Tạm ngừng hay giải thể: Quyết định khó khăn của doanh nghiệp

01/09/2021
1710

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp đã phải đưa ra quyết định lựa chọn “Tạm ngừng kinh doanh” hay “giải thể doanh nghiệp?”. Bài viết hi vọng mang đến quý độc giả cái nhìn rõ nét, chi tiết về hai vấn đề này để có những quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp!

1. Sự khác nhau giữa “Tạm ngừng kinh doanh” và “Giải thể doanh nghiệp”:

Chỉ tiêu Tạm ngừng kinh doanh Giải thể doanh nghiệp
Văn bản Pháp luật quy định

Luật Doanh nghiệp số: 59/2020/QH14.

Khái niệm Là trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định và sau khoảng thời gian đó, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường (Theo điều 206 luật Doanh nghiệp số: 59/2020/QH14) Là quá trình dẫn đến sự chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp đó. (Theo điều 207 luật Doanh nghiệp số: 59/2020/QH14)
Điều kiện – Thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh 15 ngày làm việc trước khi chính thức tạm ngừng kinh doanh;

– Doanh nghiệp vẫn đang hoạt động (không bị đóng mã số thuế) trước khi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh;

– Thời gian tạm ngừng tối đa cho 1 lần là 1 năm và tối đa không quá 2 năm/tổng thời gian tạm ngừng;

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với người lao động, cơ quan thuế…..trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

Bài viết chỉ đề cập đến đến khía cạnh Doanh nghiệp tự nguyện giải thể: 

– Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác kể cả đã và chưa đến hạn xử lý;

– Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Hậu quả pháp lý Chấm dứt hoạt động tạm thời Chấm dứt hoạt động hoàn toàn
Trình tự, thủ tục pháp lý Nhanh chóng và đơn giản Chậm và phức tạp

2. Trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý và những lưu ý khi doanh nghiệp thông báo Tạm ngừng kinh doanh

2.1 Trình tự và thủ tục pháp lý doanh nghiệp cần thực hiện khi thông báo Tạm ngừng kinh doanh

Trình tự thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Hình 1: Trình tự thủ tục tạm ngừng kinh doanh
  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Cá nhân, tổ chức: Soạn thảo các hồ sơ, tài liệu theo quy định (thông tin hồ sơ cụ thể chi tiết độc giả xem ở mục dưới).

  • Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh tới Sở kế hoạch đầu tư

Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ tạm ngừng kinh doanh, cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến tới Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố đăng ký trụ sở chính doanh nghiệp.

  • Bước 3: Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết; hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và cập nhật tình trạng hồ sơ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp cập nhật được tình trạng hồ sơ.

  • Bước 4: Nhận thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ giấy (hồ sơ bản cứng) tới Phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.

Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký.

Chú ý: Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh doanh nghiệp chỉ nộp tại Sở kế hoạch đầu tư và không cần nộp tại cơ quan thuế đang quản lý thuế của doanh nghiệp.

  • Bước 5: Chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Sau khi nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông báo, mọi hoạt động kinh doanh sau ngày tạm dừng hoạt động đều phải dừng lại, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc xin hoạt động sớm trở lại khi chưa hết thời hạn tạm ngừng.

2.2 Hồ sơ Tạm ngừng kinh doanh (Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT Nghị định số 108/2018/NĐ-CP)

– Thông báo tạm ngừng kinh doanh;

– Quyết định của Hội đồng thành viên với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên; của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh với công ty hợp danh về vấn đề tạm ngừng kinh doanh;

– Biên bản họp của Hội đồng thành viên với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; của chủ sở hữu công ty với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh với công ty hợp danh về việc tạm ngừng kinh doanh;

– Giấy ủy cho những người thực hiện thủ tục.

2.3 Một số vấn đề lưu ý khi Tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại Thông tư 151/2014/TT-BTC:

– Trong thời hạn tạm ngừng không phải nộp hồ sơ khai thuế (hồ sơ khai thuế GTGT, thuế TNCN…);

– Tạm ngừng đủ 1 năm dương lịch tức là nghỉ từ ngày 01/01/N đến ngày 31/12/N thì không phải quyết toán thuế năm, không phải nộp lệ phí môn bài;

– Tạm ngừng không trọn năm dương lịch tức là thời gian tạm ngừng kinh doanh là một vài tháng trong năm hoặc thời gian tạm ngừng liên quan đến 2 năm dương lịch thì vẫn phải quyết toán thuế năm.

Năm dương lịch thứ nhất nộp thuế môn bài cả năm, sang năm thứ 2 – thuế môn bài nộp căn cứ theo thời gian ra kinh doanh;

– Doanh nghiệp muốn ra kinh doanh trước hạn phải gửi thông báo tới cơ quan thuế và cơ quan quản lý kinh doanh.

– Thời hạn tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 2 năm.

3. Trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý và một số vấn đề lưu ý với thủ tục giải thể doanh nghiệp

3.1 Trình tự thủ tục Giải thể doanh nghiệp

Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp
Hình 2: Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp
  • Bước 1: Thông qua quyết định giải thể của doanh nghiệp

Trong quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; lý do doanh nghiệp giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán khoản nợ, thanh lý hợp đồng không quá 06 tháng kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

– Phương án để xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động; họ và tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

  • Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể doanh nghiệp

– Khi quyết định giải thể doanh nghiệp được thông qua thì doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan biết về quyết định giải thể doanh nghiệp.

– Trong thời gian là 07 ngày làm việc từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, gửi đến cơ quan thuế và người lao động tại doanh nghiệp. Đăng quyết định giải thể doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử quốc gia và niêm yết công khai tại trụ sở chính, tại chi nhánh, tại văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

  • Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị sẽ trực tiếp tổ chức việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Trừ trường hợp trong điều lệ doanh nghiệp có quy định về việc thành lập tổ chức thanh lý riêng.

– Các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ được thanh toán theo thứ tự như sau: nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định; nợ thuế và các khoản nợ khác.

– Sau khi doanh nghiệp đã thanh toán hết tất cả các khoản nợ và chi phí giải thể, phần còn lại sẽ chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, chia cho các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp theo tỷ lệ tương đương với sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

  • Bước 4: Gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời gian là 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

– Sau thời gian là 180 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải thể mà không nhận được ý kiến về việc giải thể doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ giải thể cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

3.2 Hồ sơ thủ tục giải thể doanh nghiệp (Theo điều 208 luật Doanh nghiệp số: 59/2020/QH14)

– Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

– Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);

– Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Xác nhận của cơ quan thuế về việc hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế (Thông báo hoàn thành thủ tục giải thể tại cơ quan thuế), cách giải thể doanh nghiệp;

– Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên/ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc giải thể doanh nghiệp. thủ tục giải thể công ty với cơ quan thuế.

3.3 Các vấn đề cần lưu ý khi Giải thể doanh nghiệp

– Căn cứ vào điều kiện giải thể tự nguyện được hướng dẫn chi tiết ở luật Doanh nghiệp số: 59/2020/QH14 thì doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác kể cả đã và chưa đến hạn xử lý. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải xác định giá trị tài sản hiện tại của doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm các khoản nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên như: các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết, nợ thuế, các khoản nợ khác. Cuối cùng, sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

– Kế toán phải hạch toán đúng, đầy đủ, chính xác các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến việc giải thể doanh nghiệp. Thiết lập các sổ kế toán cho việc giải thể dưới sự kiểm soát của Hội đồng các thành viên và các quan sát viên (nếu có).

– Các doanh nghiệp có thể không phải mở nhiều tài khoản riêng để phản án việc giải thể doanh nghiệp. Các nghiệp vụ về giải thể được hạch toán như các trường hợp bình thường khác. Tuy vậy, khi giải thể, các doanh nghiệp cần mở một tài khoản đặc thù là “Kết quả giải thể” để tổng hợp thu nhập, chi phí bất thường phát sinh do việc giải thể.

4. Quyết định của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ: Giải thể doanh nghiệp hay tạm ngừng kinh doanh?

Thứ nhất, cần hiểu rõ Tạm ngừng kinh doanh và Giải thể doanh nghiệp được xem là hai phương án được sử dụng với mục đích khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ,… nếu vẫn còn muốn tái gia nhập thị trường, thì nên tạm ngừng kinh doanh.

Còn nếu doanh nghiệp quyết định đóng cửa, không muốn tiếp tục quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh nữa, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án giải thể doanh nghiệp theo hình thức tự nguyện để giảm tải áp lực về các khoản chi phí phát sinh khi duy trì hoạt động.

Giải thể có phải là quyết định đúng đắn trong giai đoạn hiện nay hay không
Hình 3: Giải thể có phải là quyết định đúng đắn trong giai đoạn hiện nay hay không? Nguồn: Internet

Thứ hai, nếu các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ,… chưa chắc chắn về tương lai nên lựa chọn Tạm ngừng kinh doanh là tối ưu, bởi vì:

+ Doanh nghiệp vẫn có thể quay lại kinh doanh bất cứ khi nào;

+ Nếu lựa chọn giải thể, khi quay lại kinh doanh thì doanh nghiệp phải đăng ký doanh nghiệp lại từ đầu, điều này có thể gây tốn kém chi phí (chi phí hành chính, con dấu, hóa đơn, chữ ký số…);

+ Tạm ngừng kinh doanh thì thương hiệu cho doanh nghiệp vẫn tồn tại không bị mất đi. Sau này trở lại kinh doanh, thì một doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp hoạt động mới;

+ Tạm ngừng kinh doanh sẽ là giải pháp tạm thời giúp bảo toàn vốn điều lệ của doanh nghiệp;

+ Thủ tục Giải thể doanh nghiệp phức tạp hơn nhiều so với thủ tục Tạm ngừng kinh doanh;

+ Thời gian giải quyết của thủ tục giải thể cũng lâu hơn nhiều vì phải thanh lý tài sản doanh nghiệp…

Thông thường, thời gian để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục Tạm ngừng kinh doanh là trong khoảng 3-5 ngày làm việc. Trong khi đó, thời gian để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục Giải thể doanh nghiệp là 60 ngày.

Không có một sự lựa chọn nào là chính xác tuyệt đối cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thời điểm đại dịch Covid vẫn còn nhiều bất ổn và biến hóa khó dự đoán như hiện nay. Các doanh nghiệp nên căn cứ vào các yếu tố đặc thù của chính đơn vị mình để có thể lựa chọn phương án “khôn ngoan”, phù hợp nhất. Bên cạnh việc cân nhắc tạm ngừng hay giải thể, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc duy trì kinh doanh nếu còn khả năng và để đánh giá được tiêu chí đó thì sức khoẻ tài chính doanh nghiệp sẽ là một điểm mà chủ doanh nghiệp nên cân nhắc. Lựa chọn sử dụng các phần mềm công nghệ như ​phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt tình hình tài chính doanh nghiệp tức thời với hệ thống báo cáo tổng quan và hệ thống chỉ số tài chính doanh nghiệp. Quý chủ doanh nghiệp có thể đăng ký nhận tư vấn miễn phí ngay hôm nay để nắm được các tính năng hỗ trợ quản trị của phần mềm kế toán online MISA AMIS.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Giàu

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả