Ứng dụng AI trong Marketing: Xu hướng tất yếu trong kinh doanh

17/06/2023
881

Netflix – kẻ khổng lồ trong ngành giải trí đã trở thành một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing. Với việc ứng dụng công nghệ máy học và khả năng tiên đoán, Netflix dễ dàng đưa ra những nội dung phù hợp với nhu cầu của người dùng theo từng thời điểm. Những tính năng này giúp Netflix giữ chân người dùng của mình trên thị trường nội dung giải trí đầy cạnh tranh.

Vậy việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong hoạt động Marketing sẽ như thế nào? Cùng đón đọc bài phân tích từ MISA để có một góc nhìn chi tiết về việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing nhé! 

1. Ứng dụng AI trong Marketing – định nghĩa và vai trò

Ứng dụng AI trong Marketing được hiểu là khi doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong  việc thu thập thông tin chi tiết về khách hàng, từ đó giúp đề ra những chiến lược tiếp cận tốt hơn đối với tệp khách hàng mục tiêu. Dựa trên báo cáo vào cuối năm 2020 của Deloitte, những hoạt động Marketing mà AI có thể giúp nâng cao hiệu suất bao gồm: gia tăng chất lượng sản phẩm/dịch vụ hiện tại của doanh nghiệp, tạo lập các sản phẩm/dịch vụ mới và làm bền chắc mối quan hệ với khách hàng mục tiêu. 

McKinsey và đồng sự cũng chỉ ra vai trò to lớn của AI trong việc nâng cao các hoạt động cốt lõi của bộ phận Marketing. Với ba trụ cột chính: phân tích và tìm hiểu nhu cầu khách hàng, kết nối nhu cầu của khách hàng với sản phẩm & dịch vụ của doanh nghiệp và đưa ra những lời quảng bá đáng tin cậy, AI đã giúp tăng tỷ lệ hiệu quả của ba trụ cột này lần lượt ở mức 69% – 42% và 47%. Kết quả này được đúc kết từ cuộc khảo sát trong năm 2018 với hơn 400 doanh nghiệp tham gia và cho ý kiến. 

Một trong những ví dụ điển hình về việc ứng dụng AI trong hoạt động vận hành và Marketing đó là Spotify – ứng dụng streaming nội dung âm nhạc và podcast hàng đầu thế giới. Cụ thể, Spotify sử dụng những thông tin từ người dùng như: nhân khẩu học, vị trí địa lý, thói quen nghe nhạc (thời gian nghe, thể loại âm nhạc của người nghe, nghệ sĩ yêu thích…). Từ đó, họ tạo ra những playlist dành riêng cho người dùng của mình. 

Playlist được Spotify xây dựng dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng (Nguồn: Internet)
Playlist được Spotify xây dựng dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng (Nguồn: Internet)

Không chỉ dừng ở đó, Spotify còn sử dụng trí thông minh nhân tạo trong việc tạo lập ra những nội dung truyền thông được cá nhân hóa theo sở thích của người dùng, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa Spotify và người dùng. Những nỗ lực của Spotify giúp cho doanh nghiệp nuôi dưỡng và duy trì lòng trung thành của khách hàng, giúp gia tăng tỷ lệ tái đăng ký thành viên cao cấp (premium) hàng tháng. 

Your Spotify Wrapped - nội dung được nhiều người dùng mong chờ hàng năm trên ứng dụng Spotify (Nguồn - Spotify Wrapped - Internet)
Your Spotify Wrapped – nội dung được nhiều người dùng mong chờ hàng năm trên ứng dụng Spotify (Nguồn – Spotify Wrapped – Internet)

Với việc áp dụng công nghệ máy học, cho phép Spotify tính toán, đưa ra những gợi ý về thể loại âm nhạc phù hợp với người dùng, đưa ra một vài nhận định về tính cách và sở thích âm nhạc. Cùng với đó, Spotify còn đầu tư vào các hiệu ứng đồ họa ấn tượng, cho phép khách hàng chia sẻ thông tin, từ đó giúp gia tăng tỷ lệ nhận diện của Spotify trên các mạng xã hội.

2. Phân loại ứng dụng AI trong hoạt động Marketing

Với sự đa dạng của các phần mềm hay hệ thống AI đối với hoạt động Marketing trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quát và toàn diện để có thể phân loại hiệu quả của từng phần mềm. Trong đó, các hệ thống/phần mềm AI được phân loại dựa trên tính thông minh và tính độc lập của chúng với các phần mềm hiện tại của doanh nghiệp.

Ở mức độ chi tiết hơn, khía cạnh mức độ thông minh được chia thành mức độ cao/thấp, mức độ độc lập được chia thành khả năng độc lập/ khả năng phụ thuộc với hệ thống phần mềm khác. 

Kết hợp những giá trị này giúp doanh nghiệp phân loại việc ứng dụng AI trong Marketing vào bốn nhóm chính bao gồm: Ứng dụng độc lập có kết hợp với công nghệ máy học (Stand-alone machine learning apps); Ứng dụng tích hợp có kết hợp với công nghệ máy học (Integrated machine learning apps); Ứng dụng độc lập giúp xử lý tác vụ (Stand-alone task automation apps) và Ứng dụng tích hợp giúp xử lý tác vụ (Integrated task automation apps).  

4 nhóm ứng dụng AI Marketing
4 nhóm ứng dụng AI Marketing

2.1 Ứng dụng độc lập giúp xử lý tác vụ (Stand-alone task automation apps) 

Được xác định bằng mức độ thông minh cơ bản và tính độc lập với các hệ thống của doanh nghiệp, ứng dụng độc lập xử lý tác vụ được hiểu là việc xử lý các tác vụ đơn giản trong các hoạt động Marketing nhờ AI.

Những ứng dụng này được xây dựng để thực hiện tác tác vụ có cấu trúc lặp đi lặp lại, đòi hỏi mức độ thông minh tương đối thấp. Các ứng dụng này được thiết kế để tuân theo một bộ quy tắc hoặc thực hiện một chuỗi hoạt động được xác định trước dựa trên những quy tắc đầu vào nhất định.

Do vậy, những ứng dụng này không thể xử lý các vấn đề phức tạp như phân tích hay đưa ra những kịch bản chăm sóc khác nhau. Hệ thống tự động gửi email chào mừng tới từng khách hàng mới, các chatbot đơn giản hơn, chẳng hạn như những chatbot có sẵn thông qua Facebook Messenger và các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội khác, được xét thuộc nhóm này. 

Ở mức độ này, hệ thống có thể cung cấp một số trợ giúp cho khách hàng với các tương tác cơ bản, đưa ra cho khách hàng những kịch bản xử lý đã xác định. Nhược điểm lớn nhất của hệ thống đó là không thể phân biệt ý định của khách hàng, đưa ra phản hồi tùy chỉnh hoặc học hỏi từ các tương tác với khách hàng theo thời gian.

Hệ thống trả lời tự động được xây dựng theo kịch bản của doanh nghiệp trên trang Facebook của doanh nghiệp (Nguồn: Internet)
Hệ thống trả lời tự động được xây dựng theo kịch bản của doanh nghiệp trên trang Facebook của doanh nghiệp (Nguồn: Internet)

2.2 Ứng dụng tích hợp giúp xử lý các tác vụ (Integrated task automation apps)

Ở cấp độ tiếp theo AI được tích hợp vào những phần mềm sẵn có của doanh nghiệp, lúc này với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo cho phép các hệ thống sẵn có của doanh nghiệp hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn. 

Điểm khác biệt lớn nhất giữa ứng dụng AI ở cấp độ này so với cấp độ trước đó là đã không còn tính độc lập trong xử lý công việc. Lúc này, doanh nghiệp có thể duy trì làm việc, truy xuất thông tin, thực hiện những tác vụ đơn giản trên một hệ thống duy nhất. Điều này giúp gia tăng tính minh bạch và liền mạch của thông tin trong hệ thống của doanh nghiệp. 

Trong đó, việc ứng dụng AI trong các phần mềm quản lý mối quan hệ khách hàng thuộc nhóm này. Cụ thể, AI trong các phần mềm quản lý mối quan hệ khách hàng ngày nay cho phép việc chấm điểm và phân tích khách hàng tiềm năng, từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể đề xuất ra các phương án tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả và phù hợp.

Công cụ thiết lập quy tắc chấm điểm trên MISA AMIS CRM giúp tự động phân bổ khách hàng tiềm năng
Công cụ thiết lập quy tắc chấm điểm trên MISA AMIS CRM giúp tự động phân bổ khách hàng tiềm năng

2.3 Ứng dụng độc lập có kết hợp công nghệ máy học (Stand-alone machine learning apps)

Được xác định bằng tính thông minh cao cùng với tính độc lập với các phần mềm nội bộ của doanh nghiệp, ứng dụng độc lập có kết hợp công nghệ máy học được hiểu là những phần mềm độc lập giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, liên kết nhu cầu của khách hàng với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. 

Đặc điểm của hệ thống này đó là sự phức tạp trong thuật toán lập trình, cho phép xử lý, phân tích, gợi ý các sản phẩm/dịch vụ dành cho từng khách hàng riêng biệt. 

Behr – một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sơn tại Mỹ đã ứng dụng các phần mềm độc lập có kết hợp công nghệ máy học để đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, Behr đã làm việc với đội ngũ lập trình viên cho ra mắt một ứng dụng giúp khách hàng lựa chọn màu sắc cho ngôi nhà của mình chỉ với giọng nói và văn bản. 

Hệ thống với trí thông minh nhân tạo và công nghệ máy học cho phép phân tích cảm xúc của người dùng thông qua ngôn ngữ. Từ đó đưa ra những bảng màu sơn phù hợp với mô tả của khách hàng, thông tin này sẽ được lưu lại và chuyển đến các đại lý của Behr gần nhất, lúc này khách hàng sẽ mang kết quả ra để xác nhận và mang về nhà những màu sơn phù hợp với họ nhất. 

Ứng dụng của Behr cho phép khách hàng lựa chọn màu sơn dựa trên cảm xúc của mình (Nguồn: Internet)
Ứng dụng của Behr cho phép khách hàng lựa chọn màu sơn dựa trên cảm xúc của mình (Nguồn: Internet)

2.4 Ứng dụng tích hợp có kết hợp công nghệ máy học (Integrated Machine learning apps)

Cuối cùng, nằm ở góc phần tư bên phải của ma trận phân loại, ứng dụng tích hợp có kết hợp công nghệ máy học là loại ứng dụng AI tối tân và phức tạp nhất đối với doanh nghiệp. Giúp gia tăng tỷ trọng mua hàng/ tỷ lệ chuyển đổi hay tỷ lệ sử dụng của doanh nghiệp trên môi trường số. 

Trong đó, doanh nghiệp song song phát triển các ứng dụng có sự hỗ trợ của máy học để giúp gia tăng trải nghiệm người dùng, đồng thời tích hợp hệ thống này với ứng dụng của doanh nghiệp.

Dựa vào phân tích thói quen của người dùng, Spotify cho phát triển các nội dung cá nhân hóa (tính cách nghe nhạc của bạn) để tăng tương tác và giữ chân người dùng trên nền tảng (Nguồn Internet)
Dựa vào phân tích thói quen của người dùng, Spotify cho phát triển các nội dung cá nhân hóa (tính cách nghe nhạc của bạn) để tăng tương tác và giữ chân người dùng trên nền tảng (Nguồn Internet)

Với ví dụ của Spotify ở phía trên đã minh hoa việc ứng dụng tích hợp có kết hợp công nghệ máy học để tạo ra những nội dung tùy biến cho khách hàng (playlist). Cùng với đó, hệ thống giúp phân tích và tạo ra những nội dung độc đáo dành cho khách hàng mỗi cuối năm như playlist Spotify-wrap the year. Những nội dung này giúp làm bền chặt mối quan hệ khách hàng, giúp gia tăng tỷ lệ khách hàng trung thành và giúp cho doanh nghiệp gia tăng được tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư (ROI). 

Việc hiểu và phân loại ứng dụng AI trong Marketing giúp doanh nghiệp xác định đâu là loại hình trí thông minh nhân tạo cần đầu tư trong hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, để có thể ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong hoạt động Marketing hiệu quả còn đòi hỏi doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về lợi ích của việc ứng dụng AI. 

3. Những lợi ích của việc ứng dụng AI trong Marketing

Các doanh nghiệp ngày nay thường chỉ mới ứng dụng AI trong một vài tác vụ nhỏ lẻ như phân phối quảng cáo trực tuyến (programmatic buying);, hỗ trợ trong việc phân tích và nâng cao khả năng dự đoán về tình hình kinh doanh, như dự đoán doanh số và đơn hàng, hay tăng cường khả năng giao tiếp với khách hàng (chatbots).

Tuy nhiên, AI còn có thể mở rộng sức ảnh hưởng trên nhiều hoạt động khác bao gồm: Quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM); nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ (R&D); phân bổ nguồn lực và hoạt động Marketing tự động; cũng như tối ưu hóa các hoạt động Marketing theo hành trình trải nghiệm của khách hàng. 

3.1 Thiết lập và làm bền chặt mối quan hệ với khách hàng 

Việc ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong các phần mềm quản lý mối quan hệ khách hàng giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về khách hàng mục tiêu. Không chỉ dừng ở đó, AI còn giúp các doanh nghiệp trong việc phân chia các nhóm khách hàng theo các tiêu chí cụ thể, từ đó tạo cơ sở cho hoạt động chăm sóc khách hàng hiệu quả.

Ứng dụng của AI trong việc chăm sóc khách hàng
Ứng dụng của AI trong việc chăm sóc khách hàng
  • Thiết lập phân khúc khách hàng hiệu quả: ứng dụng AI trong các hoạt động CRM cho phép các doanh nghiệp thiết lập và tạo ra các báo cáo về phân khúc khách hàng, thói quen chi tiêu và lịch sử chi tiêu. Từ những thông tin đó, các chiến dịch Marketing có thể được điều chỉnh để tiếp cận các nhóm khách hàng cụ thể hoặc cách tiếp cận bán hàng trực tiếp do nhóm bán hàng thực hiện.
  • Mô hình phễu chuyển đổi năng động: Dựa vào những thông tin thu thập được, dưới sự phân tích của trí thông minh nhân tạo được tích hợp vào các phần mềm chăm sóc khách hàng cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh nhanh chóng các kênh bán hàng. Những thông tin này giúp doanh nghiệp có thể phân loại và chuyển đổi các khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng của doanh nghiệp. 
  • Xây dựng kịch bản chăm sóc được cá nhân hóa dành cho từng khách hàng: Trong quá trình tương tác, trao đổi với khách hàng, hệ thống CRM được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo cho phép doanh nghiệp xây dựng những kịch bản tương tác được cá nhân hóa dành riêng cho từng khách hàng. Đồng thời giúp cho những thông tin thu thập được sử dụng một cách hiệu quả và hữu ích hơn.

3.2 Quy trình thiết lập & nâng cấp sản phẩm/dịch vụ trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn

Với việc ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong việc nghiên cứu nhu cầu của khách hàng còn giúp cho hoạt động phát triển sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp trở nên tinh gọn, nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của người dùng hơn. 

Các nghiên cứu chỉ ra, việc ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo và công nghệ máy học (machine learning) giúp giảm thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp. Cụ thể, báo cáo của Capgemini trong năm 2020 chỉ ra rằng, ứng dụng AI trong giai đoạn kiểm thử (testing) giúp giảm 70% thời gian và 30% chi phí kiểm thử đối với các doanh nghiệp. 

Không chỉ có vậy, trong năm 2020 PWC cho biết, 14% doanh nghiệp ứng dụng toàn bộ AI trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thu về hơn 30% doanh thu từ các sản phẩm mới. Những con số “biết nói” này cho thấy lợi ích to lớn của AI trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm. 

Nissan và việc ứng dụng AI trong hoạt động nghiên cứu sản phẩm (Nguồn Internet)
Nissan và việc ứng dụng AI trong hoạt động nghiên cứu sản phẩm (Nguồn Internet)

Nissan – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phương tiện vận chuyển đã ứng dụng AI trong việc phát triển các dòng sản phẩm mới của mình vào năm 2016 với chương trình mang tên DriveSpark. Nissan sử dụng AI trong việc phân tích nhu cầu và phản hồi của người tiêu dùng. Từ đó cho phép Nissan rút ngắn thời gian ra mắt dòng sản phẩm so với thông thường mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu về an toàn và kỹ thuật. DriveSpark của Nissan còn giúp kéo dài các vòng đời của các sản phẩm hiện tại. 

3.3 Phân bổ hoạt động Marketing một cách tự động 

Dựa vào những nghiên cứu về thói quen và hành vi của khách hàng, ứng dụng AI trong hoạt động Marketing cho phép các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách tự động và hiệu quả hơn. AI cho phép nhận định nội dung marketing (Content marketing) phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp gia tăng khả năng cá nhân hóa nội dung với từng nhóm khách hàng riêng biệt. 

Đối với hoạt động booking quảng cáo trên các mạng lưới quảng cáo (Ad network), AI cho phép xác định người dùng sẽ thường sử dụng những trang web nào, từ đó sẽ phân bổ banner quảng cáo với nội dung phù hợp đến với người dùng. Cùng với đó, AI còn phân loại khách hàng dựa trên mức độ tiềm năng của khách hàng để phân bổ mức độ theo đuôi khách hàng (re-marketing), chuyển đổi khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng của doanh nghiệp. 

Amazon, với việc ứng dụng AI trong phân tích nhu cầu của khách hàng đã giúp cho họ trở thành kẻ khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, với những dữ liệu về hành vi của người dùng trên nền tảng bán hàng của mình, Amazon, đội ngũ tiếp thị sử dụng AI để nghiên cứu và phân tích, từ đó đưa ra những sản phẩm có khả năng mua cao nhất đối với từng nhóm khách hàng. 

Amazon ứng dụng công nghệ AI trong việc đưa ra những sản phẩm bổ trợ theo thói quen của khách hàng (Nguồn: Amazon.com)
Amazon ứng dụng công nghệ AI trong việc đưa ra những sản phẩm bổ trợ theo thói quen của khách hàng (Nguồn: Amazon.com)

Các sản phẩm trong nhóm gợi ý được tiến hành rà soát và loại bỏ liên tục, để cuối cùng giúp Amazon có thể đưa ra danh sách những sản phẩm có khả năng cao được khách hàng lựa chọn. Đồng thời, danh sách này cũng được cập nhật để dự đoán khả năng lựa chọn của khách hàng đối với dòng sản phẩm mới, giúp gia tăng tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư (ROI) cũng như sự hài lòng của khách hàng với nền tảng Amazon. 

3.4 Tối ưu hóa các hoạt động Marketing theo hành trình trải nghiệm của khách hàng

AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ khách hàng trong mọi hành trình trải nghiệm của họ. Ở những giai đoạn đầu tiên, khi khách hàng tiềm năng ở giai đoạn đầu tiên trong hành trình khách hàng – “Cân nhắc” về sản phẩm, AI sẽ nhắm mục tiêu quảng cáo và có thể giúp định hướng tìm kiếm của khách hàng. 

Wayfair, một doanh nghiệp bán lẻ nội thất tại Mỹ sử dụng AI trong việc nghiên cứu lịch sử duyệt web của các khách hàng tiềm năng. Nhờ đó, giúp cho Wayfair có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, điều hướng việc tìm kiếm sản phẩm của khách hàng. 

Ở giai đoạn tiếp theo, với sự tích hợp chi tiết các thông tin về nhân khẩu học, thói quen chi tiêu, vị trí địa lý,… AI cho phép tạo ra các ưu đãi được cá nhân hóa dành cho từng khách hàng. Điều này giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng, chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng. 

Năm 2019, gã khổng lồ trong ngành bán lẻ Walmart đã mua lại Aspectiva - startup đến từ Isarel (Nguồn Internet)
Năm 2019, gã khổng lồ trong ngành bán lẻ Walmart đã mua lại Aspectiva – startup đến từ Isarel (Nguồn Internet)

Aspectiva sử dụng AI phân tích nội dung do người dùng tạo ra (UGC), chẳng hạn như những đánh giá sản phẩm của khách hàng. Hệ thống sẽ kết hợp nội dung đó với hành vi duyệt web của khách hàng để đưa ra đề xuất sản phẩm cho người mua sắm cả trực tuyến và tại các siêu thị của Walmart.

Không chỉ có vậy, AI còn giúp gợi ý và gia tăng tỷ lệ bán chéo (cross-selling). Các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến ứng dụng chatbot AI nhằm cung cấp những gợi ý mang tính cá nhân hóa cho khách hàng như: “Anh/chị X đến từ [khu vực của khách hàng] cũng đã mua thêm những sản phẩm này, có thể bạn quan tâm…”. Những nội dung này cung cấp thêm động lực, đồng thời thúc đẩy sự tò mò của khách hàng, giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử lên gấp 5 lần – theo nghiên cứu của Harvard Business Review.

Trí thông minh nhân tạo trong Marketing còn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hậu mãi giúp tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Những ứng dụng đơn giản như, truy cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, thời gian giao hàng, quá trình vận chuyển hàng hóa,… AI như một trợ lý ảo phục vụ nhu cầu của khách hàng 24/24. Điều này giúp cho khách hàng cảm thấy luôn được quan tâm và chăm sóc, từ đó dẫn đến khả năng tái đặt hàng của khách hàng được gia tăng.

Trong một số trường hợp, AI với công nghệ máy học tiên tiến có thể đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng qua việc phân tích giọng điệu của khách hàng và đề xuất các phương án giải quyết đặc biệt và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

4. Ứng dụng AI trong Marketing – từng bước tiến đến tự động hóa 

Từ việc hiểu, phân loại và nắm được vai trò của ứng dụng AI trong hoạt động Marketing, các doanh nghiệp cần xác định lộ trình thực hiện ứng dụng AI trong hoạt động Marketing. Lộ trình này được xác định dựa trên tính chất sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, sự hữu ích của AI trong từng bước mua hàng. Những thông tin đó giúp doanh nghiệp tiến đến với quá trình tự động hóa. Nhờ đó, giúp giảm thiểu chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả cho hoạt động quảng bá và truyền thông sản phẩm. 

Xây dựng lộ trình ứng dụng AI từng bước tiến tới tự động hóa
Xây dựng lộ trình ứng dụng AI từng bước tiến tới tự động hóa

Để có thể làm quen với việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing, doanh nghiệp cần thiết lập tư duy xử lý thông tin qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ những tác vụ đơn lẻ (stand-alone task automation apps). Ở giai đoạn này, doanh nghiệp thiết lập ra những quy tắc xử lý của bộ máy thông qua các bộ câu hỏi, hướng dẫn trả lời, kịch bản phản hồi… Những thông tin đầu vào này giúp hệ thống có thể thu thập dữ liệu, học hỏi quy tắc. Đây là những điều kiện tiên quyết trong việc ứng dụng AI ở các giai đoạn tiếp theo. 

Khi những dữ liệu này đủ lớn và đủ sức nặng, doanh nghiệp có thể tiến đến việc tích hợp ứng dụng xử lý tác vụ (integrated task automation apps) hoặc tiến lên với việc ứng dụng độc lập có kết hợp công cụ máy học (stand-alone machine learning apps). 

Một lưu ý dành cho doanh nghiệp đó là quá trình tiến đến tự động hóa là một quá trình thu thập liên tục, trong đó việc ứng dụng AI cần phải tiến hành cẩn trọng và đi từng bước. Bởi nếu doanh nghiệp còn nhiều lỗ hổng ở ngay trong những tác vụ nhỏ, việc ứng dụng máy học là thiếu khả năng thực thi do hệ thống không đủ cơ sở dữ liệu giúp phân tích và đưa ra những yêu cầu xử lý đòi hỏi sự chính xác cao. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể rút ngắn quá trình của từng bước bằng cách liên tục đào tạo cho hệ thống những thông tin, bổ sung những thông tin về môi trường kinh doanh, những báo cáo và nguồn thông tin độc quyền. Dựa vào những biến số này, hệ thống sẽ nhanh chóng tiếp thu và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo ra những quyết định có tính chính xác cao hơn. 

5. Những lưu ý khi ứng dụng AI trong Marketing 

Bên cạnh việc xây dựng lộ trình ứng dụng AI cho hoạt động Marketing để ứng dụng thành công AI trong hoạt động tiếp thị và quảng bá còn đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư nguồn lực đúng đắn, và luôn coi trọng giá trị của khách hàng. 

Những lưu ý khi ứng dụng AI trong Marketing
Những lưu ý khi ứng dụng AI trong Marketing

5.1 Đầu tư nguồn lực đối với việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing

Ứng dụng AI trong hoạt động Marketing đòi hỏi doanh nghiệp có sự chiến lược đầu tư phù hợp. Đầu tiên, doanh nghiệp cần có đội ngũ lao động chất lượng cao, giúp xác định chiến lược xây dựng hệ thống. Đội ngũ nhân sự này còn chịu trách nhiệm trong việc thiết lập quy tắc giúp đào tạo và huấn luyện hệ thống, đưa ra những chuỗi giá trị phản hồi để có thể mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Đầu tư về nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc ứng dụng AI đối với các hoạt động Marketing, bởi ngay cả trong những tác vụ nhỏ lẻ và đơn giản nhất, AI không thể tự vận hành nếu như không có sự hỗ trợ của con người. Sự kết hợp đồng điệu giữa con người và hệ thống mới giúp trí thông minh nhân tạo trong hoạt động Marketing đạt hiệu quả cao. 

Bên cạnh đó, đầu tư cho việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing còn đòi hỏi một tầm nhìn lâu dài mang tính chiến lược. Đầu tư vào AI Marketing là hoạt động tốn kém nhiều chi phí ở khâu thiết lập và cấu hình, chưa thể mang lại hiệu quả ngay. Doanh nghiệp cần cân nhắc về mức độ và loại hình đầu tư để có thể đạt hiệu quả cao nhất với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

5.2 Giá trị của khách hàng đối với việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing

Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, khách hàng ngày càng nhạy cảm với việc chia sẻ những thông tin cá nhân của mình với các hệ thống máy học. Họ trở nên lo ngại khi những thông tin này được chào bán một cách rộng rãi, công khai, họ lo lắng về những suy nghĩ của mình bị những ứng dụng/phần mềm nghe lén phục vụ mục đích thương mại. Điều này đánh lên “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng AI Marketing về tầm quan trọng của quyền riêng tư của khách hàng. Theo đó, việc ứng dụng AI chỉ có giá trị với khách hàng khi quyền riêng tư về thông tin của họ không bị xâm phạm.

Do đó, để có thể ứng dụng AI trong hoạt động Marketing doanh nghiệp cần có những biện pháp đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng, đảm bảo tính minh bạch và bảo mật của hệ thống. Những biện pháp này là chìa khóa mở ra cánh cửa của việc ứng dụng AI trong hoạt động Marketing một cách hiệu quả. Mặt khác, những biện pháp đảm bảo này còn giúp doanh nghiệp thiết lập và duy trì đạo đức doanh nghiệp, mang đến sự phát triển bền vững trong tương lai. 

Ứng dụng AI trong hoạt động Marketing là một bài toán thú vị, đòi hỏi sự tỉnh táo của doanh nghiệp trong việc xác định, phân loại và ứng dụng loại hình ứng dụng phù hợp. Cùng với đó, những lưu ý trong hành trình tiến đến tự động hóa, phân bổ nguồn lực đầu tư cũng như việc coi trọng giá trị của khách hàng là những điều kiện cần và đủ để có thể tiến đến ứng dụng đầy đủ và chi tiết trí thông minh nhân tạo trong hoạt động Marketing.

Ứng dụng AI trong hoạt động Marketing phù hợp sẽ giống như trang bị thêm đôi cánh giúp cho doanh nghiệp tiến xa trong thị trường kinh doanh đầy cạnh tranh trong hiện tại và tương lai. 

Tác giả: Đỗ Xuân Dương

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả