Tổng hợp các vấn đề cần nắm về báo cáo sử dụng hoá đơn quý 4/2022

10/01/2023
1320

Thời hạn kê khai thuế quý 4 năm 2022 sắp tới, cùng với việc năm 2022 có nhiều chính sách thuế, chính sách về quản lý hóa đơn thay đổi, cộng thêm giai đoạn cuối năm là thời điểm có nhiều công việc kế toán cần thực hiện, nhưng các bạn kế toán đừng quên nộp báo cáo sử dụng hoá đơn. Doanh nghiệp nào phải nộp báo cáo sử dụng hoá đơn quý 4 năm 2022? Cách thức nộp báo cáo sử dụng hoá đơn như thế nào?

Mời bạn đọc cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Có bắt buộc lập Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP?

Quyết định số 1421/QĐ-BTC ngày 15/07/2022, Bộ Tài chính đã công bố danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; trong đó, bắt buộc phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. 

Điều 29 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:

Như vậy, có thể tóm tắt các nội dung cần nắm về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:  

Đối tượng Nội dung
Đối tượng thực hiện báo cáo Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế

Trường hợp doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC thì không thuộc trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, do đó không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

Cơ quan nhận báo cáo Cục Thuế, Chi cục Thuế 

Tiếp nhận qua cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế

Tần suất thực hiện báo cáo Theo quý
Thời hạn nộp báo cáo Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh việc sử dụng hóa đơn. 

Thời hạn nộp báo cáo sử dụng hóa đơn quý 4/2022 là 31/01/2023.

Mẫu tờ khai báo cáo sử dụng hóa đơn Mẫu số BC26/HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP
Văn bản quy định chế độ báo cáo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ

Bảng 1: Các nội dung quan trọng cần nắm về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Hình 1: Mẫu báo cáo sử dụng hóa đơn số BC26/HĐG theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp mua hóa đơn của cơ quan thuế cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Trường hợp trong kỳ doanh nghiệp không sử dụng hóa đơn thì vẫn phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (= 0), không cần gửi bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ.
  • Trường hợp kỳ trước doanh nghiệp đã sử dụng hết hóa đơn, đã báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn kỳ trước với số tồn bằng không (0), trong kỳ không mua hóa đơn, không sử dụng hóa đơn thì kỳ này không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

>> Có thể bạn quan tâm: [Cập nhật giải đáp] Về vấn đề áp dụng thuế GTGT 8% đối với hóa đơn dịch vụ được xuất từ năm 2022 cho năm 2023

2. Hướng dẫn lập tờ khai báo cáo sử dụng hoá đơn quý 4 năm 2022

Tiếp theo MISA AMIS chia sẻ tới bạn đọc chi tiết cách lập Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn trên phần mềm HTKK.

Lưu ý: Do phần mềm HTKK chưa cập nhật tờ khai báo cáo sử dụng hóa đơn mẫu số BC26/HĐG theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP nên MISA AMIS đưa ra hướng dẫn thực hiện kê khai báo cáo sử dụng hóa đơn theo mẫu số BC26/AC của Thông tư 39/2014/TT-BTC để kê khai báo cáo sử dụng hoá đơn. Biểu mẫu và các chỉ tiêu cơ bản trên 02 mẫu báo cáo của 02 Thông tư này cơ bản là giống nhau. Khi nào cơ quan thuế cập nhật biểu mẫu kê khai mới theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, MISA AMIS sẽ cập nhật vào bài viết để chia sẻ đến quý bạn đọc kịp thời.

Hình 2: Quy trình lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trên HTKK

Bước 1: Đăng nhập vào phần mềm Hỗ trợ kê khai (HTKK)

Các bạn điền “Mã số thuế” của doanh nghiệp mình và bấm nút “Đăng nhập”.

Hình 3: Đăng nhập vào phần mềm Hỗ trợ kê khai (HTKK)

Bước 2: Chọn loại tờ khai “Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn”

Các bạn di chuyển con trỏ chuột vào mục “Hoá đơn”, bấm chọn loại báo cáo là “Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26/AC)”

Hình 4: Chọn loại tờ khai “Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn”

Tiếp theo các bạn chọn đúng “Kỳ báo cáo” theo tháng hoặc quý, cụ thể các bạn chọn kỳ quý 4 năm 2022 rồi tích chọn “Đồng ý” để mở tờ khai báo cáo.

Hình 5: Chọn kỳ báo cáo sử dụng hóa đơn

Khi đó giao diện phần mềm sẽ hiển thị biểu mẫu báo cáo ra như sau:

Hình 6: Giao diện biểu mẫu kê khai báo cáo sử dụng hóa đơn trên HTKK

>> Xem thêm: Những quy định chung về việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT năm 2022

Bước 3: Nhập dữ liệu vào mẫu báo cáo sử dụng hóa đơn trên HTKK

Chi tiết cách nhập thông tin vào các cột dữ liệu trên mẫu báo cáo sử dụng hóa đơn HTKK như sau:

Cột/Ô Nội dung/cách thức điền thông tin
Cột 1 Cột thứ tự do phần mềm tự động điền.

– Các bạn muốn thêm dòng thì bấm “F5”, xóa thì bấm “F6”.

– Cột Mã loại hóa đơn: Chọn loại hóa đơn mà bạn muốn báo cáo

Cột 2 Tên loại hóa đơn: Không cần nhập, phần mềm sẽ tự động điền giá trị
Cột 3 Ký hiệu mẫu hóa đơn: Các bạn nhập theo mẫu trên hóa đơn của doanh nghiệp mình
Cột 4 Ký hiệu hóa đơn: Là ký hiệu trên hóa đơn của doanh nghiệp
Cột 5 Tổng số: phần mềm tự tính
Cột 6,7 Nếu là lần báo cáo đầu tiên thì các bạn tự nhập số tồn đầu kỳ của kỳ đầu, từ kỳ thứ 2 trở đi thì ứng dụng sẽ tự chuyển số tồn cuối kỳ của kỳ trước lên và có cho phép sửa
Cột 8,9 Nhập dạng số, nếu trong kỳ không đặt in hóa và thông báo phát hành thì không cần nhập, phần mềm sẽ tự động điền giá trị
Cột 13 Nhập số lượng hóa đơn đã sử dụng, lưu ý không bao gồm các hóa đơn xóa bỏ, mất, hủy và phải nhỏ hơn hoặc bằng giá trị điền ở Cột số 5
Cột 14, 16, 18 Phần mềm tự động điền giá trị
Cột 15, 17, 19 Số: Các bạn nhập “Mã số hóa đơn” xóa bỏ, mất, hủy và không được trùng nhau.
– Nếu những hóa đơn bị xóa bỏ, mất, hủy không liên tiếp thì các bạn phải viết dấu (;) vào giữa các số.
– Nếu những hóa đơn bị xóa bỏ, mất, hủy liên tiếp nhau thì kê khai dưới dạng khoảng và sử dụng dấu (-)
Cột 20, 21, 22 Phần mềm tự động điền giá trị
Người lập biểu Nhập định dạng text tên người lập biểu
Người đại diện theo pháp luật Nhập định dạng text tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Ngày lập báo cáo Mặc định là ngày hiện tại, cho phép sửa nhưng không được lớn hơn ngày hiện tại

Các bạn có thể xem màn hình minh họa nhập báo cáo sử dụng hóa đơn dưới đây:

Hình 7: Kê khai báo cáo sử dụng hóa đơn trên HTKK

Bước 4: Lưu dữ liệu báo cáo sử dụng hóa đơn

Sau khi các bạn đã điền đầy đủ dữ liệu trên báo cáo sử dụng hóa đơn thì bấm nút “Ghi” để lưu lại thông tin đã nhập. Ngoài ra, nếu như tờ khai báo cáo sử dụng hóa đơn mà có lỗi sai phát sinh thì trên phần mềm HTKK sẽ tự động báo để người lập kịp thời sửa chữa.

Cuối cùng, sau khi kiểm tra và lưu báo cáo sử dụng hóa đơn thì các bạn hãy kết xuất file ra dạng xml để chuẩn bị nộp báo cáo qua mạng.

Hình 8: Lưu dữ liệu và kết xuất file báo cáo sử dụng hóa đơn

Bước 5: Nộp báo cáo sử dụng hóa đơn qua mạng trên trang thuế điện tử

Bạn đọc tiến hành nộp báo cáo sử dụng hóa đơn qua mạng trên trang thuế điện tử của cơ quan thuế tại địa chỉ website: https://thuedientu.gdt.gov.vn/.

Đầu tiên, các bạn truy cập trang web thuế điện tử, rồi thực hiện đăng nhập hệ thống thuế điện tử bằng tên và mật khẩu của doanh nghiệp mình. 

Hình 9: Đăng nhập hệ thống thuế điện tử
Hình 10: Đăng nhập vào hệ thống thuế điện tử

Tiếp đó, các bạn tiến hành nộp tờ khai báo cáo sử dụng hóa đơn như các tờ khai thuế khác, xem hình bên dưới:

Hình 11: Chọn tờ khai báo cáo sử dụng hóa đơn, ký điện tử và nộp báo cáo cho cơ quan thuế

>> Xem cách lập tờ khai thuế GTGT lần đầu tại bài viết: Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT

MISA AMIS hy vọng rằng bài viết đã giúp các bạn nhận diện được doanh nghiệp mình có thuộc đối tượng phải nộp báo cáo sử dụng hóa đơn hay không. Nếu có, cách thức nộp báo cáo sử dụng hoá đơn chi tiết và các lưu ý liên quan chắc hẳn sẽ là thông tin hữu ích giúp bạn đọc thực hiện công tác thuế ở doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy việc lựa chọn phần mềm kế toán có tính năng kết nối với phần mềm hoá đơn điện tử như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp ích nhiều cho kế toán trong quá trình xử lý công việc hàng ngày. Cụ thể, phần mềm kế toán thông minh thế hệ mới MISA AMIS có khả năng: 

  • Kết nối trực tiếp phần mềm hoá đơn điện tử, cho phép phát hành hoá đơn điện tử theo Thông tư 78 ngay trên phần mềm và tự động hạch toán doanh thu ngay khi lập hóa đơn điện tử;
  • Khởi tạo mẫu hoá đơn điện tử từ bộ có sẵn: Chương trình có sẵn kho mẫu hóa đơn từ cơ bản đến đặc thù từng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng, cho phép đơn vị lấy về sử dụng mà không mất công thiết kế lại;
  • Đầy đủ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn: Cho phép in được báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng, quý, tuân thủ quy định mới nhất về quản lý và sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, phần mềm kế toán online MISA AMIS còn có nhiều tính năng, tiện ích thông minh nổi bật khác như: Tự động tổng hợp số liệu để lập tờ khai thuế, báo cáo tài chính; tự động đối chiếu phát hiện sai lệch để đưa ra cảnh báo;…

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Người tổng hợp: Người yêu kế toán.

 

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Ph.Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả