Vốn lưu động là gì? Ý nghĩa, cách tính và vấn đề quản lý vốn lưu động

23/03/2023
2889

Vốn lưu động là yếu tố giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được vận hành liên tục và thường xuyên. Như vậy, có thể coi vốn lưu động là yếu tố đặc biệt quan trọng trong tài chính doanh nghiệp. Việc nắm vững về khái niệm, ý nghĩa cũng như cách quản lý vốn lưu động là điều cần thiết.

1. Vốn lưu động là gì?

Vốn lưu động là số tiền doanh nghiệp đầu tư để tạo ra tài sản lưu động của doanh nghiệp như nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn…. 

Bên cạnh tài sản cố định thì các tài sản lưu động khác nhau cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài sản của mỗi doanh nghiệp. Tại từng doanh nghiệp với kết cấu và loại hình khác nhau sẽ có cơ cấu tài sản lưu động phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung cơ cấu tài sản lưu động tại các doanh nghiệp hiện nay sẽ bao gồm tài sản lưu động sản xuất và lưu thông. 

Ý nghĩa của vốn lưu động

Vốn lưu động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tại các doanh nghiệp bởi lẽ:

  • Các tài sản lưu động là những yếu tố tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần vốn lưu động để duy trì và vận hành liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Vốn lưu động có tính thanh khoản cao nên dễ dàng huy động nhanh hơn. Nếu doanh nghiệp cần nguồn vốn gấp để đầu tư mở rộng quy mô có thể cân nhắc lựa chọn vốn lưu động.
  • Vốn lưu động cấu thành nên giá thành của sản phẩm giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
  • Vốn lưu động giúp đánh giá hiệu quả quá trình mua sắm, dự trữ, sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp.

Đặc điểm của vốn lưu động

  • Vốn lưu động là vốn đầu tư cho các tài sản lưu động có tính thanh khoản cao nên vốn lưu động có tính dịch chuyển trong dòng tiền.
  • Vốn lưu động biểu hiện bằng các tài sản lưu động có thể là nguyên vật liệu tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh nên sẽ dịch chuyển 1 lần toàn bộ giá trị vào giá trị của sản phẩm hoặc quá trình sản xuất kinh doanh.
  • Sản xuất kinh doanh là một chu kỳ khép kín, vốn lưu động vận động từ hình thái này sang hình thái khác rồi trở về hình thái ban đầu với giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Ví dụ: nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm, sau 1 quá trình sản xuất kinh doanh, nguyên liệu trở thành sản phẩm với giá trị cao hơn giá trị ban đầu.

2. Phân loại vốn lưu động

2.1 Phân loại vốn lưu động theo vai trò

Theo vai trò vốn lưu động được chia thành các loại như sau:

  • Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất: phụ tùng, nguyên vật liệu,…
  • Vốn lưu động trong khâu sản xuất: sản phẩm bán thành phẩm, dở dang…
  • Vốn lưu động trong khâu lưu thông:  vốn trong thanh toán, vốn đầu tư ngắn hạn…

Đọc thêm: Hướng dẫn cách đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ

2.2. Phân loại vốn lưu động theo hình thái biểu hiện

Theo hình thái biểu hiện vốn lưu động được chia thành các loại như sau:

  • Vốn lưu động là hiện vật như vật tư, hàng hóa: hàng tồn kho, nguyên vật liệu
  • Vốn lưu động bằng tiền: Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng

2.3 Phân loại vốn lưu động theo quan hệ sở hữu

Theo quan hệ sở hữu vốn lưu động được chia thành các loại như sau:

  • Vốn lưu động thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (vốn chủ sở hữu): vốn góp của chủ sở hữu, vốn góp công ty cổ phần…
  • Vốn lưu động là vốn vay, các khoản nợ: trái phiếu, nợ phải trả…

2.4 Phân loại vốn lưu động theo nguồn hình thành

Theo nguồn hình thành vốn lưu động được chia thành các loại như sau:

  • Vốn lưu động được tạo nên từ nguồn vốn điều lệ;
  • Vốn lưu động được doanh nghiệp bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh;
  • Vốn lưu động tạo ra từ hoạt động góp vốn liên doanh;
  • Vốn lưu động huy động từ các tổ chức tín dụng;
  • Vốn lưu động huy động từ thị trường thông qua trái phiếu, cổ phiếu.

2.5. Phân loại vốn lưu động theo thời gian huy động và sử dụng vốn

Theo thời gian huy động và sử dụng vốn vốn lưu động được chia thành các loại như sau:

  • Vốn lưu động tạm thời: các khoản vay ngắn hạn ngân hàng
  • Vốn lưu động thường xuyên: vốn có tính chất ổn định để tạo nên tài sản lưu động thường xuyên

Ngoài ra, người ta còn nhắc đến một thuật ngữ khác liên quan đến vốn lưu động là vốn lưu động bình quân. Vốn lưu động bình quân là trung bình cộng của vốn lưu động đầu kỳ và vốn lưu động cuối kỳ. Vốn lưu động là một chỉ tiêu mang tính thời điểm, thay đổi qua thời gian, tuy nhiên để phù hợp với tử số là một chỉ tiêu mang tính chất thời kỳ như doanh thu, vốn lưu động bình quân được sử dụng để đảm bảo phản ánh tốt hơn số vốn được sử dụng trong kỳ. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, nếu vốn lưu động trong kỳ không có biến động đáng kể, thì kết quả tính toán thường không có nhiều sự khác biệt. 

3. Cách tính vốn lưu động

Qua các thông tin đã tìm hiểu về vốn lưu động trên đây thì có thể xác định vốn lưu động là yếu tố phản ánh liệu doanh nghiệp có khả năng đáp ứng những nghĩa vụ ngắn hạn hay không cũng như thời gian cần thiết để có thể đáp ứng được các nghĩa vụ này. Cách tính vốn lưu động này được áp dụng rộng rãi đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Công thức tính vốn lưu động của doanh nghiệp như sau: 

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn Nợ ngắn hạn

Trong đó:

  • Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là những tài sản mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn (< 1 năm). Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và các khoản tài sản ngắn hạn khác như phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho. Tài sản ngắn hạn được biểu hiện trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
  • Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp cần thanh toán trong thời hạn nhỏ hơn hoặc bằng 1 năm. Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản phải trả ngắn hạn, các khoản vay ngắn hạn… Nợ ngắn hạn cũng được biểu hiện trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

4. Phân biệt vốn lưu động và vốn cố định

Vốn lưu động và vốn cố định có điểm giống nhau ở chỗ cả hai đều là nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng lại có nhiều điểm khác nhau, bao gồm: 

Vốn cố định Vốn lưu động
Khái niệm Vốn lưu động chính là số tiền doanh nghiệp đầu tư để tạo ra tài sản cố định của doanh nghiệp

Ví dụ: Tài sản cố định trị giá 1 tỷ đồng tại xưởng sản xuất được đầu tư bởi nguồn vốn cố định

Vốn lưu động chính là số tiền doanh nghiệp đầu tư để tạo ra tài sản lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, liên tục

Ví dụ: tiền, các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho

Đặc điểm
  • Luân chuyển theo kỳ kinh doanh
  • Luân chuyển nhiều lần vào giá trị sản phẩm
  • Khi TSCĐ hết hạn sử dụng thì vòng tuần hoàn vốn kết thúc
  • Vốn cố định có giá trị không đổi trong suốt vòng tuần hoàn
  • Dịch chuyển trong dòng tiền
  • Luân chuyển một lần vào giá trị sản phẩm
  • Khi 1 kỳ sản xuất kinh doanh kết thúc thì kết thúc vòng tuần hoàn vốn
  • Vốn lưu động có thể thay đổi giá trị 
Các chỉ tiêu theo dõi Tài sản cố định Tiền, các khoản tương đương tiền, nợ phải thu ngắn hạn…
Phân loại Theo hình thái biểu hiện:
  • TSCĐ vô hình
  • TSCĐ hữu hình

Theo tình hình sử dụng thực tế:

  • TSCĐ đang sử dụng
  • TSCĐ chưa đưa vào sử dụng
  • TSCĐ đang chờ thanh lý
Theo hình thái biểu hiện:
  • Vốn bằng tiền
  • Vốn bằng hàng hóa

Theo vai trò:

  • Vốn lưu động trong dự trữ sản xuất
  • Vốn lưu động trong khâu sản xuất
  • Vốn lưu động trong lưu thông

Phân loại theo 1 số tiêu chí khác như:

  • Theo quan hệ sở hữu
  • Theo nguồn hình thành
  • Theo thời gian huy động và sử dụng vốn

Xem chi tiết về vốn cố định tại bài viết: Vốn cố định là gì? Cách phân biệt vốn cố định và vốn lưu động

5. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động

Thông thường, người ta sử dụng Tỷ lệ vốn lưu động (Working capital ratio) để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người ta cũng dùng một số chỉ tiêu khác như sau:

  • Sức sản xuất của vốn lưu động;
  • Thời gian của một vòng chu chuyển;
  • Hệ số đảm nhiệm của vốn lưu động;
  • Sức sinh lời của vốn lưu động.

Công thức tính các chỉ tiêu:

  • Tỷ lệ vốn lưu động (Working capital ratio): phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ của một doanh nghiệp bằng cách sử dụng tài sản lưu động.
Tỷ lệ vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn
Nợ ngắn hạn
  • Sức sản xuất của vốn lưu động: phản ánh tốc độ luân chuyển của vốn lưu động nhanh hay chậm, trong một chu kỳ kinh doanh vốn lưu động quay được bao nhiêu vòng:
Sức sản xuất của vốn lưu động = Tổng doanh thu tiêu thụ
Vốn lưu động bình quân
  • Thời gian của một vòng chu chuyển:  thể hiện số ngày cần thiết cho một vòng quay của vốn lưu động trong kỳ phân tích.
Thời gian của một vòng chu chuyển = Thời gian của kỳ phân tích
Số vòng quay của vốn lưu động trong kỳ

Trong đó:

Vốn lưu động bình quân = Tổng vốn lưu động của 12 tháng
12
Vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần
Vốn lưu động bình quân
  • Hệ số đảm nhiệm của vốn lưu động: phản ánh để được một đồng doanh thu tiêu thụ thì cần phải bỏ ra bao nhiêu đồng vốn lưu động.
Hệ số đảm nhiệm của vốn lưu động = Vốn lưu động bình quân
Tổng doanh thu tiêu thụ
  • Sức sinh lời của vốn lưu động: đánh giá khả năng sinh lời của vốn lưu động
Sức sinh lời của vốn lưu động = Lợi nhuận trước thuế
Vốn lưu động bình quân trong kỳ

6. Quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động

Vốn lưu động là điều kiện tiên quyết của hoạt động sản xuất kinh doanh tại mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng trong công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động.

  • Xác định nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp: Thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính và đánh giá nhu cầu vốn lao động của kỳ trước để lập kế hoạch cho vốn lưu động trong kỳ tiếp theo.
  • Khai thác và sử dụng nguồn vốn động một cách hợp lý và linh hoạt: Chủ động lựa chọn nguồn vốn lưu động và cách sử dụng phù hợp theo từng giai đoạn và yêu cầu.
  • Tăng cường công tác quản lý các khoản phải thu, hạn chế tối đa lượng vốn lưu động của doanh nghiệp bị chiếm dụng bởi đơn vị khác.
  • Xây dựng biện pháp sử dụng vốn bằng tiền tạm thời nhàn rỗi có hiệu quả.
  • Chú trọng công tác quản lý hàng tồn kho, giảm thiểu chi phí lưu kho của doanh nghiệp.
  • Tổ chức và kiểm soát tốt việc quản lý tiêu thụ nhằm cải thiện và đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động.
  • Xây dựng biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Trên thực tế, các doanh nghiệp luôn tìm đến sự hỗ trợ của công cụ quản trị tài chính, phần mềm tích hợp quản lý tổng thể thay vì chỉ sử dụng một phần mềm kế toán đơn thuần, rời rạc. Một số phần mềm kế toán như MISA AMIS, MISA SME có thể cung cấp tự động chỉ tiêu lợi nhuận này cũng như các chỉ số tài chính chuyên sâu khác, giúp chủ doanh nghiệp kịp thời ra quyết định điều hành. Cụ thể: 

  • Cung cấp đầy đủ các chỉ tiêu Doanh thu, chi phí, lợi nhuận trên Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định sản xuất, kinh doanh hợp lý, hiệu quả.
  • Cung cấp đầy đủ các số liệu báo cáo khác liên quan đến chi phí, lợi nhuận chi tiết đến từng mặt hàng, thị trường để CEO/chủ doanh nghiệp nắm bắt được mặt hàng, thị trường nào kinh doanh đang hiệu quả để có kế hoạch kinh doanh hợp lý.
  • Dễ dàng nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua nhiều thiết bị như moblie, laptop mọi lúc mọi nơi chỉ cần có kết nối internet.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả