DEI là gì? Ứng dụng DEI trong doanh nghiệp hiệu quả

04/07/2024
283

Hiện nay DEI đang trở thành yếu tố then chốt giúp xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập. DEI không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả làm việc. Vậy DEI là gì và làm thế nào để ứng dụng DEI hiệu quả trong doanh nghiệp? Cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1.DEI là gì?

DEI là viết tắt của “Diversity, Equity, and Inclusion”, dịch ra tiếng Việt là “Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập”. Đây là ba giá trị có mối liên hệ chặt chẽ trong quản trị nguồn nhân lực hiện đại và được nhiều tổ chức trên toàn cầu coi trọng.

DEI tập trung vào việc đa dạng hóa lực lượng lao động, đồng thời vẫn tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể giới tính, độ tuổi, sắc tộc hay văn hóa:

DEI là gì
DEI là gì

Đa dạng (Diversity)

Đa dạng trong tổ chức thể hiện qua sự hiện diện của các cá nhân từ nhiều nền văn hóa, giới tính, độ tuổi, tôn giáo và khả năng khác nhau. Sự đa dạng này không chỉ làm phong phú thêm góc nhìn và kinh nghiệm mà còn giúp tổ chức tiếp cận các ý tưởng mới và phản ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự đa dạng còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp hiểu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Công bằng (Equity)

Công bằng là việc đảm bảo mọi cá nhân đều có cơ hội và điều kiện cần thiết để phát triển, bất kể xuất phát điểm của họ. Doanh nghiệp cần nhận diện được và khắc phục các rào cản hệ thống, điều chỉnh chính sách tuyển dụng, đào tạo đảm bảo sự khách quan. Công bằng không chỉ mang lại cơ hội ngang nhau cho tất cả mọi người mà còn cung cấp các nguồn lực đặc biệt để hỗ trợ những người dễ bị thiệt thòi.

Hòa nhập (Inclusion)

Hòa nhập tạo ra môi trường nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón, tôn trọng và có giá trị. Điều này đòi hỏi một văn hóa doanh nghiệp cởi mở – nơi mọi người cảm thấy an toàn khi thể hiện bản thân và tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của tổ chức.

2.Tầm quan trọng của DEI trong doanh nghiệp

Theo một nghiên cứu của McKinsey tại các công ty ở Hoa Kỳ, Anh và Canada:

  • Các công ty có sự đa dạng chủng tộc trong nhóm 25% hàng đầu có khả năng đạt lợi nhuận tài chính cao hơn 35% so với mức trung bình của ngành
  • Các công ty có sự đa dạng về giới tính trong nhóm 25% hàng đầu có khả năng đạt lợi nhuận tài chính cao hơn 15% so với mức trung bình ngành
nghiên cứu của McKinsey về DEI
Nghiên cứu về sự đa dạng tại nơi làm việc – nguồn: McKinsey

Có thể thấy, sự đa dạng chủng tộc và giới tính không chỉ góp phần xây dựng một môi trường làm việc công bằng hòa nhập, mà còn thúc đẩy hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức hiện đại, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:

2.1.Tăng cường sáng tạo và đổi mới

Gần đây Boston Consulting Group đã nghiên cứu sự đa dạng ở cấp quản lý về 6 khía cạnh: giới tính, độ tuổi, quốc tịch, lộ trình sự nghiệp, nền tảng ngành và trình độ học vấn. Khảo sát được thực hiện trên 1.700 công ty tại 8 quốc gia, kết quả cho thấy các công ty có đội ngũ quản lý đa dạng hơn mức trung bình ngành có doanh thu từ các hoạt động đổi mới cao hơn 19% so với các công ty có đội ngũ quản lý ít đa dạng hơn – cụ thể là 45% so với 26%.

tương quan sự đa dạng của nhóm quản lý và sự đổi mới tổng thể
Mối tương quan giữa sự đa dạng của nhóm quản lý và sự đổi mới tổng thể – nguồn: bcg.com

Điều này cho thấy một môi trường làm việc đa dạng sẽ mang lại nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, mang lại thành công cho doanh nghiệp. Khi nhân viên từ nhiều nền văn hóa và kinh nghiệm khác nhau cùng làm việc, họ có thể đóng góp các ý tưởng độc đáo và giải pháp sáng tạo, giúp doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh và phát triển.

TẢI NGAY: EBOOK “NHÓM HIỆU SUẤT CAO” – BÍ QUYẾT THÚC ĐẨY 200% NỘI LỰC NHÂN SỰ

2.2.Thu hút và giữ chân nhân tài

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, việc thu hút và giữ chân nhân tài trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy rằng sự cam kết với đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) đã trở thành yếu tố chính giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu này.

Theo một thống kê từ SurveyMonkey, 78% người được khảo sát cho biết, làm việc tại một công ty ưu tiên sự đa dạng và hòa nhập là “quan trọng”, hơn 50% trong số đó cho rằng điều này là “rất quan trọng”.

thống kê của SurveyMonkey về DEI
Thống kê việc coi trọng sự đa dạng tại nơi làm việc – nguồn: SurveyMonkey

Có thể thấy rằng nhân tài không chỉ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mà còn quan tâm đến văn hóa và giá trị của nơi làm việc. Khi doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với DEI, họ không chỉ thu hút được những ứng viên đa dạng về mặt kỹ năng và kinh nghiệm mà còn những người chia sẻ cùng giá trị với công ty.

Đối với việc giữ chân nhân tài, một môi trường làm việc hòa nhập và công bằng là yếu tố then chốt để duy trì sự hài lòng và gắn bó của nhân viên. Nhân viên cảm thấy được tôn trọng trong một môi trường hòa nhập sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn. Chính sách DEI không chỉ tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp đồng đều mà còn thúc đẩy một văn hóa doanh nghiệp tích cực, nơi mọi người có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

2.3.Cải thiện mối quan hệ với khách hàng

Các công ty với cam kết mạnh mẽ về DEI thường được nhìn nhận như những tổ chức tiên tiến, có trách nhiệm xã hội và quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Điều này giúp tạo ra một hình ảnh tích cực và đáng tin cậy trong mắt công chúng, đối tác và nhà đầu tư.

Khách hàng ngày càng có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của các nhóm khách hàng khác nhau, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Khi doanh nghiệp thể hiện cam kết với DEI, họ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng họ tôn trọng và đánh giá cao mọi khách hàng, bất kể họ đến từ nền văn hóa nào. Điều này tạo ra một kết nối sâu sắc hơn với khách hàng, thúc đẩy sự gắn kết và lòng trung thành với thương hiệu.

3.Cách ứng dụng DEI trong doanh nghiệp

Để xây dựng một môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập, các doanh nghiệp cần triển khai các chiến lược DEI một cách toàn diện và nhất quán. Dưới đây là bốn cách hiệu quả để ứng dụng DEI trong doanh nghiệp:

ứng dụng DEI
Cách ứng dụng DEI trong doanh nghiệp

3.1.Tuyển dụng đa dạng, công bằng

Để xây dựng một lực lượng lao động đa dạng, các doanh nghiệp cần thiết lập quy trình tuyển dụng không thiên vị và thu hút ứng viên từ nhiều nền văn hóa, giới tính, tuổi tác và kinh nghiệm khác nhau. Sử dụng các công cụ đánh giá khách quan và kỹ thuật tuyển dụng dựa trên năng lực có thể giúp loại bỏ các thành kiến trong quá trình tuyển dụng.

Một trong các công cụ phổ biến nhất hiện nay là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Phân hệ AMIS Nhân sự của nền tảng này có thể giúp doanh nghiệp:

  • Tuyển dụng thông minh: Áp dụng công nghệ AI để phân tích hồ sơ và đánh giá ứng viên một cách khách quan
  • Quản lý nhân sự hiệu quả: Theo dõi và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên dựa trên các tiêu chí công bằng và minh bạch
  • Quy hoạch nguồn lực hiệu quả: Thiết lập và quản lý quy trình bổ nhiệm cán bộ với các công cụ và tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch

Bên cạnh AMIS Nhân sự, nền tảng MISA AMIS còn bao gồm các phân hệ như Tài chính – Kế toán, Marketing – Bán hàng, Quản lý – điều hành, hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, giúp tối ưu toàn bộ quy trình vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng năng suất mạnh mẽ.

Dùng thử miễn phí

Hiện nay Google – tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã triển khai hệ thống phỏng vấn cấu trúc và sử dụng các bảng điểm phỏng vấn tiêu chuẩn để đảm bảo đánh giá công bằng và nhất quán đối với mọi ứng viên (nguồn: Harvard Business Review). 

3.2.Đào tạo và phát triển DEI

Đào tạo DEI hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản mà còn bao gồm các hoạt động thực hành và các bài tập tương tác để nhân viên có thể áp dụng những gì họ đã học vào thực tế.

Việc tổ chức các buổi thảo luận nhóm và các khóa học trực tuyến giúp tăng cường sự hiểu biết và cam kết của nhân viên đối với các giá trị DEI. Các khóa đào tạo này nên tập trung vào việc hiểu rõ các vấn đề về đa dạng, công bằng và hòa nhập, đồng thời cung cấp công cụ để nhận diện và khắc phục các hành vi phân biệt đối xử.

3.3.Xây dựng văn hóa hòa nhập

Thúc đẩy một văn hóa công ty hòa nhập, nơi mọi người cảm thấy được chào đón, tôn trọng, là yếu tố then chốt để duy trì một môi trường làm việc tích cực. Các doanh nghiệp nên tổ chức hoạt động gắn kết như các sự kiện văn hóa, nhóm hỗ trợ nhân viên (Employee Resource Groups – ERGs) và các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của tất cả mọi người.

Theo một báo cáo của McKinsey, những công ty có văn hóa hòa nhập mạnh mẽ thường có tỷ lệ nhân viên gắn kết và hài lòng cao hơn. Ví dụ như Salesforce, công ty này đã triển khai các nhóm hỗ trợ như “Women’s Network”, “Asiapacforce”… nhằm tạo không gian cho nhân viên hòa nhập, chia sẻ kinh nghiệm và cùng hướng tới những mục tiêu chung. 

TẢI NGAY: 20 EBOOK & KIẾN THỨC VÀNG VỀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

3.4.Theo dõi và đo lường tiến bộ DEI

Thiết lập các chỉ số và tiêu chí rõ ràng để theo dõi và đánh giá hiệu quả của các sáng kiến DEI là điều cần thiết để đảm bảo tiến bộ liên tục. Theo Deloitte Insights, các doanh nghiệp nên thực hiện khảo sát nhân viên định kỳ để thu thập phản hồi và ý kiến, từ đó điều chỉnh chiến lược DEI sao cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của nhân viên.

Việc thực hiện các bước này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng một lực lượng lao động đa dạng và hòa nhập mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mọi nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có cơ hội phát triển.

4.Các chỉ số DEI doanh nghiệp cần theo dõi

Để đảm bảo đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) được triển khai hiệu quả, doanh nghiệp nên tập trung theo dõi 3 chỉ số quan trọng sau:

chỉ số DEI
Các chỉ số DEI doanh nghiệp cần theo dõi

4.1.Nhân khẩu học giữa các cấp độ nhân sự

Theo dõi tỷ lệ phần trăm nhân viên thuộc các nhóm nhân khẩu học (giới tính, chủng tộc, dân tộc, độ tuổi, khả năng…) ở các cấp độ khác nhau trong tổ chức. Việc phân tích này giúp xác định mức độ đa dạng tại mỗi cấp độ nhân sự, từ nhân viên đến cấp quản lý và lãnh đạo cấp cao.

Ví dụ, một công ty có thể nhận thấy rằng ở cấp độ đầu vào, 50% nhân viên là phụ nữ, nhưng ở cấp quản lý chỉ có 5%. Điều này chỉ ra rằng có thể tồn tại các rào cản khiến phụ nữ khó thăng tiến lên các vị trí quản lý. Từ đó, công ty có thể thiết kế các chương trình phát triển và đào tạo để hỗ trợ phụ nữ thăng tiến.

4.2.Chỉ số hài lòng của nhân viên (eNPS)

Chỉ số eNPS được xác định bằng cách đặt một câu hỏi đơn giản: “Trên thang điểm từ 0 đến 10, bạn có sẵn sàng giới thiệu công ty này cho người khác không?”. Dựa trên câu trả lời của nhân viên, họ được phân loại thành ba nhóm:

  • Ủng hộ (Điểm 9-10): Nhân viên chọn số điểm này là những người sẽ quảng bá cho công ty, họ yêu thích công việc và sẵn lòng giới thiệu cho người khác.
  • Trung lập (Điểm 7-8): Những nhân viên đánh giá tổ chức làm việc với số điểm trung bình, không có ý định mạnh mẽ trong việc giới thiệu.
  • Phản đối (Điểm 0-6): Những nhân viên này không hài lòng về công ty và không muốn giới thiệu cho người khác.

Chỉ số eNPS được tính bằng cách lấy tỷ lệ Ủng hộ trừ đi tỷ lệ Phản đối. Kết quả cuối cùng là một con số từ -100 đến +100, đây là chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên với tổ chức. 

chỉ số DEI cần theo dõi
Cách tính chỉ số hài lòng của nhân viên (eNPS)

Ví dụ, nếu 80% nhân viên là Ủng hộ và 10% là Phản đối, eNPS sẽ là 80 – 10 = 70. Một eNPS cao cho thấy nhân viên hài lòng và cam kết với công ty, ngược lại eNPS thấp có thể chỉ ra các vấn đề trong môi trường làm việc hoặc chính sách DEI.

4.3.Sự tham gia của nhóm nhân viên (ERG)

Employee Resource Groups (ERG) là các nhóm nhân viên được thành lập để hỗ trợ và kết nối những người có cùng nền tảng hoặc sở thích. Đánh giá mức độ tham gia của nhân viên vào các ERG giúp doanh nghiệp hiểu rõ mức độ hòa nhập và sự gắn kết của họ.

Doanh nghiệp có thể theo dõi số lượng thành viên và mức độ tham gia vào các hoạt động của ERG thông qua:

  • Số lượng sự kiện ERG tổ chức
  • Số lượng người tham gia mỗi sự kiện
  • Số lượng sáng kiến do ERG khởi xướng
  • …..

Sự tham gia tích cực cho thấy rằng nhân viên cảm thấy được hỗ trợ và có cơ hội đóng góp vào văn hóa công ty.

Theo dõi và phân tích các chỉ số này giúp doanh nghiệp đo lường hiệu quả các sáng kiến DEI, xây dựng một môi trường làm việc công bằng và hòa nhập, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

5.Những thách thức khi triển khai DEI

Triển khai các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức. Dưới đây là những thách thức chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi thực hiện các chương trình DEI:

thách thức khi triển khai DEI
Những thách thức khi triển khai DEI

5.1.Thiếu nguồn lực và ngân sách

Việc triển khai DEI đòi hỏi nguồn lực về thời gian, tiền bạc và nhân lực. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, có thể gặp khó khăn trong việc dành đủ nguồn lực cho các chương trình DEI.

Giải pháp: Bắt đầu bằng những bước nhỏ, tập trung vào các hoạt động có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao như đào tạo nhận thức, thành lập các nhóm hỗ trợ nhân viên (ERG) và tổ chức các buổi thảo luận mở. Tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các chuyên gia tư vấn DEI để tận dụng nguồn lực ngoài doanh nghiệp.

5.2.Thiếu cam kết từ lãnh đạo

DEI cần sự cam kết từ lãnh đạo cấp cao để có thể triển khai hiệu quả. Nếu lãnh đạo không coi trọng DEI hoặc không đưa nó vào chiến lược phát triển của công ty, các sáng kiến DEI có thể không được thực hiện đúng cách hoặc không có đủ nguồn lực để thành công.

Giải pháp: Đảm bảo rằng lãnh đạo cấp cao hiểu rõ tầm quan trọng của DEI và đưa nó vào chiến lược kinh doanh tổng thể. Thiết lập các chỉ số đánh giá và báo cáo định kỳ để theo dõi tiến độ và hiệu quả của chương trình DEI.

>> Có thể bạn quan tâm: Tư duy lãnh đạo – Bí quyết tạo nên người lãnh đạo xuất sắc

5.3.Khó khăn trong việc đo lường hiệu quả

Đo lường hiệu quả của chương trình DEI có thể phức tạp do tính chất đa dạng và khó định lượng của các yếu tố liên quan. Không có các chỉ số đo lường rõ ràng, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá tiến độ và điều chỉnh chiến lược.

Giải pháp: Xác định các chỉ số cụ thể và có thể đo lường như tỷ lệ đa dạng nhân sự, tỷ lệ thăng tiến, tỷ lệ giữ chân nhân viên và mức độ hài lòng của nhân viên. Sử dụng các khảo sát nhân viên và các công cụ phân tích dữ liệu để thu thập và đánh giá thông tin.

6.Kết luận

DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập) là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc triển khai DEI đòi hỏi cam kết từ ban lãnh đạo và nền tảng đào tạo toàn diện. Khi chú trọng vào DEI, doanh nghiệp không chỉ xây dựng một môi trường làm việc tích cực, công bằng, mà còn thúc đẩy sự đổi mới, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao danh tiếng trên thị trường. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả