Xuất hóa đơn sai thuế suất có bị phạt không?

15/09/2022
210

Xuất hóa đơn giá trị gia tăng là một trong những việc làm thường xuyên và quen thuộc của kế toán. Tuy nhiên, những thay đổi thường xuyên của chính sách thuế, đặc biệt là sự thay đổi ở mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khiến nhiều bạn kế toán mặc dù đã làm kế toán lâu năm nhưng mỗi lần xuất hóa đơn có thể gặp những điểm chưa rõ. Đặc biệt là việc chọn đúng mức thuế suất cho hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng. 

Xuất hóa đơn sai thuế suất có bị phạt hay không là câu hỏi của nhiều kế toán và chủ doanh nghiệp. Cùng MISA AMIS Kế toán tìm hiểu nội dung này qua bài viết. 

1. Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện hành năm 2023

Như các bạn đã biết thuế giá trị gia tăng là phần giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng cho tới khi đến người tiêu dùng cuối cùng. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì có 3 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông là 0%, 5% và 10%.

Các mức thuế suất GTGT Đối tượng áp dụng cho các mức thuế GTGT
0% Mức thuế suất 0% áp dụng đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế
5% Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp (hay còn gọi là thuế suất ưu đãi).
10% Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.

Tuy nhiên, ngoài các mức thuế suất trên thì do tác động của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới mà Nhà nước ta có ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng:

Năm 2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT của các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022, trừ những hàng hóa dịch vụ quy định tại Điều 1, Nghị định này.

Năm 2023 Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT của các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% xuống còn 8% từ ngày 01/07/2023 đến ngày 31/12/2023, trừ những hàng hóa dịch vụ quy định tại Điều 1, Nghị định này.

Mời bạn đọc tham khảo chi tiết nội dung giảm thuế GTGT năm 2023 theo Nghị Định 44/2023/NĐ-CP tại đây.

Bên cạnh những mức thuế suất GTGT đã nêu trên thì khi lập hóa đơn các bạn kế toán cũng có thể gặp các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng khác như:

+ Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, ký hiệu là (KCT), bao gồm: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán… được quy định chi tiết tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được bổ sung theo Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 193/2015/TT-BTC) và Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.

+ Nhóm hàng hóa dịch vụ không kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng, ký hiệu là (KKKTN), bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã… được quy định chi tiết tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC được bổ sung theo Thông tư 119/2014/TT-BTC và Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.

2. Xuất hóa đơn sai thuế suất có bị phạt không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với hành vi xuất hóa đơn sai thuế suất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xuất hóa đơn sai thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp kê khai sai tiền thuế thuế giá trị gia tăng, cụ thể là khai sai không dẫn đến thiếu tiền thuế hoặc có dẫn đến thiếu tiền thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

Mức xử phạt hành vi xuất hóa đơn sai thuế suất dẫn đến bị xử phạt về hành vi kê khai sai như sau:

Hình 1: Mức xử phạt hành vi xuất hóa đơn sai thuế suất dẫn đến bị xử phạt về hành vi kê khai sai

Chi tiết về các mức xử phạt hành vi kê khai sai được quy định như sau:

– Căn cứ theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi kê khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

“Điều 12. Xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, trừ hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế;

b) Hành vi quy định tại khoản 3 Điều 16; khoản 7 Điều 17 Nghị định này.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”

– Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

b) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

c) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, biên bản vi phạm hành chính xác định là hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế;

d) Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.”

3. Hướng dẫn cách xử lý hóa đơn trong trường hợp xuất hóa đơn sai thuế suất để không bị xử phạt

Căn cứ theo khoản 3, Điều 9, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 9. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.”

 Như vậy, trường hợp doanh nghiệp các bạn có xuất hóa đơn sai thuế suất thì sẽ không bị xử phạt nếu như kịp thời phát hiện và sửa chữa trước khi thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

*Ví dụ và minh họa cách điều chỉnh sai sót xuất sai thuế suất trên hóa đơn GTGT điện tử:

Tại Công ty TNHH Thu Hương sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Thông tư 78/2021/TT-BTC, kê khai thuế theo phương pháp kê khai khấu trừ thuế GTGT,  trong kỳ kê khai thuế quý 2 năm 2023 có số thuế GTGT còn được khấu trừ là 100.000.000VNĐ, sau khi kê khai thuế xong, kế toán công ty phát hiện 1 hóa đơn giá trị gia tăng của công ty xuất bán ra đã ghi sai mức thuế suất GTGT cụ thể là từ 10% thành 5%, giá trị tiền hàng trên hóa đơn chưa thuế GTGT là 200.000.000VNĐ. Mức xử phạt và cách điều chỉnh trong trường hợp này sẽ thực hiện ra sao?

Cách xử lý: Trong trường hợp trên Công ty TNHH Thu Hương đã xuất hóa đơn sai mức thuế suất thì Công ty Thu Hương phải xử lý hóa đơn bằng cách điều chỉnh hóa đơn hoặc thay thế hóa đơn bị sai sót trước khi thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện thì sẽ không bị xử phạt theo quy định.

Công ty TNHH Thu Hương có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng, sửa chữa hóa đơn điện tử theo Điều 19, Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã lập sai sót như sau:

– Công ty Thu Hương lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp Công ty Thu Hương và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì Công ty Thu Hương và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó Công ty Thu Hương lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Khi điều chỉnh hóa đơn cho ví dụ trên thì các bạn thấy là số thuế đang bị thiếu là:

Số tiền thuế bị thiếu= 200.000.000 x 10% – 200.000.000 x 5%= 10.000.000 VND

Hình 2: Hóa đơn điều chỉnh hóa đơn bị sai sót

– Công ty Thu Hương lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp Công ty Thu Hương và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì Công ty Thu Hương và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó Công ty Thu Hương lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Khi thay thế hóa đơn cho ví dụ trên thì các bạn sẽ thay thế mức thuế suất ghi trên hóa đơn từ 5% thành 10% theo đúng quy định.

Hình 3: Hóa đơn thay thế hóa đơn bị sai sót

Cuối cùng trong cả 2 cách trên thì Công ty Thu Hương đều thực hiện ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó Công ty Thu Hương gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới và gửi cho người mua.   

Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, Công ty Thu Hương kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào. 

Trên đây là toàn bộ nội dung tổng hợp “Xuất hóa đơn sai thuế suất có bị phạt không?”. MISA AMIS hy vọng rằng qua bài viết sẽ giúp các bạn và quý doanh nghiệp hiểu rõ, biết được mức xử phạt khi xuất hóa đơn sai thuế suất và đồng thời biết cách điều chỉnh kịp thời sai sót nếu có xảy ra để tránh việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây.

Tổng hợp: Người yêu kế toán

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả