Quản lý nhân sự TRI THỨC CHO LÃNH ĐẠO Làm thế nào để chính sách phúc lợi của doanh nghiệp giúp...

Trong thời đại công nghiệp hóa, tài sản vật chất như máy móc, nhà máy, đất đai… quyết định khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp. Nhưng trong thời đại ngày nay, xã hội ngày một phát triển, việc giữ chân được nhân tài lại là yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Đời sống ngày càng hiện đại, chúng ta dường như bị cuốn vào công việc, liên tục làm việc và không có thời gian dành cho bản thân và gia đình, lâu dần tinh thần cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chán nản và làm việc kém hiệu quả hơn, đặc biệt là những nhân viên càng giỏi lại càng mất cân bằng trong cuộc sống và công việc.

Vậy công ty phải có những chính sách phúc lợi như thế nào để vừa giúp nhân viên cân bằng được cuộc sống và công việc, đồng thời cũng làm việc hiệu quả và giữ chân được nhân tài cho doanh nghiệp.

1. Thế nào là cân bằng cuộc sống – công việc

Khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc đã được xuất hiện từ những năm 1980 của thế kỷ XX, khi phong trào đòi lại công bằng của những người phụ nữ bùng nổ, khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc đã xuất hiện.

Ban đầu, khái niệm này chỉ dùng để kêu gọi sự công bằng cho những người phụ nữ trong lực lượng lao động, giúp họ có thể sắp xếp thời gian hợp lý giữa làm việc và lịch nghỉ thai sản linh hoạt. Ngày nay, khái niệm này mở rộng hơn và sử dụng như một tiêu chí quan trọng của việc sắp xếp giữa cuộc sống và công việc như thế nào cho hợp lý.

Nói cách khác, khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc là sự cân bằng giữa công việc với những khía cạnh khác trong cuộc sống như vui chơi, chăm sóc gia đình, dành thời gian cho bản thân…

Qua đó cho thấy chính những chính sách phúc lợi được công ty xây dựng sẽ giúp cân bằng được cuộc sống và công việc của nhân viên. 

Theo tổ chức lao động quốc tế ILO: Phúc lợi là các cơ sở vật chất, các dịch vụ, tiện nghi được xây dựng theo cam kết để tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh, cũng như tận dụng các lợi ích có sẵn để cải thiện sức khỏe, tinh thần và năng suất làm việc.

Hay nói cách khác phúc lợi là phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống cho người lao động.

Phúc lợi thường được chiếm tới 30% thù lao tài chính, ở các nước phát triển khi tiền công/tiền lương của người lao động ở một ngưỡng cao thì các tổ chức có xu hướng tăng các phúc lợi để thu hút và giữ nhân tài trong doanh nghiệp. 

Hiện nay, trong doanh nghiệp có hai loại phúc lợi chính là phúc lợi bắt buộc và phúc lợi tự nguyện.

  • Phúc lợi bắt buộc: là các phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của pháp luật. Theo Bộ Luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi bắt buộc gồm: Trợ cấp ốm đau; thai sản; hưu trí; tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; tử tuất; các loại bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN)
  • Phúc lợi tự nguyện: là các loại phúc lợi mà tổ chức, doanh nghiệp đưa ra căn cứ vào khả năng tài chính và chính sách của lãnh đạo để thay đổi linh hoạt bởi doanh nghiệp.
2 loại phúc lợi trong doanh nghiệp 
2 loại phúc lợi trong doanh nghiệp

2. Ảnh hưởng của phúc lợi đến cuộc sống và công việc

2.1. Lợi ích của phúc lợi

Phúc lợi sẽ đảm bảo cho nhân viên an tâm công tác, công ty có những chính sách phúc lợi càng tốt sẽ giảm tình trạng nhân viên nghỉ việc, nhân viên sẽ làm lâu dài và cống hiến hết sức mình, cùng công ty phát triển.

Theo khảo sát của Vietnamworks, 40% người lao động sẵn sàng thay đổi công ty, nếu có công ty khác cung cấp chế độ phúc lợi tốt hơn hiện tại.

Ví dụ 1: Chị M là chuyên viên tài chính giỏi làm việc lâu năm tại công ty X, mức lương của chị là 20 triệu, ngoài lương công ty còn có các chính sách phúc lợi khác như đi du lịch nước ngoài 1 năm/lần, hỗ trợ nhà ở, điện thoại, xăng xe… đặc biệt công ty có mua gói bảo hiểm nhân thọ không chỉ cho chị M mà còn cho cha của chị M, điều đó làm cha chị rất vui mừng, chị cũng cảm thấy an tâm về mặt tài chính nếu cha có bị ốm đau, bệnh tật. 

Vì biết chị M là chuyên viên tài chính giỏi, do đó công ty Y đã mời chị M về làm giám đốc tài chính với mức lương khởi điểm là 30 triệu và một số chính sách phúc lợi cơ bản theo luật.

Sau khi suy nghĩ, chị M quyết định vẫn tiếp tục làm việc tại công ty X, lý do vì nếu chị nghỉ tại công ty X cha chị sẽ không còn được hỗ trợ bảo hiểm nhân thọ nữa.

 

Ví dụ 2: Anh T là trưởng phòng kinh doanh làm việc tại một công ty phần mềm. Một lần gia tộc anh làm tiệc mừng thọ trưởng tộc, anh xin nghỉ phép để về tham dự. Sau khi biết tin, tổng giám đốc công ty đã điều xe công ty để đưa anh về đồng thời tặng anh một bức tranh mừng thọ dát vàng để anh tặng trưởng tộc. Sau ngày hôm đó, những người trong họ rất kính nể anh. Điều đó làm anh cảm thấy rất tự hào và quyết tâm sẽ cố gắng làm việc thật tốt, nâng cao hiệu quả công việc cùng công ty phát triển.

 

>>>> Đọc thêm: Phúc lợi và tầm ảnh hưởng của phúc lợi đối với nhân viên

2.2. Tác hại của việc mất cân bằng cuộc sống và công việc

Theo triết lý Lão Tử: “Tâm sáng, trí minh”, trí tuệ của con người cũng do tâm mà có, tâm dao động thì khó có thể học hỏi được, có sức khỏe tinh thần thì mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, làm việc mới hiệu quả được.

Khi mất cân bằng trong cuộc sống sẽ gây nhiều tác hại: 

  • Thần kinh căng thẳng: con người mất tập trung, thường xuyên căng thẳng, bất an, cáu bẳn, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ…
  • Gây nên những căn bệnh mãn tính: Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch khiến chúng ta dễ mắc bệnh về thể chất như: đau đầu, đau lưng, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và một số căn bệnh mãn tính khác.
  • Giảm các mối quan hệ xã hội: Khi mệt mỏi, căng thẳng thì công việc cũng dang dở và cuộc sống cá nhân cũng tạm gác lại, đồng thời cũng không còn tâm trí để mở rộng các mối quan hệ xã giao hay phát triển mối quan hệ trong và ngoài nơi làm việc.
  • Tạo cảm xúc tiêu cực: Trong thực tế, có những người làm việc liên tục, không dám nghỉ phép, tăng ca liên tục để hoàn thành công việc, không an tâm khi để đồng nghiệp làm thay việc… nhưng khi não làm việc quá nhiều sẽ tạo cảm xúc tiêu cực kéo dài, do đó những ý thức tích cực không thể phát huy, đó là nguyên nhân dẫn đến khó duy trì hiệu suất làm việc cao và cũng khó giữ được tinh thần làm việc tích cực cho bản thân.
Tác hại của mất cân bằng cuộc sống, công việc
Tác hại của mất cân bằng cuộc sống, công việc

Theo dữ liệu của Monster, 36% nhân viên công sở ở Mỹ tiết lộ họ đã từng nghĩ đến bỏ việc với tần suất nhiều lần/tuần, và gần 25% cho biết họ cảm thấy khổ sở với công việc hiện tại, muốn tìm công việc khác.

Theo nghiên cứu của Fidelity, 61% người trong độ tuổi từ 25 – 35 ở Mỹ đã “nhảy việc” trong những năm gần đây, hoặc có ý định chuyển chỗ làm. Tương tự, khảo sát của Microsoft cũng chỉ ra có 52% thế hệ Gen Z và thế hệ Millennial (là những người sinh khoảng từ năm 1980 đến 2012) đã cân nhắc việc chuyển chỗ làm trong năm nay.

Theo Microsoft, tỷ lệ người trẻ nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe tinh thần hay sức khỏe thể chất chiếm 24%, sự mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc chiếm 24%, và công việc thiếu linh hoạt tại nơi làm việc hoặc thời gian làm việc chiếm 21%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Monster cho thấy 74% nhân viên cảm thấy cấp trên của họ không quan tâm đúng mực đến sức khỏe của họ.

 3. Làm thế nào để phúc lợi giúp cân bằng cuộc sống và công việc?

Ngoài những chính sách phúc lợi bắt buộc theo luật định, để có thể giúp nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc, đồng thời giữ chân được nhân tài, công ty phải có các chính sách phúc lợi hấp dẫn, tạo động lực cho nhân viên làm việc, phát huy khả năng, nâng cao hiệu suất làm việc.

Một khảo sát được thực hiện bởi McKinsey & Company đã cho thấy:

Kết quả khảo sát của McKinsey & Company 
Kết quả khảo sát của McKinsey & Company

Vì vậy việc xây dựng các chính sách phúc lợi cần tập trung vào chất lượng, cụ thể là cá nhân hóa trải nghiệm của nhân viên bằng các chế độ đãi ngộ linh hoạt.

3.1 Tạo không gian làm việc mở

Khi làm việc trong căn phòng chật hẹp, bí bách, tạo cho nhân viên cảm thấy căng thẳng, cô đơn và cô lập. Theo Steelcase, chỉ có 21% nhân viên muốn làm việc tại văn phòng, trong khi 64% muốn có không gian cộng tác cũng như 61% muốn có không gian làm việc riêng tư.

3.2 Thời gian làm việc linh động

Thời gian làm việc cứng nhắc sẽ gò bó và khiến nhân viên không thoải mái trong công việc, dẫn đến tình trạng trì trệ, mệt mỏi. Thời gian làm việc linh động sẽ giúp nhân viên tự lên thời khóa biểu và cân bằng được cuộc sống và công việc. Để đạt được hiệu quả doanh nghiệp cần quan tâm là công việc thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.

Trong báo cáo gần đây của Monster, 57% người trẻ được khảo sát cho thấy rằng khả năng được tập trung vào cả công việc lẫn cuộc sống là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá công việc yêu thích, nhưng có 65% trong số đó cảm thấy công việc hiện tại của họ không có yếu tố này. Theo Fidelity, 65% người trẻ đặc tính linh hoạt trong việc lên lịch làm việc và cơ hội làm việc tại nhà làm ưu tiên hàng đầu.

3.3 Hoạt động thể thao – giao lưu – giải trí

Thường xuyên tạo ra sân chơi thi đấu thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ, các chương trình team building, tổ chức du lịch hàng năm, và tạo các hoạt động trên trang thông tin nội bộ… giúp nhân viên giải tỏa căng thẳng, khuyến khích rèn luyện sức khỏe, giao lưu, giải trí, gắn kết và thắt chặt tình đồng đội sau thời gian làm việc căng thẳng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chú trọng đến các phúc lợi liên quan đến đời sống tinh thần và giải trí của nhân viên như tặng các gói tập gym, spa, chăm sóc sắc đẹp…

3.4 Đào tạo chuyên môn, nâng cao kinh nghiệm

Nhân viên luôn mong muốn được phát triển bản thân, các chương trình đào tạo vừa đáp ứng được nhu cầu học hỏi của nhân viên lại vừa giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng nhân viên, đào tạo được đội ngũ kế thừa với chuyên môn cao, nâng cao hiệu quả công việc, đưa công ty phát triển bền vững.

3.5 Chăm lo đến sức khỏe của nhân viên

  • Tổ chức thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ miễn phí cho nhân viên công ty hàng năm.
  • Xây dựng các gói bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm toàn diện cho nhân viên, giúp nhân viên an tâm khi làm việc tại công ty.
  • Đối với các nhân viên ở cấp cao hơn, cần xây dựng thêm chính sách chăm lo sức khỏe cho người thân của nhân viên, điều này sẽ giữ chân được những nhân tài trong công ty.
  • Chính sách này bảo đảm thêm cho nhân viên về thu nhập trong trường hợp bản thân hoặc người thân bị bệnh nặng hoặc tàn tật.

3.6 Chính sách dành cho đối tượng có gia đình: 

Phần đông nhân viên làm việc cho doanh nghiệp ở độ tuổi trung bình trên dưới 30 tuổi, đây là đối tượng chuẩn bị lập gia đình hoặc đã lập gia đình và có kế hoạch sinh con hoặc có con nhỏ. 

Do đó quỹ thời gian hàng ngày của họ sẽ phát sinh thêm việc chăm sóc gia đình và con nhỏ. Công ty cần có các chính sách đãi ngộ hợp lý dành cho đối tượng này, tạo môi trường làm việc để họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình như: giảm thời gian làm việc đối với phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ; có sân chơi cho trẻ em trong những ngày con họ nghỉ học để nhân viên an tâm làm việc…

3.7 Tạo cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân

Theo tháp nhu cầu của Maslow, ngoài những nhu cầu về sinh lý, ai cũng muốn được thể hiện bản thân, được ghi nhận đánh giá, được thể hiện kỹ năng, tài năng và khả năng của bản thân.

Vì vậy các doanh nghiệp phải cho nhân viên biết rằng họ được đánh giá cao, được coi trọng. Đặc biệt hơn họ đều muốn phát triển sự nghiệp, thăng tiến trong công việc. Theo Fidelity, 63% nhân viên trẻ tuổi nói rằng được tăng lương, thưởng hay tăng chức khiến họ ở lại công ty lâu dài hơn.

3.8 Chia sẻ lợi nhuận

Giúp nhân viên tăng thêm 1 phần thu nhập cho bản thân và gia đình tạo động lực cho nhân viên giúp tăng năng suất lao động và nhân viên hài lòng với những gì mình đã cống hiến.

Ví dụ: Khi tác phẩm “50 sắc thái” thành công vang dội và nổi tiếng trên toàn cầu, nhà sản xuất Random House đã thưởng thêm cho mỗi nhân viên của mình 5.000$, điều này tạo động lực cho nhân viên nỗ lực và cố gắng cho những dự án phim tiếp theo.

3.9 Chia quyền sở hữu cổ phần công ty

Đây là xu hướng có lợi cả hai bên, gắn lợi ích của nhân viên với lợi ích của công ty, nhân viên cảm thấy mình là một phần của công ty.

Làm thế nào để phúc lợi giúp cân bằng cuộc sống và công việc
Làm thế nào để phúc lợi giúp cân bằng cuộc sống và công việc
Ví dụ: Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (MM) được vinh dự có mặt trong danh sách 115 công ty tại Việt Nam nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” do HR Asia tổ chức.

MM Mega Market là một trong những công ty có chính sách đãi ngộ phúc lợi hấp dẫn cho người lao động. Ngoài mức lương và các chế độ đãi ngộ xứng đáng, nhân viên MM còn được hưởng các khoản phụ cấp và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Công ty tạo môi trường làm việc cân bằng với nhiều hoạt động thiết thực, đầu tư phòng tập gym/yoga hiện đại để nhân viên duy trì tinh thần và thể lực tốt. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tổ chức các sự kiện với chủ đề về kỹ năng mềm, sức khỏe…, mời các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan hay từ chính nhân sự cấp cao của công ty để đào tạo cho nhân viên. 

MM luôn chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân viên có cơ hội phát triển năng lực cá nhân, trong đó là chương trình phát triển năng lực lãnh đạo nhằm tìm kiếm và đào tạo những nhân viên tiềm năng trở thành những nhà lãnh đạo MM trong tương lai thông qua chương trình trao đổi nhân tài sang công ty trong tập đoàn tại Thái Lan để học hỏi và làm việc trong 6 tháng. Sau khi trở về, họ sẽ được bố trí vào các dự án, bộ phận phù hợp để cải thiện hoạt động kinh doanh.

4. Kết luận

Mặc dù mỗi ngày chúng ta đều có 24 tiếng như nhau, nhưng số lượng công việc mỗi người là khác nhau. Trong xã hội hiện đại, mọi người dành hết thời gian cho công việc và tạm gác việc cá nhân. Thời gian làm tại công ty nhiều hơn thời gian dành cho cá nhân và gia đình. Lâu dần làm mất sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Chính vì thế, để nhân viên đạt được hiệu quả trong công việc và cống hiến cho công ty lâu dài thì cần xây dựng các chính sách phúc lợi đáp ứng được nhu cầu cả về công việc lẫn giải trí cho nhân viên, đồng thời giảm đi những áp lực về tài chính để nhân viên tập trung vào công việc.

Trải nghiệm MISA AMIS HRM để xây dựng chế độ phúc lợi toàn diện cho doanh nghiệp

MISA AMIS HRM là phần mềm giải quyết các vấn đề áp dụng hệ thống tổng đãi ngộ và phúc lợi dễ dàng, thuận tiện.

Những tính năng của MISA AMIS HRM

  • Phần mềm hỗ trợ lưu trữ thông tin nhân viên, các quyết định khen thưởng, kết quả công việc để từ đó đưa ra những chính sách bổ nhiệm, chính sách thưởng phạt phù hợp nhất.
  • Lãnh đạo có thể dễ dàng theo dõi tình hình biến động nhân sự, năng lực của các nhân viên trong công ty để có những quyết định kịp thời, chính xác.
  • Hệ thống chấm công, tính lương cực kỳ chuyên nghiệp, tự động, đảm bảo tính chính xác cao để tăng sự hài lòng cho nhân viên, giảm thiểu thao tác thủ công, tăng năng suất lao động.
AMIS Chấm công có hệ thống báo cáo trực quan, sinh động
AMIS Chấm công có hệ thống báo cáo trực quan, sinh động

Những lý do nên sử dụng phần mềm MISA AMIS HRM

  • AMIS HRM là sản phẩm của công ty MISA với 28 năm kinh nghiệm, là đối tác của 250.000 doanh nghiệp trên cả nước.
  • Phần mềm liên thông dữ liệu với AMIS Kế toán, AMIS Bán hàng, AMIS Công việc…. giúp quản lý doanh nghiệp đồng bộ, hiệu quả cao.
  • IVY Moda, Trống Đồng Palace – Những đơn vị có quy mô hàng ngàn nhân sự cũng đã tin tưởng và sử dụng MISA AMIS HRM để quản lý nhân sự.

Để nhận tư vấn cụ thể hơn từ đội ngũ MISA AMIS HRM, hãy đăng ký dưới đây

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]