Công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử

28/11/2024
91

Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, và ở Việt Nam, lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ. TMĐT không chỉ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng giao dịch mà còn tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức, từ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hàng giả, gian lận thương mại, đến bảo vệ an ninh mạng và thu thuế hiệu quả.

Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển TMĐT bền vững, ngày 25/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao quản lý về TMĐT.

Theo đó, tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Công Thương: thực hiện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quản lý giao dịch TMĐT, đặc biệt là giao dịch xuyên biên giới. 

  • Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.
  • Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng về quyền lợi và cách phòng tránh các hành vi gian lận. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, và việc bán hàng giả cần được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc.

Bộ Công an:  thực hiện đẩy mạnh triển khai các dịch vụ xác thực điện tử, yêu cầu tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các sàn TMĐT phải xác thực danh tính trước khi giao dịch. Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và ngăn ngừa gian lận trong giao dịch TMĐT.

  • Tếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính: Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi  bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó nghiên cứu đề xuất: (i) Quy định người bán có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử giao cho người mua; (ii) Quy định trách nhiệm các Bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.

  • Thực hiện trình Chính phủ  xem xét, ban hành ban hành Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với các giao dịch qua các sàn TMĐT.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp để đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Cùng với đó, các cơ quan này cũng sẽ tiếp tục đấu tranh với buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với hoạt động thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Hoàn thiện số liệu thống kê thương mại điện tử để quy định cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Giao thông vận tải: chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải để tăng cường quản lý các mô hình vận tải, vận chuyển hàng hóa trên các nền tảng số.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Kết Luận

Với sự phát triển không ngừng của TMĐT, công tác quản lý nhà nước cần phải đi đôi với việc cải tiến chính sách, cơ chế giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp và tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành sẽ góp phần tạo ra một môi trường TMĐT minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong nền kinh tế số toàn cầu.

Các cơ quan liên quan cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao để đảm bảo rằng thương mại điện tử không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả