Hướng dẫn hạch toán thuê tài chính đầy đủ nhất

15/11/2023
15467

Thuê tài chính đang là xu hướng phổ biến trong hoạt động kinh doanh hiện nay, mang đến nhiều lợi ích về tiếp cận nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư. Hạch toán thuê tài chính một cách khoa học, chính xác là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tối ưu hóa dòng tiền, đảm bảo minh bạch tài chính, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về hạch toán thuê tài chính trong bài viết sau đây.

1. Các thông tin chung về thuê tài chính

Căn cứ vào Điều 36, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

“b) Thuê tài chính: Là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.”

Cần phân biệt rõ khái niệm thuê tài chính và thuê hoạt động, đây đều là thuê tài sản cố định nhưng cách theo dõi và ghi nhận hoàn toàn khác nhau.

  • Về thời gian: Nếu thuê tài chính là dài hạn thì thuê hoạt động là ngắn hạn.
  • Về mức độ chuyển giao các rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản thuê: Thuê tài chính là chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích; gắn liền quyền sở hữu tài sản còn thuê hoạt động sẽ không có sự chuyển giao này.

Theo chuẩn mực kế toán số 06:

  • Các trường hợp thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính là:

+ Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê;

+ Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê;

+ Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu;

+ Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê;

+ Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.

  • Hợp đồng thuê tài sản được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu đáp ứng một trong các điều kiện:

+ Nếu bên thuê hủy hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc hủy hợp đồng cho bên cho thuê;

+ Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;

+ Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thị trường.

Xem thêm: Chi tiết cách hạch toán sửa chữa tài sản cố định

2. Nguyên tắc hạch toán Tài sản cố định thuê tài chính tại bên đi thuê

Theo quy định tại chuẩn mực kế toán VAS số 06 và điều 36 thông tư 200/2014/TT-BTC:

  • Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản (tài khoản 212 – TSCĐ thuê tài chính) và nợ phải trả (TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính).
  • Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính được ghi nhận bằng: giá trị hợp lý của tài sản thuê hoặc là giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu (trường hợp giá trị hợp lý cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu) cộng với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính.
  • Khi tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ lệ lãi suất ngầm định, tỷ lệ lãi suất được ghi trong hợp đồng thuê hoặc tỷ lệ lãi suất biên đi vay của bên thuê.
  • Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính như chi phí đàm phán ký hợp đồng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản đi thuê.
  • Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài chính phải được chia ra thành chi phí tài chính và khoản phải trả nợ gốc. Chi phí tài chính phải được tính theo từng kỳ kế toán trong suốt thời hạn thuê theo tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư nợ còn lại cho mỗi kỳ kế toán.
  • Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu không bao gồm số thuế GTGT phải trả cho bên cho thuê.
  • Số thuế GTGT đầu vào của tài sản thuê tài chính không được khấu trừ bên đi thuê phải trả cho bên cho thuê được hạch toán như sau:

+ Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được thanh toán một lần ngay tại thời điểm ghi nhận tài sản thuê thì nguyên giá tài sản thuê bao gồm cả thuế GTGT;

+ Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được thanh toán từng kỳ thì được ghi vào chi phí SXKD trong kỳ phù hợp với khoản mục chi phí khấu hao của tài sản thuê tài chính.

  • Bên thuê có trách nhiệm tính, trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo định kỳ trên cơ sở áp dụng chính sách khấu hao nhất quán với chính sách khấu hao của tài sản cùng loại thuộc sở hữu của mình. Nếu không chắc chắn là bên thuê sẽ có quyền sở hữu tài sản thuê khi hết hạn hợp đồng thuê thì tài sản thuê sẽ được khấu hao theo thời hạn thuê nếu thời hạn thuê ngắn hơn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thuê.

Đọc thêm: Hướng dẫn hạch toán Tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính

3. Hướng dẫn các bút toán hạch toán thuê tài chính 

3.1 Tại bên đi thuê

– Khi nhận TSCĐ thuê ngoài, căn cứ vào chứng từ liên quan (hoá đơn dịch vụ cho thuê tài chính, hợp đồng thuê tài chính…) ghi:

Nợ TK 212: Nguyên giá TSCĐ ở thời điểm thuê

Nợ TK 142 (1421): Số lãi cho thuê phải trả

Có TK 342: Tổng số tiền thuê phải trả (giá chưa có thuế)

– Định kỳ thanh toán tiền thuê theo hợp đồng

Nợ TK 342 (hoặc TK 315): Số tiền thuê phải trả

Nợ TK 133 (1332): Thuế VAT đầu vào

Có TK liên quan (111, 112…): Tổng số đã thanh toán

– Hàng kỳ trích khấu hao TSCĐ đi thuê và kết chuyển (trừ dần) lãi phải trả vào chi phí kinh doanh:

Nợ TK liên quan (627, 641, 642)

Có TK 214 (2142): Số khấu hao phải trích

Có TK 1421: Trừ dần lãi phải trả vào chi phí

– Khi kết thúc hợp đồng thuê:

+ Nếu trả lại TSCĐ cho bên thuê:

Nợ TK 1421: Chuyển giá trị còn lại chưa khấu hao hết

Nợ TK 214 (2142): Giá trị hao mòn

Có TK 212: Nguyên giá TSCĐ đi thuê

+ Nếu bên đi thuê được quyền sở hữu hoàn toàn:

BT 1: Kết chuyển nguyên giá TSCĐ:

Nợ TK 211, 213

Có TK 212: Nguyên giá

BT 2: Kết chuyển giá trị hao mòn luỹ kế:

Nợ TK 214 (2142)

Có TK 214 (2141, 2143): Giá trị hao mòn

+ Nếu bên đi thuê được mua lại

Ngoài hai bút toán phản ánh theo nguyên giá và giá trị hao mòn giống như khi được giao quyền sở hữu hoàn toàn, kế toán còn phản ánh số tiền phải trả về mua lại hay chuyển quyền sở hữu (tính vào nguyên giá TSCĐ)

Nợ TK 211, 213: Giá trị trả thêm

Nợ TK 133 (1332):

Có TK: 111, 112, 342

hạch toán tài sản cố định thuê tài chính
Kế toán căn cứ vào chứng từ liên quan để hạch toán thuê tài chính

>>Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách hạch toán các khoản tiền phạt

3.2 Tại bên cho thuê

– Khi giao TSCĐ cho bên đi thuê

Nợ TK 228: Giá trị TSCĐ cho thuê

Nợ TK 214 (2141, 2143): GTHM (nếu có)

Có TK 211, 213: nguyên giá TSCĐ cho thuê

Có TK 241: Chuyển giá trị XDCB hoàn thành sang cho thuê.

– Định kỳ (tháng, quý, năm) theo hợp đồng, phản ánh số tiền thu về cho thuê trong kỳ (cả vốn lẫn lãi).

Nợ TK 111, 112, 1388…: Tổng số thu

Có TK 711: Thu về cho thuê TSCĐ

Có TK 3331 (33311): Thuế VAT phải nộp.

Đồng thời xác định giá trị TSCĐ cho thuê phải thu hồi trong quá trình đầu tư tương ứng với từng kỳ.

Nợ TK 811

Có TK 228

– Nếu chuyển quyền sở hữu hoặc bán cho bên đi thuê trước khi hết hạn hoặc khi hết hạn cho thuê.

BT1: Phản ánh số thu về chuyển nhượng tài sản

Nợ TK 111, 112, 131,…

Có TK 711

BT2: Phản ánh số vốn đầu tư còn lại chưa thu hồi

Nợ TK 811

Có TK 228

– Nếu nhận lại TSCĐ khi hết hạn cho thuê, căn cứ giá trị được đánh giá lại (nếu có)

Nợ TK 211, 213: Giá trị đánh giá lại hoặc GTCL (Giá trị còn lại)

Nợ TK 811 (hoặc có TK 711): Phần chênh lệch giữa GTCL chưa thu hồi với giá trị được đánh giá lại.

Có TK 228: GTCL chưa thu hồi.

>>Xem thêm: 

Để giúp kế toán đơn giản và chính xác hơn trong các nghiệp vụ hạch toán các tài khoản, việc sử dụng các công cụ quản lý tự động được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay. Các phần mềm như phần mềm kế toán online MISA AMIS giúp kế toán hạn chế tối đa các sai sót trong công tác hạch toán kế toán, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức của kế toán một cách hiệu quả so với việc thực hiện các thao tác thủ công như trước đây. Phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp:

  • Tự động nhận tài sản cố định thuê tài chính một cách nhanh chóng, chính xác
  • Tự động tính khấu hao tài sản cố định thuê tài chính hàng tháng
  • Doanh nghiệp không cần mất nhiều thời gian ghi nhận các chứng từ liên quan đến tài sản và ghi sổ kế toán tăng TSCĐ thuê tài chính như trước đây.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả