Chính sách hỗ trợ năm 2021 cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19

17/09/2021
1260

Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do do đại dịch COVID-19 gây ra. Tiếp theo đó, đến ngày 07- 07- 2021 Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm mục đích hướng dẫn chi tiết cho Nghị quyết 68/NQ-CP để các ban ngành quản lý, doanh nghiệp và người lao động dễ dàng thực hiện và tiếp cận được cách chính sách hỗ trợ này tốt hơn.

Sau đây, MISA AMIS với vai trò là người bạn tin cậy của doanh nghiệp xin gửi đến quý doanh nghiệp và các bạn bài viết cập nhật các chính sách hỗ trợ COVID-19 cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do COVID-19.

1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 

Đối tượng hỗ trợ: Người sử dụng lao động đang đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã… 

Mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng:

Hình 1: Mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Hình 1: Mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đăng ký tham gia: Việc đăng ký tham gia, lựa chọn phương thức đóng, sử dụng và quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. 

Phương thức thực hiện: Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý để đăng ký và nhận hướng dẫn trực tiếp.

2. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Đối tượng hỗ trợ: Người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều kiện hỗ trợ:

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4 năm 2021. 

Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm là lao động có hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên bao gồm:

  • Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
  • Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
  • Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
  • Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
  • Không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.

Thời gian tạm dừng đóng:

Hình 2: Thời gian tạm dừng đóng và quy định đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất
Hình 2: Thời gian tạm dừng đóng và quy định đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất

Đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất

  • Hết thời gian tạm dừng đóng quy định thì người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng (đối với cả người lao động ngừng việc hưởng tiền lương theo Điều 99 Bộ luật Lao động).
  • Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.

Kể từ thời điểm kết thúc thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng thì sẽ bị xử phạt theo Luật Bảo hiểm xã hội.

  • Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động.

Trình tự, thủ tục thực hiện

  • Từ ngày 07/07/2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022, người sử dụng lao động nộp văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.
  • Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Hỗ trợ hộ kinh doanh tiền mặt 3 triệu đồng / hộ kinh doanh 

  • Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Hình 3: Điều kiện và mức hỗ trợ hộ kinh doanh

  • Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

+ Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

+ Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho hộ kinh doanh.

>>> Xem thêm: Cập nhật những điểm mới trong Thông tư 40/2021/TT-BTC

  • Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện

Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022. 

(Tải mẫu đăng ký nhận hỗ trợ hộ kinh doanh “Mẫu số 11” tại đây)

Trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.

Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Phương thức thực hiện: Nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh.

4. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 

Điều kiện vay vốn

  • Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có đủ các điều kiện sau:
Hình 4: Điều kiện để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc
Hình 4: Điều kiện để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc
  • Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022

    • Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
    • Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
    • Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

>>> Có thể bạn quan tâm: Tạm ngừng hay giải thể: Quyết định khó khăn của doanh nghiệp

Trường hợp 2: Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh:

    • Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
    • Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
    • Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Mức cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân

Hình 5: Mức hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
Hình 5: Mức hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện:

  • Hồ sơ đề nghị vay vốn gồm:
Hình 6: Hồ sơ đề nghị vay vốn
Hình 6: Hồ sơ đề nghị vay vốn

1) Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu 12a, 12b, 12c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

2) Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo Mẫu 13 a, 13b, 13c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

3) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài).

4) Giấy ủy quyền (nếu có).

5) Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh).

6) Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

7) Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

  • Trình tự, thủ tục thực hiện:

1) Người sử dụng lao động tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

2) Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

3) Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2022.

4) Trong 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.

5) Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động.

5. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động 

  • Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

  • Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả:
Hình 7: Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả
Hình 7: Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả
  • Hồ sơ đề nghị:

Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và kê khai về doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020 theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .

Văn bản của người sử dụng lao động về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ.

Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .

Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tham gia đào tạo.

KẾT LUẬN

Có thể thấy rằng những chính sách hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ đã có những tác động tích cực, kịp thời giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. MISA AMIS hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm bắt được nhanh chóng và toàn diện các chính sách hỗ trợ cũng như biết cách đăng ký để nhận được hỗ trợ này sớm nhất. 

Tác giả: Nguyễn Huân

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả