Ngày 11/1, Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn CFO Hà Nội 2024 với chủ đề “Định hình tương lai Tài chính: Đổi mới, Ứng dụng và Chuyển đổi”. Diễn đàn hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo nhằm tạo ra giá trị thực tiễn, tập trung chia sẻ kiến thức cốt lõi, xu hướng tài chính mới nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả tài chính, đồng thời có chiến lược chủ động xoay chuyển tình thế và nắm bắt cơ hội trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là giai đoạn 2024-2025 còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại phiên thảo luận về chủ đề “Định hình tương lai Tài chính: Đổi mới, Ứng dụng và Chuyển đổi” trong khuôn khổ sự kiện trên, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA đã trình bày về chủ đề “Chuyển đổi số – Một số ứng dụng thực tiễn trong công tác tài chính kế toán”.
Ông Quang cho hay, tài chính là huyết mạch trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Giữa bối cảnh thị trường kinh doanh có nhiều biến động khó lường, ứng dụng công nghệ vào trong quản lý tài chính kế toán trở thành một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Cụ thể, theo khảo sát của MISA, trước đây doanh nghiệp phải mất đến 50% thời gian cho công tác ghi chép, xử lý các nghiệp vụ kế toán, khiến họ khó đầu tư vào các hoạt động cốt lõi như phân tích và dự báo. Song hiện nay, với xu hướng chuyển đổi số, các hoạt động thủ công như nhập liệu, xử lý hóa đơn đầu vào, phân bổ chi phí, tổng hợp, báo cáo… đã từng bước được tự động hóa giúp tiết kiệm tới 30% thời gian, công sức. Đồng thời, dữ liệu được hội tụ tập trung trên cùng một hệ thống giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát tài chính toàn diện và ra quyết định tức thời.
“Chuyển đổi số tài chính – kế toán chỉ là một góc độ trong tổng thể của doanh nghiệp. Do đó, nó phải đặt trong bối cảnh kết nối với các ứng dụng bên trong doanh nghiệp và hệ thống bên ngoài để hội được dữ liệu, giảm được sự chồng chéo giữa các bộ phận. Khi dữ liệu hội tụ, doanh nghiệp mới đạt được tầm cao hơn của chuyển đổi số. Đó là dùng dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, ông Lê Hồng Quang nhận định.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trên tiến trình chuyển đổi số, MISA phát triển phần mềm MISA AMIS Kế toán đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ tài chính, kế toán theo mọi quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp. Phần mềm được tích hợp với các hệ thống trong nội bộ như nhân sự, bán hàng… giúp tự động ghi nhận số liệu chi phí, doanh thu, đồng thời liên kết với các hệ thống bên ngoài như thuế, bảo hiểm xã hội, ký số, hóa đơn điện tử nhằm liên thông và hội tụ dữ liệu. Mặt khác, thông tin tài chính trên phần mềm được cập nhật liên tục và thể hiện trực quan qua các biểu đồ giúp doanh nghiệp nắm bắt được các biến động cụ thể, phát hiện “điểm nóng” và điều chỉnh tức thì.
Đặc biệt, mới đây, MISA đã cho ra mắt Trợ lý trí tuệ nhân tạo AVA (Accounting Virtual Assistant) ngay trên phần mềm MISA AMIS Kế toán. Đây là trợ lý ảo dành cho kế toán lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ người sử dụng tối ưu hóa các thao tác nghiệp vụ trong quá trình thực hiện các công việc kế toán.
Nếu như trước đây, người dùng phần mềm kế toán có thể phải cần đến 5-6 thao tác mới truy xuất được chính xác bản báo cáo cần sử dụng thì nay, với Trợ lý AVA, chỉ với việc ra một câu lệnh bằng văn bản hoặc giọng nói, ngay lập tức chủ doanh nghiệp, CFO hay kế toán viên sẽ có được ngay các báo cáo mong muốn với tốc độ ước tính nhanh gấp 5 lần. Thông qua hệ thống báo cáo trực quan do AVA cung cấp, CFO có thể dễ dàng nắm bắt các thông tin tài chính – kế toán và đưa ra quyết định điều hành kịp thời, nhanh chóng.
Với thế mạnh sản phẩm cốt lõi là tài chính – kế toán, MISA kỳ vọng sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt đón đầu các xu thế công nghệ trong quản trị tài chính – kế toán, nhanh chóng nắm bắt cơ hội và “vượt khó” trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức.
MISA AMIS Kế toán thuộc Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Đây là giải pháp được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu giúp quản trị mọi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp bao gồm tài chính – kế toán, marketing – bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số, đáp ứng mọi nhu cầu của các doanh nghiệp theo 3 tiêu chí: Dễ triển khai – Nhanh có hiệu quả – Chi phí hợp lý.
Hiện MISA AMIS đang được hơn 70.000 doanh nghiệp tin dùng. Giải pháp tự tin sẽ hỗ trợ và nhanh chóng lan tỏa để phục vụ nhu cầu Chuyển đổi số của hơn 850.000 doanh nghiệp cũng như gần 5 triệu hộ kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh chủ đề chuyển đổi số trong công tác quản trị tài chính kế toán, một số nội dung khác cũng được các diễn giả trình bày và thảo luận như triển vọng vĩ mô và chiến lược vốn cho doanh nghiệp năm 2024; xu hướng tín dụng xanh sẽ bùng nổ…
Về triển vọng vĩ mô năm 2024, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings cho hay, giai đoạn khó khăn nhất của vĩ mô qua, con đường phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều động lực nhưng cũng không ít thách thức, rủi ro. Các động lực tăng trưởng chính cho năm 2024 bao gồm: Xuất khẩu tăng trở lại; đầu tư FDI tiếp tục cải thiện: Cầu tiêu dùng hồi phục; và giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro, thách thức phải đối mắt như: Kinh tế Mỹ và Trung Quốc chưa hồi phục lại mức cũ; tình trạng đóng bang bất động sản kéo dài hơn dự kiến; việc huy động vốn của các doanh nghiệp vẫn khó khăn; địa chính trị và thực thi chính sách còn nhiều vướng mắc, hạn chế.
Về tình hình lãi suất, lãi suất VND trong năm 2024 sẽ khó giảm tiếp. Mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng giảm thấp nhưng lãi suất huy động dài hạn (>12 tháng) vẫn chưa giảm. Lãi suất tín dụng chỉ giảm nhẹ.
Mặc dù tình hình vĩ mô và kinh tế khởi sắc nhưng khả năng tiếp cận vốn từ tín dụng, trái phiếu của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Thuân đưa ra chiến lược thích ứng về vốn năm 2024 với 6 gợi ý về hoạt động thích ứng, bao gồm: Rà soát hoạt động đầu tư; rà soát khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ; kiểm soát vốn lưu động; quản trị rủi ro tài chính; đa dạng kênh huy động vốn; cải thiện hồ sơ tín dụng.
Cũng liên quan tới dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Anh – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Ngân hàng Đầu tư – Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán cho biết, xu hướng tín dụng xanh hiện là một xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới. Thị trường Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài guồng xu thế này. Theo dự báo, đến năm 2030, Việt Nam cần 200 tỷ USD cho tổng lượng vốn xanh. Đến năm 2040, nhu cầu tín dụng xanh tại Việt Nam được dự báo lên tới 368 tỷ USD tương đương 6,8% GDP/năm. 368 tỷ USD là số tiền cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero. Con số này được đưa ra trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, khi đánh giá nhu cầu vốn các quốc gia cần để tài trợ cho các khoản đầu tư xanh.
Trong số 368 tỷ USD, ước tính sẽ có 130 tỷ USD từ nguồn của Chính phủ, khối tư nhân sẽ là 184 tỷ USD, còn lại 54 tỷ USD là các nguồn khác như tài trợ nước ngoài. Như vậy, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi Việt Nam cần khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian tới và cần rất nhiều nguồn lực từ các bên.
Ông Anh cho biết, hiện có nhiều tổ chức nước ngoài muốn đầu tư tín dụng xanh vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo quy trình thông thường thì các tổ chức tại nước ngoài sẽ rót vốn tín dụng xanh cho Việt Nam thông qua các ngân hàng. Và các ngân hàng ở Việt Nam sẽ tìm và thẩm định, phê duyệt giải ngân cho các dự án xanh. Nhiều cơ hội sẽ mở ra với các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường vốn xanh, trong đó có việc tăng khả năng tiếp cận vốn, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng lợi thế cạnh tranh…