Công văn 6182/CTQNA-TTHT của Cục thuế tỉnh Quảng Nam hướng dẫn kê khai đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế

25/07/2024
161

Ngày 23 tháng 7 năm 2024, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã phát hành công văn số 6182/CTQNA-TTHT, gửi đến Công ty CP Đá Trà My, cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách thức kê khai đối với hóa đơn GTGT điều chỉnh thuế suất từ 10% xuống 8%. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu nội dung cụ thể của công văn trong bài viết dưới đây:

TỔNG CỤC THUẾ

CỤC THU TỈNH QUẢNG NAM

________________

Số: 6182/CTQNA-TTHT

V/v hướng dẫn kê khai đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Quảng Nam, ngày 23 tháng 7 năm 2024

 

 

 

Kính gửi: Công ty CP Đá Trà My,

MST: 4001178716, Email: [email protected],

(Địa chỉ: Mỏ đá thôn 1, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

 

Ngày 18/7/2024, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam nhận được văn bản của Công ty CP Đá Trà My (Công ty) đề nghị hướng dẫn kê khai đối với hóa đơn GTGT điều chỉnh thuế suất từ 10% xuống 8%. Vấn đề này, Cục Thuế có ý kiến như sau:

– Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH12, hiệu lực thi hành từ 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022, quy định:

“5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).”

– Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định về giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, hiệu lực thi hành từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, quy định:

“5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

– Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định về giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024, quy định:

“5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).”

– Tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử lý hóa đơn có sai sót:

“2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

… b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).”

– Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

+ Tại khoản 1 Điều 7 quy định về xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót về giá trị trên hóa đơn như sau:

“1. Đối với hóa đơn điện tử:

… e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh…”

+ Tại khoản 6 Điều 12 hướng dẫn về xử lý chuyển tiếp:

“6. Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót…”.

– Tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định:

“Điều 47. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

  1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
  2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.
  3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
  4. a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

…4. Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:

  1. a) Tờ khai bổ sung;
  2. b) Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan…”

– Tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:

“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:

… b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại….”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP và Nghị định 94/2023/NĐ-CP mà người bán đã lập hóa đơn theo mức thuế suất chưa được giảm thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Cụ thể:

– Đối với hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP (hóa đơn có ký hiệu AK/20E) có sai sót thì người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC.

– Đối với hóa đơn điện tử đã lập theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC có sai sót thì có thể lựa chọn lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót hoặc lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Lưu ý, hóa đơn lập trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 30/6/2023 (thuộc thời gian không được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP). Công ty cần xác định hóa đơn đó có được lập đúng thời điểm không, hàng hóa dịch vụ mua vào có thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP không để xử lý hóa đơn theo đúng quy định.

Trường hợp Công ty thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế thì thực hiện kê khai bổ sung vào kỳ tính thuế có sai sót, việc khai bổ sung làm giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì còn phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Cục Thuế tỉnh Quảng Nam thông báo để Công ty CP Đá Trà My biết, thực hiện đúng quy định./.

Nơi nhận:

Như trên;

– Phòng: TTKT3;

– Website Cục Thuế;

– Lưu: VT, TTHT.

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

 

Lương Đình Đường

Tải Công văn số 6182/CTQNA-TTHT tại đây

Như vậy, công văn đã chỉ rõ theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP và các nghị định tiếp theo như Nghị định 44/2023/NĐ-CP và Nghị định 94/2023/NĐ-CP, các trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn với thuế suất chưa được điều chỉnh theo quy định mới cần thực hiện điều chỉnh như sau:

  • Lập Biên Bản Thỏa Thuận: Người bán và người mua cần lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
  • Lập Hóa Đơn Điều Chỉnh: Người bán phải lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.
  • Kê Khai Thuế Điều Chỉnh: Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra và người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào.

Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng hướng dẫn cụ thể về cách xử lý hóa đơn điện tử có sai sót:

  • Lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hoặc mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.
  • Hóa đơn mới phải ghi rõ là “Điều chỉnh cho hóa đơn…” hoặc “Thay thế cho hóa đơn…”

Bên cạnh đó, trong công văn Cục Thuế tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về thuế để đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong kê khai thuế. Điều này không chỉ giúp công ty tuân thủ tốt hơn với quy định pháp luật mà còn đảm bảo lợi ích tài chính cho cả người bán và người mua trong môi trường kinh doanh.

Tìm hiểu chi tiết về cách điều chỉnh hóa đơn sai sót mới nhất 2024

Với sự xuất hiện của hàng loạt công cụ, công nghệ hỗ trợ, nhất là những phần mềm kế toán có tính năng kết nối với phần mềm hoá đơn điện tử như phần mềm kế toán online MISA AMIS, kế toán có thể dễ dàng xử lý khối lượng lớn hoá đơn mỗi ngày mà vẫn đảm bảo hạn chế sai sót. Phần mềm kết nối trực tiếp dịch vụ Hóa đơn điện tử, giúp phát hành hóa đơn điện tử ngay trên phần mềm và tự động hạch toán doanh thu ngay khi lập hóa đơn điện tử:

  • Lập và phát hành HĐĐT theo nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC
  • Xử lý hóa đơn sai sót theo nghị định 123/2020/NĐ-CP: kế toán giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, không mất nhiều công sức khi xảy ra các trường hợp như:
    • Hóa đơn đã được CQT cấp mã (HĐ có mã) hoặc đã phát hành thành công (HĐ không có mã), phát hiện sai sót nhưng chưa gửi người mua.
    • Hóa đơn điện tử đã gửi người mua; phát hiện sai sót tên, địa chỉ, không sai thông tin khác.
    • Hóa đơn điện tử đã gửi người mua; phát hiện sai sót mã số thuế, số tiền, tiền thuế, quy cách chất lượng HHDV.
    • Hóa đơn điện tử đã phát hành theo NĐ51, phát hiện sai sót khi đang sử dụng hóa đơn điện tử theo NĐ123.
  • Đầy đủ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn: Cho phép in được báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng, quý, tuân thủ quy định mới nhất về quản lý và sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính

Nhanh tay đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trải nghiệm công cụ tài chính tối ưu nhất.

Dùng ngay miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả