Hướng dẫn hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng & bài tập ví dụ

23/11/2023
28158

Nhu cầu giao dịch kinh tế, chuyển tiền thông qua ngân hàng gắn liền với mọi doanh nghiệp. Phí chuyển tiền qua ngân hàng này dù rất ít nhưng được xem như một phần chi phí hoạt động của doanh nghiệp và phải được hạch toán minh bạch. Vậy hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Phí chuyển tiền qua ngân hàng hạch toán vào tài khoản 642 hay 635?

Khi hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng, nhiều kế toán sẽ gặp bối rối khi không biết nên hạch toán vào tài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp hay tài khoản chi phí tài chính. Để hạch toán đúng kế toán cần nắm rõ ý nghĩa của hai tài khoản này:

– Tài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp phản ánh các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp gồm các chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp; các loại bảo hiểm của nhân viên quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp; tiền thuê đất, thuế môn bài; khoản lập dự phòng phải thu khó đòi; dịch vụ mua ngoài…

– Tài khoản chi phí tài chính phản ánh những khoản chi phí hoạt động tài chính bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán, dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán, khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ, lỗ tỷ giá hối đoái…

Kế toán thường nhầm lẫn với tài khoản 635 vì ngân hàng có liên quan đến hoạt động tài chính nhưng chi phí chuyển tiền qua ngân hàng là chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch nên nếu hạch toán vào tài khoản 635 (dùng để hạch toán các khoản lãi, lỗ của hoạt động tài chính) sẽ không đúng bản chất.

Do đó, khi hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng kế toán sử dụng tài khoản 642 để ghi sổ kế toán.

Kế toán sử dụng tài khoản 642 để hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng

2. Nguyên tắc kế toán tài khoản 642

Tài khoản 642 được sử dụng để phản ánh toàn bộ chi phí quản lý chung của doanh nghiệp. Các khoản phản ánh qua tài khoản này bao gồm:

  • Lương và các khoản liên quan: Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp cho nhân viên bộ phận quản lý…
  • Các khoản bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn…
  • Vật liệu và công cụ: Chi phí vật liệu văn phòng, công cụ dụng cụ, khấu hao tài sản cố định sử dụng cho mục đích quản lý….
  • Chi phí khác: Tiền thuê đất, thuế môn bài, chi phí dịch vụ mua ngoài (như điện, nước, điện thoại, fax), chi phí tiếp khách, hội nghị khách hàng, phí chuyển tiền ngân hàng…..
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Các chi phí có hóa đơn chứng từ hợp lệ và đã hạch toán đúng theo chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.

Tài khoản 642 cần được mở chi tiết theo từng nội dung chi phí. Tuỳ vào yêu cầu quản lý của từng ngành, từng doanh nghiệp, có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 để phản ánh chi tiết hơn các nội dung chi phí quản lý.

Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp vào bên Nợ của tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” để tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

3. Hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng

Doanh nghiệp nhận giấy báo thu các khoản phí dịch vụ chuyển tiền, phí dịch vụ thu tiền, phí giao dịch… kế toán hạch toán khoản phí đó như sau:

  • Trường hợp 1: Giao dịch chi tiền qua ngân hàng phải chịu thêm phí chuyển khoản

Kế toán định khoản như sau:

Nợ TK 6428 (Số phí chuyển tiền, phí dịch vụ thu tiền…)

Nợ TK 133 (thuế GTGT gắn với phần phí chuyển tiền)

Có TK 112 (tổng số tiền)

  • Trường hợp 2: Giao dịch thu tiền qua ngân hàng phải chịu thêm phí chuyển khoản

Lúc này, kế toán vẫn ghi nhận phí chuyển khoản vào TK 6428:

Nợ TK 112 (Số tiền thu được thực tế sau khi đã trừ phí chuyển khoản)

Nợ TK 6428 (Số phí chuyển tiền, phí dịch vụ thu tiền…)

Nợ TK 133 (thuế GTGT gắn với phần phí chuyển tiền)

Có TK 131, TK 138 (Số tiền phải thu qua ngân hàng)

Lưu ý:

  • Phí chuyển tiền qua ngân hàng là dịch vụ chịu thuế GTGT, nếu doanh nghiệp muốn khấu trừ phần thuế này và được tính khoản này vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN,  doanh nghiệp phải lấy hóa đơn phí dịch vụ chuyển tiền từ ngân hàng. Thông thường cuối tháng, khi xuất sổ phụ ngân hàng cho DN, phía ngân hàng cũng sẽ trả một giấy báo nợ với nội dung “Phí chuyển tiền”.
  • Tuy nhiên, do phần phí chuyển tiền này khá nhỏ, trong khi để kê khai thêm sẽ tốn khá nhiều thời gian, vì vậy một số doanh nghiệp lựa chọn hạch toán toàn bộ khoản phí chuyển tiền qua ngân hàng (bao gồm cả VAT) vào TK 642 (bỏ qua TK 133) và chấp nhận loại bỏ chi phí này này khi xác định chi phí hợp lý để tính thuế TNDN.

Với kế toán sử dụng các công cụ như Phần mềm Kế toán online MISA AMIS có thể dễ dàng hạch toán chi phí chuyển tiền ngân hàng.

Dùng thử miễn phí

4. Bài tập ví dụ

Doanh nghiệp A trong tháng 10/2023 có thực hiện các giao dịch sau:

1/ Thanh toán cho nhà cung cấp 7 triệu đồng tiền hàng dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Phí chuyển tiền ngân hàng là 11 nghìn đồng (đã bao gồm thuế GTGT).

Kế toán thực hiện hạch toán như sau:

  • Bút toán thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp:

Nợ TK 331: 7,000,000 đồng

Có TK 112: 7,000,000 đồng

  • Bút toán ghi nhận chi phí chuyển tiền qua ngân hàng

Nợ TK 6428: 10,000 đồng

Nợ TK 133: 1,000 đồng

Có TK 112: 11,000 đồng

2/ Thu tiền từ khách hàng 10 triệu đồng thôn qua chuyển khoản ngân hàng. Phí chuyển tiền ngân hàng là 11 nghìn đồng (đã bao gồm thuế GTGT).

Kế toán thực hiện hạch toán như sau:

  • Bút toán ghi nhận tiền hàng từ khách hàng:

Nợ TK 112: 10,000,000 đồng

Có TK 131: 10,000,000 đồng

  • Bút toán để ghi nhận chi phí chuyển tiền qua ngân hàng:

Nợ TK 6428: 10,000 đồng

Nợ TK 133: 1,000 đồng (thuế GTGT tính trên phí chuyển tiền)

Có TK 112: 11,000 đồng

5. Doanh nghiệp phải chịu phí chuyển tiền ngân hàng khi nào?

Doanh nghiệp phải chịu phí chuyển tiền ngân hàng trong các trường hợp sau:

  • Chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau: Khi doanh nghiệp thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tại một ngân hàng này sang tài khoản tại một ngân hàng khác, phí chuyển tiền thường được áp dụng.
  • Chuyển tiền quốc tế: Phí chuyển tiền quốc tế thường cao hơn phí chuyển tiền nội địa và có thể bao gồm phí chuyển đổi ngoại tệ.
  • Chuyển tiền nhanh/ưu tiên: Một số ngân hàng cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh hoặc ưu tiên với mức phí cao hơn so với chuyển tiền thông thường.
  • Chuyển tiền qua mạng lưới ATM hoặc Internet Banking: Tùy vào chính sách của từng ngân hàng, phí có thể được áp dụng cho các giao dịch chuyển tiền qua ATM hoặc Internet Banking, đặc biệt là khi chuyển tiền sang ngân hàng khác.
  • Số lượng giao dịch vượt quá giới hạn miễn phí: Một số ngân hàng có chính sách miễn phí chuyển tiền cho một số lượng giao dịch nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu số lượng giao dịch vượt quá giới hạn này, phí chuyển tiền sẽ được áp dụng.
  • Giao dịch đặc biệt: Các giao dịch đòi hỏi xử lý đặc biệt như chuyển tiền đảm bảo, chuyển khoản có điều kiện, hoặc yêu cầu xác nhận ngay cũng có thể phát sinh phí.

Doanh nghiệp cần lưu ý rằng các mức phí có thể khác nhau tùy theo ngân hàng và loại tài khoản, do đó nên tham khảo bảng phí của ngân hàng để hiểu rõ các chi phí liên quan và lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu giao dịch của mình.

Tạm kết

Hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng là nghiệp vụ không quá khó khi kế toán cần hiểu đúng bản chất các loại tài khoản. Nếu như trước đây việc hạch toán được thực hiện bằng việc ghi chép thủ công thì ngày nay một số bút toán đã đã được phần mềm hỗ trợ tự động.

Không chỉ hạch toán, phần mềm kế toán online MISA AMIS được ra đời để tự động hóa đến 80% công việc mà một kế toán phải xử lý hàng ngày như: kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ, nhập liệu hóa đơn, sổ sách, tạo lập báo cáo, kê khai thuế… Đặc biệt, tất cả nghiệp vụ trên đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị máy tính có kết nối internet.

Anh/chị kế toán viên có thể đăng ký trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trực tiếp tham khảo về những tính năng, phân hệ này. Hiện tại, phần mềm đang được sử dụng miễn phí 15 ngày và được triển khai tư vấn kỹ càng giúp kế toán viên dễ dàng sử dụng hơn.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả