Tài chính xanh là gì? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tiếp cận nguồn vốn từ tài chính xanh?

27/09/2024
76

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường ngày càng gia tăng, tài chính xanh đã trở thành một trong những khái niệm quan trọng trong phát triển bền vững. Tài chính xanh không chỉ đơn thuần là việc đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường mà còn là công cụ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, nâng cao uy tín và thu hút nguồn vốn mới. Đặc biệt, tại Việt Nam, mục tiêu phát triển bền vững đã được Chính phủ đưa vào kế hoạch hành động quốc gia, việc nắm bắt và khai thác tài chính xanh sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn đóng góp vào sự bền vững của nền kinh tế. 

1. Tài chính xanh là gì?

Tài chính xanh là khái niệm chỉ các hoạt động tài chính hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp và sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tài chính xanh không chỉ tập trung vào việc tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh, bảo vệ rừng, ứng phó biến đổi khí hậu… mà còn bao gồm các hoạt động hướng tới phát triển các công nghệ và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Tài chính xanh là gì?

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tài chính xanh giúp các quốc gia và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển bền vững.

Theo UNEP, tài chính xanh nhằm tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận tới các ưu tiên phát triển bền vững. Một phần quan trọng của việc này là quản lý tốt hơn các rủi ro môi trường và xã hội, nắm bắt các cơ hội mang lại cả tỷ suất lợi nhuận và lợi ích môi trường hợp lý, đồng thời mang lại trách nhiệm giải trình cao hơn.

Tài chính xanh có thể được thúc đẩy thông qua những thay đổi trong khung pháp lý của các quốc gia, hài hòa hóa các khuyến khích tài chính công, tăng cường tài chính xanh từ các lĩnh vực khác nhau, liên kết việc ra quyết định tài trợ của khu vực công với khía cạnh môi trường của các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực sạch và công nghệ xanh, tài trợ cho nền kinh tế xanh dựa trên tài nguyên thiên nhiên bền vững và nền kinh tế xanh thông minh về khí hậu, tăng cường sử dụng trái phiếu xanh…

>> Xem thêm: Tín chỉ carbon là gì? Thị trường carbon hoạt động ra sao? Thực trạng thị trường carbon tại Việt Nam hiện nay

2. Tầm quan trọng và lợi ích của tài chính xanh

2.1. Đối với doanh nghiệp

Cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi: Doanh nghiệp cam kết thực hiện các dự án bảo vệ môi trường thường nhận được các khoản vay hoặc đầu tư với lãi suất thấp hơn từ các ngân hàng xanh hoặc các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF).

Gia tăng uy tín và sức cạnh tranh: Doanh nghiệp thực hiện tốt các cam kết về môi trường sẽ được đánh giá cao hơn trong mắt đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, giúp tăng uy tín thương hiệu và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Giảm rủi ro pháp lý và chính sách: Các quy định về bảo vệ môi trường đang ngày càng thắt chặt, nên doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn xanh có thể giảm thiểu rủi ro pháp lý, tránh bị phạt nặng do vi phạm.

Tầm quan trọng và lợi ích của tài chính xanh
Các doanh nghiệp cam kết thực hiện các dự án bảo vệ môi trường thường nhận được các khoản vay hoặc đầu tư từ nguồn vốn tài chính xanh với lãi suất thấp hơn từ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)…

2.2. Đối với nền kinh tế

Thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Các dự án tài chính xanh khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế mà không gây hại đến môi trường.

Giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu: Đầu tư vào các dự án xanh sẽ giúp nền kinh tế giảm phát thải, hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm thiểu các rủi ro từ biến đổi khí hậu như bão, hạn hán và lũ lụt.

2.3. Đối với môi trường

Bảo vệ hệ sinh thái: Tài chính xanh hỗ trợ các dự án bảo tồn, phát triển rừng, quản lý nước sạch và xử lý chất thải, giúp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Giảm thiểu ô nhiễm: Các dự án giảm phát thải khí nhà kính và năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất và nước.

2.4. Đối với xã hội

Cải thiện chất lượng sống: Các dự án tài chính xanh tạo ra môi trường sống sạch hơn, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu chi phí y tế.

Tạo ra việc làm mới: Nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ xanh, năng lượng tái tạo đang nổi lên và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

3. Những loại hình và công cụ của tài chính xanh

Tài chính xanh bao gồm nhiều loại hình và công cụ tài chính khác nhau, được áp dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam. Các loại hình và công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thị trường tài chính với các mục tiêu bền vững và chuyển đổi sang một nền kinh tế có trách nhiệm với môi trường và hòa nhập xã hội hơn.

Các loại hình và công cụ tài chính xanh.

Trái phiếu xanh (Green Bonds): Trái phiếu xanh là chứng khoán nợ do chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức tài chính phát hành để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Số tiền thu được từ các trái phiếu này được dành cho các dự án xanh cụ thể, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nâng cấp hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc các sáng kiến ​​giao thông bền vững. 

Theo báo cáo của BSC Vietnam, tính riêng trong năm 2023, tổng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu đạt khoảng 950 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó và tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong tài chính bền vững toàn cầu. Riêng thị trường Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh từ năm 2019 đến năm 2023, trở thành thị trường lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, sau Singapore​. 

Khoản vay xanh (Green Loans): Khoản vay xanh tương tự như trái phiếu xanh nhưng mang hình thức cho vay hơn là trái phiếu. Các khoản vay này được cung cấp bởi các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường hoặc đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững hoặc xây dựng công trình xanh.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các loại hình dự án trên. Ở Việt Nam, một số ngân hàng đã và đang cung cấp các khoản vay xanh như BIDV, Agribank, Vietcombank…

Quỹ đầu tư bền vững (Sustainable Investment Funds): Đây là các quỹ đầu tư hoặc quỹ giao dịch trao đổi (ETF) tập trung vào cổ phiếu của các công ty tham gia vào các ngành hoặc ngành kinh doanh bền vững với môi trường, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Các nhà đầu tư có thể tham gia tài chính xanh bằng cách mua cổ phần của các quỹ này.

Quỹ đầu tư tác động: Quỹ đầu tư tác động phân bổ vốn cho các dự án và doanh nghiệp nhằm tạo ra cả lợi nhuận tài chính và tác động tích cực đến xã hội hoặc môi trường. Những quỹ này có thể bao gồm nhiều lĩnh vực, từ năng lượng sạch đến nhà ở giá rẻ và nông nghiệp bền vững.

Trái phiếu và khoản vay liên kết bền vững: Các công cụ tài chính này gắn liền với các mục tiêu hoạt động bền vững cụ thể hoặc các chỉ số hoạt động chính (KPI). Nếu tổ chức phát hành đáp ứng các mục tiêu bền vững được xác định trước, lãi suất hoặc điều khoản trả nợ có thể được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người đi vay.

Chứng chỉ và bảo đảm xanh: Những công cụ tài chính này chứng nhận hoặc đảm bảo các thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dự án. Ví dụ: Renewable Energy Certificates (RECs) thể hiện lợi ích môi trường của việc sản xuất năng lượng tái tạo.

Đền bù và tín chỉ carbon: Mặc dù không phải là các công cụ tài chính truyền thống, đền bù và tín chỉ carbon là cơ chế để đầu tư vào các dự án giảm phát thải hoặc mua tín dụng để bù đắp lượng khí thải carbon. Chúng thường được các công ty và cá nhân sử dụng để bù đắp lượng khí thải carbon của họ.

Sản phẩm bảo hiểm xanh: Một số công ty bảo hiểm đưa ra các chính sách khuyến khích hành vi có trách nhiệm với môi trường, chẳng hạn như giảm phí bảo hiểm cho chủ sở hữu xe hybrid hoặc xe điện hoặc giảm giá cho các biện pháp canh tác bền vững.

Thế chấp xanh: Các khoản cho vay mua nhà cung cấp các điều khoản và điều kiện thuận lợi cho những người vay mua nhà tiết kiệm năng lượng hoặc thực hiện cải tạo thân thiện với môi trường. Những khoản thế chấp này thường cung cấp lãi suất thấp hơn hoặc giảm phí.

Tài chính vi mô xanh: Các tổ chức tài chính vi mô cung cấp các khoản vay nhỏ cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ tham gia vào các hoạt động bền vững về môi trường, chẳng hạn như canh tác hữu cơ hoặc phân phối năng lượng sạch.

4. Thực trạng thị trường tài chính xanh ở Việt Nam

Tại Việt Nam, tài chính xanh đang trong giai đoạn phát triển nhưng vẫn gặp nhiều thách thức. Một số điểm nổi bật:

Chính sách và quy định: Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và Chương trình Hành động về Tăng trưởng Xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, cơ chế và khung pháp lý cho tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện.

Nguồn vốn xanh còn hạn chế: Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và các khoản vay xanh vẫn chưa phổ biến. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài đang gia tăng sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thách thức về nhận thức: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tài chính xanh và vai trò của nó trong việc phát triển bền vững. Điều này làm hạn chế sự tham gia của họ vào các chương trình tài chính xanh.

4.1. Quy mô thị trường 

Về quy mô, thị trường tài chính xanh của Việt Nam, mặc dù đang phát triển, vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Việt Nam hiện là quốc gia phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong khối ASEAN, chỉ đứng sau Singapore.

Thực trạng thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Hiện quy mô thị trường tài chính xanh Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.

Những sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam thường tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng bền vững và bảo vệ môi trường. Các tổ chức tài chính tiên phong trong việc phát hành khaonr vay/trái phiếu xanh tại Việt Nam đó là BIDV, Agribank, Vietcombank… Trong năm 2023, BIDV đã phát hành 2.500 tỷ VND (tương đương 100 triệu USD) trái phiếu xanh. 

4.2. Khó khăn và thách thức

Hành lang pháp lý còn nhiều rào cản: Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và Chương trình Hành động về Tăng trưởng Xanh đến năm 2030, tuy nhiên, cơ chế và khung pháp lý cho tài chính xanh hiện này vẫn chưa hoàn thiện và còn không ít rào cản. 

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC hướng dẫn việc phát hành trái phiếu xanh với một số ưu đãi nhất định, nhưng thị trường vẫn thiếu danh mục phân loại chính thức cho các dự án xanh​.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hơn chính sách pháp lý trong việc đánh giá và chứng nhận các dự án xanh để tránh việc dán nhãn xanh mà không có cơ sở. 

Hạn chế về năng lực quản lý: Việc triển khai các dự án tài chính xanh còn gặp khó khăn về khả năng quản lý và đánh giá các tiêu chí môi trường. Thiếu một hệ thống đánh giá rủi ro môi trường chuẩn khiến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc xác định và quản lý các dự án xanh​. 

Khó khăn thu hút vốn: Việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế cho các dự án xanh vẫn còn hạn chế do thiếu sự minh bạch và cơ sở dữ liệu về những dự án này. Các nhà đầu tư quốc tế thường yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

4.3. Tiềm năng của thị trường

Với sự gia tăng của các dự án năng lượng tái tạo và nhu cầu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, các dự án năng lượng mặt trời, điện gió và giao thông bền vững là những lĩnh vực tiềm năng​. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam cần khoảng 81 tỷ USD đầu tư vào công nghệ và giải pháp giảm thiểu phát thải​. 

Hiện, dự án Nhiệt điện Phong Điền 2 ở tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện là dự án có nguồn vốn tài chính xanh lớn nhất đã được giải ngân tính đến nay. Dự án nhận được tài trợ từ Quỹ Khí hậu Xanh với tổng giá trị 100 triệu USD. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia nhằm phát triển năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch​. 

Mặc dù còn nhiều thách thức, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam có tiềm năng lớn với nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án xanh ngày càng tăng. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý và thu hút đầu tư quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững trong tương lai.

5. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để huy động vốn từ Tài chính xanh?

Để huy động thành công vốn từ các nguồn tài chính xanh, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện một số bước sau:

Doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận vốn từ tài chính xanh?

5.1. Nâng cao nhận thức và xây dựng chiến lược xanh

Các doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc về tài chính xanh là nguồn vốn được huy động để tài trợ cho các dự án có lợi ích môi trường, giúp giảm thiểu khí thải, bảo vệ hệ sinh thái, và thúc đẩy phát triển bền vững. Ví dụ, Vinamilk, một trong những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, đã nhận thức được vai trò quan trọng của phát triển bền vững và đưa ra chiến lược sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ nguồn nước và phát triển vùng nguyên liệu xanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thiết lập các mục tiêu và cam kết dài hạn về bảo vệ môi trường. 

5.2. Đầu tư vào công nghệ và quy trình thân thiện với môi trường

Cải tiến quy trình sản xuất: Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng như xi măng, thép cần đầu tư vào các hệ thống xử lý khí thải, nước thải và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Ví dụ, Công ty Xi măng Hà Tiên đã đầu tư vào hệ thống quản lý chất thải và chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu thay thế để giảm phát thải CO2.

Ứng dụng công nghệ mới: Các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống có thể áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải. Ví dụ, Heineken Việt Nam đã trở thành một hình mẫu khi toàn bộ các nhà máy của họ đạt được mục tiêu không xả thải vào môi trường.

5.3. Xây dựng hồ sơ ESG và chứng nhận xanh

Chứng nhận ESG: Các doanh nghiệp cần tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Ví dụ, Vingroup đã triển khai các dự án phát triển nhà ở theo tiêu chuẩn xanh với chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) cho một số tòa nhà của mình, giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng nhận ISO: Các doanh nghiệp có thể đạt các tiêu chuẩn như ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường. Việc có các chứng nhận quốc tế không chỉ giúp tăng cường uy tín mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn từ các quỹ tài chính xanh. Ví dụ, Sơn Hà International đã nhận chứng nhận ISO 14001 và triển khai hệ thống quản lý môi trường để tối ưu hoá việc sản xuất và giảm thiểu tác động tới môi trường.

5.4. Kết nối với các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư xanh

Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính xanh: Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các ngân hàng, quỹ đầu tư xanh trong nước và quốc tế, như BIDV, Vietcombank, Agribank… 

Tham gia các diễn đàn tài chính bền vững: Các doanh nghiệp cần tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về tài chính xanh để mở rộng mạng lưới và thu hút đầu tư. Các diễn đàn như Vietnam Green Finance Summit… là cơ hội tốt để các doanh nghiệp kết nối với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính lớn.

5.5. Đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự

Đào tạo đội ngũ quản lý dự án xanh: Các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên về quản lý các dự án xanh và quản trị ESG. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều chương trình đào tạo về phát triển bền vững và quy trình quản lý môi trường cho đội ngũ quản lý và kỹ thuật viên tại các nhà máy điện.

Hợp tác với các tổ chức đào tạo: Các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức chuyên về phát triển bền vững để thực hiện các khóa đào tạo và nâng cao nhận thức về tài chính xanh.

Với việc sử dụng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài chính xanh và thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS.

– Tự động hóa quy trình và quản lý ESG: MISA AMIS cung cấp các công cụ quản lý Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) tích hợp. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, báo cáo các hoạt động liên quan đến ESG, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh quốc tế như ISO 14001. Khi có sẵn dữ liệu minh bạch và báo cáo rõ ràng, doanh nghiệp có thể dễ dàng chứng minh tính bền vững, thu hút các nhà đầu tư tài chính xanh.

– Tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính và dòng tiền: MISA AMIS cung cấp các giải pháp quản trị tài chính thông minh, giúp các doanh nghiệp theo dõi và tối ưu hóa chi phí liên quan đến các dự án xanh, từ đó dễ dàng lập kế hoạch tài chính và trình bày rõ ràng về sự khả thi của dự án đối với các tổ chức tài chính xanh. Với tính năng quản lý tài chính hiệu quả, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng các nguồn vốn huy động được sử dụng hợp lý, một yếu tố quan trọng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

– Hỗ trợ kết nối và hợp tác: Nền tảng MISA AMIS tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước thông qua hệ sinh thái công nghệ hiện đại. Việc kết nối với các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư xanh và các tổ chức chứng nhận ESG trở nên dễ dàng hơn, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và triển khai các dự án bền vững.

– Nâng cao hiệu quả vận hành và quản trị rủi ro: MISA AMIS giúp doanh nghiệp cải thiện quy trình quản lý, tối ưu hóa hiệu suất vận hành và giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội. Bằng cách áp dụng công nghệ số và các giải pháp quản lý thông minh, doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt hơn các tác động tiêu cực, từ đó tăng cơ hội nhận được chứng nhận xanh và tiếp cận các quỹ tài chính xanh.

Dùng thử miễn phí

6. Kết luận

Có thể thấy, tài chính xanh không chỉ là một xu thế, mà còn là một yêu cầu thiết yếu trong thời đại hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để tiếp cận được nguồn vốn từ tài chính xanh yêu cầu các doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy và chiến lược kinh doanh, tập trung vào phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. 

Các doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ mới, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, và hợp tác với các tổ chức tài chính để tiếp cận các nguồn vốn xanh, đồng thời tăng cường đào tạo nhân sự để tối ưu hóa các cơ hội phát triển trong tương lai. Chỉ khi làm được điều này, doanh nghiệp mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của tài chính xanh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả