Kiến thức Chuyển đổi số Hợp đồng điện tử – Giá trị pháp lý và quy...

Giao kết hợp đồng truyền thống đang dần được thay thế bởi một phương thức mới chính là giao kết hợp đồng điện tử, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh. Khi giao kết thông qua hợp đồng điện tử, các doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể được chi phí in ấn, chuyển phát, rút ngắn được thời gian giao dịch kinh doanh, dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với khách hàng cả thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài.

Trong hội thảo “GIÁ TRỊ PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ – QUY TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC TẾ” tổ chức bởi MISA và ASIA LEGAL đã mang đến rất nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này.

hội thảo "GIÁ TRỊ PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ - QUY TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC TẾ"
Hội thảo “GIÁ TRỊ PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ – QUY TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC TẾ”

Ban tổ chức xin tổng hợp lại các câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả từ trước – trong chương trình, qua đó anh, chị có thể hiểu rõ hơn và sử dụng hiệu quả tại doanh nghiệp của mình.

Mục lục Hiện

Tổng hợp câu hỏi đáp về hợp đồng điện tử trong buổi hội thảo hợp đồng điện tử MISA – Asia Legal

Câu hỏi: Người ký phải cài đặt ứng dụng hợp đồng điện tử vào máy mới ký duyệt được? Liệu có thể ký qua email?

(Anh Hoàng Thế Trung – Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà)

Người ký có thể ký qua email mà không cần cài đặt, đăng nhập vào ứng dụng.

Câu hỏi: Việc lưu trữ hợp đồng điện tử sẽ thực hiện như thế nào và sử dụng nền tảng nào để lưu trữ? Việc truy cập vào nền tảng thực hiện như thế nào có đảm bảo bảo mật không?

(Anh Tú – Cty TNHH Tuấn Tú)

Việc lưu trữ hợp đồng sẽ được thực hiện tập trung trên hệ thống WeSign , hoặc ngoài ra công ty có thể tải file về lưu trữ offline.

Việc lưu trữ tài liệu là hoàn toàn bảo mật và chỉ có những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp của bạn mới có thể truy cập tài liệu

Câu hỏi: Khi ký số trên văn bản điện tử và gửi văn bản qua email giữa hai bên, trường hợp 1 trong 2 bên xóa lịch sử gửi email văn bản điện tử đó thì khi xảy ra tranh chấp, đơn vị cung cấp chữ ký số có nền tảng lưu trữ lịch sử giao dịch của hai bên hay không?

(Anh Mạnh Hùng – Cty TNHH Hưng Thịnh)

Trong trường hợp 2 doanh nghiệp thực hiện ký tài liệu số với nhau, bản thân tài liệu được ký số đã đảm bảo đủ thông tin chứng thực về việc ký kết giữa hai bên. Ngoài ra WeSign của MISA sẽ cung cấp thêm các thông tin lịch sử chi tiết về việc ký kết: thời gian ký, địa điểm ký, IP ký,…

Câu hỏi: Người dùng có sao kê (trích xuất) được lịch sử giao dịch của chữ ký điện tử không?

(Anh Tuấn Hưng – Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa)

Có, hệ thống sẽ lưu lại lịch sử ký kết của từng đối tượng để đảm bảo cung cấp các thông tin cần thiết khi có xảy ra tranh chấp.

Câu hỏi: Tôi cần để ký hợp đồng lao động cho nhân viên, bên tôi đã có phần mềm payroll riêng, quản lý HĐLĐ trong system này. Như vậy nếu mình cần dịch vụ chữ ký số/ hợp thức cho Hợp đồng điện tử cho trường hợp này có được hay không?

(Anh Hải – Cty Nhật Minh)

Được! Anh, chị có thể tham khảo để sử dụng 2 dịch vụ sau của CTCP MISA:

1. Dịch vụ chữ ký số MISA eSign: là chữ ký số đại diện cho doanh nghiệp của mình, ngoài việc ký hợp đồng lao động còn có thể ký hóa đơn điện tử, hợp đồng kinh doanh…

2. Dịch vụ hợp đồng điện tử AMIS WeSign: cho phép tự động hóa quy trình ký kết trong doanh nghiệp, đặc biệt có khả năng linh hoạt để kết nối với các hệ thống CRM, HRM viết riêng của doanh nghiệp

Câu hỏi: Công ty xây dựng có dùng hợp đồng điện tử được không?

(Chị Vi Trần – Cty CP Viva)

Theo Điều 1 Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, hợp đồng điện tử không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

=> Ngoại trừ danh sách kể trên, công ty có thể ký hợp đồng điện tử với các tài liệu khác; không giới hạn theo lĩnh vực, ngành nghề của công ty.

Câu hỏi: Doanh nghiệp nào cũng có token để ký thì dễ rồi, nhưng người lao động hoặc khách hàng cá nhân sẽ ký hợp đồng điện tử như thế nào? Làm sao để đảm bảo tính xác minh nhân dạng của cá nhân ký hợp đồng?

(Anh Tùng Đỗ – INABATA)

1. Người lao động/khách hàng cá nhân không có token để ký số thì có thể ký bằng chữ ký điện tử dạng hình ảnh. Cụ thể, khi thao tác trên phần mềm, người ký chụp hình ảnh chữ ký của mình hoặc vẽ chữ ký trên màn hình và xác nhận ký tài liệu.

2. Để đảm bảo tính xác minh nhân dạng của cá nhân ký hợp đồng: Tài liệu được gửi qua email, cá nhân cần truy cập được email để ký tài liệu. Đồng thời, hệ thống có lưu lịch chi tiết lịch sử ký (Người ký ký vào thời gian, địa chỉ, trình duyệt nào,…) để tăng tính xác thực.

Câu hỏi: Hợp đồng điện tử phải dùng 1 phần mềm riêng để tạo và chứng thực thông qua phần mềm tạo hợp đồng điện tử phải không?

(MS.Ngọc Đức – A AU PARTS)

Theo Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Điều 4, khoản 12).

Hợp đồng điện tử không cần dùng 1 phần mềm riêng để tạo, ví dụ hợp đồng được ký bằng USB token và gửi qua email tới khách hàng cũng được coi là hợp đồng điện tử.

Có thể kiểm tra được tính chứng thực của các chữ ký số ký trên hợp đồng điện tử thông tin một số phần mềm (Adobe Acrobat Reader, Foxit Reader,..) hoặc 1 số website.

Câu hỏi: Hợp đồng điện tử áp dụng với đối tác có Chữ ký số (có ngĩa là tổ chức hoặc hộ Kinh doanh) nhưng nếu đối tác công ty đa số cá nhân, cửa hàng không có chữ ký số thì thực hiện như thế nào?

(Chị Vũ Huỳnh Chi)

Đối tác là cá nhân, cửa hàng không có chữ ký số có thể ký chữ ký điện tử dạng hình ảnh lên hợp đồng điện tử và vẫn đảm bảo tính hợp lệ.

Câu hỏi: Có cần tải phần mềm của MISA để ký điện tử không? Và sẽ ký như thế nào nếu cũng có cả chữ ký số?

(Chị Thảo – VietLife)

Khi ký số trên tài liệu, anh, chị cần tải ứng dụng MISA KYSO trong lần đầu tiên ký. Trường hợp ký chữ ký điện tử dạng hình ảnh, anh chị không cần tải ứng dụng trên.

Câu hỏi: Nếu ko sử dụng phần mềm này thì Doanh nghiệp có thể sử dụng cách thức nào khác?

(Anh Duy Nguyễn – Spectre VN)

Nếu không sử dụng phần mềm thì doanh nghiệp có thể thực hiện ký kết bằng cách: gửi email cho đối tác và 2 bên thực hiện ký số bằng token.

Câu hỏi: Dùng hợp đồng điện tử của MISA nhưng dùng chữ ký số của bên khác thì có được không?

(Anh Minh Tú – Cty KAT)

Được ạ! Sản phẩm AMIS WeSign có hỗ trợ ký với chữ ký số được cung cấp bởi các đơn vị khác.

Câu hỏi: Công ty tại Việt Nam dùng chữ ký của MISA ký hợp đồng điện tử với công ty ở Trung Quốc có được không? Liệu bên thuế có chấp nhận không?

(Chi Phương)

Theo điều 34, Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Do đó, khi doanh nghiệp ký hợp hợp đồng tử với đối tác (doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài) và thỏa mãn các yếu tố giống như khi ký hợp đồng truyền thống (Nội dung kkhông được trái quy định của pháp luật; chủ thể tự chủ về mặt ý chí; các bên tự do ý chí, ko bị ép buộc); thì hợp đồng đó có giá trị pháp lý.

Khi làm việc với cơ quan nhà nước thì việc chấp nhận hợp đồng điện tử phụ thuộc vào ý chí, quy định của từng cơ quan, đơn vị. Về phía cơ quan thuế Trung Quốc, việc chấp nhận hợp đồng điện tử phụ thuộc vào luật pháp Trung Quốc quy định.

Câu hỏi: Phần mềm này có thể dùng cho các cá nhân hoặc đối với hộ kinh doanh gia đình được không? Hoặc có thể sử dụng hình thức nào khác không?

(Chị Thanh Lâm – Nhà Đầu tư tài chính Cty The smart Light – Smartroom)

Đối tác là cá nhân, cửa hàng không có chữ ký số có thể ký chữ ký điện tử dạng hình ảnh lên hợp đồng điện tử và vẫn đảm bảo tính hợp lệ.

Câu hỏi: Trên hợp đồng điện tử có sắp xếp đc ai ký trước, ai ký sau khi ký hợp đồng không?

(Anh Minh Tú – Cty KAT)

Trên hệ thống AMIS WeSign có hỗ trợ thiết lập thứ tự ký tài liệu, anh chị có thể xem chi tiết hướng dẫn tại: https://helpwesign.misa.vn/knowledge-base/nghiep-vu-ky-truoc-khi-gui/

Câu hỏi: Làm thế nào để xác minh đúng người đó ký nếu không mua chữ ký số?

(Chị Thảo – VietLife)

Tài liệu được gửi qua email, người cần truy cập được email hoặc đăng nhập vào phần mềm để ký tài liệu. Đồng thời, hệ thống AMIS WeSign có lưu lịch chi tiết lịch sử ký (Người ký ký vào thời gian, địa chỉ, trình duyệt nào,…) để tăng tính xác thực.

Câu hỏi: Với hợp đồng xây dựng, tôi sử dụng Hợp đồng điện tử được không?

(Ms.Vy Trần)

Theo Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, hợp đồng điện tử không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

=> Hợp đồng xây dựng không nằm trong danh sách không được áp dụng hợp đồng điện tử.

Đồng thời, trong Nghị định Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (Số: 37/2015/NĐ-CP) không có quy định cụ thể về việc không được ký hợp đồng xây dựng điện tử

=> Hợp đồng xây dựng có thể áp dụng hợp đồng điện tử.

Câu hỏi: Có thể tìm hiểu chi tiết về Hợp đồng điện tử MISA ở đâu?

Mời anh, chị tham khảo Hợp đồng điện tử weSign tại đây https://amis.misa.vn/amis-wesign/

Câu hỏi: Hợp đồng điện tử bên A sử dụng của MISA, bên B ký điện tử qua email, vậy cách xác thực bên B như thế nào?

Tài liệu được gửi qua email, bên B cần truy cập được email để ký tài liệu. Đồng thời, hệ thống có lưu lịch chi tiết lịch sử ký (Bên B ký vào thời gian, địa chỉ, trình duyệt nào,…để tăng tính xác thực.

Câu hỏi: Trước khi tiến hành ký hợp đồng điện tử thì cách thức 2 bên thỏa thuận với nhau như thế nào?

Hai bên tự do thỏa thuận về cách thức ký hợp đồng.

Câu hỏi: Phụ lục hợp đồng lao động gửi nhân viên thì kí & gửi hàng loạt có được không?

(Mr.An Vo)

Hiện tại, hệ thống có hỗ trợ ký hàng loạt tài liệu; chưa đáp ứng gửi hàng loạt tài liệu.

Câu hỏi: Chi phí sử dụng hợp đồng điện tử MISA như thế nào? Kí điện tử hợp đồng lao động thì công ty có chữ ký số, người lao động không có chữ ký số thì ký bằng cách nào?

(Anh Mai Nguyễn Phúc Hưng)

Anh chị có thể tham khảo thêm thông tin và báo giá của sản phẩm tại đường link sau: https://amis.misa.vn/amis-wesign/

Khi ký hợp đồng lao động điện tử, người lao động có thể ký bằng chữ ký điện tử dạng hình ảnh. Cụ thể, khi thao tác trên phần mềm, người lao động chụp hình ảnh chữ ký của mình hoặc vẽ chữ ký trên màn hình và xác nhận ký tài liệu.

Câu hỏi: Nếu bên A dùng hệ thống ký điện tử của MISA, bên B ký tươi có được không?

(Anh Trung Luận – LDCOM)

Có 1 hình thức hợp đồng là nửa điện tử, nửa truyền thống => hoàn thành hình thức này cũng có thể được sử dụng để ký kết vì theo luật thì nội dung hợp đồng và ý chí của các bên trong thỏa thuận quan trọng hơn hình thức hợp đồng.

Câu hỏi: Khi ký điện tử rồi thì có cần in ra, đóng dấu lưu trữ giống Hoá đơn điện tử không?

(Ms.Sunjin HR)

Không. Khi ký điện tử, chữ ký điện tử đã thể hiện sự chấp thuận hợp đồng, tài liệu giữa các bên; không cần in ra đóng dấu. Trên hệ thống AMIS WeSign có hỗ trợ lưu trữ toàn bộ tài liệu đã ký, tổ chức/cá nhân không cần in tài liệu để lưu trữ.

Gần 1000 doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia hội thảo trực tuyến về hợp đồng điện tử
Gần 1000 doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia hội thảo trực tuyến về hợp đồng điện tử

Câu hỏi: Sài Gòn giãn cách hơn 4 tháng rồi, rất khó để lấy chữ ký của các bên. Vậy có thể dùng chữ ký sếp từ hình ảnh chụp và chữ ký số của công ty từ kế toán hay không hay sếp cũng phải dùng chữ ký số?

(Chị Hoàng Lan – Cty Lan Mai)

Các bên có thể sử dụng các loại chữ ký điện tử khác nhau như chữ ký số, chữ ký hình ảnh, chữ ký scan để giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên cần lưu ý rằng có một số giao dịch đặc thù được luật chuyên ngành quy định bắt buộc phải sử dụng chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số như giao dịch nộp bảo hiểm, nộp thuế, hải quan. Ngoài những quy định chuyên ngành trên thì có thể sử dụng những hình thức chữ ký điện tử khác để ký.

Câu hỏi: Chứng từ điện tử có giá trị như bản gốc nhưng chữ ký số được trình bày như thế nào khi một bên không có, đặc biệt là cá nhân?

(Ms.Ngan Nguyen Thi)

Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm đặt ra bởi nó liên quan đến tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu/chứng từ điện tử khi thực hiện giao gửi, trao đổi, chuyển đổi giữa các bên trước khi giao kết, ký kết.

Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về vấn đề này, nhưng trên thực tế có một số cách có thể áp dụng như sau mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu/chứng từ điện tử:

a. Bên A ký văn bản giấy trước, sau đó Bên B scan lại và ký số trên bản scan

b. Bên B ký số trên chứng từ điện tử trước, gửi cho Bên A và Bên A thông báo đồng ý bằng văn bản riêng, không can thiệp vào nội dung của chứng từ điện tử đã được ký số.

c. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của cá nhân, Misa đang triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số sử dụng 1 lần, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ cho các cá nhân khi giao dịch với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác bằng các phương thức điện tử.

Câu hỏi: Chữ ký scan ko thể hiện được ý nguyện của người ký, nhỡ người đó bị ai chụp lại chữ ký thì sẽ bị làm giả. Nên xử lý thế nào?

(Mr.Tùng Đỗ – INABATA)

Hiện nay, các bên trong giao dịch có thể ký các hợp đồng bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến là: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh và chữ ký số. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số.

Hiệu lực của các hợp đồng được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh chưa được quy định cụ thể. Như vậy, để đảm bảo tính xác thực, độ tin cậy thì các bên nên sử dụng chữ ký số do các đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp.

Câu hỏi: Vui lòng làm rõ hơn về tính pháp lý của hình thức ký ảnh trong hợp đồng điện tử?

(Mr.Tùng – Công ty Mặt Trời Mới)

Hiện nay, các bên trong giao dịch có thể ký các hợp đồng bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến là:
– Chữ ký scan.
– Chữ ký hình ảnh.
– Chữ ký số.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số. Hiệu lực của các hợp đồng được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh chưa được quy định cụ thể.

Tuy nhiên, như đã trao đổi tại hội thảo, thực tiễn giải quyết tranh chấp, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào ý chí của các bên trong giao dịch chứ không căn cứ vào hình thức ký kết hợp đồng. Như vây, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh có giá trị pháp lý nếu chữ ký đó thể hiện ý chí của người ký và người ký có thẩm quyền ký.

Câu hỏi: Chữ ký scan không thể hiện được ý nguyện của người ký, chữ ký cũng có thể bị ai đó chụp lại chữ ký và làm giả. Nên xử lý thế nào?

(Anh Thanh Lâm – Nhà Đầu tư tài chính Cty The smart Light – Smartroom)

Hiện nay, các bên trong giao dịch có thể ký các hợp đồng bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến là: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh và chữ ký số. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số.

Hiệu lực của các hợp đồng được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh chưa được quy định cụ thể. Như vậy, để đảm bảo tính xác thực, độ tin cậy thì các bên nên sử dụng chữ ký số do các đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp.

Câu hỏi: Các công ty cung cấp Chữ ký số & Chữ ký điện tử có bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự không?

(Nguyễn Tú – ON Energy)

Căn cứ theo: Luật Công chứng 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Luật sư sửa đổi 2012, Luật Kiểm toán độc lập 2011, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Luật Luật sư 2006, Luật Chứng khoán 2019, Thông tư 38/2014/TT-BTC, Nghị định 102/2011/NĐ-CP. Có 9 đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là:

– Tổ chức hành nghề luật sư.
– Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
– Nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng.
– Công ty chứng khoán.
– Công ty quản lý quỹ.
– Doanh nghiệp thẩm định giá.
– Tổ chức hành nghề công chứng.
– Cơ sở và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, các cty cung cấp CKS & CKĐT không thuộc trường hợp bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, đặc thù của hoạt động chứng thực chữ ký số và chứng thư số không giống như hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, do đó các công ty cung cấp chữ ký điện tử không cần thiết phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Câu hỏi: Người ký bị thu hồi Chữ ký số sau khi ký hợp đồng thì hiệu lực của hợp đồng có vô hiệu hóa hoặc ảnh hưởng không?

(Ms.Thanh Nga)

Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nếu chữ ký số của người ký vẫn còn hiệu lực thì ngay cả khi bị thu hồi sau đó, giá trị pháp lý của hợp đồng vẫn có hiệu lực ràng buộc giữa các bên. Đây là suy luận logic căn cứ theo:

a. Khoản 1 Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, theo đó Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

b. điểm i Khoản 1 Điều 31 Luật giao dịch điện tử 2005, trong đó tổ chức cung cấp chữ ký số phải lưu trữ các thông tin có liên quan đến chứng thư điện tử do mình cấp trong thời hạn ít nhất là 5 năm, kể từ khi chứng thư điện tử hết hiệu lực. Quy định này cung cấp biện pháp truy hồi để chứng minh tại thời điểm giao kết hợp đồng, chữ ký số/chứng thư số vẫn còn hiệu lực.

Câu hỏi: Công ty A ký Hợp đồng thương mại bằng Chữ ký số, công ty B kí Hợp đồng bằng chữ ký sống. Khi xảy ra tranh chấp giải quyết thế nào, có rủi ro gì?

(Nguyễn Thủy – Cty Đông Nam Á)

Nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử là các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về việc sử dụng các phương điện điện tử và hình thức ký. Do đó, việc các bên trong hợp đồng sử dụng các hình thức ký khác nhau không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng.

Cũng cần khẳng định lại rằng, giá trị pháp lý của hợp đồng không phụ thuộc vào việc lựa chọn loại chữ ký gì để ký mà phụ thuộc vào các yếu tố như năng lực chủ thể, nội dung, nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận… Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào ý chí của các bên trong giao dịch chứ không căn cứ vào hình thức ký kết hợp đồng.

Câu hỏi: Nếu kí hợp đồng lao động bằng Chữ ký số để làm việc với ngân hàng hoặc hợp đồng đại lí để giao dịch mua hàng, thì có giá trị pháp lí không?

(Dgroup Holdings)

Hợp đồng lao động điện tử có chữ ký số không thể bị chối bỏ giá trị pháp lý. Nếu ngân hàng kiểm tra, rà soát, đối chiếu thông tin và nhận thấy có phát sinh quan hệ lao động trên thực tế, chấp thuận cho doanh nghiệp sử dụng hợp đồng lao động điện tử có chữ ký số thì các bên hoàn toàn có căn cứ để thực hiện các giao dịch liên quan.

Tương tự như với hợp đồng đại lý.

Câu hỏi: Doanh nghiệp sử dụng Hợp đồng điện tử để thế chấp vay vốn với ngân hàng , trong trường hợp này cũng phải do nội bộ ngân hàng xem xét có chấp nhận hay không?

(Nguyễn Thủy – Cty Đông Nam Á)

Việc sử dụng hợp đồng điện tử hoặc bất kỳ hình thức giao dịch nào khác là thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. Do đó nếu ngân hàng đồng ý cho phép doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử để thế chấp thì hoàn toàn có căn cứ để thực hiện. Mặc dù pháp luật không có quy định cấm hoặc từ chối tiếp nhận nhưng trường hợp này sẽ phát sinh trách nhiệm của ngân hàng trong việc kiểm tra nội dung, đối chiếu các thông tin trong hợp đồng điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mất nhiều thời gian hơn và trên thực tế ít có ngân hàng nào chấp thuận.

Câu hỏi: Tính bảo mật của hợp đông điện tử có an toàn không? Có khi nào mất thông tin không? Cách để xác minh chữ ký số của đơn vị đối tác?

(Ms.Kieu Luc)

Khi hợp đồng điện tử đã được ký bằng chữ ký số, mọi nội dung (bao gồm phần thông tin hiển thị được và phần thông tin ẩn) của hợp đồng điện tử đó sẽ được mã hóa và mọi hành vi can thiệp, chỉnh sửa đều sẽ dẫn tới 1 trong 2 hệ quả sau:

a. Phá vỡ kết cấu, mã hóa của chữ ký số, khiến cho chữ ký số mất hiệu lực, không còn giá trị chứng minh tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử. Ví dụ như việc chuyển đổi định dạng từ văn bản thành dạng ảnh, chỉnh sửa nội dung hợp đồng bằng photoshop,…

b. Bị lưu vết, và có thể dễ dàng kiểm chứng. Ví dụ như việc thêm một chữ ký số mới, thêm các nội dung khác vào hợp đồng điện tử,…

Khi sử dụng dịch vụ chữ ký số của Misa, khách hàng sẽ được hướng dẫn về cách kiểm tra, xác minh các chứng thư số/chữ ký số do Misa cung cấp và có thể áp dụng tương tự được với hầu hết chữ ký số do các tổ chức được cấp phép khác cung cấp trên thị trường.

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi thêm về tính pháp lý của hình thức ký ảnh trong hợp đồng điện tử?

(Mr.Tùng – Cty Mặt Trời Mới)

Hiện nay, các bên trong giao dịch có thể ký các hợp đồng bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến là: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh và chữ ký số.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số.

Hiệu lực của các hợp đồng được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh chưa được quy định cụ thể.

Tuy nhiên, như đã trao đổi tại hội thảo, thực tiễn giải quyết tranh chấp, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào ý chí của các bên trong giao dịch chứ không căn cứ vào hình thức ký kết hợp đồng. Như vây, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh có giá trị pháp lý nếu chữ ký đó thể hiện ý chí của người ký và người ký có thẩm quyền ký.

Câu hỏi: Một số hợp đồng bắt buộc theo mẫu thì có thể sử dụng chữ ký điện tử, tuy nhiên các hợp đồng theo thỏa thuận thì chữ ký điện tử đang áp dụng cho hợp đồng mẫu không đảm bảo các tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ. Vì vậy có lẽ chữ ký số là phương án đảm bảo.

Tuy nhiên hợp đồng được hình thành trên cơ sở xác nhận của nhiều cán bộ, nhiều bộ phận. Câu hỏi là: có cần mọi cán bộ đều phải có chữ ký số hay không? Nếu không yêu cầu sử dụng thì 5 năm, 10 năm sau làm thế nào để xác định các cán bộ/bộ phận đó đã xác nhận thông qua hợp đồng.

(Bùi Viết Sô – Giám Đốc giải pháp phi vật lý- Ngân hàng MSB)

Câu hỏi này có lẽ được đặt ra trên cơ sở lo ngại của các doanh nghiệp khi quy trình thẩm định trước khi ký kết một hợp đồng bao gồm rất nhiều bước, căn cứ vào nhiều báo cáo nghiên cứu được lập bởi các cán bộ chuyên môn và phê duyệt của các cấp lãnh đạo.

Tuy nhiên đặc điểm của chữ ký số có thể sẽ không đáp ứng mục đích quản trị nội bộ như thế này bởi trong trường hợp cần thiết phải lấy chữ ký của cá nhân, việc chuyển đổi từ file mềm thành văn bản giấy để ký sau đó scan lại thành file mềm để người khác ký tiếp hoặc để lưu hệ thống sẽ làm mất đi tính toàn vẹn của file dữ liệu nói chung và của chữ ký số nói riêng.

Chưa kể trong quá trình chuyển đổi, người khác hoàn toàn có thể can thiệp vào nội dung của file hoặc của văn bản giấy và do đó không đảm bảo được tính toàn vẹn của tài liệu

Câu hỏi: Hiện đã có bản án nào được dùng để tham khảo khi có tranh chấp với các giao kết điện tử hay chưa? Và đã có phán quyết nào liên quan đến lĩnh vực ngân hàng chưa?

(Bùi Viết Sô – Giám Đốc giải pháp phi vật lý- Ngân hàng MSB)

Hiện tại chưa có phán quyết liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tuy nhiên đã có bản án số 03/2019/DS-ST ngày 20/09/2019 Về tranh chấp hợp đồng tín dụng trong đó, Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa đã thừa nhận giá trị pháp lý của Hợp đồng tín dụng được giao kết bằng phương thức điện tử.

Cụ thể, Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Hợp đồng tín dụng được các bên ký kết bằng phương thức điện tử theo đúng quy định của pháp luật, nội dung các điều khoản cam kết trong hợp đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của các bên được pháp luật cho phép.”

Câu hỏi: Nghị định 165 áp dụng cho hoạt động tài chính. Hoạt động tài chính và hoạt động ngân hàng có các đặc thù riêng, vậy khi chưa có hướng dẫn cho hoạt động ngân hàng như hoạt động tài chính thì các DN và ngân hàng có nên áp dụng theo NĐ165 hoặc tự suy đoán theo am hiểu về luậy giao dịch điện từ không?

(Bùi Viết Sô – Giám Đốc giải pháp phi vật lý- Ngân hàng MSB)

Hiện tại, đã có Nghị định số 35/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 8 tháng 3 năm 2007 hướng dẫn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng

Câu hỏi: Chữ ký số được quy định là cấp tại Việt Nam, vậy đối tác sử dụng chữ ký số do nươc ngoài thì có được coi là có giá trị như chữ ký số cấp ở Việt Nam không?

(Bùi Viết Sô – Giám Đốc giải pháp phi vật lý- Ngân hàng MSB)

Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Việt Nam công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy đương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử theo quy định của pháp luật.

Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các yếu tố có liên quan khác.

Cụ thể, để sử dụng chữ ký số nước ngoài thì chủ thể sử dụng phải thực hiện thủ tục xin cấp phép sử dụng tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Câu hỏi: Khi thực hiện ký số, khái niệm bản gốc và bản sao còn tương đồng hay không? Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh là hợp đồng giấy thì có thể lập thành 3,4 bản và chỉ có duy nhất 4 bản đó thôi, còn nếu là bản được ký bằng chữ ký số thì có thể nhân bản lên hàng triệu bản?

(Bùi Viết Sô – Giám Đốc giải pháp phi vật lý- Ngân hàng MSB)

Để so sánh sự tương đồng giữa bản gốc và bản sao, chúng ta cần có các tiêu chí:

– Thứ nhất, văn bản giấy có thể được in ra, ký và lưu thành các bản gốc độc lập với nhau về mặt hình thức nhưng trùng nhau về mặt nội dung. Văn bản số cũng có thể được khởi tạo, ký số và lưu giữ một cách độc lập về hình thức, và nội dung thì cũng không được có sự khác biệt.

Tuy nhiên với đặc điểm của dữ liệu điện tử, văn bản số còn phải đáp ứng thêm một đặc tính nữa chính là thời gian khởi tạo hay thông số của dữ liệu điện tử.

Cụ thể khi khởi tạo 1 văn bản số, thông tin về tên người khởi tạo, ngày giờ chính xác đến từng giây của việc khởi tạo, kích cỡ dữ liệu, định dạng dữ liệu,… cũng được khởi tạo kèm theo. Sau đó bất kỳ ai chỉnh sửa lên các văn bản đó cũng có thể bị lưu vết trên lịch sử chỉnh sửa – tức là cho biết văn bản số đó đã bị chỉnh sửa, không phải là dữ liệu gốc.

Vậy làm sao để đảm bảo văn bản số sẽ không bị chỉnh sửa? Khi đó người gửi file cần dùng đến chữ ký số như một phương thức để khóa lại các thông tin như đã nêu ở trên, và người nhận file đã được ký số sẽ không có cách nào can thiệp vào nội dung của văn bản (Trừ một số trường hợp người nhận file sẽ muốn chỉnh sửa nội dung rồi mới ký số và trả lại cho người gửi thì lúc này file đã bị chỉnh sửa sẽ được coi là văn bản số mới/dữ liệu điện tử mới).

– Thứ hai, về cách tạo bản sao, đối với văn bản đã được ký số – hay dữ liệu điện tử – thì việc tạo bản sao có sự khác biệt rất lớn.

Trên thực tế chúng ta hoàn toàn có thể copy một tập tin dữ liệu điện tử mà vẫn giữ nguyên các thông tin được khởi tạo theo đúng như thông tin của tập tin dữ liệu gốc, kể cả thông tin về chữ ký số. Bản sao văn bản số sau khi được tạo cũng có thể được coi là bản gốc nếu không có bất kỳ chỉnh sửa nào so với bản gốc, ngược lại nếu tạo bản sao xong mà lại chỉnh sửa trên bản gốc thì lúc này bản gốc sẽ bị mất đi tính toàn vẹn.

Với các đặc tính này, việc chứng thực chữ ký dễ dàng hơn rất nhiều so với văn bản giấy khi chỉ cần chứng thực chữ ký số 1 lần, văn bản số có thể được copy thành hàng loạt các bản sao y như bản gốc để sử dụng khi cần thiết cho các mục đích lưu trữ/nghiên cứu/trích dẫn/…, trên nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau.

Qua buổi chia sẻ cùng lời giải đáp các câu hỏi trên, chắc hẳn anh, chị đã hiểu rõ về Hợp đồng điện tử và an tâm để sử dụng trong doanh nghiệp của mình. Mời anh, chị tham khảo giải pháp Hợp đồng điện tử weSign của MISA tại đây.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]