10 ứng dụng AI phổ biến nhất cho doanh nghiệp 2024

24/06/2024
1885

Với khả năng phân tích dữ liệu, sáng tạo nội dung và hỗ trợ ra quyết định, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra nhiều cơ hội mới cho các công ty từ nhỏ đến lớn. Theo NewVantage, 91% công ty được khảo sát cho biết họ đang tăng cường đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong công việc, bài viết này sẽ giới thiệu một số ứng dụng nổi bật của AI đang được triển khai tại các công ty hàng đầu thế giới và tại Việt Nam.

1. Trí tuệ nhân tạo AI là gì?

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, liên quan đến việc tạo ra những công nghệ để giúp máy móc có khả năng thực hiện những công việc cần đến trí thông minh của con người – (Theo IBM).

Trong một báo cáo của Gartner, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tăng 270% từ năm 2015 đến năm 2019. AI đang trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất làm việc và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong một thống kê của McKinsey, nhiều doanh nghiệp phản ánh sự tăng trưởng ít nhất 5% thu nhập trước thuế (EBIT) nhờ vào ứng dụng công nghệ AI. 

Thống kê của McKinsey về doanh thu tăng lên nhờ ứng dụng AI – nguồn: McKinsey

Những lĩnh vực mà công nghệ AI gia tăng năng suất trong công việc bao gồm: 

2. Ứng dụng AI trong hoạt động Sale & Marketing

Theo thống kê của Ringover, các công ty áp dụng công cụ AI vào quy trình bán hàng đã có sự tăng trưởng đến 50% về số lượng khách hàng tiềm năng, trong khi tổng chi phí giảm đến 60%.

Với​​ sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ AI trong những năm gần đây, lĩnh vực marketing và bán hàng nhận được nhiều giá trị nhất từ công nghệ AI. Một số ví dụ của việc ứng dụng công nghệ AI trong công việc marketing và bán hàng bao gồm:

2.1. Ứng dụng AI sáng tạo nội dung

Việc sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo nội dung cho marketing đã trở thành xu hướng phổ biến và mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Dữ liệu của Siege Media cho thấy 83,2% người làm content marketing có kế hoạch sử dụng AI vào năm 2024, tăng gần 30% so với năm 2023 ở mức 64,7%.

Bằng cách cung cấp từ khóa và mô tả, công cụ AI sẽ  giúp các marketer lên ý tưởng cho bài viết, xây dựng khung nội dung (outline) cho bài viết marketing như bài blog, bài đăng trên mạng xã hội hoặc các chiến dịch tiếp thị qua email. Công nghệ AI còn có thể tạo các bài viết hoàn chỉnh với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Một trong những phần mềm AI miễn phí và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cho việc viết bài là ChatGPT (được phát triển bởi tổ chức OpenAI). 

 

ChatGPT hỗ trợ lên ý tưởng cho Marketer khi viết lời mở đầu blog – nguồn: ChatGPT

Bằng việc sử dụng công cụ AI cho việc viết bài, người dùng sẽ có được những lợi ích như: 

  • Cung cấp ý tưởng nội dung đa dạng: Công cụ AI có thể cung cấp ý tưởng sáng tạo, lên dàn ý cho bài viết. Dù không phải lúc nào cũng có thể áp dụng ngay 100% những gì AI gợi ý nhưng chắc chắn từ đó bạn có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng mới mẻ cho riêng mình.
  • Tìm kiếm thông tin nhanh: Với công cụ ChatGPT, người dùng chỉ cần nhập câu hỏi vào hội thoại với chatbot AI, câu trả lời sẽ được phản hồi một cách nhanh chóng.
  • Tối ưu và mở rộng nội dung dễ dàng: Không chỉ hỗ trợ viết content, nhiều công cụ AI còn giúp đánh giá và đề xuất chỉnh sửa những nội dung đã có để tối ưu SEO, nhằm tăng thứ hạng từ khóa trên Google.
  • Sáng tạo nội dung đa nền tảng từ một nội dung sẵn có: Người dùng chỉ cần đưa nội dung bất kỳ vào hộp thoại của công cụ chatbot và yêu cầu viết lại nội dung đó để đăng trên các nền tảng khác. 
  • Tiết kiệm thời gian viết: Nhờ sự hỗ trợ của AI, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đáng kể thời gian sáng tạo nội dung vì công cụ này đã lên dàn ý và nội dung tổng quát.

TẢI NGAY EBOOK: SÁNG TẠO NỘI DUNG VỚI CHAT GPT

2.2. Ứng dụng AI thiết kế hình ảnh

Ngoài khả năng viết nội dung, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) còn có thể ứng dụng trong thiết kế hình ảnh cho hoạt động truyền thông quảng cáo. Một số công cụ như Midjourney, DALL-E, Canva… sử dụng AI để tạo ra hình ảnh dựa trên các dữ liệu đầu vào như màu sắc, phong cách, chủ đề…

Những hình ảnh này có thể đưa vào ấn phẩm truyền thông như poster quảng cáo, banner, bài đăng trên mạng xã hội… Điều này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí, tăng hiệu quả công việc cho người làm marketing.

Midjourney-ung-dung-ai-tao-hinh-anhMidjourney – một ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những bức hình sống động – nguồn: Midjourney

Mới đây PepsiCo – một trong những thương hiệu đồ uống lớn nhất thế giới, đã mạnh tay sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo key visual trong chiến dịch Tết 2024. Những hình ảnh này lan tỏa trên khắp các nền tảng truyền thông và bảng quảng cáo ngoài trời (OOH), thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng. 

pepsi-ung-dung-ai-tao-key-visualPepsi sử dụng AI để tạo key visual trong chiến dịch Tết 2024 – nguồn: BrandsVietnam

Theo Adobe, 3 lợi ích lớn nhất của người dùng khi thiết kế hình ảnh bằng công nghệ AI là:

  • Hiệu quả cao hơn: Công cụ AI có thể giúp tự động hóa các tác vụ lặp lại như tách chủ thể khỏi nền, thay đổi kích thước hình ảnh và áp dụng phong cách nhất quán để bạn có thể tập trung vào công việc sáng tạo và phức tạp hơn. Những công cụ này cũng giúp người dùng tránh được căng thẳng về thể chất và tinh thần khi phải xem xét các chi tiết nhỏ nhất trên màn hình để chọn đúng pixel hoặc phông chữ phù hợp. 
  • Sáng tạo không giới hạn: AI tạo sinh là một công cụ lên ý tưởng tuyệt vời. Bạn có thể thử những ý tưởng và khái niệm mới nhanh hơn bao giờ hết, qua đó khám phá những ý tưởng táo bạo nhất của mình và xem cách thực hiện với câu lệnh nghệ thuật AI.
  • Khả năng trợ năng lớn hơn: Với tính năng kiểm tra trợ năng tự động, AI có thể tìm thấy các vấn đề về khả năng đọc, độ tương phản màu sắc… Tính năng này nhanh hơn và đáng tin cậy hơn việc tự mình kiểm tra khả năng trợ năng.

2.3. Chatbot dịch vụ khách hàng

Chatbot là một loại phần mềm tự động có khả năng tương tác với người dùng thông qua trò chuyện. Thông qua chatbot, người dùng có thể trò chuyện với các thiết bị số như đang giao tiếp với người thật và nhận được những thông tin cần thiết. 

Bằng việc ứng dụng công nghệ AI, chatbot AI có thể trả lời câu hỏi của khách hàng một cách chính xác và gần như ngay lập tức. Nhờ tốc độ phản hồi nhanh theo thời gian thực và khả năng tuỳ chỉnh hội thoại tuỳ theo nhu cầu khách hàng, chatbot AI có thể rút ngắn thời gian trên hành trình mua của khách hàng. Theo ThriveMyway, trung bình các cuộc trò chuyện với chatbot nhận được tỷ lệ hài lòng của khách hàng là 87,58%.

Một số lợi ích của chatbot đối với doanh nghiệp:

  • Khác với nhân viên làm việc 8 tiếng mỗi ngày, chatbot có thể hoạt động liên tục 24/7 mà không cần nghỉ ngơi
  • Tự động hóa nhiều quy trình như đặt hàng, tra cứu thông tin… giảm bớt các tác vụ lặp đi lặp lại, giúp tiết kiệm thời gian
  • Nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng

Một ví dụ điển hình là tập đoàn H&M, nhà bán lẻ thời trang này sử dụng chatbot để cung cấp thông tin về tình trạng còn/hết hàng của sản phẩm, cửa hàng gần nhất và các lời khuyên khác dựa trên thắc mắc của khách hàng.

h&m-su-dung-chatbot-dich-vu-khach-hangNhà bán lẻ thời trang H&M sử dụng chatbot dịch vụ khách hàng – nguồn: chatbotguide.org

Hay như Starbucks – thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất thế giới, đã tích hợp nền tảng Amazon Alexa vào dịch vụ ‘My Starbucks Barista’ của họ. Điều này cho phép khách hàng đặt hàng, chỉnh sửa và xác nhận địa điểm lấy hàng bằng cách sử dụng giọng nói và công nghệ chatbot thông qua điện thoại di động.

Starbuck-ung-dung-ai-tang-trai-nghiem-khach-hang

Starbuck sử dụng AI giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng – nguồn: stories.starbucks.com

2.4. Quảng cáo cá nhân hóa (Personalized Advertising)

Quảng cáo cá nhân hoá (Personalized Advertising) là quảng cáo được tạo ra dựa trên dữ liệu của người tiêu dùng nhằm tăng mức độ phù hợp của quảng cáo. Những dữ liệu này có thể là hành vi, sở thích, nhu cầu, vị trí địa lý, thông tin nhân khẩu học…

Cá nhân hóa giờ đây không chỉ dừng lại ở việc gọi tên khách hàng trong email mà còn đi sâu vào việc hiểu rõ sở thích, nhu cầu, hành vi của khách hàng để cung cấp nội dung và dịch vụ phù hợp nhất.

Nghiên cứu của Epsilon cho thấy 80% người tiêu dùng có khả năng mua hàng cao hơn khi thương hiệu cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa. Trong marketing thời đại kỹ thuật số, quảng cáo được cá nhân hóa đã trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trong các chiến dịch marketing của doanh nghiệp. 

Bước đầu tiên để quảng cáo cá nhân hoá hiệu quả là xây dựng được hồ sơ khách hàng 360 độ. Bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo AI và nền tảng CDP (Customer Data Platform – Nền tảng dữ liệu khách hàng), doanh nghiệp có thể xây dựng một hồ sơ khách hàng toàn diện với góc nhìn 360 độ, với dữ liệu khách hàng được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.

ho-so-khach-hangVí dụ về hồ sơ khách hàng – nguồn: useinsider.com

Sau khi làm rõ chân dung khách hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng thế mạnh của computational advertising – chuỗi thuật toán cho phép người làm marketing cung cấp quảng cáo đúng thời điểm, dựa trên thông tin nhân khẩu học hoặc thói quen trực tuyến của khách hàng. Thuật toán này có thể giúp quảng cáo trở nên hấp dẫn, phù hợp hơn, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thị và tỷ lệ chuyển đổi.

Một case-study điển hình trong việc ứng dụng AI vào cá nhân hóa quảng cáo là Netflix – “gã khổng lồ” truyền hình trực tuyến. Netflix đặc biệt chú trọng việc cá nhân hóa trải nghiệm tiếp thị. Công ty này sử dụng công nghệ Học máy (Machine Learning) để phân tích hành vi xem của người dùng như thời lượng, thể loại yêu thích, lịch sử tìm kiếm… từ đó đề xuất phim và chương trình truyền hình phù hợp. 

netflix-ca-nhan-hoa-trai-nghiem-tiep-thiNetflix đặc biệt chú trọng việc cá nhân hóa trải nghiệm tiếp thị – nguồn: blog.hubspot.com

Tỷ lệ phần trăm phù hợp (phông chữ màu xanh lá) bên cạnh tiêu đề của mỗi bộ phim cho biết mức độ phù hợp của bộ phim đó đối với người dùng. Hoạt động này của Netflix giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy nội dung yêu thích, từ đó gia tăng sự hài lòng, nâng cao trải nghiệm người dùng.

>> Có thể bạn quan tâm: Xây dựng văn hóa số trong kỷ nguyên AI

3. Ứng dụng AI trong Quản trị nguồn nhân lực

Bên cạnh việc áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh, AI còn được sử dụng trong hoạt động quản trị nhân sự nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển tài năng trong tổ chức. 

Theo một thống kê mới đây vào tháng 1 năm 2024 của Gartner, 81% nhà quản lý nhân sự đang sử dụng AI để nâng cao hiệu quả trong tổ chức của họ, 43% nhà quản lý đặt mục tiêu sử dụng AI cho hoạt động dịch vụ nhân sự và 41% cho hoạt động tuyển dụng.

ung-dung-ai-trong-linh-vuc-nhan-suThống kê của Gardner về việc ứng dụng AI trong lĩnh vực nhân sự – nguồn: Gartner

Tải miễn phí: 65 KỊCH BẢN ĐẶT LỆNH TRONG CHAT GPT DÀNH CHO NHÂN SỰ

3.1. Nâng cao hiệu quả tuyển dụng

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng và thu hút nhân tài là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của AI trong quản trị nhân sự, cụ thể:

  • Tìm kiếm ứng viên hiệu quả: Bằng các phần mềm AI chuyên biệt, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp dữ liệu đầu vào là các tiêu chí cụ thể cho vị trí cần tuyển, công nghệ AI sẽ trợ giúp tìm kiếm ứng viên phù hợp bằng cách “quét” qua cơ sở dữ liệu khổng lồ trên internet hoặc trên các nền tảng trực tuyến như LinkedIn… Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ tuyển “đúng người đúng thời điểm”. Một trong những nền tảng ứng dụng công nghệ AI để tìm kiếm ứng viên là nền tảng Taleo do Oracle phát triển. 
  • Sàng lọc hồ sơ: Theo một thống kê, mỗi một vị trí tuyển dụng cần 23 giờ để sàng lọc hồ sơ và chỉ có 12% – 25% trong đó đủ tiêu chuẩn. Có thể thấy việc sàng lọc hồ sơ ứng viên thủ công tốn rất nhiều thời gian. AI có thể giúp sàng lọc số lượng lớn ứng viên dựa trên các tiêu chí doanh nghiệp đưa ra, sau đó xác định ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu công việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp.
  • Tự động hoá quy trình phỏng vấn: Một số nền tảng chuyên dụng (ví dụ như HireVue) có thể dùng AI để tự động hóa việc lên lịch phỏng vấn, tiết kiệm thời gian cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên. Hơn nữa, công nghệ này có thể tạo ra các câu hỏi phỏng vấn phù hợp dựa trên mô tả công việc và hồ sơ ứng viên, đảm bảo quá trình phỏng vấn tập trung vào những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết. Sau khi kết thúc các cuộc phỏng vấn video, AI có khả năng phân tích ngôn ngữ, giọng điệu và biểu cảm khuôn mặt của ứng viên trong các cuộc phỏng vấn này, từ đó cung cấp những đánh giá khách quan và chi tiết về ứng viên, tránh những thành kiến chủ quan. Điều này giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định chính xác hơn.

Việc tích hợp AI vào quy trình tuyển dụng giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và thu hút nhân sự phù hợp một cách nhanh chóng.

banner-misa-amis-hop-nhat

3.2. Đào tạo và phát triển nhân sự

Theo một khảo sát do American Society for Training and Development tiến hành, việc triển khai các chương trình đào tạo hiệu quả đem lại mức lợi nhuận cao hơn 218% trên mỗi nhân viên và tỷ suất lợi nhuận tăng cao hơn 24%. Có thể thấy việc đào tạo và phát triển nhân sự giúp tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Trí tuệ nhân tạo AI có thể gia tăng năng suất đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp. Bằng cách sử dụng dữ liệu, các thuật toán của AI có thể đánh giá kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của tất cả nhân viên, sau đó cung cấp nội dung học tập phù hợp với mục tiêu, nhu cầu, sở thích và phong cách học tập của từng cá nhân. Cách tiếp cận cá nhân hóa này không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên mà còn tăng cường sự gắn kết giữa nhân viên và tổ chức.

tro-ly-ao-Zavvy-de-xuat-khoa-hoc

Trợ lý ảo của Zavvy đề xuất các khóa học phù hợp cho người dùng – nguồn: zavvy.io

3.3. Đánh giá hiệu suất nhân viên

Đánh giá hiệu suất nhân viên là một hoạt động không thể thiếu trong quản trị nhân sự. Ứng dụng AI trong công tác này mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. AI có khả năng phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như kết quả công việc, phản hồi từ đồng nghiệp, báo cáo của quản lý… Kết quả của quá trình phân tích này là AI sẽ đưa ra các đánh giá khách quan, chính xác về hiệu suất của từng nhân viên.

Thông qua dữ liệu thu thập được, AI có thể thiết lập các mục tiêu cụ thể và đo lường được mà vẫn đảm bảo phù hợp với từng nhân viên. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả làm việc mà còn thúc đẩy sự phát triển cá nhân, góp phần tạo nên môi trường làm việc tích cực.

Một số ưu và nhược điểm của AI trong lĩnh vực Quản trị nguồn nhân lực

Ưu điểm Nhược điểm
Tăng sự chính xác và tốc độ trong các tác vụ hàng ngày, tăng năng suất công việc Việc triển khai và duy trì công nghệ AI có thể đòi hỏi chi phí đầu tư lớn
Nâng cao hiệu quả tuyển dụng thông qua quá trình sàng lọc và lựa chọn ứng viên Tiềm ẩn rủi ro an ninh mạng và bảo mật dữ liệu
Nâng cao sự gắn kết và giữ chân nhân viên bằng cách cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa và phản hồi theo thời gian thực  Sự phụ thuộc vào AI có thể dẫn đến gián đoạn nếu công nghệ gặp trục trặc
Tối ưu hóa khả năng quản trị nhân sự, giúp đưa ra quyết định sáng suốt bằng phương pháp phân tích dữ liệu Yêu cầu cao về dữ liệu đầu vào, nếu dữ liệu sai lệch hoặc chứa định kiến, thuật toán AI có thể tạo ra kết quả không công bằng

 

MISA AMIS TẶNG BẠN BỘ TÀI LIỆU: 40 Biểu mẫu & Dashboard đánh giá hiệu suất công việc từng phòng ban mới nhất 2024

4. Ứng dụng AI trong Kế toán – Tài chính

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực kế toán ước tính đạt 1,56 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 6,62 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR – Compound Annual Growth Rate) là 33,5% trong giai đoạn 2024 – 2029.

quy-mo-thi-truong-ai-trong-linh-vuc-ke-toanQuy mô thị trường AI trong lĩnh vực kế toán – nguồn: mordorintelligence.com

Một nghiên cứu khác của tạp chí CPA Practice Advisor cho biết 72% chuyên gia trong lĩnh vực Kế toán kỳ vọng AI sẽ phát triển vượt bậc trong 3 năm tới. 

Có thể thấy trí tuệ nhân tạo (AI) trong kế toán ngày càng trở thành một công nghệ quan trọng và được ứng dụng rộng rãi. Công nghệ này mang lại nhiều lợi ích đột phá, giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao độ chính xác và giảm bớt gánh nặng công việc thủ công. Một số ứng dụng điển hình của việc ứng dụng công nghệ AI cho tài chính kế toán bao gồm: 

4.1. Xử lý dữ liệu và hạch toán kế toán hiệu quả

AI có thể tự động quét, nhận dạng và xử lý các tài liệu kế toán như hóa đơn, chứng từ, báo cáo tài chính… Công nghệ OCR (Optical Character Recognition) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) được sử dụng để nhận diện và chuyển đổi thông tin từ tài liệu giấy tờ sang dữ liệu kỹ thuật số.

Một ví dụ của Jason Staats – chuyên gia kiểm toán độc lập (LinkedIn) về việc sử dụng ChatGPT trong kế toán. Người dùng cung cấp danh sách các giao dịch ngân hàng chưa được phân loại sau đó mô tả chi tiết yêu cầu của mình, công cụ này sẽ phân loại các giao dịch cụ thể như ảnh dưới:

chatgpt-phan-loai-giao-dichChatGPT phân loại giao dịch – nguồn: LinkedIn

4.2. Phát hiện và ngăn chặn gian lận

Theo báo cáo năm 2022 của ACFE (Association of Certified Fraud Examiners – tổ chức chuyên nghiên cứu gian lận của Hoa Kỳ), các doanh nghiệp mất 5% doanh thu hàng năm do gian lận. Trong một thống kê của Econstor, 41% công ty trình bày sai báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư thiệt hại tới 15,6% vốn hóa thị trường doanh nghiệp.

Có thể thấy gian lận trong kế toán tài chính gây hậu quả nghiêm trọng cho các tổ chức. Các doanh nghiệp cần thiết lập những biện pháp ngăn chặn gian lận cụ thể như: kiểm toán sổ sách thường xuyên, theo dõi chặt chẽ hóa đơn, sử dụng công cụ AI để phát hiện sớm bất thường…

Các thuật toán AI có thể hỗ trợ công tác này bằng cách phân tích khối lượng lớn dữ liệu giao dịch, tìm kiếm điểm bất thường hoặc sai lệch so với các tiêu chuẩn đã thiết lập. Chẳng hạn, nếu AI nhận thấy một giao dịch chuyển tiền quốc tế lớn từ một tài khoản không có lịch sử thực hiện các giao dịch tương tự, nó sẽ đánh dấu giao dịch này là đáng ngờ và gửi cảnh báo đến bộ phận kiểm soát. Bộ phận này có thể tạm ngừng giao dịch của tài khoản này và liên hệ với khách hàng để xác minh, tránh được những rủi ro tài chính tiềm ẩn.

Tại châu Âu, tổng giá trị giao dịch gian lận hàng năm trên khắp châu lục này lên tới 1,8 tỷ EUR, khiến nhu cầu về các biện pháp phòng chống gian lận trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. KPMG – hãng kiểm toán đa quốc gia đã kết hợp với Nets – công ty hàng đầu về dịch vụ thanh toán, để phát triển Nets Fraud Ensemble – một giải pháp chống gian lận được hỗ trợ bởi công nghệ AI. Công cụ này có thể ngăn chặn tới 40% các giao dịch gian lận.

Bằng cách liên tục học hỏi từ các dữ liệu mới, AI ngày càng trở nên chính xác và hiệu quả hơn trong việc phát hiện và ngăn chặn các hoạt động gian lận, bảo vệ tài sản và uy tín của các tổ chức tài chính.

4.3. Phân tích dữ liệu và lập kế hoạch tài chính

Bằng cách phân tích lịch sử giao dịch, xu hướng thị trường và nhiều biến số tài chính liên quan, mô hình AI có thể đưa ra dự báo về các yếu tố như doanh thu, chi phí và dòng tiền. Điều này cho phép cho các doanh nghiệp dự đoán được những thách thức và cơ hội tài chính, đưa ra quyết định chiến lược sáng suốt và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Dù mục tiêu là để lập ngân sách, lập kế hoạch đầu tư hay quản lý rủi ro, phân tích dữ liệu tài chính đều có thể giúp các tổ chức thích ứng và phát triển trong bối cảnh thị trường liên tục biến động. Cụ thể hiện nay AI có thể:

  • Đưa ra dự báo chính xác hơn về diễn biến thị trường trong tương lai bằng cách sử dụng các thuật toán dựa trên dữ liệu và phân tích phức tạp
  • Xác định yếu tố nào ảnh hưởng đến nhu cầu nhiều nhất thông qua phân tích hành vi khách hàng
  • Quét qua dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như các bài báo, bài đăng trên mạng xã hội và báo cáo tài chính để phát hiện rủi ro tiềm ẩn
  • Tối ưu hóa danh mục đầu tư bằng cách đề xuất các cổ phiếu hoặc trái phiếu cụ thể có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn, dựa trên điều kiện thị trường hiện tại và sở thích của nhà đầu tư

Tháng 4 năm 2023, công ty PwC Mỹ đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 3 năm vào các hoạt động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm nâng cao hiệu quả công việc mà các kiểm toán viên và chuyên gia tư vấn của PwC đang làm cho khách hàng. Hãng kiểm toán hàng đầu thế giới này sử dụng các sản phẩm của Microsoft như ChatGPT. Riêng với khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm, hàng không và chăm sóc sức khỏe, PwC sử dụng Azure OpenAI của Microsoft.

Có thể thấy ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Hiện nay tại Việt Nam, MISA là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hầu hết các sản phẩm trong hệ sinh thái MISA AMIS – nền tảng quản trị doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Với việc tích hợp AI vào trong các phần mềm ở cả 4 trụ cột chính bao gồm Tài chính – Kế toán, Marketing – Bán hàng, Nhân sự và Điều hành, MISA AMIS có khả năng giúp doanh nghiệp tăng năng suất gấp 10 lần.

Cụ thể, AI hỗ trợ doanh nghiệp ở từng mảng nghiệp vụ như sau:

Dùng thử miễn phí

  • Tài chính – Kế toán: Trợ lý MISA AVA giúp giảm 80% thời gian nhờ tự động các nghiệp vụ như kiểm tra hoá đơn, nhập chứng từ, nhập dữ liệu, lên báo cáo,… với độ chính xác 100% nhờ năng suất của bộ phận kế toán nên gấp 10 lần.
  • Quản trị Nhân sự: Trợ lý MISA AVA có khả năng đọc và phân loại hàng nghìn hồ sơ ứng viên một cách chính xác, tiết kiệm đến 90% thời gian trong công tác tuyển dụng.
  • Bán hàng – Marketing: Trợ lý MISA AVA hỗ trợ viết email chào hàng, chăm sóc khách hàng,…chuyên nghiệp và tự động kiểm tra lỗi chính tả, tăng tốc độ thực hiện lên đến 36 lần.
  • Quản lý – Điều hành: Trợ lý MISA AVA tự động tổng hợp, phân tích, báo cáo chỉ trong vài giây, giúp CEO nắm bắt nhanh chóng tình hình hoạt động của doanh nghiệp và ra quyết định kịp thời dựa trên dữ liệu.

Hơn 250.000+ doanh nghiệp đã tin chọn MISA AMIS để tối ưu toàn bộ hoạt động vận hành, tận dụng AI để tăng năng suất gấp 10 lần, trong đó có Công ty Cổ phần LANDCO, Công ty Cổ Phần Viglacera Hạ Long, Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Đại Á Châu, Công ty Austdoor,… và nhiều doanh nghiệp khác.

Dùng thử và khám phá sức mạnh của MISA AMIS tại đây:


5. Kết luận

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc đang mở ra những cơ hội mới và mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc đầu tư và áp dụng AI sẽ tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp trong tương lai.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả