Lạm phát cao là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, việc quản lý doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Những biến động về giá cả, chi phí đầu vào, sức mua của người tiêu dùng đều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần có những chiến lược quản trị phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển.
1. Tỷ lệ lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng mức giá chung liên tục của hàng hoá, dịch vụ theo thời gian và là sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó theo kinh tế vĩ mô. Đây là một hình thức phản ánh sự suy giảm sức mua của người dân trên một đơn vị tiền tệ.
Ví dụ:
Trước đây với 100.000 đồng, bạn có thể mua được 1kg thịt ba chỉ heo. Nhưng nay giá 1kg thịt ba chỉ heo đã tăng lên 140.000 đồng. Như vậy, với 100.000 đồng, bạn chỉ mua được khoảng hơn 7 lạng thịt ba chỉ heo. Điều này cho thấy giá thịt heo đã tăng, đồng nghĩa với việc tiền của bạn đã mất giá trị.
Lạm phát phải được tính trong thời gian dài, chứ không phải trong thời gian ngắn theo ngày, tuần… Chẳng hạn những dịp lễ Tết, phần lớn thực phẩm đều tăng giá như thịt lợn, gà, thủy hải sản, rau củ, trái cây… Việc này chỉ mang tính thời điểm ngắn hạn, sau đó giá cả lại trở về mặt bằng như cũ. Đây không được gọi là lạm phát. Lạm phát là giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng đều đặn và ổn định trong một thời gian đủ dài, chứ không phải tăng lên rồi lại giảm xuống một cách thất thường như vậy.
Nếu hôm nay bạn thấy thịt lợn lên giá nhưng thịt gà lại giảm giá thì lạm phát trong trường hợp này là lên hay xuống? Để trả lời cho câu hỏi này thì bạn phải nhớ rằng: lạm phát được tính bình quân dựa vào rất nhiều mặt hàng. Thế nên nếu chỉ 1, 2 mặt hàng tăng hoặc giảm giá thì không thể kết luận rằng lạm phát lên hay xuống được.
Mức độ lạm phát được đo lường bằng tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ phần trăm gia tăng trong mức giá chung của kỳ này so với kỳ trước. Nó cho thấy mức độ lạm phát của nền kinh tế. Thông thường, người ta tính tỷ lệ lạm phát dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giảm phát GDP. Tỷ lệ lạm phát có thể được tính cho một tháng, một quý, nửa năm hay một năm
Hiện nay, lạm phát được phân loại dựa trên tỷ lệ lạm phát và có thể được chia thành 03 mức độ như sau:
1.1. Lạm phát tự nhiên
– Có tỷ lệ lạm phát từ 0 – 10%/năm.
– Ở mức độ này, các hoạt động của nền kinh tế vẫn sẽ được hoạt động bình thường, ít gặp rủi ro và đời sống của người dân vẫn diễn ra ổn định.
1.2. Lạm phát phi mã
– Có tỷ lệ lạm phát từ 10% – dưới 1000%/năm.
– Khi lạm phát ở mức độ này, nền kinh tế của một quốc gia sẽ bị biến động nghiêm trọng; đồng tiền cũng bị mất giá trầm trọng khiến thị trường tài chính bị phá vỡ.
1.3. Siêu lạm phát
– Đây là tình trạng lạm phát vô cùng nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát trên 1000%/năm.
– Khi xảy ra siêu lạm phát, nền kinh tế của quốc gia này sẽ lâm vào tình trạng rối loạn, thảm hoạ và khó khôi phục lại như tình trạng bình thường.
2. Cách tính tỷ lệ lạm phát
Thông thường, tỷ lệ lạm phát được tính dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giảm phát GDP.
2.1. Tính tỷ lệ lạm phát dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Để tính lạm phát của một quốc gia thì sẽ cần đến hơn 600 loại hàng hóa khác nhau. Vì vậy, để đơn giản hơn nhà nước sẽ chọn ra những loại hàng hóa mang tính thiết yếu, được nhiều người dân thường xuyên sử dụng để tính ra một loại chỉ số. Chỉ số này được gọi là chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ta có công thức tính lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng như sau:
Giả sử chỉ số CPI năm 2019 và 2020 lần lượt là 98 và 105. Như vậy, áp dụng công thức trên, ta có tỷ lệ lạm phát năm 2020 so với năm 2019 là:
(105 / 98) x 100 = 7,14%
2.2. Tính tỷ lệ lạm phát dựa theo chỉ số giảm phát GDP
Ngoài cách tính lạm phát bằng CPI như trên, ta còn có thể tính lạm phát dựa theo chỉ số giảm phát GDP theo công thức sau:
Ví dụ, tính tỷ lệ lạm phát năm 2020 so với năm 2019.
Công thức:
Giả sử chỉ số giảm phát GDP năm 2020 và năm 2019 lần lượt là 98 và 105.
Như vậy, tỷ lệ lạm phát năm 2020 so với năm 2019 sẽ là: [(105 – 98) / 98] x 100 = 7,14%.
3. Các nguyên nhân dẫn đến lạm phát
3.1. Lạm phát do cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo được hiểu là khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên, sẽ kéo theo giá cả cũng tăng. Đồng thời dẫn đến giá cả của hàng loạt hàng hóa khác cũng “leo thang”.
Ví dụ giá xăng tăng kéo theo giá thịt lợn tăng, giá nông sản tăng, giá phân bón tăng, giá vận tải…
3.2. Lạm phát do chi phí đẩy
Chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc, thuế… Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố đầu vào tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên từ đó tạo ra lạm phát.
Ví dụ: Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina diễn ra, khiến cho giá các loại nông sản như: lương thực, bông; thức ăn chăn nuôi; phân bón; kim loại công nghiệp; sắt thép xây dựng tăng cao dẫn tới lạm phát.
3.3. Lạm phát do cầu thay đổi
Xảy ra khi một mặt hàng tăng giá sẽ kéo theo mặt hàng thay thế cũng tăng giá theo, từ đó xảy ra lạm phát gia tăng do giá hàng hóa thay thế tăng.
Ví dụ: Giá dầu khi tăng cao, từ đó giá cao su nhân tạo tăng, nó sẽ khiến cầu về cao su thiên nhiên tăng từ đó khiến giá cao su thiên nhiên cũng tăng theo.
3.4. Lạm phát do xuất khẩu
Khi xuất khẩu tăng, dẫn tới tổng cầu tăng cao hơn tổng cung (thị trường tiêu thụ lượng hàng nhiều hơn cung cấp), khi đó sản phẩm được thu gom cho xuất khẩu khiến lượng hàng cung cho thị trường trong nước giảm (hút hàng trong nước) khiến tổng cung trong nước thấp hơn tổng cầu. Khi tổng cung và tổng cầu mất cân bằng sẽ gây ra lạm phát.
Ví dụ: Do nhu cầu sản xuất chip tăng mạnh trên thế giới khiến cầu phốt pho tăng mạnh, từ đó xuất khẩu phốt pho tăng khiến giá phốt pho tăng cao ở trong nước.
3.5. Lạm phát do nhập khẩu
Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng (do thuế nhập khẩu tăng hoặc do giá cả trên thế giới tăng) thì giá bán sản phẩm đó trong nước sẽ phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát.
Ví dụ: Giá than thế giới đã tăng gấp 2 lần vào đầu năm 2022 từ đó khiến cho giá sản phẩm từ than nhập khẩu đã tăng rất mạnh.
3.6. Lạm phát do chính sách tiền tệ
Xảy ra khi lượng tiền lưu hành trong nền kinh tế tăng rất mạnh, trong khi đó tổng sản phẩm sản xuất ra tăng thấp hơn nhiều khiến lạm phát tăng cao.
Ví dụ: Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 Việt Nam cung tiền ra thị trường tăng lên đến 30%-40%, trong khi đó GDP chỉ tăng mỗi năm từ 5-7%, từ đó khiến cho lạm phát năm 2011 tăng phi mã với gần 20%.
4. Các đặc điểm nổi bật của quá trình lạm phát
Thứ nhất, khi lạm phát thiết lập ở mức thấp, nó chủ yếu phản ánh những thay đổi của giá cả theo ngành và thể hiện một số tính chất tự cân bằng nhất định. Những thay đổi của lạm phát trở nên ít nhạy cảm hơn với các cú sốc giá tương đối, và mối quan hệ giữa tiền lương và giá cả là khá lỏng lẻo. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy chế độ lạm phát thấp ít tác động đến lập trường chính sách tiền tệ hơn.
Thứ hai, sự chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao có xu hướng tự củng cố. Khi lạm phát tăng lên, nó tự nhiên trở thành tâm điểm của các tác nhân kinh tế và gây ra những thay đổi hành vi có xu hướng kéo theo nó, đặc biệt là thông qua ảnh hưởng đến động lực tiền lương và giá cả.
Sự chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang chế độ lạm phát cao vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 cho thấy một số nhân tố tác động. Chúng bao gồm các đợt tăng giá tương đối lớn và liên tục – đặc biệt là giá dầu – trong bối cảnh nhu cầu theo chu kỳ tăng mạnh và trong môi trường có lợi về mặt cấu trúc cho các vòng xoáy giá – tiền lương, tức là, quyền lực định giá cao của lao động và doanh nghiệp cùng với việc mất neo tiền tệ do hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971.
Thứ ba, chính sách tiền tệ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì một chế độ lạm phát thấp và tránh chuyển đổi sang chế độ lạm phát cao. Một khi chế độ lạm phát thấp được thiết lập, chính sách tiền tệ có thể linh hoạt hơn và phát huy tính hiệu quả lâu hơn, nếu lạm phát vừa phải, có thể chấp nhận những sai lệch so với mục tiêu. Khi chính sách tiền tệ có sự tin tưởng cao thì có thể thu được nhiều ích lợi.
Đồng thời, chính sách tiền tệ phải đảm bảo rằng chế độ lạm phát thấp không bị đe dọa. Bởi vì, chi phí đưa lạm phát trở lại trong tầm kiểm soát có thể rất cao. Việc điều chỉnh chính sách để ngăn chặn quá trình chuyển đổi từ chế độ lạm phát thấp sang lạm phát cao là một thách thức không hề nhỏ.
5. Các tác động của lạm phát
5.1. Tích cực
Nếu duy trì lạm phát ở mức 2-5% sẽ là rất tốt cho nền kinh tế các nước phát triển và 10% với các nước đang phát triển bởi nó đem lại một số lợi ích như:
– Kích thích tiêu dùng trong nước, đầu tư giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
– Cho phép chính phủ có nhiều lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc.
5.2. Tiêu cực
– Khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, để cho lãi suất ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải tăng lên theo tỷ lệ lạm phát. Việc tăng lãi suất danh nghĩa làm suy thoái kinh tế và thất nghiệp gia tăng…
– Lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người lao động bởi vì lạm phát tăng cao trong khi thu nhập không đổi đã làm thu nhập thực tế giảm xuống…
– Ngoài ra lạm phát còn gây tác động xấu đến nền kinh tế như: Gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, suy thoái nền kinh tế, đời sống nhân dân trở nên khó khăn hơn, tác động tới thị trường chứng khoán…
6. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam qua các năm
Năm 2008
Năm 2008, lạm phát ở Việt Nam đạt mức kỷ lục 19,9%. Nguyên nhân chính là do giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tăng cao. Giá xăng dầu tăng vọt, giá lương thực lên cao do ảnh hưởng của việc giá nhiên liệu và các yếu tố thời tiết bất lợi. Điều này dẫn đến áp lực lạm phát gia tăng.
Trong bối cảnh lạm phát cao, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Sức mua của người tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đầu tư và tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp như tăng lãi suất, siết chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát.
Tuy gặp nhiều thách thức, nhưng nhờ những nỗ lực của Chính phủ và người dân, đến cuối năm 2008 lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm dần.
Giai đoạn 2009 – 2011
Mặc dù lạm phát giảm hơn trong các năm 2009 và 2010 nhưng tới năm 2011, lạm phát lại tăng cao phi mã, trung bình năm chạm mốc 18,58%.
Giai đoạn 2011 – 2015
Trong giai đoạn này, các chính sách kinh tế được áp dụng một cách hài hòa. Cụ thể, các chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, gia tăng sản xuất, khuyến khích xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu… Nhờ đó tác động tích cực lên nền kinh tế và giảm lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát đạt giai đoạn này ở mức thấp kỷ lục 0,63% năm 2015. 0,63% là một con số đáng kinh ngạc, một mức lạm phát thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tính toán mức lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh dẫn đến mức tỷ lệ lạm phát năm 2015 đạt mức xuống thấp.
Giai đoạn 2016 – 2020
Nền kinh tế được điều hành chặt chẽ nên tỷ lệ lạm phát luôn ổn định ở mức 4%. Năm 2020 là năm đại dịch Covid – 19 có những chuyển biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Giai đoạn 2021 – 2023
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine và những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19, lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Với mức lạm phát 1,84%, Việt Nam đang là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát cao toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số ít những quốc gia có mức lạm phát trung bình 4-6%. Năm 2023, tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở mức 3,25%, đạt mục tiêu được đề ra.
TẢI MIỄN PHÍ EBOOK: TRỌN BỘ 20+ TÀI LIỆU CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ KINH DOANH TOÀN DIỆN
7. Kinh nghiệm ứng phó và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát cao
Hiện thông tin về cuộc bầu của Tổng thống Mỹ đang gây thu hút trên toàn thế giới. Theo hãng tin CNBC, các nhà phân tích cảnh báo rằng, nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, lạm phát toàn cầu có thể bùng lên mạnh mẽ, bởi chính sách nước Mỹ trên hết của ông Trump sẽ đẩy giá cả tăng cao trên khắp thế giới.
Chủ trương kinh tế với thuế quan cao và thuế trong nước thấp – vốn đã là những nét đặc trưng trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Trump – là những chính sách gây hiệu ứng lạm phát. Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng những chính sách như vậy sẽ càng khiến lạm phát “nóng” hơn ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn đang tồn tại trong nền kinh tế nước Mỹ và thế giới.
Với tình hình trong nước, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới vẫn đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Bên cạnh đó, tỷ giá đô la Mỹ tăng trong một thời gian dài qua càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Ngoài ra, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 được dự báo cũng sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng lên.
Tình trạng lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ theo hướng tiêu cực tới các doanh nghiệp, cụ thể:
– Chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao, giá nguyên vật liệu, năng lượng, vận chuyển, kho vận tăng lên, làm tăng đáng kể chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
– Tiền lương, chi phí nhân công cũng tăng theo, gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
– Sức mua của người tiêu dùng suy giảm: Lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên mua các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm sút.
– Khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng: Lãi suất tăng cao, các điều kiện vay vốn ngày càng khắt khe hơn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư và bổ sung vốn lưu động.
– Tổn thất do hàng tồn kho, nợ phải thu: Giá cả biến động mạnh, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ do giá trị hàng tồn kho giảm sút. Khách hàng khó khăn trong thanh toán, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Trước những tác động tiêu cực trên, việc ứng phó với lạm phát hoặc nguy cơ lạm phát cần được đề cao hơn bao giờ hết trong công tác quản trị doanh nghiệp hiện nay. Trên thực tế, trải qua các thời kỳ lạm phát trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động tìm ra những giải pháp sáng tạo, linh hoạt để ứng phó, vượt qua thách thức, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, năm 2008 là năm tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam tăng cao nhất, trung bình năm ở mức 19,9%. Vào giai đoạn lạm phát phi mã năm 2008, chia sẻ trên báo chí về kinh nghiệm quản trị và những công việc thực tiễn để ứng phó với lạm phát, ông Mai Huy Tân, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt cho biết, đối với doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng mạnh nhất của lạm phát là sự tăng giá ngoài dự đoán và ngoài kiểm soát của nguyên vật liệu đầu vào.
Thời điểm đó, giá thịt lợn hơi, nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các sản phẩm của Đức Việt đã tăng rất cao trong một thời gian dài. Không đồng ý với kịch bản tạm ngừng sản xuất để chờ qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, Đức Việt đã phải tìm đến những nguồn thịt thay thế có giá cạnh tranh hơn được nhập khẩu từ Bắc Mỹ, để tiết giảm chi phí đầu vào, bên cạnh việc đảm bảo nhập trên 50% nguyên liệu sản xuất từ các nông trại trong nước.
Trong hệ thống phân phối, Đức Việt đã áp dụng chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, tăng tỷ lệ chiết khấu và thưởng để rút ngắn thời hạn thanh toán từ các nhà phân phối và đại lý để đẩy nhanh quay vòng vốn lưu động, giảm mức độ lệ thuộc của doanh nghiệp vào nguồn vốn vay ngân hàng, vì lãi suất ngân hàng thời điểm đó rất cao.
Ðức Việt cũng đã điều chỉnh các giải pháp quản trị để thích ứng với tình hình lạm phát. Công ty xây dựng nguồn dự phòng để ứng phó kịp thời khi tỷ giá ngoại tệ thay đổi, bảo đảm khả năng thanh toán kể cả bằng ngoại tệ, tạm dừng dự án đầu tư mới, giãn tiến độ Dự án sản xuất phụ kiện cho công nghiệp thực phẩm, tập trung sản xuất, tăng trưởng nhóm sản phẩm chủ lực, mở rộng nhóm thực phẩm chế biến bằng đầu tư chiều sâu với số vốn ít nhưng tăng nhanh doanh thu như các mặt hàng salami, xúc-xích mới, nem đặc biệt.
Cũng trong thời kỳ lạm phát phi mã năm 2008, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín – doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến thức ăn gia súc đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp quản trị – điều hành doanh nghiệp giúp doanh thu không những không bị giảm mà còn tăng mạnh vượt bậc. Ông Bùi Ðức Huyên, Giám đốc Công ty cho biết, thời điểm đó, giá nguyên liệu trong nước và nhập khẩu tăng từ 50% đến 100%, có loại giá tăng đột biến tới 300%. Trong khó khăn, công ty phải điều chỉnh lại mục tiêu để phù hợp với tình hình mới, dừng đầu tư những hạng mục chưa sinh lời, để tập trung vốn cho sản xuất. Những công trình, dự án tạm dừng sẽ được triển khai đầu tư vào những năm tiếp theo khi có điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, Việt Tín không thu hẹp quy mô, hoặc ngừng sản xuất như phần đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường lúc ấy. Ngược lại, công ty tập trung quan tâm việc phát triển thị trường, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, phát triển hệ thống, mạng lưới phân phối lên hơn 100 đại lý ở 18 tỉnh, thành phố phía bắc. Nhờ đó, doanh thu của công ty tăng nhanh, từ 400 triệu đồng (tháng 2/2008) lên hơn 10 tỷ đồng (tháng 6/2008).
Là doanh nghiệp loại vừa và nhỏ, Công ty Cổ phần Sơn Châu Á thận trọng tính toán kỹ trong các bước đầu tư phát triển. Trước khó khăn do lạm phát tăng cao trong năm 2008, đơn vị điều chỉnh hoạt động đầu tư, thực hiện các giải pháp quản trị phù hợp.
Cụ thể, công ty tạm dừng việc đầu tư dài hạn, chuyển nhượng hoặc liên doanh thực hiện những dự án có số vốn đầu tư lớn, cắt giảm tối đa chi phí quản lý, tập trung sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có lợi nhuận cao, duy trì mức dự trữ hợp lý ở các khâu của sản xuất, lưu thông.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến khích nhà phân phối thanh toán nhanh, thực hiện mọi biện pháp để tối ưu sự luân chuyển của dòng vốn, giảm bớt lệ thuộc tín dụng ngân hàng, khai thác hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược để hạn chế khó khăn về vốn, vật tư, nguyên liệu. Sơn Châu Á cũng từng bước xây dựng, hoàn thiện nền quản trị chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với công tác quản trị nhân sự, từng bước phát triển doanh nghiệp thành một trong những đơn vị hàng đầu của ngành sản xuất sơn.
Từ chia sẻ của các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp trên báo chí và truyền thông, có thể tóm gọn những giải pháp quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát cao giúp các doanh nghiệp có thể “sống khỏe” và tiếp tục phát triển như sau:
– Liên tục cập nhật, phân tích biến động giá cả thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo tình hình lạm phát để có kế hoạch ứng phó.
– Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát cao mang lại.
– Xem xét lại danh mục đầu tư trong kế hoạch ngân sách năm và tái cấu trúc vốn.
– Kiểm soát chi phí chặt chẽ:
-
- Rà soát và cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết.
- Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí đầu vào.
- Thương lượng với nhà cung cấp để được giá tốt hơn.
– Đa dạng hóa nguồn cung ứng:
-
- Tìm kiếm và phát triển nhiều nguồn cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa thay thế, dự phòng.
- Ưu tiên các nguồn cung ứng trong nước để hạn chế rủi ro từ biến động tỷ giá.
– Quản lý tốt hàng tồn kho:
-
- Dự báo nhu cầu thị trường, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.
- Bán hàng tồn kho kịp thời để tránh tổn thất do giá trị sản phẩm giảm sút.
– Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ:
-
- Phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng.
- Tăng cường bán chéo, bán kèm để gia tăng doanh thu.
– Cải thiện quản trị dòng tiền:
-
- Theo dõi chặt chẽ dòng tiền, đảm bảo thanh khoản.
- Thương lượng điều khoản thanh toán linh hoạt với khách hàng và nhà cung cấp.
- Tối ưu hóa vốn lưu động bằng các biện pháp quản lý nợ phải thu, hàng tồn kho.
– Nâng cao năng lực quản trị: Trang bị kiến thức và kỹ năng quản trị rủi ro cho cán bộ quản lý các cấp, thành lập Hội đồng hoặc đội phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời với thị trường, tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tinh thông nghiệp vụ và đầu tư công nghệ hiện đại hóa sản phẩm.
Một trong những ứng dụng giúp các doanh nghiệp nâng cao và tối ưu công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong các thời kỳ biến động như khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, lạm phát tăng cao… được đánh giá cao hiện nay đó là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Ứng dụng này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn tăng cường khả năng ứng phó với những biến động của thị trường khi tình hình lạm phát tăng cao.
Nền tảng có hơn 250.000 khách hàng tin dùng, hỗ trợ quản trị 4 trụ cột cốt lõi cho doanh nghiệp là Tài chính – Kế toán, Marketing – Bán hàng, Nhân sự và Quản lý – Điều hành. MISA AMIS đem đến cho doanh nghiệp công tác chuyển đổi số toàn diện, vận hành tối ưu, gia tăng năng lực cạnh tranh và đạt được sự tăng trưởng vượt bậc.
Trải nghiệm ngay phần mềm MISA AMIS tại đây:
– Tối ưu hóa chi phí, quản trị tài chính minh bạch
Lạm phát cao khiến chi phí sản xuất và vận hành tăng đột biến, gây áp lực lớn lên lợi nhuận doanh nghiệp. Phần mềm quản lý tài chính doanh nghiệp trong bộ giải pháp MISA AMIS giúp cung cấp công cụ phân tích chi phí chi tiết, giúp doanh nghiệp quản lý hạch toán, dự báo và lập kế hoạch tài chính, quản lý ngân sách hiệu quả, tạo ra các báo cáo và biểu đồ để minh họa hiệu suất tài chính của doanh nghiệp một cách chính xác, kiểm soát và tối ưu hóa chi phí. Công cụ này còn giúp doanh nghiệp theo dõi, quản lý và dự báo dòng tiền một cách chính xác. Điều này cho phép doanh nghiệp lên kế hoạch tài chính hiệu quả, tránh được các rủi ro tài chính không mong muốn.
– Nâng cao năng suất lao động:
Lạm phát có thể làm giảm năng suất lao động do chi phí sinh hoạt tăng cao, sức mua của tiền lương giảm, ảnh hưởng tới tâm lý người lao động và có thể làm giảm động lực, năng suất công việc của họ. Bộ giải pháp MISA AMIS cung cấp các công cụ quản lý nhân sự tiên tiến, giúp doanh nghiệp theo dõi được hiệu suất lao động của nhân sự, xây dựng các chính sách phúc lợi phù hợp, tạo môi trường làm việc tích cực, từ đó nâng cao hiệu suất của cán bộ công nhân viên.
– Quản trị toàn diện và linh hoạt:
Trong thời kỳ lạm phát, doanh nghiệp cần linh hoạt và nhanh nhạy trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và chiến lược kinh doanh. Với khả năng tích hợp quản trị từ tài chính, nhân sự đến vận hành, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp. Điều này giúp ban lãnh đạo đưa ra các chiến lược, quyết định kịp thời và hiệu quả, phù hợp với biến động của thị trường.
– Tăng cường tính cạnh tranh:
Lạm phát cao làm tăng sự cạnh tranh trong ngành, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải thiện năng lực cạnh tranh. MISA AMIS hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tự động hóa quy trình, cải tiến liên tục và thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ giải pháp toàn diện MISA AMIS hiện tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud Computing), giúp doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nhất trên thị trường hiện nay.
8. Kết luận
Lạm phát tăng cao luôn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới từ chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm, dịch vụ cũng như sức mua của người tiêu dùng. Việc dự báo và lên kế hoạch ứng phó trước với lạm phát là rất cần thiết với các doanh nghiệp. Nếu không có các biện pháp quản trị, ứng phó hiệu quả, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính, sản xuất, kinh doanh và có nguy cơ phá sản rất cao.
Bằng việc áp dụng các chiến lược quản trị phù hợp, các doanh nghiệp không những có thể vượt qua được thời kỳ lạm phát cao một cách “êm ấm” mà còn tạo ra những cơ hội mới trong bối cảnh khó khăn, từ đó giúp họ phát triển lớn mạnh và bền vững hơn.