Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mạng xã hội, hình thức livestream bán hàng đã trở thành một trong những xu hướng kinh doanh phổ biến. Tuy nhiên, hoạt động này cũng mang đến những thách thức trong việc quản lý thuế đối với các cá nhân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia.
Ngày 28/11/2024, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn 6888/CTTBI-TTHT hướng dẫn về việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động livestream bán hàng. Dưới đây là những nội dung đáng chú ý trong công văn mà bạn cần nắm rõ:
1. Đối với Hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng qua Livestream
Các hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng qua livestream có trách nhiệm đăng ký thuế và kê khai thuế đúng quy định. Cụ thể:
- Khi bán hàng qua livestream, các cá nhân và hộ kinh doanh cần lập hóa đơn điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Nếu doanh thu từ hoạt động kinh doanh trong năm dương lịch lớn hơn 100 triệu đồng thì phải kê khai và nộp thuế GTGT (5%) và thuế TNCN (2%) theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
2. Quy định thuế đối với các cá nhân như Blogger, Tiktoker, Influencer
Cá nhân nhận tiền hoa hồng hoặc dịch vụ quảng cáo từ việc livestream bán hàng (như các influencer, blogger, tiktoker) cũng cần kê khai và nộp thuế TNCN đối với thu nhập nhận được từ các hoạt động này theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Luật thuế TNCN, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013; số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ; Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013; số 119/2014/TT- BTC ngày 25/8/2014;số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; số 92/2015/TT- BTC ngày 15/6/2015; số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính.
3. Khấu trừ thuế đối với tổ chức chi trả tiền cho cá nhân
Các doanh nghiệp, tổ chức chi trả tiền cho cá nhân thực hiện livestream bán hàng (ví dụ như các công ty quảng cáo, nhà phân phối) phải có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế TNCN trước khi thanh toán cho cá nhân. Mức thuế khấu trừ là 10% trên thu nhập của cá nhân từ các dịch vụ quảng cáo, hoa hồng hoặc các khoản thu nhập khác có liên quan.
4. Tuyên truyền và hỗ trợ
Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng khuyến khích các cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, và các phương tiện truyền thông phối hợp tuyên truyền rộng rãi về các quy định này, giúp cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiểu và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng cách.
Nội dung đầy đủ của Công văn như sau:
Ngành Thuế tỉnh Thái Bình trân trọng cảm ơn Cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đồng hành với cơ quan Thuế trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cùng với tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, việc kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số ngày càng phát triển với đa dạng về hình thức, mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia. Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã thực hiện tuyên truyền chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bằng nhiều hình thức như: ban hành công văn hướng dẫn (công văn số 5564/CTTBI-TTHT ngày 04/10/2024; số 1696/CTTBI-TTHT ngày 05/4/2024;…); tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, qua thư điện tử, Trang thông tin điện tử Cục Thuế tỉnh Thái Bình … Hình thức livestream bán hàng (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang dần trở thành xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến. Livestream bán hàng là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng. Tại các phiên livestream bán hàng thường có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hàng hóa, hoặc cá nhân bán hàng cho các tổ chức, cá nhân khác (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội,…). Nhằm giúp các tổ chức, cá nhân – người nộp thuế hiểu và thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế, Ngành Thuế tiếp tục thông tin một số nội dung về Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cụ thể là hình thức livestream bán hàng như sau: – Tại tiết c, khoản 2 Điều 2; tiết i, khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế … 2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công … c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác. Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế 1. Khấu trừ thuế Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau: … i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân…” – Tại khoản 2 Điều 4; Điều 10 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính quy định: “Điều 4. Nguyên tắc tính thuế … 2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. … Điều 10. Căn cứ tính thuế Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. 1. Doanh thu tính thuế Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, …; doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 2. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu a) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. b) Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề…
– Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: “Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ 1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.” Căn cứ các quy định nêu trên, việc kê khai và nộp thuế của các cá nhân tham gia livestream bán hàng như sau: – Đối với hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream: có trách nhiệm đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; các Luật thuế; lập hóa đơn điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có đăng ký kinh doanh với ngành nghề phù hợp; nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc phương pháp kê khai thì khoản tiền (hoa hồng, dịch vụ quảng cáo…) nhận được từ hoạt động livestream bán hàng được tính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch lớn hơn 100 triệu đồng thì kê khai, nộp thuế theo mức thuế 7% (5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN) theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. – Đối với các cá nhân (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, …) được trả tiền (hoa hồng, dịch vụ quảng cáo.) từ việc thực hiện livestream bán hàng: thực hiện kê khai và nộp thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Luật thuế TNCN, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013; số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ ; Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013; số 119/2014/TT- BTC ngày 25/8/2014; số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; số 92/2015/TT- BTC ngày 15/6/2015; số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính. – Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân tại Việt Nam có chi trả tiền livestream cho cá nhân: có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cục Thuế tỉnh Thái Bình thông tin để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình biết và thực hiện. Đồng thời đề nghị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thái Bình; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Báo Thái Bình; Đài Phát thanh truyền hình Thái Bình phối hợp tuyên truyền nội dung này. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Trân trọng./. |
Tải xuống Công văn tại đây
Livestream bán hàng không chỉ là một hình thức kinh doanh hiệu quả mà còn là một thách thức đối với công tác quản lý thuế. Để hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ và không gặp phải rủi ro pháp lý, các cá nhân và tổ chức tham gia livestream bán hàng cần tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế. Việc kê khai thuế đúng và nộp thuế kịp thời không chỉ giúp bạn tránh được các vấn đề pháp lý mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
MISA không chỉ cung cấp những kiến thức quan trọng về kế toán để giúp các kế toán viên trong doanh nghiệp nắm vững quy trình làm việc, mà còn phát triển một giải pháp phần mềm kế toán toàn diện mang tên MISA AMIS. Đây là một công cụ tài chính kế toán tích hợp, dễ sử dụng, thông minh và an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp:
- Kết nối hệ sinh thái: MISA AMIS tích hợp trực tiếp với ngân hàng điện tử, cơ quan Thuế và các hệ thống quản lý bán hàng, nhân sự, giúp doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ thuế và quản lý hoạt động kinh doanh một cách mượt mà, nhanh chóng.
- Hỗ trợ toàn diện các nghiệp vụ kế toán: Phần mềm đáp ứng đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo các chuẩn mực TT133 và TT200, bao gồm các nghiệp vụ như Quỹ, Ngân hàng, Mua bán hàng hóa, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành sản phẩm và nhiều nghiệp vụ khác.
- Tự động nhập liệu: MISA AMIS tự động hóa quy trình nhập liệu từ hóa đơn điện tử và cho phép nhập khẩu dữ liệu từ Excel, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót trong quá trình nhập liệu.
- Kiểm soát chứng từ hợp lệ: Phần mềm tự động gợi ý thông tin khách hàng và nhà cung cấp dựa trên mã số thuế (MST), giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót. Đồng thời, cảnh báo nhà cung cấp ngừng hoạt động, giảm thiểu rủi ro về hóa đơn.
-
Tự động tổng hợp báo cáo: MISA AMIS tự động tổng hợp số liệu và tạo ra các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chính xác, giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời và đúng quy định.