Chế độ nghỉ phép của người lao động mới nhất

26/07/2024
346

Trong bối cảnh luật lao động và các quy định liên quan liên tục được cập nhật, việc nắm rõ luật nghỉ phép của nhân viên (hay chế độ nghỉ phép của người lao động) là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên. Trong bài viết dưới đây, MISA AMIS HRM sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất về vấn đề này.

1. Nghỉ phép năm là gì?

chế độ nghỉ phép cho người lao động

Nghỉ phép năm còn được biết đến là số ngày nghỉ hằng năm, là một trong những quyền lợi cơ bản mà người lao động được hưởng trong quá trình làm việc cho một công ty hay tổ chức. Tùy thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp, tính chất công việc mà chế độ nghỉ phép năm có thể khác nhau đối với mỗi người lao động.

Khoảng thời gian này cho phép người lao động nghỉ ngơi mà không tính vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ Tết, nghỉ không hưởng lương hoặc nghỉ việc riêng. Số ngày nghỉ phép cụ thể được xác định dựa trên quy định của từng doanh nghiệp và tính chất công việc của người lao động.

2. Trong nội quy lao động, có cần phải quy định nghỉ phép năm không?

Theo điểm a khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nội quy lao động cần tuân thủ các quy định pháp luật về lao động và bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Thời giờ làm việc bình thường trong ngày và tuần, ca làm việc, thời điểm bắt đầu và kết thúc ca, làm thêm giờ, nghỉ giải lao, nghỉ chuyển ca, ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lương.

Vì vậy, nghỉ phép năm là một trong các nội dung chủ yếu phải được quy định trong nội quy lao động.

3. Luật nghỉ phép của nhân viên được quy định như thế nào?

3.1 Số ngày nghỉ phép năm

Theo quy định tại Điều 113 Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động đã làm việc trọn vẹn 12 tháng cho một người sử dụng lao động sẽ được nghỉ phép năm với lương đầy đủ theo hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

  • Đối với người làm việc trong điều kiện bình thường: Được nghỉ 12 ngày làm việc.
  • Đối với người lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Được nghỉ 14 ngày làm việc.
  • Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, có tính độc hại, nguy hiểm: Được nghỉ 16 ngày làm việc.

Đối với những người lao động chưa làm đủ 12 tháng cho một doanh nghiệp, số ngày nghỉ phép năm sẽ được tính tương ứng với số tháng làm việc.

luật nghỉ phép của nhân viên
Khi sử dụng ngày nghỉ phép, nhân viên cần báo trước với quản lý

Ngoài ra, trong Bộ Luật Lao Động còn quy định các trường hợp nghỉ phép năm trong một số hoàn cảnh cụ thể:

  • Khi người lao động nghỉ phép hằng năm mà chưa đến kỳ nhận lương, họ có thể được tạm ứng tiền lương.
  • Nếu người lao động sử dụng các phương tiện đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy để đi nghỉ mà tổng số ngày đi cả chiều đi lẫn chiều về vượt quá 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi sẽ được cộng thêm thời gian di chuyển ngoài số ngày nghỉ phép hàng năm. Tuy nhiên, quy định này chỉ cho phép được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

3.2 Gộp số ngày nghỉ phép hàng năm

Theo Khoản 4, Điều 113 của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập kế hoạch nghỉ hàng năm, sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho họ. Trong đó, người lao động có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc chia kỳ nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc gộp lại (thời gian nghỉ gộp tối đa là 3 năm/lần).

3.3 Không nghỉ phép hết năm

Nếu người lao động không sử dụng hết số ngày nghỉ phép trong năm theo quy định, sẽ có các trường hợp xử lý như sau:

  • Trường hợp người lao động không nghỉ hết số ngày phép do nghỉ việc hoặc bị mất việc làm, doanh nghiệp phải thanh toán tiền lương cho số ngày phép chưa nghỉ.
  • Trường hợp người lao động không nghỉ hết số ngày phép trong năm vì không có nhu cầu nghỉ và vẫn tiếp tục làm việc, doanh nghiệp không có nghĩa vụ thanh toán tiền cho số ngày phép chưa nghỉ.

Tóm lại, người lao động không sử dụng hết ngày nghỉ phép năm do không có nhu cầu nghỉ sẽ không nhận được khoản tiền tương ứng với số ngày phép còn lại sau khi năm kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật cũng cho phép người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau để chuyển số ngày phép chưa sử dụng sang các năm sau.

Việc xây dựng luật nghỉ phép của nhân viên cần được bộ phận nhân sự chú trọng để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhằm thiết lập, theo dõi việc nghỉ phép của nhân viên hiệu quả hơn, doanh nghiệp có thể sử dụng AMIS Chấm Công – giải pháp quản lý thời gian làm việc toàn diện. Tại đây HR và nhân viên chủ động theo dõi được đơn xin nghỉ phép, số ngày nghỉ được hưởng và số ngày đã nghỉ.

4. Cách tính số ngày nghỉ hàng năm

Đối với người lao động đã làm đủ 12 tháng trở lên: họ được hưởng tối thiểu 12 ngày nghỉ phép hằng năm theo luật quy định. Một số công ty có chế độ nghỉ phép nhiều ngày hơn, lên tới 15-18 ngày.

Số ngày phép = [(Số ngày nghỉ phép đủ năm + Số ngày phép thâm niên nếu có] / 12 tháng x số tháng làm việc thực tế.

Đối với người lao động chưa làm đủ 12 tháng:

Số ngày nghỉ phép trong năm = Số ngày nghỉ phép hằng năm công ty quy định / 12 tháng x số tháng làm việc thực tế trong năm

chế độ nghỉ phép của người lao động
Hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ phép năm

Lưu ý: 

Trong trường hợp người lao động chưa làm đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (bao gồm nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương) chiếm ít nhất 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận, thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ phép hằng năm.

Tất cả thời gian làm việc của người lao động tại các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước sẽ được tính vào thời gian làm việc để xác định số ngày nghỉ phép hàng năm tăng thêm, nếu người lao động tiếp tục công tác tại các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp này.

5. Số ngày nghỉ phép năm theo thâm niên

Dựa vào quy định về chế độ nghỉ phép của người lao động thì thời gian nghỉ phép hàng năm sẽ tăng theo thâm niên làm việc. Cụ thể, người lao động cứ mỗi 5 năm làm việc cho một doanh nghiệp thì sẽ được thêm 1 ngày nghỉ phép hàng năm.

Ví dụ: một người lao động đã làm việc đủ 12 tháng trong điều kiện bình thường sẽ có 12 ngày nghỉ phép. Nếu người đó đã làm việc đủ 5 năm cho một công ty, thì số ngày nghỉ phép hàng năm sẽ tăng lên thành 13 ngày.

Tương tự, đối với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người lao động chưa thành niên hay người lao động là người khuyết tật, số ngày nghỉ phép sẽ tăng lên 15 ngày. Đối với người làm việc trong các ngành đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số ngày nghỉ phép sẽ tăng lên 17 ngày.

6. Kết luận

Như vậy, MISA AMIS HRM đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về các quyền lợi và quy định liên quan đến chế độ nghỉ phép của người lao động. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho những người làm công tác nhân sự trong việc quản lý luật nghỉ phép của nhân viên trong tổ chức.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả