Fintech là gì? Các ứng dụng Fintech trong kinh doanh

10/09/2020
1984

Công ty tài chính (fintech) là đại diện tiêu biểu cho cuộc cách mạng công nghệ số và nhờ có các ứng dụng của nó mà các hoạt động tài chính trở nên đơn giản, hiệu quả và thuận tiện hơn rất nhiều.

Bài viết này sẽ giải thích chi tiết fintech là gì cũng như các ứng dụng của nó trong kinh doanh cùng danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam để bạn đọc hiểu rõ xu hướng này.

>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng ngân hàng số 2021 dưới góc nhìn của chuyên gia

1. Fintech là gì?

Fintech là một sự kết hợp giữa Finance (tiền tệ, tài chính) và Technology (công nghệ), hiểu nôm na là công nghệ tài chính, tức là vận dụng công nghệ vào các hoạt động, dịch vụ tài chính đem lại sự thuận tiện, hiệu quả cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng cuối.

fintech là gì

Nói rộng ra thì fintech mô tả bất kỳ công ty nào sử dụng internet, thiết bị di động, công nghệ phần mềm hoặc dịch vụ đám mây để thực hiện hoặc kết nối với các dịch vụ tài chính. Nhiều sản phẩm fintech được thiết kế để dùng công nghệ kết nối tài chính của người tiêu dùng, mặc dù thuật ngữ này cũng được áp dụng cho các công nghệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Ban đầu, fintech chỉ là những công nghệ được áp dụng cho hệ thống back-end của các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác nhưng sau này đã phát triển thành nhiều ứng dụng tập trung hơn vào người tiêu dùng. Vào năm 2020, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh của mình để quản lý quỹ, giao dịch cổ phiếu, thanh toán thực phẩm hoặc quản lý bảo hiểm thông qua công nghệ này.

Các công cụ do fintech cung cấp đang thay đổi cách nhiều người tiêu dùng theo dõi, quản lý và hỗ trợ tài chính của họ. Đối với khoảng gần 2 tỷ người trên toàn thế giới không có tài khoản ngân hàng, fintech mang đến một giải pháp để họ nhanh chóng tham gia vào các dịch vụ tài chính mà không cần đến các ngân hàng truyền thống.

Với rất nhiều ứng dụng, Fintech đã xâm nhập vào cuộc sống và thay đổi hoàn toàn cách thức người tiêu dùng tiếp cận tài chính. Từ đó gây ra mối đe dọa đối với các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính truyền thống.

2. Các ứng dụng fintech trong kinh doanh

Trong năm 2020, fintech đã được sử dụng đa dạng trong các ứng dụng. Dưới đây là một số cách sử dụng cơ bản của nó. Những ứng dụng này sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn fintech là gì, finance tech là gì.

2.1. Nền tảng huy động vốn cộng đồng

Các công ty như Kickstarter, Patreon, GoFundMe và một vài cái tên khác minh họa phạm vi của fintech bên ngoài ngân hàng truyền thống.

Các nền tảng huy động vốn cộng đồng cho phép người dùng internet gửi hoặc nhận tiền tới những người khác trên nền tảng. Đây là hình thức huy động tiền vốn thông qua những đóng góp cá nhân nhỏ từ số đông và được thực hiện chủ yếu qua internet.

Thay vì phải đến một ngân hàng truyền thống để vay, giờ đây những người khởi nghiệp có thể “đến” thẳng nhà đầu tư để được hỗ trợ về tài chính. Theo báo cáo của Massolution, trong gần 10 năm qua, hình thức gây vốn này bùng nổ trên thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, từ 2,7 tỷ USD năm 2012 lên 34 tỷ USD năm 2015.

2.2. Blockchain và tiền điện tử

Tiền điện tử và blockchain là những ví dụ tiêu biểu về ứng dụng của Fintech. Các sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase và Gemini kết nối người mua và người bán các loại tiền điện tử như bitcoin hoặc litecoin .

Nhưng ngoài tiền điện tử, các dịch vụ blockchain như BlockVerify tập trung vào các giải pháp chống hàng giả bằng cách sử dụng blockchain để xác định các sản phẩm giả mạo, hàng hóa bị đánh cắp và các giao dịch gian lận.

Và trong khi mọi người vẫn tranh cãi về tiền điện tử, về blockchain thì nó đã và đang thay đổi thế giới của chúng ta hàng ngày

2.3. Thanh toán di động

Có vẻ như tất cả mọi người có điện thoại thông minh đều sử dụng một số hình thức thanh toán di động.

Theo thống kê của Statista, năm 2017, thị trường thanh toán điện tử thế giới chứng kiến sự tăng trưởng nhanh khi doanh thu đạt 780 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 16% so với năm 2016. Và trong năm 2019 vừa qua, thị trường này đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Không những thế, theo Worldpay, thanh toán di động sẽ thay thế thẻ thanh toán như: Visa, MasterCard và trở thành phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất khi tận dụng tốt các đặc điểm nổi bật.

Dịch vụ ví điện tử nở rộ tại thị trường Việt Nam trong khoảng 3-4 năm vừa qua. Hầu hết các đơn vị trung gian thanh toán trên thị trường đều đang hướng sang lĩnh vực ví điện tử. Hiện nay, lĩnh vực này tại Việt Nam có gần 20 đơn vị trung gian thanh toán được Nhà nước cấp phép có cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng như: MoMo, VTC-Pay, ZaloPay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca… Cùng với tính năng thanh toán qua mã QR cũng được các đơn vị cung cấp triển khai trên các ví điện tử.

2.4. Công nghệ bảo hiểm

Fintech đã tác động mạnh mẽ đến ngành bảo hiểm. Trên thực tế, insurtech (như nó được gọi là) đã bao gồm mọi thứ, từ bảo hiểm xe hơi đến bảo hiểm gia đình và bảo vệ dữ liệu.

Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp về công nghệ bảo hiểm đang ngày càng thu hút được các nhà đầu tư. Ví dụ công ty khởi nghiệp bảo hiểm Oscar Health được định giá 3,2 tỷ USD (theo CNBC) đã đảm bảo được giá trị tài sản khoản 165 triệu USD vào tháng 3/ 2018.

Ngoài ra, công ty tài chính cá nhân nổi tiếng Credit Karma được định giá 4 tỷ USD (theo Forbes, năm 2019).

2.5. Cố vấn tài chính tự động và giao dịch chứng khoán trực tuyến

Bắt đầu xuất hiện ở thị trường tài chính vào năm 2008, các nền tảng cố vấn robo sử dụng những thuật toán để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư. Từ đó đến nay, các robo advisor không ngừng phát triển về tính năng và hiệu suất hoạt động; đảm nhận nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp như: phân bổ tài sản, lựa chọn chứng khoán, tự động lập danh mục, tự động quản lý thực hiện tái cân bằng danh mục, giảm hóa đơn thuế và khai thác lỗ thuế (tax-loss harvesting), lập kế hoạch hưu trí…

fintech

Phần lớn dịch vụ robo advisor vẫn tập trung ở thị trường Mỹ, quản lý tổng cộng 750 tỷ USD (76% toàn thế giới). Và hiện nay, robo advisor đã sẵn sàng để tiếp cận những thị trường trẻ năng động, tiềm năng lớn ở Đông Nam Á và các vùng lãnh thổ khác.

Có lẽ một trong những đổi mới phổ biến mà fintech mang lại là sự phát triển của các ứng dụng giao dịch chứng khoán. Khi mà trước đây các nhà đầu tư phải trực tiếp đến một sàn giao dịch chứng khoán như NYSE hay Nasdaq, thì giờ đây, các nhà đầu tư có thể mua và bán cổ phiếu chỉ bằng một cú chạm tay trên thiết bị di động của họ.

Và với các ứng dụng có chi phí tối thiểu thấp như Robinhood hoặc Acorns, việc đầu tư từ mọi nơi với mọi ngân sách chưa bao giờ dễ dàng hơn thế.

2.6. Ứng dụng lập ngân sách

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của fintech trong năm 2019 là các ứng dụng lập ngân sách cho người tiêu dùng, ứng dụng này đã trở nên phổ biến theo cấp số nhân trong những năm qua.

Trước đây, người tiêu dùng phải đặt ra một ngân sách riêng rồi theo dõi các hóa đơn, tính toán trên bảng tính excel để theo dõi tài chính của mình. Nhưng nhờ có fintech thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng dịch vụ tài chính, người tiêu dùng có thể dễ dàng theo dõi thu nhập và quản lý các khoản chi phí.

Không quá khi nói rằng các công cụ lập ngân sách đã tạo nên một cuộc cách mạng về quản lý chi tiêu với người tiêu dùng. Các ứng dụng lập ngân sách nổi tiếng là Intuit’s ( INTU ), Money Lover, Moneykeeper, Timo,…

3. Danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường Fintech Việt Nam trị giá 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và đạt 7,8 tỷ USD trong năm 2020, tương đương với mức tăng 77% trong vòng ba năm.

danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam
Nguồn: Fintechnews

Tổng số các công ty fintech ở Việt Nam rơi vào 154 doanh nghiệp được chia thành 11 phân khúc chính là:

  • Thanh toán điện tử (payment): nổi bật là MoMo, GrabPay by Moca, Airpay, VinID Pay, Zalo Pay, VNPay QR,
  • Ngân hàng số (digital banking): nổi bật là Timo
  • Wealth Management: nổi bật là Money lover, Moneykeeper
  • Peer to peer lending (P2P lending): nổi bật là Tima, Vay Muon
  • Blockchain/ Cryptocurrency: nổi bật là TomoChain, Kyper Network (KNC)
  • Gọi vốn động đồng (Crowdfunding)
  • Đánh giá điểm tín dụng (Credit Scoring): nổi bật là Trusting Social
  • SMEs Financing
  • Comparison
  • POS
  • Insurtech

Công nghệ 4.0, fintech, ngân hàng đang dần thay thế những phương thức tài chính truyền thống khác và khiến công việc kinh doanh của ngân hàng trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu như không theo kịp công nghệ. Nhưng đây lại là một thị trường tiềm năng tăng trưởng rất cao tại Việt Nam bởi tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao đạt mức 72% và xu hướng ngành E-commerce nở rộ.

Có thể bạn quan tâm đến chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng: 
>> Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán nhanh chóng nhờ 3 giải pháp này
>> Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả