Hướng dẫn hạch toán kế toán xây dựng cơ bản tại doanh nghiệp

24/05/2022
5954

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp có thể được thực hiện theo phương thức tự làm hoặc giao thầu. Tiếp tục trong khuôn khổ chùm bài viết về kế toán XDCB tại doanh nghiệp, MISA AMIS thực hiện bài viết hướng dẫn hạch toán kế toán xây dựng cơ bản làm tư liệu tham khảo cho quý độc giả.

1. Hạch toán kế toán xây dựng cơ bản đối với trường hợp đầu tư XDCB theo phương thức tự làm

Đối với trường hợp đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức tự làm chỉ được thực hiện khi Chủ đầu tư có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án, loại, cấp công trình và công việc cụ thể.

Khi doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động của mình để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thì tất cả các chi phí có liên quan đến quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đều được tập hợp vào tài khoản 2412 – Xây dựng cơ bản. Kế toán đầu tư xây dựng cơ bản thường được tiến hành trong cùng một hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp. Hướng dẫn hạch toán kế toán xây dựng cơ bản cụ thể trong trường hợp đầu tư XDCB theo phương thức tự làm.

hạch toán kế toán xây dựngPhản ánh chi phí đầu tư xây dựng cơ bản thực tế phát sinh:

Tất cả các chi phí có liên quan đến quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình như chi phí khảo sát, thiết kế; tiền lương công nhân xây lắp; khấu hao máy móc thiết bị thi công; chi phí quản lý dự án…đều được tập hợp vào tài khoản 241 (chi tiết 2412 – Xây dựng cơ bản).

Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi phát sinh chi phí, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Trị giá xây dựng cơ bản dở dang chưa bao gồm thuế GTGT

Nợ TK 1332: Tiền thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 152, 334…

Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, khi phát sinh chi phí, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Trị giá xây dựng cơ bản dở dang bao gồm thuế GTGT

Có TK 111, 112, 152, 334…

banner amis kế toán

Khi công trình xây dựng hoàn thành và quyết toán vốn đầu tư được phê duyệt:

Kế toán ghi tăng giá trị các loại tài sản hình thành sau khi đầu tư và ghi giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang. Đồng thời, kế toán cần chú ý khi quyết toán vốn đầu tư được duyệt, phải căn cứ vào nguồn để đầu tư và mục đích đầu tư để ghi nhận bút toán chuyển nguồn:

  • Trường hợp TSCĐ hình thành dùng vào sản xuất, kinh doanh bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (ngân sách cấp) hoặc quỹ đầu tư phát triển, khi quyết toán vốn đầu tư được duyệt và được cấp có thẩm quyền cho phép tăng nguồn vốn kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ TK 441: Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản

hoặc Nợ TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển

Có TK 411: Vốn đầu tư của chủ sở hữu

  • Trường hợp TSCĐ hình thành bằng Quỹ phúc lợi và dùng vào mục đích phúc lợi, khi chủ đầu tư duyệt quyết toán vốn đầu tư, kế toán ghi:

Nợ TK 3532: Quỹ phúc lợi

Có TK 3533: Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ

Xem thêm: Chi tiết cách hạch toán tài khoản 421 – Lợi nhuận chưa phân phối theo thông tư 200/2014/TT-BTC

Ví dụ: Công ty ABC kê khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, có đầu tư xây dựng Cửa hàng kinh doanh theo phương pháp tự làm, kế toán đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện trên cùng hệ thống sổ kế toán. Trong tháng 11/20XX, công ty ABC có các số liệu sau:

Số dư đầu tháng TK 2412 – CHKD: 200.000.000 đ

Các chi phí phát sinh trong tháng liên quan đến công trình Cửa hàng kinh doanh tập hợp được là 300.000.000 đ. Trong đó:

  • Nguyên vật liệu: 180.000.000 đ
  • Công cụ dụng cụ: 40.000.000 đ
  • Tiền lương phải trả cho công nhân viên: 50.000.000 đ
  • Trích các khoản bảo hiểm theo tỷ lệ 23,5% tính vào chi phí
  • Chi phí khác trả bằng tiền mặt: 18.250.000 đ
  • Cuối tháng, công trình Cửa hàng kinh doanh hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Giá quyết toán được duyệt bằng 96% chi phí thực tế, 4% vượt mức không tính vào nguyên giá. Biết tài sản được hình thành từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Công ty ABC áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC.

Yêu cầu: Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên.

Đáp án:

  • Tập hợp chi phí phát sinh trong tháng liên quan đến công trình Cửa hàng kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ TK 2412 – CHKD 300.000.000

Có TK 152 180.000.000

Có TK 153 40.000.000

Có TK 3341 50.000.000

Có TK 338 11.750.000

Có TK 111 18.250.000

  • Cuối tháng, công trình hoàn thành bàn giao, kế toán ghi;

Nợ TK 2111 480.000.000 (500.000.000 x 96%)

Nợ TK 632 20.000.000 (500.000.000 x 4%)

Có TK 2412 – CHKD 500.000.000

Đồng thời, kế toán ghi nhận bút toán kết chuyển nguồn vốn:

Nợ TK 441 480.000.000

Có TK 411 480.000.000

Doanh nghiệp của bạn cần chuyển đổi số cho bộ phận Tài chính - Kế toán?Tham khảo ngay giải pháp MISA AMIS Kế toán!

2. Hướng dẫn hạch toán kế toán xây dựng cơ bản đối với trường hợp đầu tư XDCB theo phương thức giao thầu

Trường hợp đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức giao thầu, doanh nghiệp phải thực hiện đúng nguyên tắc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật xây dựng để chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư và các mục tiêu của dự án.

hạch toán tài khoản 241

  • Khi nhận khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành do bên nhận thầu bàn giao, căn cứ hợp đồng xây dựng, biên bản nghiệm thu và hóa đơn của bên nhận thầu, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Giá trị khối lượng công việc xây dựng và lắp đặt

Nợ TK 1332: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 331: Phải trả cho người bán

  • Khi mua thiết bị đầu tư xây dựng cơ bản có liên quan đến công trình về nhập kho, căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho, kế toán ghi:

Nợ TK 152: Giá trị thiết bị đầu tư XDCB nhập kho

Nợ TK 1332: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 331: Phải trả cho người bán

  • Trường hợp mua rồi chuyển thẳng thiết bị không cần lắp đặt đến địa điểm thi công giao cho bên nhận thầu, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Chi phí về thiết bị giao cho bên nhận thầu

Nợ TK 1332: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 331: Phải trả cho người bán

  • Khi xuất thiết bị trong kho giao cho bên nhận thầu:
    • Đối với thiết bị không cần lắp, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Chi phí thiết bị giao cho bên nhận thầu

Có TK 152 (chi tiết trong kho)

    • Đối với thiết bị cần lắp đặt khi xuất thiết bị giao cho bên nhận thầu, kế toán chỉ theo dõi chi tiết thiết bị đưa đi lắp (có thể ghi sổ chi tiết tăng giá trị thiết bị đưa đi lắp và ghi giảm giá trị thiết bị trong kho)

Nợ TK 152 (chi tiết đưa đi lắp): Giá trị thiết bị đưa đi lắp

Có TK 152 (chi tiết trong kho)

  • Khi bên nhận thầu hoàn thành công việc lắp đặt, được nghiệm thu và chấp nhận thanh toán thì giá trị thiết bị đưa đi lắp mới được tính vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cùng với chi phí lắp đặt, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Giá trị thiết bị đưa đi lắp đã được nghiệm thu

Có TK 152 (chi tiết đưa đi lắp)

  • Khi phát sinh các chi phí khác để phục vụ cho việc thực hiện dự án, kế toán ghi:

Nợ TK 2412: Chi phí khác

Nợ TK 1332: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331…

  • Khoản tiền phạt nhà thầu doanh nghiệp thu được, kế toán ghi:

Nợ TK 112, 331: Trị giá tiền phạt thu được

Có TK 2412: Trị giá tiền phạt thu được

  • Khi công trình hoàn thành, việc nghiệm thu tổng thể đã được thực hiện xong, tài sản được bàn giao và đưa vào sử dụng:
    • Nếu quyết toán được duyệt ngay thì căn cứ vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư được duyệt để ghi sổ.
    • Nếu quyết toán chưa được phê duyệt thì ghi tăng giá trị của tài sản hình thành qua đầu tư theo giá tạm tính (giá tạm tính là chi phí thực tế đã bỏ ra để có được tài sản, căn cứ vào TK 2412 để xác định giá tạm tính).

Cả 2 trường hợp trên kế toán đều ghi như sau:

Nợ TK 211, 213, 217

Nợ TK 1557: Thành phẩm bất động sản (sau khi hoàn thành có một phần bất động sản dùng để bán mà trước đây chưa hạch toán riêng trên tài khoản 154)

Có TK 241: Giá được duyệt hoặc giá tạm tính

  • Khi quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành được duyệt thì kế toán điều chỉnh lại giá tạm tính theo giá trị tài sản được duyệt, ghi:
    • Nếu giá trị tài sản hình thành qua đầu tư xây dựng cơ bản được duyệt có giá trị thấp hơn giá tạm tính:

Nợ TK 138: Phải thu khác (Chi phí duyệt bỏ phải thu hồi)

Có TK 211, 213, 217, 1557

Có thể bạn quan tâm: 3 lưu ý quan trọng khi hạch toán bất động sản đầu tư

    • Nếu giá trị tài sản hình thành qua đầu tư xây dựng cơ bản được duyệt có giá trị cao hơn giá tạm tính:

Nợ TK 211, 213, 217, 1557

Có các TK liên quan

    • Nếu TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và được cấp có thẩm quyền cho phép tăng nguồn vốn kinh doanh thì đồng thời ghi:

Nợ TK 441: Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Có TK 241: xây dựng cơ bản dở dang (Các khoản thiệt hại được duyệt bỏ)

Có TK 411: Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Giá trị tài sản được duyệt)

    • Nếu TSCĐ hình thành bằng quỹ phúc lợi và dùng vào mục đích phúc lợi, khi chủ đầu tư duyệt quyết toán vốn đầu tư, kế toán ghi tăng quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ:

Nợ TK 3532: Quỹ phúc lợi

Có TK 3533: Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ

kế toán xây dựng cơ bản theo phương thức giao thầu

Ví dụ: Công ty ABC kê khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên. Công ty ABC ký hợp đồng xây dựng kho đông lạnh với Công ty xây lắp Z. Công trình được khởi công vào tháng 08/20XX. Số dư đầu tháng 10/20XX của một số tài khoản như sau:

  • TK 2412 – KĐL: 500.000.000 đ
  • TK 331 – DN Z (Số dư Nợ): 150.000.000 đ

Trong tháng 10/20XX có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh sau:

  • Ngày 02/10, công ty ABC mua thiết bị đầu tư XDCB không cần lắp đặt liên quan đến công trình kho đông lạnh về nhập kho trị giá 66.000.000 đ (bao gồm 10% thuế GTGT) chưa thanh toán tiền cho công ty M.
  • Ngày 05/10, công ty ABC xuất kho thiết bị cần lắp đặt đến địa điểm thi công giao cho công ty xây lắp Z. Thiết bị cần lắp có giá trị ghi sổ là 125.000.000 đ.
  • Ngày 24/10, công ty ABC xuất kho thiết bị không cần lắp đặt mua ngày 02/10 đến địa điểm thi công giao cho công ty xây lắp Z.
  • Ngày 29/10, công ty xây lắp Z hoàn thành công trình kho đông lạnh. Tổng số tiền còn phải thanh toán của các hạng mục còn lại cho công ty Z là 330.000.000 đ (bao gồm 10% thuế GTGT). Biết công trình này được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư XDCB.
  • Ngày 30/10, công ty ABC chuyển khoản thanh toán số tiền còn thiếu cho công ty xây lắp Z.

Công ty ABC áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Yêu cầu: Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên.

Đáp án:

  • Nhập kho thiết bị đầu tư XDCB không cần lắp đặt:

Nợ TK 152 60.000.000

Nợ TK 1332 6.000.000

Có TK 331 – DN M 66.000.000

  • Xuất kho thiết bị cần lắp đặt đến địa điểm thi công giao cho công ty lắp đặt Z:

Nợ TK 152 (Thiết bị đưa đi lắp) 125.000.000

Có TK 152 (Thiết bị trong kho) 125.000.000

  • Xuất kho thiết bị không cần lắp đặt đến địa điểm thi công giao cho công ty lắp đặt Z:

Nợ TK 2412 – KĐL 60.000.000

Có TK 152 60.000.000

  • Số tiền phải trả cho công ty xây lắp Z:

Nợ TK 2412 – KĐL 300.000.000

Nợ TK 1332 30.000.000

Có TK 331 – DNZ 330.000.000

  • Giá trị thiết bị đưa đi lắp đặt đã hoàn thành:

Nợ TK 2412 – KĐL 125.000.000

Có TK 152 (Thiết bị đưa đi lắp) 125.000.000

  • Ghi tăng TSCĐ hình thành qua đầu tư:

Nợ TK 2111 985.000.000

Có TK 2412 985.000.000

  • Đồng thời, ghi nhận bút toán kết chuyển nguồn vốn:

Nợ TK 441 985.000.000

Có TK 411 985.000.000

  • Chuyển khoản thanh toán tiền cho công ty xây lắp Z

Nợ TK 331 – DNZ 180.000.000

Có TK 1121 180.000.000

Có thể bạn quan tâm: Các bút toán kết chuyển lên BCTC kế toán cần ghi nhớ

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán viên:

  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • Kết nối ngân hàng điện tử: các quy định hiện nay khiến việc doanh nghiệp phải giao dịch qua ngân hàng ngày càng phổ biến hơn, đồng thời, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp vì vậy phần mềm online MISA AMIS cho phép kết nối ngân hàng điện tử mang đến lợi ích về thời gian, công sức và tiền của cho doanh nghiệp và cho kế toán.
  • Kết nối với cổng mTax: Việc kê khai và nộp thuế điện tử hiện nay đang là xu thế và phần mềm online MISA AMIS với tiện ích mTax cho phép kế toán có thể kê khai và nộp thuế ngay trên phần mềm.
  • Kết nối với hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: Phần mềm online MISA AMIS nằm trong một hệ sinh thái gồm nhiều phần mềm quản lý mang đến giải pháp tổng thể cho quản trị doanh nghiệp.….

Với những tính năng thông minh như trên, phần mềm online MISA AMIS hỗ trợ nhiều cho kế toán trong nghiệp vụ kế toán xây dựng cơ bản nói riêng và nghiệp vụ kế toán nói chung.


Tác giả: Thái Thị Hoài Thương

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả