Tài chính - kế toán Kế toán Hộ kinh doanh Quy định đặt tên hộ kinh doanh cần lưu ý 2024

Bạn đang chuẩn bị đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc thay đổi tên hộ kinh doanh? Dưới đây là những điều MISA AMIS muốn chia sẻ về quy định đặt tên hộ kinh doanh mà bạn cần lưu ý.

1.Hộ kinh doanh là gì?

Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP: “Hộ kinh doanh là cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vị toàn quốc, không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên vẫn được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

Xem thêm: Đặc điểm, quy định về hộ kinh doanh

2. Quy định đặt tên hộ kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đặt tên hộ kinh doanh được quy định như sau:

– Hộ kinh doanh có tên gọi riêng, bao gồm 2 thành tố theo thứ tự:

  • Cụm từ “Hộ kinh doanh”
  • Tên riêng của hộ kinh doanh

Trong đó, tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm các chữ số, ký hiệu

Tên hộ kinh doanh có thể đặt bằng tiếng Việt hoặc cả tiếng Anh

3. Gợi ý đặt tên hộ kinh doanh 

– Hộ kinh doanh có thể thực hiện việc đặt tên hộ kinh doanh theo ngành, nghề đăng ký hoạt động

– Thực hiện việc đặt tên theo tên cá nhân 

– Đặt tên theo tên địa danh nổi bật về các mặt hàng kinh doanh mang tính bản địa

– Đặt tên bằng các tính từ phổ biến gây ấn tượng với khách hàng

– Đặt theo các danh từ liên quan đến cuộc sống, phổ biến trong xã hội

– Đặt kết hợp với các từ ngoại ngữ (fashion, shoes, shop, spa…)

4. Tên hộ kinh doanh có thể đặt trùng nhau không?

Theo Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đặt tên hộ kinh doanh cần lưu ý:

“2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.”

Do đó, việc đặt tên hộ kinh doanh không được đặt tên riêng trùng với hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện

5. Cách kiểm tra tên hộ kinh doanh có bị trùng hay không

Để kiểm tra tên hộ kinh doanh định đặt có bị trùng hay không, hộ kinh doanh có thể tiến hành tra cứu theo một số cách như sau:

– Sử dụng các công cụ tìm kiếm (mạng xã hội, website…) để tìm kiếm tên định đặt cũng như các thông tin cơ bản khác.

– Liên hệ trực tiếp Bộ phận một cửa UBND cấp huyện hoặc chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện để tra cứu thông tin và kiểm tra tên dự định đăng ký có bị trùng hay không.

6. Tên cửa hàng và tên đăng ký hộ kinh doanh có giống nhau không

Tên cửa hàng không được quy định cụ thể trong các văn bản luật chuyên ngành. Tên cửa hàng là tên gọi khác của các tổ chức kinh tế cần phải đăng ký kinh doanh bao gồm: hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và cả những cá nhân không phải đăng ký kinh doanh.

Mục đích chính của việc đặt tên cửa hàng là để xây dựng thương hiệu cũng như nhận biết và phân biệt cửa hàng này với cửa hàng khác. 

Ngoài ra, tên cửa hàng cũng được ghi trên các phương tiện quảng cáo như: bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo. 

Như vậy, tên cửa hàng và tên hộ kinh doanh không giống nhau:

– Tên cửa hàng do chủ hộ kinh doanh tự lựa chọn còn tên hộ kinh doanh phải đảm bảo các quy định về đặt tên như cụm từ Hộ kinh doanh và tên riêng hộ kinh doanh. 

– Ngoài ra, tên hộ kinh doanh phải đăng ký và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn tên cửa hàng thì không cần phải đăng ký.

7. Thay đổi tên hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh khi quyết định thay đổi tên phải nhanh chóng thực hiện đăng ký thay đổi tên của hộ kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Việc thay đổi tên này không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ nào của hộ kinh doanh. 

Tên mới mà hộ kinh doanh đăng ký vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định trong việc đặt tên tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ bao gồm:

– Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh (mẫu Phụ lục III-2 ban hành kèm Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)

– Bản sao hợp lệ Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh về việc thay đổi tên của hộ kinh doanh (trường hợp hộ kinh doanh do nhiều cá nhân góp vốn làm chủ sở hữu)

– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là cá nhân thành lập hoặc người đại diện của hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có)

Nơi nộp hồ sơ: Phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới trong trường hợp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh  thì hộ kinh doanh phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũ.

Trên đây là quy định đặt tên hộ kinh doanh cần lưu ý mà MISA AMIS muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng những thông tin trên của chúng tôi có thể giúp chủ kinh doanh hiểu rõ và đảm bảo quy định trong hoạt động đăng ký tên hộ kinh doanh. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]