Kiến thức Download mẫu lập kế hoạch kinh doanh

Lập kế hoạch kinh doanh là một công việc quan trọng, cho dù bạn là chủ doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm hay chỉ mới bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp. Mặc dù công việc này thường tốn rất nhiều thời gian nhưng nếu không thực hiện nghiêm túc, chắc chắn thất bại sẽ tìm đến bạn.

Không lập kế hoạch là lập kế hoạch cho thất bại! Câu nói đó không hề sáo rỗng mà thực tế đã chứng mình đó là sự thật.

Một nghiên cứu ở đại học Oregon về lợi ích của việc lập kế hoạch kinh doanh và đây là những gì họ tìm thấy:

• Các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phát triển nhanh hơn 30% so với các doanh nghiệp không có.
• Chủ sở hữu có kế hoạch kinh doanh có khả năng phát triển, nhận đầu tư hoặc đảm bảo các khoản vay cao hơn gấp 2 lần so với những chủ sở hữu không có.
• Các doanh nhân có kế hoạch tăng 129% khả năng phát triển sau giai đoạn khởi nghiệp và tăng 260% khả năng phát triển từ “ý tưởng” thành “doanh nghiệp mới”.

Nhưng có lẽ bằng chứng mạnh mẽ nhất đến từ nghiên cứu tổng hợp của Tạp chí Kinh doanh mạo hiểm gồm 46 nghiên cứu riêng biệt trên 11.046 tổ chức: “Những phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng lập kế hoạch kinh doanh làm tăng hiệu suất của cả các công ty nhỏ mới thành lập và doanh nghiệp nhỏ.

Trong bài viết này, AMIS sẽ trình bày mọi thứ bạn cần để viết nên một kế hoạch kinh doanh thành công, từng bước một biến ý tưởng của bạn thành hiện thực. Thậm chí nếu bạn bị thúc ép về thời gian để thực hiện tuần tự quy trình lập kế hoạch kinh doanh, có thể tải về và sử dụng miễn phí mẫu lập kế hoạch kinh doanh trên word mà chúng tôi sưu tầm và biên soạn được.

Dưới đây là 7 thành phần bắt buộc phải có khi lập kế hoạch kinh doanh kèm những lưu ý và ví dụ về lập kế hoạch kinh doanh cụ thể tại một doanh nghiệp kiến trúc. Hy vọng với những thông tin đầy đủ này, các doanh nghiệp sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình.

1. Tạo một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh (Executive Summary)

Bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh là bản kế hoạch ngắn giải quyết vấn đề hay đề xuất chi tiết trong các tài liệu đính kèm, có thông tin cơ bản, phân tích ngắn gọn và kết luận. Executive Summary thường chỉ dài một đến hai trang giúp các CEO đưa ra quyết định dù không phải xem toàn bộ kế hoạch kinh doanh đó.

Bạn có thể làm theo định dạng “vấn đề, giải pháp” hoặc đơn giản hơn là điền vào chỗ trống.

• Đối với [khách hàng mục tiêu]
• Ai không hài lòng với [giải pháp hiện tại]
• [Sản phẩm hoặc dịch vụ] của chúng tôi giải quyết [các vấn đề chính của khách hàng]
• Không giống như [sản phẩm cạnh tranh], chúng tôi có [các tính năng chính khác biệt]

Ví dụ dưới đây về một doanh nghiệp hư cấu – SAMI sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cách làm bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh.

“Nghiên cứu thị trường cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng giàu có ở Hà Nội quan tâm đến kiến ​​trúc cảnh quan dựa trên thiết kế bền vững. Tuy nhiên, trong khu vực không có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ này. Hiện tại, chỉ có doanh nghiệp hoạt động nhưng cả hai đều không tập trung vào quy hoạch thân thiện với môi trường cũng như không được các tổ chức xanh chứng nhận.

SAMI cung cấp dịch vụ cao cấp, bền vững cho những khách hàng có thu nhập cao và yêu thiên nhiên.”

2. Soạn mô tả công ty (Company Description)

Trong một kế hoạch kinh doanh, mô tả công ty của bạn chứa ba yếu tố: tuyên bố sứ mệnh, lịch sử và mục tiêu.

Tuyên bố sứ mệnh: là lý do tồn tại của doanh nghiệp bạn. Nó không chỉ là những gì bạn làm hoặc những gì bạn bán, mà tuyên bố sứ mệnh phải truyền cảm hứng và cảm xúc. Hãy suy nghĩ về điều gì thúc đẩy bạn, nguyên nhân và kinh nghiệm khiến bạn bắt đầu kinh doanh, các vấn đề bạn giải quyết, các vấn đề xã hội rộng lớn hơn mà bạn quan tâm,…

Mô tả lịch sử của công ty: Đừng lo lắng về việc làm cho lịch sử công ty của bạn trở thành một bản tường thuật dày đặc. Thay vào đó, hãy viết nó giống như bạn viết một hồ sơ chứa các thông tin cơ bản như:
• Ngày thành lập
• Các mốc quan trọng
• Trụ sở chính và các chi nhánh
• Số lượng nhân viên
• Vai trò lãnh đạo điều hành
• Sản phẩm hoặc dịch vụ hàng đầu

Mục tiêu kinh doanh: Đây sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của bạn. Tuy nhiên các mục tiêu này phải thực sự thông minh thể hiện qua việc: cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế và có thời hạn. Hoặc, chúng phải gắn liền với các kết quả chính. Khi mục tiêu của bạn không được xác định rõ ràng, nhân viên và các thành viên trong công ty khó có thể làm việc hướng tới một mục đích chung.

Ví dụ về mô tả công ty SAMI như sau.
“Sứ mệnh của SAMI là thay đổi diện mạo thành phố thông qua việc tạo cảnh quan bền vững và giúp bạn kiến tạo nên không gian sống ngoài trời trong mơ của mình.

Được thành lập vào năm 2019 bởi hai anh Công Minh và Mạnh Hoàng , chúng tôi có hơn 25 năm kinh nghiệm kết hợp cảnh quan với kiến trúc. Hơn 40 nhân viên của chúng tôi ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã hoàn thành mười dự án cho một số nhà lãnh đạo cộng đồng và doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất của thủ đô.

Mục tiêu của chúng tôi trong ba năm tới là:

• Củng cố danh tiếng rực rỡ với tư cách là một doanh nghiệp dựa trên dịch vụ luôn vượt quá mong đợi của khách hàng và tôn vinh môi trường
• Hoàn thành ít nhất 18 dự án trong năm thứ nhất, 24 dự án trong năm thứ hai và 36 dự án trong năm thứ ba được tạo ra thông qua truyền miệng, giới thiệu và trình diễn tại nhà
• Tăng doanh thu từ 360,000 tỷ trong năm tài chính 2020 lên 972,000 tỷ trong năm tài chính 2021 dựa trên mười dự án đã hoàn thành trong chín tháng qua.

Một lưu ý nhỏ là bạn nên thường xuyên xem lại tuyên bố sứ mệnh để đảm bảo nó phù hợp với mục đích của công ty trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

3. Tóm tắt nghiên cứu và tiềm năng thị trường

Bước tiếp theo là phác thảo nên chân dung khách hàng tiềm năng lý tưởng cũng như quy mô thực tế và tiềm năng của thị trường. Thị trường mục tiêu được xác định thông tin nhân khẩu học như: Vị trí địa lý, thu nhập, tuổi tác, giới tính, giáo dục, nghề nghiệp, sở thích,.

Ví dụ về nghiên cứu thị trường và tiềm năng:

Khách hàng lý tưởng của SAMI là những người trẻ giàu có hoặc thành viên của Thế hệ X trong độ tuổi từ 35 đến 65 với thu nhập cao. Chủ nhà thường là nữ giới. Họ là một chuyên gia đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Họ yêu thích hoạt động ngoài trời, muốn tận hưởng vẻ đẹp và sự thanh bình của thiên nhiên trong sân sau của chính họ nhưng không có thời gian hoặc kỹ năng để làm điều đó cho riêng mình.

Nghiên cứu thị trường cho thấy cơ hội cho SAMI chưa bao giờ tốt hơn thời điểm này:

• Tại Việt Nam, tổng doanh thu cho các dịch vụ cảnh quan đã tăng từ 69,8 tỷ năm 2013 lên 99 tỷ vào năm 2019 ( 1 )
• Trong số các nhà thầu cảnh quan, dịch vụ thiết kế và xây dựng có tốc độ phát triển nhanh thứ hai ( 2 )
• Hơn nữa, thiết kế và xây dựng cảnh quan là “dịch vụ mới” mà các công ty hiện tại có kế hoạch bổ sung trong năm tới ( 3 )

Tại Hà Nội, các chỉ số hàng đầu về sự quan tâm đến cảnh quan xanh, thân thiện với môi trường và bền vững đều tăng theo cấp số nhân trong 5 năm qua, cụ thể như sau:

• Lượng tìm kiếm trực tuyến cho những cụm từ đó tăng 467%
• 10 tổ chức cộng đồng mới đã được thành lập
• 73 dự án nổi tiếng đã được truyền thông địa phương đưa tin

4. Tiến hành phân tích đối thủ cạnh tranh

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh bắt đầu với việc xác định các công ty khác trên thị trường cũng cung cấp dịch vụ mà bạn đang muốn tham gia vào. Suy nghĩ rằng tìm hiểu về mọi đối thủ cạnh tranh tiềm năng có vẻ quá sức và tốn rất nhiều thời gian. Hãy xác định 3-5 đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất của mình và tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi này:

• Họ đầu tư quảng cáo vào đâu?
• Những loại báo chí nào đưa tin về họ?
• Dịch vụ khách hàng của họ tốt như thế nào?
• Chiến lược bán hàng và định giá của họ là gì?
• Làm thế nào để họ xếp hạng trên các nền tảng xếp hạng của bên thứ ba?

Và khi truy cập trang web của đối thủ cạnh tranh, bạn hãy xem trang “Giới thiệu về chúng tôi” hoặc tuyên bố sứ mệnh và giá trị của họ. Dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều gì khiến bạn khác biệt. Nếu ý tưởng của bạn thực sự mới lạ, hãy chuẩn bị để giải thích với khách hàng giải pháp của mình sẽ giải quyết khó khăn của khách hàng ra sao. Nếu doanh nghiệp của bạn không có bất kỳ sự cạnh tranh trực tiếp nào, hãy nghiên cứu các công ty khác cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự.

Tiếp theo, tạo một bảng hoặc bảng tính liệt kê các đối thủ cạnh tranh của bạn để đưa vào kế hoạch của bạn. Doanh nghiệp của bạn nên được liệt kê cuối cùng, bên phải là các tiêu chuẩn thông thường. Đây thường được gọi là bảng phân tích đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ về phân tích cạnh tranh:

Trong thị trường cảnh quan dân cư của Hà Nội, chỉ có hai đối thủ cạnh tranh kiến ​​trúc cao cấp là Yard Makers và Design Your Landscape. Tất cả các doanh nghiệp khác chỉ tập trung vào các dự án công nghiệp hoặc bảo trì khu dân cư.

Yard Makers

• Chi phí trung bình cho mỗi dự án: 270.00.000
• Phí duy trì liên tục: 4.600.000/ tháng
• Google Doanh nghiệp của tôi: 3,1 sao từ 163 bài đánh giá
• Chứng nhận môi trường: Không có
• Các kênh tiếp thị chính: Google Ads

Design Your Landscape

• Chi phí trung bình cho mỗi dự án: 800.000.000
• Phí duy trì liên tục: 11.500.000/ tháng
• Google Doanh nghiệp của tôi: 3,7 sao từ 57 bài đánh giá
• Chứng nhận môi trường: Không có
• Các kênh tiếp thị chính: Truyền hình

5. Mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn

Phần này chắt lọc những lợi ích, quy trình sản xuất và vòng đời của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Và làm thế nào sản phẩm/ dịch vụ của bạn nổi bật hơn đối thủ?

Khi mô tả các lợi ích, hãy tập trung vào:

• Các tính năng độc đáo
• Chuyển các tính năng thành lợi ích
• Phần thưởng tình cảm và thiết thực cho khách hàng của bạn
• Quyền sở hữu trí tuệ hoặc bất kỳ bằng sáng chế nào bảo vệ sự khác biệt

Đối với quy trình sản xuất, hãy mô tả cách bạn:

• Tạo sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có và mới
• Nguồn nguyên liệu hoặc thành phần
• Lắp ráp chúng thông qua sản xuất
• Duy trì kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng
• Nhận và giao chúng (hậu cần chuỗi cung ứng)
• Quản lý hoạt động hàng ngày của bạn: kế toán và kiểm kê

Trong phần vòng đời sản phẩm, lập bản đồ các yếu tố như:

• Thời gian giữa các lần mua hàng
• Bán thêm, bán kèm và bán bớt
• Kế hoạch nghiên cứu và phát triển trong tương lai

6. Xây dựng chiến lược tiếp thị và bán hàng

Chiến lược tiếp thị hoặc kế hoạch tiếp thị của bạn có thể là sự khác biệt giữa việc bán nhiều đến mức bùng nổ doanh số hoặc không kinh doanh gì cả. Chiến lược tăng trưởng ở đây là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của bạn.

Ví dụ về chiến lược tiếp thị và bán hàng của SAMI sẽ ưu tiên sử dụng các kênh theo thứ tự sau:

• Marketing truyền miệng
• Đánh giá và xếp hạng
• Quảng cáo Google
• Truyền thông xã hội
• Trang chủ
• Thư trực tiếp

Danh tiếng là yếu tố quyết định mua hàng số một trong thiết kế cảnh quan cao cấp. Do đó, các kênh 1-4 sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của SAMI. Chiến lược truyền thông xã hội của SAMI sẽ bao gồm các video trên youtube, ảnh trên Instagram và Pinterest về quá trình thiết kế.

7. Lập kế hoạch tài chính

Nếu mới thành lập, doanh nghiệp của bạn có thể chưa có dữ liệu tài chính, báo cáo tài chính hoặc báo cáo toàn diện. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chuẩn bị ngân sách và kế hoạch tài chính.

Nếu công ty của bạn đã hoạt động được một thời gian và bạn đang tìm kiếm các nhà đầu tư, hãy đảm bảo bao gồm:

• Báo cáo thu nhập
• Báo cáo lãi lỗ
• Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
• Bảng cân đối tài chính

Chi phí, tỷ suất lợi nhuận và giá bán có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng thực tế có nhiều chủ doanh nghiệp định giá bán mà không hạch toán đủ chi phí. Các chủ doanh nghiệp mới đặc biệt có nguy cơ mắc phải sai lầm này. Chi phí cho sản phẩm hoặc dịch vụ phải bao gồm tất cả các chi phí, bao gồm cả chi phí chung. Nếu không, bạn không thể xác định giá bán để tạo ra mức lợi nhuận mà bạn mong muốn.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]