Tối thiểu là 100 tỷ đồng | |||
17 | Kinh doanh dịch vụ việc làm | Mức ký quỹ 300.000.000 đồng | Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP | |
18 | Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài | Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài | Ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam | Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP |
Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng | ký quỹ thêm 500.000.000 đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. | |||
19 | Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động | Ký quỹ 2 tỷ đồng | Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP | |
20 | Kinh doanh vận tải biển | Kinh doanh vận tải quốc tế | Tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định. | Điều 3 Nghị định 147/2018/NĐ-CP |
21 | Kinh doanh vận tải hàng không | Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay | Tổi thiểu là 300 tỷ đồng | Khoản 5 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP |
Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác từ 11 đến 30 tàu bay | Tổi thiểu là 600 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác trên 30 tàu bay | Tổi thiểu là 700 tỷ đồng | |||
Thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung | Tổi thiểu là 100 tỷ đồng | |||
22 | Kinh doanh cảng hàng không, sân bay | Thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không | Tổi thiểu là 100 tỷ đồng | Khoản 14 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP |
23 | Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay | Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách | 30 tỷ đồng | Khoản 15 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP |
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa | 30 tỷ đồng | |||
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xăng dầu hàng không | 30 tỷ đồng | |||
24 | Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức | Doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam | Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật | Điều 1 Nghị định 144/2018/NĐ-CP |
25 | Kinh doanh dịch vụ bưu chính | Cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh | Tối thiểu là 02 tỷ đồng | Điều 5 Nghị định 47/2011/NĐ-CP |
Cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế | Tối thiểu là 5 tỷ đồng | |||
26 | Kinh doanh dịch vụ viễn thông | Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | 5 tỷ đồng | Điều 19 Nghị định 25/2011/NĐ-CP |
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi khu vực (từ 2 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) | 30 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) | 100 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi khu vực (từ 15 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) | 100 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) | 300 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng kênh tần số vô tuyến điện | 20 tỷ đồng | Điều 20 Nghị định 25/2011/NĐ-CP | ||
Thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) | 300 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện | 500 tỷ đồng | |||
Thiết lập mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh | 30 tỷ đồng | Điều 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP | ||
27 | Kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số | Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 05 tỷ đồng | Điều 13 Nghị định 130/2018/NĐ-CP | |
28 | Hoạt động của nhà xuất bản | Ít nhất 05 (năm) tỷ đồng | Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP | |
29 | Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học | Thành lập trường đại học công lập | Vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường) | Điều 87 Nghị định 46/2017/NĐ-CP |
Thành lập phân hiệu trường đại học công lập, cho phép thành lập phân hiệu trường đại học tư thục | Vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu | Điều 91 Nghị định 46/2017/NĐ-CP | ||
Thành lập trường trung cấp sư phạm, phân hiệu trường trung cấp sư phạm | Tối thiểu là 50 tỷ đồng (không bao gồm giá trị về đất đai) | Điều 78 Nghị định 46/2017/NĐ-CP | ||
Thành lập trường cao đẳng sư phạm, phân cấp trường cao đẳng sư phạm | Tối thiểu là 100 tỷ đồng (không bao gồm giá trị về đất đai) | |||
30 | Hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài | Thành lập cơ sở giáo dục mầm non | Suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất) | Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP |
Thành lập cơ sở giáo dục phổ thông | Suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). | |||
Thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn | Suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất) | |||
Thành lập cơ sở giáo dục đại học | Tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất) | |||
Thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam | Vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất) | |||
Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động | Mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định trên | |||
31 | Kinh doanh dịch vụ lữ hành | Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa | Mức ký quỹ là 20.000.000 đồng | Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP. |
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam | Mức ký quỹ là 50.000.000 đồng | |||
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài | Mức ký quỹ là 100.000.000 đồng | |||
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài | Mức ký quỹ là 100.000.000 đồng | |||
32 | Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim | Kinh doanh sản xuất phim | 200.000.000 đồng | Khoản 6 Điều 2 Nghị định 142/2018/NĐ-CP |
33 | Nhập khẩu phế liệu | Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn | Ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu | Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP |
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn | Ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu | |||
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên | Ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. | |||
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn | Ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu | |||
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn | Ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu | |||
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên | Ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu | |||
34 | Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại | Ngân hàng thương mại | 3.000 tỷ đồng | Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP |
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài | 15 triệu đô la Mỹ (USD). | |||
35 | Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng | Công ty tài chính | 500 tỷ đồng | Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP |
Công ty cho thuê tài chính | 150 tỷ đồng | |||
36 | Hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô | Ngân hàng chính sách | 5.000 tỷ đồng | Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP |
Ngân hàng hợp tác xã | 3.000 tỷ đồng | |||
Tổ chức tài chính vi mô | 05 tỷ đồng | |||
Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã) | 0,5 tỷ đồng | |||
Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường | 01 tỷ đồng. | |||
37 | Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng | Vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng | Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP | |
38 | Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng | Vốn Điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng | Điều 1 Nghị định 57/2016/NĐ-CP | |
39 | Kinh doanh vàng | Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng | Vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên | Điều 11 Nghị định 21/2012/NĐ-CP |
Tổ chức tín dụng kinh doanh mua, bán vàng miếng | Vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên |
7. Một số câu hỏi thường gặp
Vốn điều lệ và vốn pháp định cái nào lớn hơn?
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp vào doanh nghiệp, được cam kết và ghi trong điều lệ công ty. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà pháp luật yêu cầu để thành lập doanh nghiệp trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, vốn điều lệ phải bằng hoặc lớn hơn vốn pháp định. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định, vốn điều lệ có thể tùy ý, phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các thành viên/cổ đông.
Vốn pháp định có bắt buộc với mọi doanh nghiệp không?
Vốn pháp định không bắt buộc với tất cả doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Những ngành nghề này thường có mức độ rủi ro cao, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng hoặc liên quan đến lĩnh vực kinh tế trọng yếu, chẳng hạn như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, hoặc vận tải.
Đối với các ngành nghề thông thường không yêu cầu vốn pháp định, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký vốn điều lệ theo mong muốn và năng lực tài chính mà không bị ràng buộc bởi mức vốn tối thiểu. Điều này giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đăng ký thành lập và hoạt động kinh doanh.
Có thể thay đổi vốn pháp định sau khi thành lập không?
Doanh nghiệp không được phép tự ý thay đổi mức vốn pháp định, bởi vốn pháp định là yêu cầu bắt buộc và được pháp luật quy định cụ thể cho từng ngành nghề kinh doanh. Mức vốn này đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính để hoạt động ổn định và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đối tác.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ lên mức cao hơn vốn pháp định nếu muốn mở rộng quy mô kinh doanh hoặc đáp ứng các yêu cầu phát sinh. Trong trường hợp pháp luật thay đổi mức vốn pháp định, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục pháp lý để tăng vốn điều lệ, đảm bảo phù hợp với quy định mới.
Việc thay đổi vốn điều lệ, bao gồm tăng hoặc giảm, cần được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và cập nhật trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như điều lệ công ty. Điều này giúp doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và tránh các rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh.
Tạm kết
Vốn pháp định là một yêu cầu tài chính bắt buộc cho các doanh nghiệp trong một số ngành nghề đặc thù, nhằm đảm bảo họ có đủ năng lực tài chính để hoạt động ổn định và an toàn. Các ngành này thường bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, y tế và xây dựng, nơi rủi ro cao và cần bảo vệ người tiêu dùng. Hiểu biết về vốn pháp định giúp các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tăng cường niềm tin nơi công chúng.
MISA AMIS không chỉ trang bị cho kế toán và các nhà quản trị doanh nghiệp kiến thức cần thiết để hiểu sâu về các quy trình kế toán-tài chính mà còn cung cấp phần mềm kế toán online MISA AMIS. Đây là một giải pháp kế toán tích hợp, bao gồm tính năng dễ sử dụng, thông minh và an toàn, đáp ứng trọn vẹn mọi yêu cầu của doanh nghiệp.
- Đăng ký sử dụng phần mềm kế toán online MISA AMIS để tận hưởng các tính năng kết nối mạng lưới: Liên kết không gián đoạn với ngân hàng điện tử, hóa đơn điện tử, và các hệ thống quản lý khác, đảm bảo quá trình quản lý thuế và hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng.
- Hỗ trợ đa dạng các hoạt động kế toán từ quản lý quỹ, ngân hàng, mua bán, kho hàng, hóa đơn, thuế, đến tính giá thành sản phẩm, theo quy định của TT133 và TT200 và nhiều hoạt động khác.