Kiến thức nhân sự Quan hệ lao động Quan hệ lao động là gì? Một số quy định về quan...

Quan hệ lao động là một khái niệm thường gặp trong quản lý nhân sự tại doanh nghiệp, tổ chức. Vậy quan hệ lao động là gì, được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Hãy cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này trong nội dung dưới đây.

1. Quan hệ lao động là gì?

Theo Khoản 5, Điều 3 Bộ Luật Lao Động 2019: Quan hệ lao động là một mối quan hệ xã hội được phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động hay trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc các tổ chức đại diện của các bên trong quan hệ lao động hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động tập thể và quan hệ lao động cá nhân.

quan hệ lao động là gì
Nhà lãnh đạo, nhà quản lý cần hiểu rõ quan hệ lao động là gì

2. Xây dựng quan hệ lao động

Tại Điều 7 Chương I Bộ Luật Lao Động 2019 quy định rõ về xây dựng quan hệ lao động:

  1. Quan hệ lao động thường được xác lập qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận dựa theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
  2. Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
  4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
quan hệ lao động là gì
Việc xây dựng quan hệ lao động được quy định dựa trên pháp luật với tinh thần đảm bảo quyền lợi giữa các bên

Như vậy, khi xây dựng quan hệ lao động giữa hai bên, cần chú ý những nguyên tắc dưới đây:

  • Xây dựng quan hệ thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên.
  • Đảm bảo xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
  • Thúc đẩy việc thi hành các quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Giải pháp quản lý hồ sơ nhân sự, quan hệ lao động toàn diệnDùng thử miễn phí AMIS Thông Tin Nhân Sự

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động

Theo Điều 178 Chương XIII Bộ Luật Lao Động năm 2019, tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau:

  1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.
  2. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.
  3. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.
  4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.
  5. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.
  6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.
  7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
  8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Đặc điểm quan hệ lao động

Thứ nhất, chủ thể của quan hệ lao động phải là người lao động và người sử dụng lao động.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động sẽ là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận hoặc hợp đồng, họ được trả lương cũng như chịu sự quản lý, giám sát và điều hành của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là từ đủ 15 tuổi và trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật Lao động này.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn và sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận; trường hợp khi người sử dụng lao động là cá nhân thì buộc họ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Thứ hai, trong quan hệ lao động, người lao động luôn luôn phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Về mặt pháp lý, người sử dụng lao động có quyền tổ chức và quản lý quá trình lao động của người lao động và buộc người lao động phải tuân thủ. Bởi người sử dụng lao động sẽ là người có quyền sở hữu tài sản mà các yếu tố cấu thành nên quan hệ sản xuất sẽ luôn chịu sự chi phối của quan hệ sở hữu.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bỏ tiền ra để mua sức lao động của người lao động, muốn việc sử dụng sức lao động đó đạt hiệu quả cao đòi hỏi người sử dụng lao động phải quản lý nó một cách phù hợp và khoa học.

Về lợi ích kinh tế, giữa người sử dụng lao động và người lao động vừa có sự mâu thuẫn cũng như vừa có sự thống nhất phụ thuộc lẫn nhau. Ở khía cạnh nhất định, người sử dụng lao động sẽ luôn muốn giảm tới mức thấp nhất các chi phí sử dụng trong đó có các vấn đề về tiền lương của người lao động để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiền lương và thu nhập trong quan hệ lao động lại chính là nguồn sống chủ yếu của người lao động.

Có thể thấy, sự phụ thuộc của người lao động là một trong những đặc điểm quan trọng để phân biệt quan hệ lao động với những quan hệ tương đồng khác và đồng thời là căn cứ xác định đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động.

Thứ ba, quan hệ lao động chứa đồng thời các yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội.

Biểu hiện của đặc điểm này nằm ở việc quan hệ lao động không chỉ liên quan đến việc làm, giải quyết việc làm nhằm hạn chế thất nghiệp và bảo đảm đời sống của người lao động hay giảm thiểu các tình trạng tệ nạn xã hội… Quan hệ lao động còn liên quan đến nguồn nhân lực, việc thu hút đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế.

>>> Xem thêm: Top phần mềm chấm công miễn phí tốt nhất hiện nay

5. Các hình thức của quan hệ lao động

Hình thức biểu hiện của quan hệ lao động sẽ giúp phân tích mức độ hài hòa của quan hệ lao động. Khi quan sát một hệ thống quan hệ lao động, cần chú ý vào các biểu hiện chủ yếu sau:

  • Hình thức đại diện: bao gồm hình thức của các thiết chế đại diện cho người lao động, hình thức của các thiết chế đại điện cho người sử dụng lao động ở nhiều cấp bậc khác nhau, hình thức của các thiết chế đại diện cho nhà nước.
  • Hình thức đối thoại: là cách thức tổ chức kênh đối thoại giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Các kênh đối thoại này có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau: tham vấn, chia sẻ thông tin, thương lượng.
  • Hình thức tiêu chuẩn lao động: bao gồm pháp luật lao động, thỏa ước lao động, hợp đồng lao động, nội quy lao động, biên bản ghi nhớ hoặc cam kết của lãnh đạo và cũng có thể là các bộ quy tắc ứng xử (COC).
  • Hình thức xung đột và giải quyết xung đột: thực tế tại mỗi tổ chức luôn tồn tại xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc quan sát biểu hiện của các xung đột này giúp đánh giá tình trạng quan hệ lao động của doanh nghiệp. Xung đột trong doanh nghiệp có thể biểu hiện và phát triển đến các cấp độ khác nhau như: mâu thuẫn, khiếu nại, hòa giải, tranh chấp, trọng tài, xét xử, đình công, bế xưởng.
quan hệ lao động là gì
Có nhiều hình thức quan hệ lao động, trong đó bao gồm cả xung đột

6. Nội dung của quan hệ lao động

Nội dung quan hệ lao động xoay quanh các vấn đề mà người lao động và người sử dụng lao động cùng quan tâm. Nội dung thường phân loại theo lĩnh vực, hoặc theo chuẩn mực pháp lý:

Phân theo lĩnh vực: tuyển dụng, đào tạo, tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, chế độ đãi ngộ…

Phân loại theo chuẩn mực pháp lý: Nội dung của quan hệ lao động xoay quanh quyền và lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Lợi ích là biểu hiện cụ thể của sự thỏa mãn nhu cầu trong một bối cảnh cụ thể. Nó phản ánh mối quan hệ giữa lương lao động và kỳ vọng cụ thể của người lao động. Lợi ích có thể được hiểu theo nhiều góc độ, quan điểm khác nhau, được hai bên thỏa thuận.

Quyền chính là lợi ích nhưng đã được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động, hợp đồng lao động, và nội quy lao động.

7. Ý nghĩa của quan hệ lao động

7.1 Quan hệ lao động vừa có bản chất kinh tế vừa có bản chất xã hội

Quan hệ lao động có một bản chất đa chiều, đồng thời kết hợp cả yếu tố kinh tế và xã hội. Bản chất kinh tế của quan hệ lao động thể hiện qua các điểm sau:

  • Mối quan hệ này bị chi phối bởi lợi ích, với tiền lương và lợi nhuận là yếu tố quan trọng. Người lao động tham gia để nhận tiền lương, trong khi người sử dụng lao động động cơ cơ bản là lợi nhuận.
  • Quan hệ lao động thực chất là mối quan hệ giữa người sở hữu sức lao động (L) và người sở hữu tư liệu sản xuất (Vốn – K), hai yếu tố sản xuất chính trong xã hội. Sự hài hòa và ổn định trong quan hệ này quyết định tới sự tăng trưởng và năng suất lao động trong nền kinh tế.
  • Quan hệ lao động ảnh hưởng đến việc sản xuất ra cải vật chất trong xã hội. Hầu hết mọi thứ trong xã hội được tạo ra thông qua quá trình tương tác giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua doanh nghiệp.

Bản chất xã hội của quan hệ lao động thể hiện qua những điểm sau:

  • Quan hệ lao động là mối quan hệ giữa con người với con người, và do đó, nó phải đáp ứng những nhu cầu tinh thần của con người, bất kể có muốn hay không.
  • Quan hệ lao động diễn ra trong một không gian cụ thể với điều kiện cụ thể, tạo ra mâu thuẫn giữa môi trường sống của con người và điều kiện sản xuất. Sự bảo vệ và tôn trọng người lao động là cần thiết.
  • Quan hệ lao động ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người trong xã hội và có ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống của những cá nhân khác trong xã hội. Người lao động thường là thành viên chủ chốt trong gia đình, và do đó, ổn định trong quan hệ lao động không chỉ làm hạnh phúc cho họ mà còn duy trì hạnh phúc của gia đình.

7.2 Quan hệ lao động vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất

Các bên tham gia quan hệ lao động đều có sự mâu thuẫn và thống nhất đồng thời. Điều này dẫn đến sự đa chiều trong mối quan hệ này:

Tính mâu thuẫn:

  • Về mặt kinh tế, người lao động và người sử dụng lao động có lợi ích khác nhau, và sự tăng giảm trong chi phí có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
  • Về mặt tinh thần, khả năng hiểu biết và quan điểm khác nhau có thể dẫn đến xung đột và mâu thuẫn.

Tính thống nhất:

  • Quan hệ lao động là một hệ thống, và sự hợp tác của tất cả các bên là cần thiết để đạt được mục tiêu và lợi ích của họ.
  • Trong dài hạn, bảo đảm tiền lương và lợi ích của người lao động có thể duy trì sự ổn định trong sản xuất và tăng cường năng suất lao động.

7.3 Quan hệ lao động là quan hệ vừa bình đẳng, vừa không bình đẳng

quan hệ lao động là gì
Tính bình đẳng và bất bình đẳng của quan hệ lao động

Bình đẳng: mối quan hệ này có tính tự nguyện dựa trên cân nhắc về lợi ích. Mỗi bên có quyền lựa chọn và từ chối tham gia quan hệ này.

Không bình đẳng: quan hệ lao động có sự không cân đối do quyền lực và vị thế khác nhau trong thị trường lao động. Các yếu tố như cung cầu lao động, trình độ của người lao động, và sự yếu thế pháp lý có thể làm cho người lao động yếu thế hơn trong quan hệ này. Ở một số nước đang phát triển, cung cầu lao động không cân xứng, người lao động có thể ở vị thế yếu hơn trong cuộc đàm phán.

7.4 Quan hệ lao động là quan hệ vừa mang tính chất cá nhân, vừa mang tính chất tập thể

Tính cá nhân: quan hệ lao động được điều khiển bởi lợi ích cá nhân của mỗi bên, và nó thường bắt nguồn từ sự đặt ra của từng người.

Tính tập thể: trong quá trình phát triển thị trường lao động, quan hệ lao động có xu hướng dịch chuyển từ cá nhân sang tập thể. Các bên có xu hướng liên kết với nhau để tạo ra các tập đoàn lợi ích mạnh mẽ, làm tăng sức mạnh trong cuộc đàm phán và thương lượng.

8. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động

Nhằm xây dựng mối quan hệ lao động lành mạnh, người sử dụng lao động cần tuân thủ nghiêm pháp luật, không vi phạm điều cấm. Cụ thể, Điều 8 Chương I Bộ Luật Lao Động quy định cấm các hành vi sau:

  1. Phân biệt đối xử trong lao động.
  2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
  3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
  5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
  6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
  7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

9. Kết luận

Trên đây là những thông tin về quan hệ lao động là gì, cũng như ý nghĩa của quan hệ lao động trong tổ chức. MISA AMIS HRM hy vọng rằng bài viết đã mang lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc, giúp doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động tiến bộ và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]