Các loại hình rủi ro tỷ giá và cách nhận diện đối với doanh nghiệp

21/06/2024
1102

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thực tế cho thấy biến động tỷ giá đã và đang ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có những khoản nợ vay bằng ngoại tệ. Trước khi sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro thì các nhà quản trị doanh nghiệp cần được trang bị kiến thức cơ bản để hiểu tổng quan về rủi ro tỷ giá, qua đó nhận diện đầy đủ các rủi ro tỷ giá phát sinh trong các hoạt động kinh doanh của mình và có phương pháp phòng ngừa kịp thời, phù hợp.

1. Rủi ro tỷ giá là gì?

Rủi ro tỷ giá là khả năng biến động thu nhập ròng ngoài dự kiến khi tỷ giá thay đổi tác động đến các khoản phải thu và các khoản phải trả bằng ngoại tệ.

Rủi ro tỷ giá là gì?
Rủi ro tỷ giá là gì?

Ví dụ, công ty A là một doanh nghiệp Việt Nam chuyên nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước ngoài về bán trong nước. Công ty lập kế hoạch kinh doanh tại mức tỷ giá 1 USD = 24.500 VND. Tỷ suất lợi nhuận đề ra của thương vụ nhập khẩu này là 15%. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh toán, tỷ giá lại tăng lên 25.235 VND, tương đương tăng 3% so với kế hoạch. Như vậy, tỷ giá tăng đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của công ty, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm từ 15% xuống còn 12%. Ngược lại, nếu tại thời điểm thanh toán, tỷ giá giảm 3% so với kế hoạch thì tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng từ 15% lên 18%, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty.

2. Nhận diện rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp

Dưới đây là các tình huống phổ biến cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với loại hình rủi ro này

2.1. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu

Trong ngoại thương, khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ nước ngoài về, thời điểm giao hàng thường sau một thời gian nhất định kể từ ngày ký kết hợp đồng và thời điểm thanh toán cũng thường sau một thời gian nhất định kể từ ngày giao hàng.
Trên thực tế, các hợp đồng xuất nhập khẩu thường được thanh toán từ 01 – 06 tháng kể từ ngày ký hợp đồng ngoại thương. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, tỷ giá USD/VND giao ngay hiện hành ở một mức giá, tuy nhiên đến thời điểm thanh toán, tỷ giá này có thể biến động tăng/giảm phụ thuộc vào sự biến động của thị trường. Do vậy, doanh nghiệp chịu rủi ro tỷ giá và việc này ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

2.2. Đối với hoạt động vay tín dụng quốc tế

Khi thiếu vốn, ngoài việc đi vay đồng nội tệ, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ngoại tệ được chào mời với mức lãi suất hấp dẫn. Thoạt nhìn, mức lãi suất của ngoại tệ là rất thấp nên đã thu hút được các doanh nghiệp mà không cần quan tâm đến rủi ro tỷ giá. Thực tế cho thấy, một khoản nợ bằng ngoại tệ có thể trở nên vô cùng đắt đỏ khi hoàn trả khoản gốc nợ vay cùng với lãi vay nếu ngoại tệ lên giá mạnh so với nội tệ.
Ví dụ, doanh nghiệp đi vay USD nhập khẩu máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tại thời điểm đi vay, các thông số thị trường như sau:

 Đối với hoạt động vay tín dụng quốc tế
Đối với hoạt động vay tín dụng quốc tế

– Lãi suất VND = 7,25%/năm
– Lãi suất USD = 2,75%/năm
– Tỷ giá USD/VND dự kiến tăng 3%/năm
Doanh nghiệp thấy rằng, nếu đi vay bằng USD thì có lợi thế hơn đi vay bằng VND là 1,5% (7,25% – 2,75 – 3%). Tuy nhiên, lợi thế 1,5% chỉ là kỳ vọng. Nếu tại thời điểm hoàn trả khoản gốc nợ vay và trả lãi vay mà USD lên giá mạnh, thì chi phí bằng VND để trả nợ sẽ tăng cao. Giả sử, tỷ giá sau một năm tại thời điểm hoàn trả nợ vay tăng 4,5%, thì lợi thế so sánh vay USD so với VND sẽ mất hoàn toàn. Và nếu tỷ giá tăng trên mức 4,5% thì việc đi vay USD trở nên bất lợi hơn so với đi vay bằng VND.

Một ví dụ thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp Việt đi vay ngoại tệ và đã phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn khi tỷ giá USD tăng mạnh trong hơn một năm qua, đó là trường hợp tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Novaland

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tại ngày 31/3/2024, Novaland có khoản vay gần 1.818 tỷ đồng (tương đương 72,8 triệu USD) tại Credit Suisse AG và khoản trái phiếu không có tài sản bảo đảm có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu NVL trị giá 300 triệu USD phát hành 2021 do Credit Suisse AG thu xếp và làm đại lý phát hành, đáo hạn 2026. Ngoài ra, Novaland còn có các khoản vay bằng USD với các bên thứ 3 là các định chế tài chính nước ngoài với tổng trị giá gần 7.000 tỷ đồng.
Quý I/2024, Novaland ghi nhận khoản lỗ 600 tỷ đồng. Trong đó, 452 tỷ đồng là khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá đến từ việc đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ như nêu trên.

2.3. Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Xu hướng các quốc gia ngày càng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đã khiến cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp tăng lên đáng kể. Việc đầu tư trực tiếp vào các quốc gia khác nhau làm phát sinh các khoản thu và chi bằng các đồng tiền khác nhau khiến cho rủi ro tỷ giá phát sinh. Mức độ nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô các dòng tiền thu/chi phát sinh và tính đa dạng của các đồng tiền.
Ví dụ, một công ty Mỹ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, rủi ro tỷ giá sẽ không phát sinh nếu không phát sinh các khoản thu/chi bằng VND. Nếu phát sinh các khoản thu/chi bằng VND thì công ty Mỹ sẽ chịu rủi ro khi quy đổi giá trị VND sang USD, tuy nhiên, quy mô phát sinh rủi ro tỷ giá phụ thuộc vào trạng thái dòng tiền ròng của VND (chênh lệch dòng tiền vào và dòng tiền ra). Trạng thái dòng tiền ròng của VND càng lớn thì quy mô rủi ro tỷ giá bộc lộ càng cao.

2.4. Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)

Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, chính phủ các nước luôn kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán các nước đã trở thành môi trường đầu tư toàn cầu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, giúp họ có cơ hội đầu tư sinh lời. Và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những điểm đến đầu tư thu hút nhiều nhiều nhà đầu tư và các quỹ nước ngoài. Tuy nhiên, biến động tỷ giá đã và đang tác động không nhỏ tới kết quả đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân này.

XEM THÊM: 7 Bước lập kế hoạch tài chính hoàn chỉnh cho doanh nghiệp

3. Các loại hình rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Các loại hình rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Các loại hình rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu

3.1. Rủi ro tỷ giá giao dịch

Đây là rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp có các hợp đồng xuất nhập khẩu được ký kết trong một đơn vị tiền tệ, nhưng phải thanh toán hoặc nhận thanh toán trong đơn vị tiền tệ khác. Nếu tỷ giá hối đoái biến động khiến giá trị tiền tệ thực hiện giao dịch tăng hoặc giảm, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro tỷ giá giao dịch.

3.2. Rủi ro tỷ giá hạch toán

Rủi ro tỷ giá hạch toán xảy ra khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ở nhiều quốc gia và phải báo cáo tài chính trong một đơn vị tiền tệ chung. Nếu tỷ giá hối đoái biến động, giá trị các tài sản, khoản nợ và lợi nhuận của doanh nghiệp khi được chuyển đổi sang đơn vị tiền tệ báo cáo có thể thay đổi.

3.3. Rủi ro tỷ giá kinh doanh

Rủi ro tỷ giá kinh doanh phát sinh từ biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu và dịch vụ mà doanh nghiệp nhập khẩu hoặc xuất khẩu. Nếu tỷ giá hối đoái thay đổi, giá cả của các sản phẩm và dịch vụ có thể tăng hoặc giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận và cạnh tranh của doanh nghiệp.

3.4. Rủi ro tỷ giá chính sách

Rủi ro tỷ giá chính sách liên quan đến các biện pháp chính sách kinh tế và tiền tệ của các quốc gia. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, như điều chỉnh lãi suất, mua vào/bán ra tiền tệ hoặc các biện pháp kiểm soát vốn, có thể ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ và gây rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

3.5. Rủi ro tỷ giá thị trường

Rủi ro tỷ giá thị trường liên quan đến biến động tỷ giá do tác động của các yếu tố thị trường, chẳng hạn như sự biến động của thị trường ngoại hối, tin tức kinh tế toàn cầu, sự biến động của giá hàng hóa và tâm lý thị trường.

Trên đây là bài viết phân tích về các loại hình rủi ro tỷ giá và cách nhận diện đối với doanh nghiệp. Trên thực tế, tỷ giá USD đã tăng mạnh trong hơn một năm qua và tác động rất lớn tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Vậy tốc độ tăng tỷ giá USD cụ thể như thế nào, thực trạng các doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng ra sao và các phương pháp quản trị, phòng ngừa nào phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, mời quý độc giả đón đọc ở bài tiếp theo.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả