CMO là gì? Vai trò và chức năng cụ thể của vị trí CMO trong doanh nghiệp

03/08/2021
2030

Giám đốc Marketing (CMO) là người chịu trách nhiệm về các kế hoạch và chiến lược Marketing của một doanh nghiệp với mức lương vô cùng hấp dẫn. Cụ thể thì công việc của vị trí này bao gồm những gì và có yêu cầu nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Giám đốc Marketing làm gì

CMO là gì?

CMO là viết tắt của cụm từ Chief Marketing Officer hay còn gọi là Giám đốc Marketing. Đây là vị trí chức vụ quản lý cấp cao trong công ty chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động Marketing và báo cáo trực tiếp với Giám đốc điều hành (CEO).

Đối với một số doanh nghiệp, Marketing Manager cũng là một cách gọi được sử dụng phổ biến cho vị trí CMO. Tuy nhiên ở một số công ty lớn thì hai vị trí này khá rõ ràng, trong đó Marketing Manager là chức vị cho các quản lý, xếp sau CMO.

Nhiệm vụ chính của CMO là lập kế hoạch và tổ chức triển khai các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo nhằm thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu và tăng doanh số bán hàng.

Để đạt được những mục tiêu này, Giám đốc Marketing phải là những người vừa có kinh nghiệm chuyên môn liên quan tới Kinh doanh và Marketing và vừa có khả năng lãnh đạo đội ngũ xuất sắc.

Các công việc chính của CMO là gì?

Công việc của CMO

CMO là người điều hành phụ trách phát triển chiến lược quảng cáo, tiếp thị và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, cũng như tiếp cận khách hàng.

Là vị trí Marketing cao cấp nhất trong tổ chức, CMO giám sát các vị trí chức năng liên quan tới Marketing trên tất cả các dòng sản phẩm và khu vực địa lý của công ty.

Các công việc chính của Giám đốc Marketing sẽ bao gồm:

  • Lãnh đạo và giám sát toàn bộ hoạt động Marketing
  • Xây dựng và tổ chức triển khai chiến lược Marketing phù hợp với doanh nghiệp
  • Xây dựng các công cụ đo lường và báo cáo hiệu quả hoạt động Marketing
  • Tổ chức và đào tạo đội ngũ phòng Marketing
  • Thiết lập và duy trì quan hệ với các đối tác, cơ quan truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ có liên quan tới hoạt động Marketing của công ty
  • Tham mưu cho Ban Lãnh Đạo về truyền thông, nhận diện và phát triển thương hiệu

Công việc của Giám đốc Marketing hướng tới việc thực hiện các nỗ lực marketing để nâng cao nhận thức thương hiệu và cuối cùng dẫn tới tăng doanh số bán hàng. Do vậy, CMO thường sẽ làm việc rất chặt chẽ với bộ phận Kinh doanh của công ty.

Chức năng và nhiệm vụ của CMO là gì?

Là một vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, CMO – Giám đốc Marketing cần phải có năng lực và nghiệp vụ để thực hiện được các chức năng và nhiệm vụ sau:

  • Xây dựng và định vị thương hiệu doanh nghiệp: Đây là nhiệm vụ quan trọng có vai trò giúp doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp tạo nhận thức của khách hàng về tổ chức, xây dựng lòng trung thành của khách hàng và dẫn tới tăng doanh số bán hàng.
  • Nắm bắt các xu hướng Marketing, phân tích thị trường và tổ chức triển khai áp dụng phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp để phát triển sản phẩm và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn
  • Xây dựng chiến lược và đánh giá hiệu quả hoạt động Marketing: Muốn tiếp cận khách hàng tốt và tăng doanh số, doanh nghiệp cần có chiến lược Marketing hiệu quả. CMO cần lên chiến lược, xây dựng công cụ đo lường và phương pháp đánh giá hiệu quả các chiến lược tiếp thị.
  • Dù không phải là bộ phận trực tiếp bán sản phẩm nhưng CMO cần xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng, trải nghiệm người dùng, tạo dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Nhiệm vụ của CMO là đặt mình làm vị trí của khách hàng để thấu hiểu khách hàng và xây dựng những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
  • Tuyển dụng và đào tạo nhân viên thuộc phòng Marketing, xây dựng môi trường làm việc tích cực, văn hóa học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ

Những yêu cầu cho vị trí CMO là gì?

CMO thường phải tốt nghiệp Đại học trở lên chuyên ngành Marketing, Truyền thông, Quản trị kinh doanh hoặc các lĩnh vực tương tự.

Thông thường, Giám đốc Marketing phải có ít nhất 10 năm làm việc trong ngành Marketing hoặc quảng cáo và nhiều năm giữ chức vụ quản lý.

Là vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, CMO được yêu cầu phải có kiến thức marketing và quảng cáo chuyên sâu, kỹ năng lãnh đạo xuất sắc, kinh nghiệm triển khai dự án, kỹ năng giao tiếp, và độ nhạy bén trong kinh doanh.

Thêm vào đó, vai trò CMO ngày nay còn đòi hỏi các Giám đốc Marketing phải có kiến thức về công nghệ, khả năng update các xu hướng mới để tối ưu các công cụ và tận dụng các nền tảng truyền thông và kỹ thuật số cho các nỗ lực tiếp thị.

Dưới đây là tóm tắt một số những kỹ năng phổ biến thường yêu cầu cho vị trí CMO ở hầu hết các doanh nghiệp.

  • Kỹ năng chuyên môn: Tất nhiên, đây là kỹ năng bắt buộc đối với vị trí Giám đốc Marketing. CMO phải là người có kiến thức chuyên sâu về marketing
  • Kỹ năng phân tích dữ liệu: CMO cần biết cách đọc số liệu và phân tích dữ liệu. Từ đó đưa ra các nhận định và đánh giá các thông tin và dữ liệu để đưa ra những chiến lược marketing hiệu quả.
  • Kỹ năng lập kế hoạch và xây dựng chiến lược
  • Kỹ năng tổ chức và phát triển đội nhóm
  • Kỹ năng lãnh đạo: Là người đứng đầu phòng Marketing, CMO cần có khả năng lãnh đạo đội nhóm, dẫn dẵn nhân viên theo chiến lược đã hoạch đích để đạt được mục tiêu chung
  • Kỹ năng giao tiếp: Giám đốc Marketing sẽ phải làm việc với nhiều phòng ban và đối tác. Do vậy vị trí CMO cần những người có kỹ năng giao tiếp hiệu quả và có khả năng xây dựng mối quan hệ với đối tác, nhà phân phối, báo chí, truyền thông…
  • Kỹ năng nghiên cứu là tố chất quan trọng để Giám đốc Marketing thực hiện việc nghiên cứu thị trường và hành vi người tiêu dùng, phân tích và dự đoán xu hướng kinh doanh
  • Các kỹ năng cá nhân khác bao gồm kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sắp xếp công việc…

Mức lương Giám đốc Marketing (CMO) là bao nhiêu?

CMO là gì

Giám đốc Marketing CMO là một vị trí nhân sự khá khó tìm. Vị trí này yêu cầu khá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, thêm vào đó công việc cũng rất áp lực.

Chính vì vậy, mức lương cho vị trí này thường được trả khá cao. Thông thường, mức lương cho vị trí Giám đốc Marketing dao động từ 30-120 triệu/tháng.

Lộ trình nghề nghiệp của CMO

Để tiến tới vị trí cấp cao như CMO, thì người có chức danh này cần phải trải qua một quá trình rèn luyện và kinh qua nhiều vị trí để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức cho bản thân.

Thông thường, lộ trình thăng tiến của vị trí CMO sẽ:

  • Bắt đầu từ vị trí nhân viên thuộc các team như team SEO, Team Digital Performace, team Social Media, Content…
  • Sau đó tiến tới vị trí Trưởng Phòng Marketing
  • Phó Giám đốc Marketing: người hỗ trợ CMO trong các công việc quản lý phòng
  • Giám đốc Marketing

Chân dung 3 vị CMO nổi tiếng nhất tại Việt Nam

1. Ông Nguyễn Quang Trí – CMO Vinamilk

CMO vinamilk

Ông Nguyễn Quang Trí sinh năm 1971 giữ chức vụ Giám đốc Marketing của Vinamilk từ ngày 1/6/2021. Ông nguyên là Marketing Director của Vinamilk trước năm 2013.

Ông tốt nghiệp bằng MBA của đại học Queensland. Ông Trí có 13 năm làm việc trong ngành Marketing và từng giữ những vị trí marketing chủ chốt tại các tập đoàn đa quốc gia như British American Tobacco, Dutch Lady đến tập đoàn nổi tiếng hàng đầu trong nước như Masan Food.

2. Ông Lê Tùng – CMO Sunhouse Group

Giám đốc Marketing Sunhouse

Anh Tùng có hơn 10 năm kinh nghiệm về marketing trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối.

Trước khi trở thành Giám đốc Marketing tại Tập đoàn Sunhouse, anh từng đảm nhiệm nhiều vai trò tại các tập đoàn lớn như: Huawei, Dược Đông Á, VinGroup …

3. Ông Nguyễn Mạnh Tấn – CMO Công ty CP Công nghệ Haravan

Ông Nguyễn Mạnh Tấn hiện đang đảm nhiệm chức vụ CMO – Giám đốc Marketing của công ty Cổ phần Công nghệ Haravan, công ty sở hữu nền tảng Chatbot Harafunnel – Công cụ trả lời tự động thông qua ứng dụng nhắn tin OTT như Facebook Messenger và Zalo.

Có thể nói, nỗ lực của ông Nguyễn Mạnh Tấn – CMO của Công ty CP Công nghệ Haravan trong việc đưa ứng dụng chatbot Harafunnel chiếm “ngôi vương” trong giải pháp tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp đã giúp rút ngắn thời gian và chi phí cho chiến dịch truyền thông sản phẩm và quản trị thương hiệu doanh nghiệp thời kỳ công nghệ 4.0.

Tính năng ưu việt của chatbot là cho phép doanh nghiệp thực hiện messenger marketing thay vì sử dụng email marketing và SMS marketing truyền thống thông qua data khách hàng có sẵn.

Tạm kết

Tóm lại, Giám đốc Marketing (CMO) là một vị trí đặc biệt quan trọng trong tổ chức có vai trò dẫn dắt và điều hành các hoạt động Marketing giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh số.

Là một vị trí cấp cao, CMO cần phải giám sát và triển khai thực hiện nhiều đầu công việc do đó yêu cầu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đặc biệt xuất sắc.

Hy vọng thông qua bài viết này, anh/chị đã hiểu hơn về vị trí và công việc của một Giám đốc Marketing cũng như những kỹ năng và yêu cầu cho vị trí này.

Cảm ơn anh/chị đã quan tâm tới bài viết của chúng tôi. Để cập nhật thêm các bài viết hay và hữu ích, mời anh/chị ghé thăm trang blog của chúng tôi thường xuyên hoặc nhấn nút đăng ký email.

Cảm ơn anh/chị!

Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả