Hạch toán doanh thu chưa thực hiện là một trong những nghiệp vụ kế toán các doanh nghiệp thường gặp hiện nay. Tuy nhiên để hạch toán chính xác, đầy đủ khoản doanh thu này thì không phải kế toán nào cũng nắm được. Bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu hướng dẫn hạch toán doanh thu chưa thực hiện chi tiết nhất.
1. Doanh thu chưa thực hiện là gì?
Theo quy định tại khoản 2 điều 57 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về doanh thu chưa thực hiện được hiểu như sau:
Doanh thu chưa thực hiện phát sinh khi công ty được thanh toán tiền trước khi hoàn thành việc cung cấp hàng hóa dịch vụ. Hiểu theo đúng bản chất thì doanh thu chưa thực hiện chính là một khoản nợ phải trả của công ty cho khách hàng do đã nhận tiền của khách hàng nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu và sử dụng hàng hóa, hay hoàn tất việc cung cấp dịch vụ. Doanh thu chưa thực hiện thường bao gồm:
- Số tiền khách hàng trả trước cho một kỳ hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản
- Khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ
- Các khoản doanh thu chưa thực hiện khác như: Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, khoản doanh thu tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc số phải chiết khấu giảm giá cho khách hàng trong chương trình khách hàng truyền thống…
Không hạch toán vào tài khoản doanh thu chưa thực hiện các khoản:
+ Tiền nhận trước của người mua mà doanh nghiệp chưa cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
+ Doanh thu chưa thu được tiền của hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ nhiều kỳ (doanh thu nhận trước chỉ được ghi nhận khi đã thực thu được tiền, không được ghi đối ứng với TK 131-Phải thu của khách hàng).
2. Tài khoản doanh thu chưa thực hiện
Doanh thu chưa thực hiện được hạch toán vào tài khoản 3387.
Tài khoản 3387 chỉ có số dư bên Có.
Chỉ tiêu | Bên Nợ | Bên Có |
Số dư đầu kỳ | Doanh thu chưa thực hiện ở thời điểm cuối kỳ kế toán; | |
Số phát sinh trong kỳ | – Doanh thu chưa thực hiện tính cho từng kỳ kế toán; trả lại tiền nhận trước cho khách hàng khi không tiếp tục thực hiện việc cho thuê tài sản;
– Số phân bổ khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay vào chi phí tài chính; |
– Doanh thu chưa thực hiện phát sinh trong kỳ;
– Số chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay; |
Số dư cuối kỳ | Doanh thu chưa thực hiện ở thời điểm cuối kỳ kế toán; |
3. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện chi tiết, chính xác nhất
3.1. Hạch toán hàng bán theo phương thức trả chậm, trả góp
- Khi bán hàng trả chậm, trả góp thì ghi nhận doanh thu của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 “Doanh thu chưa thực hiện”, cụ thể như sau:
Nợ các TK 111, 112, 131,…
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331).
- Hàng kỳ, tính, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp)
- Khi thực thu tiền bán hàng trả chậm, trả góp trong đó gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
- Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán:
+ Nếu bán sản phẩm, hàng hoá, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 154 (631), 155, 156, 157,…
+ Nếu thanh lý, bán BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế – nếu có)
Có TK 217 – BĐS đầu tư.
3.2. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động
- Doanh thu của kỳ kế toán được xác định bằng tổng số tiền đã thu chia cho số kỳ thu tiền trước (trừ trường hợp được ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền nhận trước):
+ Khi nhận tiền của khách hàng trả trước về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư trong nhiều năm:
Nợ các TK 111, 112,… (tổng số tiền nhận trước)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).
+ Hàng kỳ tính và ghi nhận doanh thu của từng kỳ kế toán:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).
- Nếu hủy hợp đồng cho thuê tài sản không thực hiện nữa phải trả lại tiền cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá cho thuê chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho người đi thuê về thuế GTGT của hoạt động cho thuê TSCĐ không thực hiện được)
Có các TK 111, 112,…(số tiền trả lại)
>> Xem thêm: Kế toán Bất động sản đầu tư trong doanh nghiệp
3.3. Nếu bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính có giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại
- Khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 – Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn) (nếu có)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
- Định kỳ, kết chuyển chênh lệch lớn hơn (lãi) giữa giá bán và giá trị còn lại của tài sản cố định bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có các TK 623, 627, 641, 642,…
3.4. Doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống
- a) Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong chương trình dành cho khách hàng
- Kế toán ghi nhận doanh thu trên cơ sở tổng số tiền thu được trừ (-) đi phần doanh thu chưa thực hiện (là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số tiền chiết khấu, giảm giá cho khách hàng):
Nợ các TK 112, 131
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Lưu ý: cần phân biệt trường hợp này và hạch toán chiết khấu thương mại.
b) Nếu khách hàng không đáp ứng được các điều kiện để hưởng các ưu đãi như nhận hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu giảm giá, người bán không phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán cho khách hàng, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện thành doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
c) Nếu khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình để được hưởng ưu đãi, khoản doanh thu chưa thực hiện được xử lý như sau:
- Nếu người bán trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển sang ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ tại thời điểm thực hiện xong nghĩa vụ với khách hàng (đã chuyển giao hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc đã chiết khấu, giảm giá cho khách hàng):
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Nếu bên thứ ba là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc chiết khấu giảm giá cho khách hàng thì thực hiện như sau:
+ Nếu DN đóng vai trò là đại lý của bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba đó được ghi nhận là doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phần chênh lệch giữa doanh thu chưa thực hiện và số tiền trả cho bên thứ ba được coi như doanh thu hoa hồng đại lý)
Có các TK 111, 112 (số tiền thanh toán cho bên thứ ba).
+ Nếu DN không đóng vai trò đại lý của bên thứ ba (giao dịch mua đứt, bán đoạn), toàn bộ khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba được ghi nhận vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Đồng thời phản ánh số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba là giá vốn hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 112, 331.
3.5 Hạch toán doanh thu chưa thực hiện là phần lãi nhận trước từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Nợ TK 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Có các TK 111, 112,… (số tiền lãi thực nhận)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (phần lãi nhận trước).
Sau đó, do nguyên tắc đảm bảo tính đúng kỳ của doanh thu, định kỳ kế toán viên sẽ tính và kết chuyển số lãi đã ghi nhận ở TK 3387 sang TK 515, bút toán ghi nhận:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính
>> Xem thêm: Hạch toán tài khoản 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn theo thông tư 200
Hiện nay, trong xu thế ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các mặt của đời sống đang dần phổ biến. Trong đó, lĩnh vực tài chính – kế toán đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng các công cụ quản lý tự động, góp phần không nhỏ giúp người làm công tác kế toán nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian và công sức hiệu quả. Các công cụ quản lý tự động như phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng ưu việt, trở thành “trợ thủ đắc lực” cho kế toán thao tác, xử lý các nghiệp vụ nhanh chóng, chính xác hơn.
Phần mềm kế toán online MISA AMIS cho phép kế toán theo dõi và phân bổ doanh thu chưa thực hiện để hỗ trợ kế toán phân bổ doanh thu chưa thực hiện hàng tháng nhanh chóng, tiện lợi mà không phải thực hiện phân bổ thủ công như trước đây.
Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.
1,352