Tạm ngừng kinh doanh là giải pháp tạm thời của nhiều doanh nghiệp khi đối mặt với khó khăn về tài chính hoặc nhu cầu tái cơ cấu. Tuy nhiên, trong thời gian tạm ngừng, nhiều doanh nghiệp thắc mắc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra thuế không. Bài viết dưới đây, MISA AMIS sẽ giúp bạn làm rõ thắc mắc trên.
1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 41 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tạm ngừng kinh doanh được hiểu là giai đoạn mà doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 206 của Luật Doanh nghiệp.
Ngày bắt đầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh là thời điểm doanh nghiệp thực hiện đăng ký tạm ngừng kinh doanh với Sở kế hoạch và đầu tư. Ngày kết thúc giai đoạn này được xác định là ngày hết hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo trước đó hoặc là ngày doanh nghiệp đăng ký tái hoạt động kinh doanh, nếu muốn kết thúc sớm hơn thời hạn đã thông báo.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ theo quy định tại tại Điều 206 của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định tạm ngừng kinh doanh phải gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Cơ quan đăng ký kinh doanh ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tạm ngừng.
Ngoài ra, trong các trường hợp nhất định, doanh nghiệp có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh, bao gồm:
- Khi doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoặc các ngành, nghề có điều kiện tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý thuế, môi trường, hoặc các quy định pháp luật khác liên quan;
- Dựa trên quyết định của Tòa án liên quan đến đình chỉ hoạt động hoặc chấm dứt kinh doanh một hoặc một số lĩnh vực cụ thể.
Trong khoảng thời gian tạm ngừng này, doanh nghiệp vẫn cần phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính như nộp thuế, các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp chưa thanh toán. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tiếp tục thanh toán các khoản nợ và hoàn tất các hợp đồng đã ký kết với khách hàng cũng như người lao động, trừ trường hợp đã có các thỏa thuận khác.
3. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thể bị thanh tra thuế không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các quy định về thuế. Cụ thể:
- Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc tài chính, thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán nếu tạm ngừng kinh doanh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Trong thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, trừ khi được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
- Doanh nghiệp phải chấp hành các quyết định và thông báo từ cơ quan thuế liên quan đến việc đôn đốc thu nợ, cưỡng chế, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật thuế.
Theo đó, doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh vẫn phải chấp hành theo các quy định, thông báo của cơ quan quản lý thuế như cưỡng chế nợ thuế, kiểm tra việc tuân thủ thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có). ngay cả khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có thể bị thanh tra, kiểm tra về thuế. Như vậy, trong quá trình tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có thể bị thanh, kiểm tra về thuế.
4. Phân biệt tạm ngừng kinh doanh, giải thể và phá sản
– Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định nhưng vẫn giữ nguyên tư cách pháp lý. Việc tạm ngừng có thể kéo dài tối đa 12 tháng/lần tạm ngừng, và doanh nghiệp phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho cơ quan đăng ký kinh doanh . Tạm ngừng kinh doanh thường xảy ra khi doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, cần thời gian tái cơ cấu hoặc các lý do khác, nhưng doanh nghiệp vẫn có kế hoạch tiếp tục hoạt động trong tương lai.
Trong thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý như nộp thuế, thanh toán nợ và hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, trừ khi có thỏa thuận khác với các bên liên quan. Sau khi hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp có thể đăng ký tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện các thủ tục giải thể hay phá sản.
– Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt hoàn toàn hoạt động và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến giải thể có thể là do quyết định tự nguyện của chủ doanh nghiệp hoặc do yêu cầu của cơ quan nhà nước khi doanh nghiệp không đáp ứng được các quy định pháp luật.
Khi tiến hành giải thể, doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán toàn bộ các khoản nợ, hoàn tất nghĩa vụ tài chính và trả lại tài sản cho các cổ đông hoặc chủ sở hữu nếu còn dư tài sản sau khi thanh toán. Sau khi hoàn thành quy trình giải thể, doanh nghiệp chính thức ngừng hoạt động và bị xóa tên khỏi sổ đăng ký doanh nghiệp, chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ pháp lý.
– Phá sản doanh nghiệp là tình trạng doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Phá sản xảy ra khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và không còn phương án để khắc phục tình trạng tài chính. Quá trình phá sản bắt đầu khi doanh nghiệp hoặc chủ nợ nộp đơn lên Tòa án, yêu cầu tuyên bố phá sản. Tòa án sẽ tiến hành thủ tục phá sản, bao gồm việc thanh lý tài sản doanh nghiệp để trả nợ cho các chủ nợ. Sau khi tài sản được phân chia, doanh nghiệp sẽ bị xóa tên và tư cách pháp nhân cũng bị chấm dứt. Chủ doanh nghiệp có thể bị hạn chế quyền tham gia thành lập doanh nghiệp mới trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định pháp luật.
Sự khác biệt về tạm ngừng kinh doanh, giải thể và phá sản được tóm tắt theo nội dung tại bảng dưới đây:
Tiêu chí | Tạm ngừng kinh doanh | Giải thể | Phá sản |
Khái niệm | Tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định. | Chấm dứt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp. | Doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán nợ. |
Nguyên nhân | Khó khăn tạm thời hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp. | Tự nguyện hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. | Mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. |
Thời gian | Tối đa 12 tháng/lần tạm ngừng | Vĩnh viễn, sau khi hoàn tất thủ tục giải thể. | Kéo dài đến khi hoàn tất quá trình phá sản. |
Nghĩa vụ pháp lý | Vẫn phải nộp thuế, thanh toán nợ, thực hiện hợp đồng. | Thanh toán toàn bộ nợ, hoàn tất nghĩa vụ tài chính. | Thanh lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ. |
Tư cách pháp lý | Vẫn giữ tư cách pháp nhân trong thời gian tạm ngừng. | Bị chấm dứt sau khi hoàn thành giải thể. | Chấm dứt tư cách pháp nhân sau khi phá sản. |
Khả năng hoạt động lại | Có thể tiếp tục hoạt động sau khi tạm ngừng. | Không thể tiếp tục hoạt động. | Không thể tiếp tục hoạt động sau khi phá sản. |
Cơ quan xử lý | Cơ quan đăng ký kinh doanh. | Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan nhà nước. | Tòa án và cơ quan thi hành án. |
5. Các câu hỏi liên quan đến tạm ngừng kinh doanh
Câu 1: Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh có phải nộp hồ sơ khai thuế không?
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được trích dẫn nêu trên thì doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trừ trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Câu 2: Doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh có được giải thể không?
Doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh vẫn có thể giải thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính, thanh lý tài sản, và thông báo quyết định giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh cùng các bên liên quan theo đúng quy định pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục, doanh nghiệp sẽ bị xóa tên khỏi sổ đăng ký và chấm dứt tư cách pháp nhân.
Câu 3: Doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh bao nhiêu lần?
Không có giới hạn về số lần tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên sau mỗi lần tạm ngừng, nếu tiếp tục, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước ít nhất 3 ngày.
Câu 4: Doanh nghiệp có phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không?
Trong thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế, thanh toán các khoản nợ còn tồn đọng và hoàn thành các hợp đồng đã ký, trừ khi có thỏa thuận khác.
Câu 5: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải nộp hồ sơ khai thuế không?
Nếu tạm ngừng kinh doanh trọn kỳ khai thuế như ( trọn tháng, quý, hoặc năm) doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, nếu tạm ngừng không trọn tháng, quý, hoặc năm, doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế.
Câu 6: Sau khi hết thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động lại?
Sau khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, trạng thái của doanh nghiệp sẽ tự động chuyển về “Đang hoạt động”, và doanh nghiệp không cần làm thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư để quay lại hoạt động. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại trước khi hết thời hạn tạm ngừng, cần phải nộp Thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi tiếp tục kinh doanh trở lại.
Kết luận
Dù doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, việc tuân thủ các quy định về thuế vẫn là điều bắt buộc. Doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra thuế nếu cơ quan thuế phát hiện vi phạm hoặc cần xác minh thông tin. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ thuế, ngay cả trong thời gian tạm ngừng, để tránh những rủi ro pháp lý không mong muốn.
MISA không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về kế toán giúp các doanh nghiệp nắm vững quy trình, mà còn phát triển phần mềm kế toán toán online MISA AMIS. Đây là một giải pháp tài chính kế toán tích hợp, thông minh, dễ sử dụng và an toàn, phù hợp với mọi nhu cầu của doanh nghiệp với nhiều tính năng:
- Kết nối hệ sinh thái: Liên kết trực tiếp với ngân hàng điện tử, hóa đơn điện tử và các hệ thống quản lý như bán hàng, nhân sự, giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế và quản lý hoạt động kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả.
- Hỗ trợ đầy đủ nghiệp vụ kế toán: Tích hợp đầy đủ các nghiệp vụ kế toán theo quy định TT133 và TT200, bao gồm các lĩnh vực như Quỹ, Ngân hàng, Mua bán hàng, Kho bãi, Hóa đơn, Thuế, Giá thành sản phẩm, và nhiều nghiệp vụ khác.
- Tự động nhập liệu: Tự động hóa nhập liệu từ hóa đơn điện tử và khả năng nhập dữ liệu từ Excel, giúp rút ngắn thời gian làm việc và giảm thiểu sai sót.
Với những ưu điểm vượt trội, phần mềm kế toán online MISA AMIS là lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn tối ưu hóa quản lý tài chính và kế toán.
Đăng ký nhận tư vấn và dùng thử 15 ngày miễn phí ngay tại đây