Rủi ro tỷ giá ảnh hưởng tới nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

29/06/2024
70

Việc tỷ giá VND/USD tăng mạnh đang tạo áp lực không nhỏ lên bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu từ nước ngoài hoặc có vay nợ bằng ngoại tệ. Với bối cảnh tăng mạnh của tỷ giá trong vòng một năm qua, thiệt hại đối với các doanh nghiệp này là không hề nhỏ. Không những vậy, theo các chuyên gia, tỷ giá tăng cao còn ảnh hưởng tới xu hướng dòng tiền, lãi suất, khả năng kiểm soát lạm phát và cân đối thu chi ngân sách.

1. Tỷ giá USD liên tục tăng mạnh tác động không nhỏ tới nền kinh tế

Tỷ giá USD liên tục tăng mạnh trong hơn 1 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp Việt không khỏi lo lắng. Tính tới phiên giao dịch ngày 17/06/2024, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.249 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD bán ra hiện được giao dịch quanh mức 25.450. Trên thị trường tự do, đồng USD được bán ra ở mức 25.820 VND/USD cùng thời điểm. Như vậy, trong vòng hơn một năm qua, tỷ giá USD đã liên tục tăng mạnh tính từ mức giá quanh 23.500 VND/USD bán ra tại các ngân hàng thương mại thời điểm đầu tháng 06/2023.

Biểu đồ tăng trưởng của tỷ giá USD từ tháng 06/2023 đến nay
Biểu đồ tăng trưởng của tỷ giá USD từ tháng 06/2023 đến nay

Biểu đồ tăng trưởng của tỷ giá USD từ tháng 06/2023 đến nay. (Đường màu xanh dương là tỷ giá trên thị trường tự do; màu xanh lá cây là tỷ giá tại các ngân hàng thương mại; màu xanh nâu là tỷ giá USD trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước). Nguồn số liệu: TOPI

Trao đổi với MISA AMIS Kế toán, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng cao trong một thời gian dài là do Chính sách lãi suất của Mỹ và xung đột tại Trung Đông khiến đồng USD liên tiếp lập đỉnh so với các tiền tệ khác trên toàn cầu. Hiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian nữa để ghìm lạm phát. Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác khiến tài sản định giá bằng USD hấp dẫn, từ đó đẩy giá đôla Mỹ lên cao.

Bên cạnh đó, ở trong nước, áp lực tỷ giá USD tăng còn đến từ xu hướng dòng tiền. Lãi suất của Việt Nam giảm rất mạnh trong thời gian qua, tạo nên chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng. Điều này càng tạo sức ép cho tỷ giá tăng nóng hơn.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tỷ giá tăng sẽ tác động ngay lập tức đến hoạt động thương mại trong nước. Các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ đội thêm chi phí khiến sản phẩm trong nước tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát.

Tỷ giá tăng còn khiến chi phí du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng đồng USD lớn và nợ công (vay nước ngoài) sẽ phải chi thêm khoản tiền từ việc chênh lệch tỷ giá. Việc này gây áp lực cho doanh nghiệp và tác động đến cân đối thu chi ngân sách.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 04/2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc tỷ giá USD tăng nóng là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm và tập trung điều hành. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo cơ chế hết sức linh hoạt.

2. Thực trạng rủi ro tỷ giá ảnh hưởng như thế nào tới các doanh nghiệp Việt hiện nay?

Trên thực tế, việc tỷ giá USD đã tăng mạnh trong hơn một năm qua đã tác động rất lớn tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Với bối cảnh tăng mạnh của tỷ giá từ giữa năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp vay nợ lớn bằng ngoại tệ nhưng nguồn doanh thu chủ yếu từ nội tệ được đánh giá là nhóm đối tượng chịu áp lực bất lợi trực tiếp và nhiều nhất. 

Trong Đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vào cuối năm 2023, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Ngọc Hòa cho biết, khi tỷ giá tăng 1%, Vietnam Airlines sẽ mất tới 300 tỷ đồng, nếu biến động 5% thì chi phí tăng thêm là 1.500 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 – nguồn: Báo Thanh Niên
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 – nguồn: Báo Thanh Niên

Còn tại Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đây cũng là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi tỷ giá USD tăng. Nguyên nhân là Tập đoàn có lượng dư nợ vay USD lớn để phục vụ nhập khẩu nguyên liệu và đầu tư các nhà máy. Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023, lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện của Tập đoàn Hòa Phát trong năm là 1.348 tỷ đồng, lỗ ròng về chênh lệch tỷ giá là 139 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 sau kiểm toán của Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, doanh nghiệp có khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện trong năm 2023 là 1.348 tỷ đồng.

Trong ngành dầu khí, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng chịu áp lực lớn trong xu hướng tăng của tỷ giá VND so với USD. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, PV Drilling lỗ chênh lệch tỷ giá 141,7 tỷ đồng và lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá là hơn 78 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính) của Tổng công ty. 

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023 của PV Drilling cho thấy khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm là gần 141,7 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản lãi chênh lệch tỷ giá chỉ 63,5 tỷ đồng, khiến công ty lỗ ròng hơn 78 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Chia sẻ với MISA AMIS Kế toán, ông Trần Anh Dương, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại Hà Nội cho biết, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ khoảng 6-8%, nhưng tỷ giá USD tăng mạnh từ giữa năm ngoái đến nay khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Những yếu tố này đã ăn mòn số lợi nhuận trên. Trong khi đó, để cạnh tranh, doanh nghiệp không thể tăng giá bán sản phẩm trong nước. “Nếu tình hình đà tăng của tỷ giá không hạ nhiệt thì chúng tôi càng làm sẽ càng lỗ”, ông Dương nói. 

Như vậy, có thể thấy, việc tỷ giá VND/USD tăng mạnh một thời gian dài qua đang tạo áp lực không nhỏ lên bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu chủ yếu từ nước ngoài hoặc có vay nợ lớn bằng ngoại tệ. Nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa, quản trị rủi ro biến động tỷ giá thì thiệt hại đối với các doanh nghiệp này là không hề nhỏ. Vậy cần có các phương pháp quản trị, phòng ngừa rủi ro tỷ giá nào phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, mời quý độc giả đón đọc ở bài tiếp theo.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả