Tài chính - kế toán Kế toán cho giám đốc Tổng quan những vấn đề cơ bản về kế toán quản trị

Bên cạnh kế toán tài chính là nền tảng cơ bản của quản trị và cung cấp thông tin tại doanh nghiệp, kế toán quản trị ngày càng được quan tâm và phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị của mọi doanh nghiệp. Vậy kế toán quản trị là gì, thực hiện những nội dung công việc nào, khác biệt với kế toán tài chính ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để tìm câu trả lời đúng đắn cho những nội dung tổng quan về kế toán quản trị. 

1. Khác biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

1.1 Đối tượng sử dụng thông tin

Kế toán tài chính và kế toán quản trị cùng sử dụng các dữ liệu tài chính và kinh doanh để ghi nhận, ước tính, tổng hợp và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp. 

Trong khi kế toán tài chính có trách nhiệm báo cáo thông tin tài chính cho người sử dụng thông tin báo cáo tài chính bao gồm các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp như cổ đông, cơ quan quản lý, các đối tác; thì trách nhiệm của kế toán quản trị là cung cấp thông tin cho nhà quản trị để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp. Theo đó, sự khác biệt cơ bản nhất giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính là đối tượng phục vụ. 

1.2 Tính chất thông tin kế toán

Sự khác biệt cơ bản về đối tượng sử dụng thông tin này dẫn tới sự khác biệt về thông tin phản ánh. 

Cụ thể, kế toán tài chính phản ánh các nghiệp vụ, tình hình hoạt động kinh doanh tại một giai đoạn trong quá khứ, tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định trong quá khứ. Kế toán tài chính chú trọng tới tính khách quan và có thể kiểm chứng được, tính chính xác của thông tin tài chính, kế toán tài chính phản ánh bức tranh tổng quát toàn công ty. 

Trong khi đó, kế toán quản trị tập trung vào các quyết định có ảnh hưởng tới tương lai của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới tính phù hợp, kịp thời của thông tin cung cấp tới nhà quản trị, và kế toán quản trị nhấn mạnh hơn tới báo cáo bộ phận. Một bộ phận là đối tượng của báo cáo quản trị có thể là một phần hoặc một hoạt động của doanh nghiệp mà nhà quản trị muốn có dữ liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Đối tượng xem xét của kế toán quản trị có thể là dòng sản phẩm, các khóm khách hàng, vị trí địa lý, đơn vị, nhà máy, phòng ban… 

>> Đọc thêm các bài viết về báo cáo tài chính:

1.3 Tính pháp lý

Ngoài ra, kế toán tài chính cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật kế toán, hệ thống chuẩn mực, chế độ kế toán, các quy định hiện hành về ghi nhận, lập và trình bày báo cáo tài chính còn kế toán quản trị mang tính đặc thù riêng của mỗi đơn vị, không cần thiết phải tuân thủ các quy tắc áp đặt từ bên ngoài, việc tổ chức kế toán quản trị doanh nghiệp chủ yếu phù hợp với ngành nghề, yêu cầu quản trị doanh nghiệp và nhu cầu thông tin của nhà quản trị. 

Để có được các thông tin phản ánh hữu ích cho đối tượng sử dụng thông tin là nhà quản trị, kế toán quản trị sử dụng nguồn thông tin đầu vào đa dạng hơn, bao gồm cả thông tin tài chính, phi tài chính, thông tin từ toàn bộ các phòng ban chức năng, thông tin thị trường thay vì chỉ tập trung vào thông tin tài chính liên quan tới các nghiệp vụ kế toán đã phát sinh như kế toán tài chính. 

Tổng hợp những điểm khác biệt cơ bản giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị theo bảng sau:

Kế toán tài chính

Kế toán quản trị

Báo cáo cho đối tượng sử dụng thông tin BCTC bên ngoài doanh nghiệp Báo cáo cho nhà quản trị doanh nghiệp để
  • Lập kế hoạch
  • Kiểm soát
  • Ra quyết định
  • Đo lường và đánh giá hiệu quả

Tập trung vào bức tranh tài chính từ các hoạt động phát sinh trong quá khứ

Tập trung vào các quyết định ảnh hưởng đến tương lai
Chú trọng báo cáo toàn công ty Chú trọng báo cáo bộ phận
Nhấn mạnh đặc điểm của thông tin
  • tính khách quan và có thể kiểm chứng
  • tính chính xác
Nhấn mạnh đặc điểm của thông tin
  • tính phù hợp
  • tính kịp thời
Tuân thủ các chuẩn mực, chế độ kế toán, các quy định hiện hành

Không nhất thiết tuân thủ các quy định

Phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản trị

Thông tin đầu vào chủ yếu là thông tin tài chính liên quan tới các nghiệp vụ kế toán đã phát sinh. 

Thông tin đầu vào bao gồm cả thông tin tài chính, phi tài chính từ toàn bộ các phòng ban chức năng, thông tin từ thị trường bên ngoài.

2. Ba hoạt động căn bản của kế toán kế toán quản trị

Kế toán quản trị thực hiện ba hoạt động cơ bản sau:

Hình 1: Ba hoạt động căn bản của kế toán kế toán quản trị

2.1 Lập kế hoạch – thiết lập các các mục tiêu, xác định cách thức thực hiện

Kế toán quản trị giúp nhà quản trị xác định các mục tiêu cần đạt tới, dựa trên các kết quả đạt được trong quá khứ, mong muốn của nhà quản trị về đích đến muốn vươn tới trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở các nghiên cứu, thống kê về dung lượng thị trường, thị phần doanh nghiệp đang nắm giữ, và ước tính về khả năng sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp trong giai đoạn lập kế hoạch. Lập kế hoạch trong kế toán quản trị cũng bao gồm việc xác định cách thức để đạt được các mục tiêu đã thiết lập. 

Kế hoạch kế quản trị lập thường được thể hiện dưới dạng kế hoạch ngân sách. Có thể nói, kế hoạch ngân sách hay dự toán ngân sách là kế hoạch chi tiết được xây dựng cho giai đoạn đang xem xét, thể hiện dưới dạng các chỉ tiêu định lượng, chi tiết tới từng đối tượng. Đối tượng được lập ngân sách, như đã đề cập ở mục 1 có thể là dòng sản phẩm, các khóm khách hàng, vị trí địa lý, đơn vị, nhà máy, phòng ban…

2.2 Kiểm soát – thu thập thông tin đảm bảo kế hoạch đang được thực hiện đúng hoặc thay đổi và điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh

Quá trình kiểm soát do kế toán quản trị đảm nhiệm bao gồm việc thu thập, đánh giá đảm bảo rằng kế hoạch do chính kế toán quản trị lập ra đáp ứng được kỳ vọng của nhà quản trị; xác định nguyên nhân cốt lõi khiến tình hình thực tế vượt quá hoặc không đáp ứng được kỳ vọng như kế hoạch đã xác định ban đầu, từ đó, đưa ra các điều chỉnh linh hoạt để có những thay đổi kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó có thể lường trước, sự linh hoạt nhanh nhạy trong quản trị, điều hành vẫn luôn là yếu tố không thể thiếu đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp.

Giai đoạn COVID-19 bao trùm mọi hoạt động của đời sống xã hội là minh chứng rõ ràng khẳng định vai trò tối quan trọng của tính kịp thời, phù hợp mà hoạt động kiểm soát của kế toán quản trị mang tới cho doanh nghiệp. Thời đại đã dần thay đổi, dịch chuyển, thay vì quy luật vận hành thị trường “cá lớn nuốt cá bé”, trong môi trường kinh doanh hiện tại với chuyển đổi số thay đổi cục diện của nền kinh tế thì “cá nhanh nuốt cá chậm” trở thành vấn đề được phân tích trong quá trình xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Quá trình kiểm soát thường được thể hiện qua các Báo cáo thực hiện ngân sách, so sánh số liệu ngân sách (kế hoạch) với số liệu thực tế. Đây cũng thường được sử dụng là yếu tố đầu vào chính để đánh giá hiệu quả của nhân viên thông qua các chỉ tiêu KPI gắn liền tỉ lệ hoàn thành các chỉ tiêu ngân sách. 

Doanh nghiệp cần thiết phải đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động sau mỗi kì hoặc chu kì hoạt động của doanh nghiệp nói chung, các bộ phận hoặc hoạt động cụ thể trong doanh nghiệp nói riêng. Có nhiều cách thức khác nhau để đo lường và đánh giá thành quả hoạt động từ việc sử dụng các chỉ tiêu đo lường kết quả tài chính tuần túy (như lợi nhuận thuần, ROA, ROE,…) đến việc kết hợp giữa các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính (chất lượng sản phẩm, mức độ hài lòng của khách hàng…). Việc đánh giá hiệu quả là cơ sở cũng như chi phối tới các hoạt động khác như lập kế hoạch cho giai đoạn sau, kiểm soát và ra các quyết định quản trị đơn vị. Do vậy, vai trò của kế toán quản trị gắn với hoạt động này càng càng trở nên quan trọng. 

>> Xem thêm: Kế toán quản trị là gì? Vai trò, nhiệm vụ của kế toán quản trị

2.3 Ra quyết định – lựa chọn phương án 

Khả năng đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý dựa trên dữ liệu được xem là kỹ năng quản trị cơ bản nhất. Rất nhiều trong số các quyết định mà nhà quản trị cần đưa ra đều xoay quanh ba câu hỏi chính như sau:

Hình 2: Rất nhiều trong số các quyết định mà nhà quản trị cần đưa ra đều xoay quanh ba câu hỏi chính

Điều đầu tiên và hiển nhiên, mọi doanh nghiệp cần xác định sẽ sản xuất hay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nào. Cụ thể, ở từng giai đoạn, doanh nghiệp cần đưa ra quyết định sẽ tập trung vào sản phẩm, dịch vụ nào; cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới nào hoặc có nên dừng sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ kém hiệu quả này hay không. Chuyên sâu hơn, tỷ trọng từng sản phẩm, dịch vụ trên tổng sản phẩm, dịch vụ kỳ vọng bán ra nên được phân bổ như thế nào hay xác định mức giá nào cho từng sản phẩm, dịch vụ cũng là những quyết định cần thiết, tối quan trọng mà hầu hết mọi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực ngành nghề cần hết sức thận trọng. 

>> Xem thêm: Định hướng xây dựng bộ máy kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Khách hàng doanh nghiệp “phục vụ là ai” là câu hỏi thứ hai doanh nghiệp cần trả lời đúng nếu muốn tồn tại trên thị trường. Câu trả lời có thể là một nhóm đối tượng hay các nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng cần được doanh nghiệp xác định rõ ràng chân dung, có thể dựa trên một hoặc một vài đặc tính: khu vực địa lý, tuổi tác, cá tính, lối sống, lĩnh vực ngành nghề hay địa vị xã hội…

Đối tượng phục vụ của doanh nghiệp cũng có thể cần xác định khác nhau đối với từng sản phẩm, dịch vụ họ cung cấp. Việc đưa ra quyết định dừng phục vụ những khách hàng có thể làm doanh nghiệp thua lỗ cũng là một trong các quyết định thường phải cân nhắc của khá nhiều doanh nghiệp. Việc phát hiện ra nhóm khách hàng mới tiềm năng cũng cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định phục vụ thêm một nhóm đối tượng mới.

Một cách chuyên sâu hơn, doanh nghiệp có nhiều nhóm đối tượng khách hàng cần tiếp tục quyết định cách phân bổ các ngân sách (sản xuất, bán hàng, marketing…) giữa các đối tượng khách hàng cùng mua một nhóm sản phẩm, dịch vụ; hay ai nên trả thêm phí để hưởng dịch vụ cao cấp hơn, ai nên được giảm giá để doanh nghiệp mở rộng được thị phần. Tưởng chừng là một câu hỏi đơn giản, tuy nhiên, để tìm ra đáp án cho câu hỏi “phục vụ ai”, kế toán quản trị là cánh tay đắc lực đồng hành cùng nhà quản trị để xác định chi tiết, rõ ràng chân dung khách hàng tiềm năng; và các chiến lược kinh doanh cụ thể đi kèm. 

Câu hỏi vô cùng cần thiết, và cũng là câu hỏi khó tìm đáp án nhất đối với đa số doanh nghiệp là “thực hiện như thế nào? Để xác định được cách thức thực hiện, có rất nhiều câu hỏi bổ trợ mà doanh nghiệp cần tìm câu trả lời:

  • Cung cấp sản phẩm, dịch vụ như thế nào?
  • Mở rộng/ giảm công suất như thế nào?
  • Cải thiện năng suất và hiệu quả bằng cách nào?

Cụ thể hơn, đối với một sản phẩm, một công đoạn hay một thời kỳ, các câu hỏi chi tiết hơn cũng cần được kế toán quản trị hỗ trợ giải đáp như:

  • Có nên thuê các nhà cung cấp bên ngoài để sản phẩm một bộ phận của sản phẩm hay không?
  • Nên nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong một khu vực địa lý nhất định bằng cách mở rộng cơ sở hiện có hay xây dựng thêm một cơ sở hoàn toàn mới?
  • Nên triển khai hệ thống phần mềm mới hay nâng cấp một phần thiết bị hay nên đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân viên?
  • Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, hay trong các giai đoạn khó khăn khi COVID-19 càn quét như giai đoạn vừa qua, một nhà sản xuất có thể phải đưa ra quyết định nên giảm giờ hoạt động của ba nhà máy hay đóng cửa một trong ba nhà máy?

Bên cạnh việc tìm lời giải cho những câu hỏi trên, việc xác định thời điểm thích hợp để hành động và tài trợ, phân bổ ngân sách tối thiểu, tối đa cho việc thực hiện các hành động cũng là nội dung nhà quản trị cần kế toán quản trị hỗ trợ đưa ra quyết định để có được cách thức thực hiện tốt nhất. 

Thông qua việc phân tích ba hoạt động căn bản của kế toán quản trị, có thể kết luận vai trò của kế toán quản trị là xem xét, kết nối toàn diện các bộ phận trong doanh nghiệp để cải thiện hiệu quả kinh doanh, hiệu suất làm việc của từng bộ phận và của toàn doanh nghiệp. 

>> Có thể bạn quan tâm: Báo cáo quản trị, cách lập và các lưu ý

3. Sáu khía cạnh quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp tác động tới công tác kế toán quản trị

Hình 3: Sáu khía cạnh quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp tác động tới công tác kế toán quản trị

3.1 Khía cạnh đạo đức

Hành vi đạo đức có thể được xem là nguyên liệu cốt lõi để đảm bảo nền kinh tế hoạt động tuân thủ, minh bạch, từ đó làm các hoạt động kinh doanh trở nên đáng tin cậy và thuận lợi hơn. Nếu nền kinh tế không được vận hành bởi các hành vi đạo đức thì người tiêu dùng sẽ có các lựa chọn sai lầm như chất lượng thấp, giá cao, cách thức bán hàng không phản ánh trung thực giá trị, tính năng sản phẩm và trải nghiệm người dùng không được chú trọng. Nói khác đi, nếu khía cạnh đạo đức không được chú trọng, và được đảm bảo bởi mỗi doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ hoạt động kém hiệu quả. 

Do vậy, vì lợi ích của người tiêu dùng, và chính lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, hoạt động của mọi doanh nghiệp cần được thực hiện trong khuôn khổ phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức. 

Cách ứng xử có đạo đức trong kinh doanh không chỉ là quy tắc đảm bảo nền kinh tế hoạt động thuận lợi và minh bạch mà có là nền tảng của kế toán quản trị. Bởi lẽ những quyết định mà kế toán quản trị đưa ra, việc lập kế hoạch hay kiểm soát việc thực hiện kế hoạch sẽ không còn ý nghĩa nếu như các con số, các thông tin phi tài chính do kế toán quản trị cung cấp không trung thực, khách quan.

Nói cách khác, các đóng góp mà kế toán quản trị mang tới từ việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho nhà quản trị, đồng hành cùng nhà quản trị trong cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu suất các bộ phận và toàn thể công ty chỉ có giá trị nếu người làm kế toán quản trị thực hiện mọi nội dung công việc với tinh thần trung thực, tuyệt đối tuân thủ các giá trị đạo đức nghề nghiệp. 

3.2 Khía cạnh quản trị chiến lược

Mọi doanh nghiệp đều cần một chiến lược để thành công. 

Chiến lược trên thực tế được tiếp cận theo nhiều quan điểm. Tuy nhiên, chiến lược có thể hiểu là một kế hoạch dài hạn với mục tiêu thu hút khách hàng bằng cách tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, chiến lược doanh nghiệp xoay quanh trọng tâm là khách hàng mục tiêu, thu hút khách hàng mục tiêu mua sản phẩm, dịch vụ của mình thay vì của đối thủ cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu này, chiến lược cần nêu rõ được các giá trị đề xuất cho khách hàng, đây cũng chính là nội dung cốt lõi của chiến lược. 

>> Xem thêm: Tổ chức bộ máy kế toán – Mô hình nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn?

Giá trị đề xuất cho khách hàng thường thuộc ba loại. 

Hình 4: Giá trị đề xuất cho khách hàng thường thuộc ba loại

Các kế hoạch mà nhà quản trị đưa ra hay các hoạt động và thủ tục kiểm soát, các quyết định kế toán quản trị cân nhắc đều chịu ảnh hưởng bởi chiến lược của công ty, và phải nhất quán với định hướng chiến lược. Ví dụ Apple sẽ không tập trung vào kiểm soát hoạt động bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất bởi lẽ hướng đi này xung đột với giá trị đề xuất cho khách hàng là sản phẩm có chất lượng tốt hơn đối thủ cạnh tranh.

Thương hiệu siêu xe nổi tiếng của Đức Lamborghini cũng không bao giờ nghĩ tới giảm giá cho các sản phẩm cũ hay sản xuất với số lượng lớn các mẫu xe mới cho dù chắc chắn rằng việc hạ giá hay sản xuất hàng loạt có thể làm lợi nhuận tăng theo cấp số nhân trong ngắn hạn bởi lẽ quyết định này đi ngược lại với giá trị đề xuất là chất lượng sản phẩm tối ưu, thương hiệu xe hơi cao cấp lâu đời thuộc hàng xa xỉ phẩm với số lượng sản xuất hạn chế để bất cứ khách hàng có tiền nào cũng có thể sở hữu. 

3.3 Khía cạnh quản trị rủi ro

Quản trị rủi ro doanh nghiệp là quá trình doanh nghiệp nhận diện và xác định các rủi ro, đánh giá mức độ tác động (tần suất, mức độ ảnh hưởng), và xây dựng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát phát hiện rủi ro, cho phép doanh nghiệp đạt được mục tiêu một cách hợp lý.

Trong phạm vi kế toán quản trị, khía cạnh quản trị rủi ro đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát, ra quyết định với mục tiêu giảm rủi ro không đạt được kế hoạch đã đề xuất. Cần lưu ý, công tác quản trị rủi ro không thể là tấm bài hộ mệnh đảm bảo chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ đạt được các mục tiêu chiến lược, nó chỉ giúp giảm thiểu rủi ro không đạt được kế hoạch. 

Một số loại kiểm soát nội bộ để phòng ngừa rủi ro thường gặp như:

Hình 5: Một số loại kiểm soát nội bộ để phòng ngừa rủi ro thường gặp

3.4 Khía cạnh trách nhiệm xã hội 

Ngoài trách nhiệm với cổ đông, chủ doanh nghiệp, mọi doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với xã hội, cụ thể là với các bên liên quan như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng, môi trường…

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn là khái niệm xa lạ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy chưa nhận thức được toàn diện về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình nhưng bước đầu cũng đã có những hành động tích cực, kịp thời đóng góp cho cộng đồng.

Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đề cập tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cần xem xét nhu cầu của tất cả các bên liên quan khi ra quyết định, không chỉ đơn thuần là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý hiện hành mà còn bao gồm các hoạt động tự nguyện nhằm đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan hoặc ít nhất, không tác động tiêu cực tới lợi ích của các bên liên quan. Deloitte, KPMG hay Starbucks, Microsoft đều là những doanh nghiệp đã chú trọng tới khía cạnh trách nhiệm xã hội, đem đến nhiều tác động tích cực tới cộng đồng. 

Trong kế toán quản trị, ở cả ba hoạt động căn bản là lập kế hoạch, kiểm soát, ra quyết định, nhà quản trị luôn phải cẩn trọng xét xét tác động tới tất cả các bên liên quan. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh tôn trọng trách nhiệm xã hội, họ sẽ củng cố được niềm tin của khách hàng, xây dựng được thương hiệu vững mạnh, từ đó tạo đà cho phát triển kinh doanh. Ngược lại, bất kỳ hành động nào ảnh hưởng theo chiều hướng xấu tới lợi ích của các bên liên quan, hoạt động tài chính của công ty có thể ngay lập tức bị đe dọa. Bạn đọc chắc hẳn chưa quên lùm xùm Vedan xả thải ra sông Thị Vải năm 2008 và thái độ tẩy chay rõ ràng của người tiêu dùng ngay sau khi sự việc bị phát hiện cho tới mãi về sau. 

3.5 Khía cạnh quản lý quy trình

Các doanh nghiệp đều tổ chức các phòng ban chức năng với các quy trình nghiệp vụ rõ ràng để xác định chức năng, nhiệm vụ, và sự phối hợp, hợp tác của các phòng ban trong tổng thể quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Quy trình tổng thể có hoạt động trơn tru hay không phụ thuộc vào sự kết hợp của các phòng ban, cách thức các phòng ban tương tác với nhau để hình thành quy trình nghiệp vụ hoàn chỉnh với mục tiêu phục vụ nhu cầu của đối tượng quan trọng nhất là khách hàng. 

Kế toán quản trị cần hiểu rõ quy trình này để lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định hiệu quả. Cần lưu ý, nhà quản trị luôn tập trung vào hiệu quả của cả quy trình, chính là hiệu quả của việc phục vụ nhu cầu khách hàng được tạo lập từ hiệu quả của từng bộ phận phòng ban. Do vậy, hiệu quả của từng bộ phận phòng ban cần liên tục cải thiện, nâng cao cũng để phục vụ mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả của cả quy trình, phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng. 

3.6 Khía cạnh lãnh đạo 

Nhà lãnh đạo luôn là người sử dụng thông tin kế toán quản trị với mục tiêu thực hiện chiến lược, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, người làm kế toán quản trị cần đặt mình vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp để luôn nắm chắc định hướng chiến lược, vừa có cái nhìn toàn diện, bao quát toàn bộ bức tranh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa phân tích chuyên sâu tới các báo cáo bộ phận như đề cập ở mục 1. 

Bài viết là sự tổng hợp thông tin tham khảo từ giáo trình Managerial Accounting của nhóm tác giả Ray H. Garrison, Eric Noreen và Peter C. Brewer. Đồng thời, bài viết cũng bổ sung những phân tích chi tiết và các ví dụ minh họa gần gũi, nổi tiếng nhằm cung cấp tới bạn đọc bức tranh tổng quan nhất về kế toán quản trị trong doanh nghiệp. 

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các bài viết chuyên sâu về kế toán quản trị nói riêng, và kế toán tài chính thuế nói chung trên MISA AMIS. 

Phần mềm kế toán online MISA AMIS là một trong những phần mềm kế toán phổ biến trên thị trường với hơn 170.000 doanh nghiệp tin dùng, đảm bảo đáp ứng hỗ trợ quản trị điều hành, quản lý. 

  • Cung cấp đầy đủ các báo cáo quản trị doanh nghiệp: Phần mềm kế toán online MISA AMIS cung cấp đầy đủ hơn 400 loại báo cáo, giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời tình hình tài chính – kế toán doanh nghiệp để kịp thời ra quyết định điều hành, quản lý
  • Phần mềm cung cấp nhanh số liệu tổng quan giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt các chỉ tiêu tài chính quan trọng như: – Số dư tiền – Doanh thu, chi phí – Công nợ – Tồn kho
  • Cung cấp báo cáo dòng tiền: Cho biết tình hình thu chi tồn quỹ theo từng thời điểm và dự báo dòng tiền thu chi trong tương lai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm có kế hoạch cân đối thu chi
  • Phần mềm kế toán online MISA AMIS cung cấp số liệu chi tiết doanh thu, chi phí, lợi nhuận như:
    • Doanh thu theo sản phẩm, đơn vị; 
    • Chi phí theo khoản mục, sản phẩm, đơn vị
    • Lợi nhuận theo sản phẩm, đơn vị
  • Phần mềm kế toán online MISA AMIS cung cấp báo cáo tự động về tình hình thực hiện ngân sách: Cụ thể về tình hình doanh thu, chi phí, lợi nhuận thực tế so với kế hoạch để kịp thời điều chỉnh, phù hợp với tình hình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, phần mềm AMIS kế toán còn có nhiều tính năng, tiện ích hỗ trợ kế toán doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tổng hợp: Nguyễn Tuấn Dũng

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]