Chiết khấu thanh toán là gì? Hướng dẫn hạch toán chiết khấu thanh toán đầy đủ, chính xác nhất

23/12/2022
19338

Nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức chiết khấu thanh toán để kích cầu và tăng doanh thu bán hàng. Vậy chiết khấu thanh toán là gì và cách hạch toán chiết khấu thanh toán chi tiết, chính xác nhất như thế nào? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu trong bài viết sau đây.

1. Chiết khấu thanh toán là gì?

Căn cứ theo Chuẩn mực kế toán số 14 của Bộ Tài Chính, chiết khấu thanh toán được quy định như sau :

Chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.

Chiết khấu thanh toán (Payment discount) là một hình thức giảm giá thường xuyên diễn ra giữa doanh nghiệp và khách hàng. Việc áp dụng chiết khấu thanh toán dựa trên tỷ lệ phần trăm cụ thể và điều kiện khách hàng thanh toán trước hạn so với thời gian quy định trong hợp đồng mua hàng.

Ví dụ: Công ty A bán hàng cho công ty B, trong hợp đồng quy định: nếu bên B thanh toán trước hạn ít nhất 7 ngày làm việc thì sẽ được giảm 2% giá trị hợp đồng. Khoản 2% này chính là chiết khấu thanh toán mà bên B được hưởng từ bên A.

Ngoài ra, khoản chiết khấu này không phát sinh từ nguyên nhân hàng hóa bị lỗi, hư hỏng mà liên quan đến thời gian thanh toán và các thỏa thuận giữa các bên tham gia các giao dịch mua bán.

chiết khấu thanh toán là gì

Phân biệt chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại

Trên thực tế, chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là hai khái niệm khác nhau với bản chất riêng biệt, và việc nhầm lẫn giữa hai loại này có thể dẫn đến sai sót trong nghiệp vụ hạch toán kế toán.

  • Chiết khấu thương mại: Theo Chuẩn mực Kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác (VAS14), chiết khấu thương mại là khoản mà doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng khi mua với số lượng lớn. Chiết khấu thương mại được coi là khoản giảm trừ doanh thu.
  • Chiết khấu thanh toán: Chiết khấu thanh toán là khoản tiền mà người mua được giảm trừ khi thanh toán trước hạn so với thời gian quy định trong hợp đồng mua bán. Đây là chiết khấu dựa trên việc thanh toán sớm và không liên quan đến khối lượng hàng hóa mua. Chiết khấu thanh toán được xem là một khoản chi phí tài chính đối với bên bán.

Có thể tổng hợp những điểm khác biệt của chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán bằng bảng dưới đây:

STT Chiết khấu thương mại Chiết khấu thanh toán
01 Khoản được giảm khi khách hàng mua số lượng lớn quy định trong hợp đồng Khoản được giảm khi khách hàng thanh toán trước hạn quy định trong hợp đồng
02 Xuất hóa đơn (giảm trừ/ điều chỉnh giá trên hóa đơn) Không xuất hóa đơn (chứng từ trả tiền chiết khấu …)

Để hiểu thêm về bản chất cũng như cách hạch toán chiết khấu thương mại, mời bạn đọc thêm bài viết: Chiết khấu thương mại là gì? Cách hạch toán chiết khấu thương mại

2. Quy định về chiết khấu thanh toán

Các quy định về chiết khấu thanh toán như sau:

  • Chiết khấu thanh toán không cần xuất hóa đơn cho người mua hàng

Hóa đơn là chứng từ được lập để ghi nhận các giao dịch mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ, bao gồm thông tin về sản phẩm, số lượng, đơn giá và thuế giá trị gia tăng (VAT). Chính vì vậy, trong trường hợp phát sinh các giao dịch mua bán thì mới cần xuất hóa đơn.

Chiết khấu thanh toán không cần phải xuất hóa đơn cho người mua hàng vì đây không phải là giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ, mà chỉ là một khoản chi phí tài chính bên bán chịu để khuyến khích khách hàng thanh toán trước thời hạn.

Theo khoản 1 điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh khi nhận các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với bên chi tiền thì  lập chứng từ chi tiền. Chiết khấu thanh toán là một khoản thu/chi tài chính nên doanh nghiệp chỉ cần lập phiếu thu và phiếu chi.

Khoản tiền từ việc thực hiện hoạt động chiết khấu thanh toán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và sẽ không được ghi nhận trên hóa đơn bán hàng đã giảm giá.

  • Chiết khấu thanh toán là khoản được trừ khi tính thuế TNDN

Theo quy định tại Điều 4, thông tư 96/2005/TT-BTC, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng được các điều kiện dưới đây:

+ Khoản chi thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

+ Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật

+ Khoản chi nếu có hóa đơn dịch vụ mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu trở lên và không dùng tiền mặt để thanh toán

Như vậy, với bên bán, để khoản chiết khấu thanh toán đủ điều kiện là chi phí được được trừ khi tính thuế TNDN thì cần có:

  • Hợp đồng bán hàng có thỏa thuận chi tiết về điều kiện chiết khấu thanh toán
  • Chứng từ thanh toán tiền chiết khấu (phiếu chi)

Trường hợp đối với bên mua thì khoản chiết khấu thanh toán vẫn được tính vào thu nhập chịu thuế như bình thường (Quy định tại khoản 15 điều 7 thông tư 78/2014/TT-BTC)

  • Quy định khi chi trả chiết khấu thanh toán cho cá nhân

Nếu bên nhận chiết khấu thanh toán là cá nhân kinh doanh thì khoản chiết khấu được nhận sẽ thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

Công ty chi trả khoản “chiết khấu thanh toán” cho cá nhân kinh doanh sẽ thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân đó. (Công văn 1162/TCT-TNCN năm 2016)

Theo quy định mới nhất tại phụ lục 1 thông tư 40/2021/TT-BTC, khoản chiết khấu thanh toán thuộc nhóm chịu thuế TNCN 0.5%

Nếu bên nhận chiết khấu không phải cá nhân kinh doanh, chỉ mua hàng hóa dịch vụ để tiêu dùng thì khoản chiết khấu thanh  toán được nhận không phải chịu thuế TNCN.

quy định về chiết khấu thanh toán

3. Cách hạch toán chiết khấu thanh toán đầy đủ, chính xác nhất

Doanh nghiệp căn cứ vào phiếu thu và phiếu chi của hai bên để hạch toán chiết khấu thanh toán. Cách định khoản chiết khấu thanh toán như sau:

  • Bên bán hàng hạch toán chiết khấu thanh toán vào tài khoản 635 – Chi phí tài chính
  • Bên mua hạch toán chiết khấu thanh toán được hưởng vào tài khoản 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

Cụ thể như sau:

  • Bên bán:

Căn cứ vào phiếu chi, số tiền chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua khi người mua thanh toán trước thời hạn quy định và trừ vào khoản nợ phải thu của khách hàng, định khoản:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Số tiền chiết khấu thanh toán)

Có TK 131 – nếu bù trừ luôn vào khoản phải thu

Có TK 111, TK 112 – nếu trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản

  • Bên mua:

Căn cứ vào phiếu thu, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán thì khoản chiết khấu thanh toán thực tế được nhận từ bên bán sẽ ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, định khoản::

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (Nếu giảm trừ công nợ)

Nợ TK 111, TK 112 – Trả tiền mua hàng (Nếu nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán được nhận)

Ví dụ:

Công ty TNHH Glio xuất hàng hoá bán cho Công ty Lankio với tổng giá thanh toán là 330.000.000 đã bao gồm thuế GTGT, công ty Lankio đã thanh toán bằng tiền mặt. Do khách hàng thanh toán sớm nên Lankio được chiết khấu thanh toán 2% và Công ty TNHH Glio đã chi khoản chiết khấu thanh toán bằng tiền mặt.

Yêu cầu: Định khoản chiết khấu thanh toán ở nghiệp vụ trên.

Cách hạch toán chiết khấu thanh toán trong trường hợp này được thực hiện như sau:

  •  Bên bán:

Phản ánh khoản chiết khấu thanh toán 2%:

Nợ TK 635 : 2% x 330.000.000 = 6.600.000

Có TK 111 : 2% x 3300.000.000 = 6.600.000

  • Bên mua:

Nợ TK 111: 6.600.000

Có TK 515: 6.600.000

4. Câu hỏi thường gặp về chiết khấu thanh toán

4.1. Chiết khấu thanh toán có xuất hóa đơn không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì chiết khấu thanh toán không cần lập hoá đơn, 2 bên chỉ cần lập phiếu thu, phiếu chi khi phát sinh chiết khấu thanh toán.

4.2. Chiết khấu thanh toán có tính thuế không?

Theo quy định tại Khoản 15 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Chiết khấu thanh toán được tính là khoản thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với bên nhận được chiết khấu. Ngoài ra, đối với trường hợp đối tượng nhận được chiết khấu là cá nhân và đối tượng trả chiết khấu là doanh nghiệp thì theo quy định tại Công văn 1162/TCT­-TNCN doanh nghiệp phải khấu trừ 1% tiền thuế trên số tiền chiết khấu thanh toán cá nhân được nhận và doanh nghiệp tiến hành kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân.

4.3 Chiết khấu thanh toán được tính trên giá nào?

Chiết khấu thanh toán được tính trên tổng số tiền phải thanh toán, bao gồm cả thuế GTGT. Khoản chiết khấu này được ghi nhận là chi phí tài chính của công ty.

Tại các doanh nghiệp có số lượng khách hàng lớn và chính sách giá đa dạng, việc theo dõi chiết khấu thanh toán, chiết khấu tài chính với từng khách hàng là tương đối khó khăn. Khi theo dõi thủ công thường dễ nhầm lẫn và sai sót.

Tuy nhiên một số phần mềm kế toán hiện nay đã có tính năng theo dõi chiết khấu tự động và thông minh, tiêu biểu như phần mềm kế toán online MISA AMIS. Các chứng từ khi có phát sinh chiết khấu thương mại, sau khi khai báo xong thông tin của vật tư, hàng hóa, kế toán sẽ nhập trực tiếp tỷ lệ chiết khấu (hoặc số tiền chiết khấu) cho từng mặt hàng. Lúc lên hóa đơn và phân bổ chiết khấu, phần mềm sẽ tự động lấy đúng số để trừ mà kế toán không cần thực hiện các thao tác thủ công như trước đây.

Ngoài ra, phần mềm kế toán online MISA AMIS còn có nhiều tính năng ưu việt như:

  • Đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ quản trị tài chính – kế toán theo đúng thông tư 133/2016/TT-BTC và 200/2014/TT-BTC của các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực: Thương mại, Sản xuất, Xây lắp và dịch vụ.
  • Phần mềm giúp doanh nghiệp quản trị tình hình tài chính kế toán mọi lúc, mọi nơi qua nhiều thiết bị: Laptop, mobile…
  • Quản lý dữ liệu online, hỗ trợ nhiều người dùng làm việc cùng lúc trên cùng một hệ thống
  • Hệ sinh thái tích hợp hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận tiện trong công việc.

Với nhiều tính năng ưu việt, phần mềm kế toán MISA AMIS đã giúp kế toán các doanh nghiệp đơn giản hơn với mọi nghiệp vụ, đặc biệt là hạch toán chiết khấu thanh toán. Tham khảo ngay phần mềm kế toán MISA AMIS để công tác quản lý tài chính – kế toán hiệu quả hơn.

Trải nghiệm miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả